Những công trình trăm tuổi độc đáo ở vùng đất mở
Quần thể nhà thờ đá và cầu ngói ở Phát Diệm là 2 công trình trăm tuổi có kiến trúc rất độc đáo, riêng biệt của Ninh Bình.
Những năm gần đây, ngoài việc bảo tồn, giữ gìn giá trị của 2 công trình trên, chính quyền huyện Kim Sơn còn khai thác tốt tiềm năng du lịch, biến 2 địa điểm này thành nơi thu hút đông đảo du khách mỗi khi đến với vùng đất mở.
Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm (nhà thờ đá Phát Diệm) được khởi công vào năm 1875, đến năm 1898 thì cơ bản hoàn thành. Công trình này tọa lạc trên diện tích 22 ha ở thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, cách Hà Nội khoảng 120 km. Ảnh: Đình Minh.
Quần thể nhà thờ Phát Diệm gồm nhà thờ lớn và 5 nhà thờ nhỏ (trong đó có một nhà thờ được xây dựng hoàn toàn bằng đá tự nhiên, được gọi là nhà thờ đá); phương đình (tháp chuông); ao hồ và 3 hang đá nhân tạo… Ảnh: Đình Minh.
Điểm nổi bật là toàn bộ nhà thờ được làm hoàn toàn thủ công bằng đá và gỗ lim lấy từ nhiều địa phương, không hề có sắt thép, bê tông… Ảnh: Đình Minh.
Trong ảnh là Phương Đình (tháp chuông), được coi là kiệt tác với chiều cao 25 m, dài 17 m, ngang 24 m gồm ba tầng được xây dựng bằng đá phiến, lớn nhất là tầng dưới cùng được xây dựng bằng đá xanh. Tầng cao nhất của Phương Đình có 5 khối tháp, khối tháp trung tâm đặt một quả chuông nặng 2 tấn và có chiều cao tới 1,9 m. Ảnh: Đình Minh.
Phần trung tâm và cũng là điểm nhấn của quần thể nhà thờ đá Phát Diệm là nhà thờ chính tòa. với chiều dài 74 m, chiều rộng 21 m có 4 mái được chạm trổ tinh xảo. Gian chính là thánh đường đặt một ban thờ lớn làm bằng đá nguyên khối, mặt trước và sau đều được chạm khắc những hoa văn đặc trưng cho bốn mùa. Ảnh: Đình Minh.
Hằng năm, nhà thờ đá Phát Diệm thu hút rất đông khách quốc tế đến thăm quan, khám phá, nhất là trước mỗi dịp Giáng sinh. Ảnh: Đình Minh.
Video đang HOT
Trong ảnh là cầu ngói Phát Diệm. Cầu này được xây dựng từ năm 1902, có phần mái được lợp bằng ngói, nền được lát bằng đá, các bộ phần khác như: cột, kèo, vì, khóa gian, rui, mè… đều được làm bằng gỗ lim. Ảnh: Đình Minh.
Cầu này có hình cầu vồng gồm 3 nhịp và 4 gian nằm gần quần thể nhà thờ đá Phát Diệm tạo thành không gian sinh hoạt văn hóa rất độc đáo. Ảnh: Đình Minh.
Cùng với cầu ngói Thanh Toàn (Thừa Thiên – Huế), cầu ngói Chùa Lương (xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, Nam Định) thì cầu ngói Phát Diệm cũng được lựa chọn in hình và phát hành trên bộ tem bưu chính cầu mái ngói năm 2012. Ảnh: Đình Minh.
Theo UBND huyện Kim Sơn, với niên đại hơn 1 thế kỷ, cầu ngói Phát Diệm là một trong những cây cầu ngói có kiến trúc độc đáo và lâu đời nhất ở Việt Nam. Năm 2018, cầu ngói Phát Diệm được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ảnh: Đình Minh.
Cùng với quần thể nhà thờ đá Phát Diệm, cầu ngói Phát Diệm là điểm tham quan du lịch nổi tiếng được đông đảo du khách trong nước và quốc tế lựa chọn mỗi khi đặt chân tới Ninh Bình. Ảnh: Đình Minh.
Độc đáo di tích lịch sử Sở Trà ở Đắk Nông
Ngay trong khuôn viên của Trung đoàn 726, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) có 1 ngôi nhà cổ, màu trắng, xây theo kiểu kiến trúc Pháp.
Theo nhận định của chuyên gia, nơi đây trước kia là địa điểm Sở Trà do người Pháp xây dựng tại Đắk Nông.
Ký ức về Sở Trà
Khoảng những năm 30 của thế kỷ XX, thực dân Pháp vào vùng đất Tây Nguyên mở các đồn điền, trồng các loại cây như cà phê, trà và thuê công nhân là người dân tộc thiểu số.
Ông Điểu B'Lưu (SN 1958), dân tộc M'nông, bon Bu K'rắk, xã Quảng Trực cho biết, ngày xưa, xung quanh gần nhà ông có rất nhiều cây trà cổ thụ. Ông nghe cha kể lại tòa nhà trắng tại Trung đoàn 726 hiện nay là trụ sở làm việc của Sở Trà Bu Prăng. "Ngày còn nhỏ tôi thường lên tòa nhà tại Trung đoàn 726 để chơi. Khu vực này hầu như bị bom đạn tàn phá hết, chỉ còn lại khung nhà trống", ông Điểu B'Lưu nhớ lại.
Di tích lịch sử Sở Trà hiện nay nằm trong khuôn viên của Trung đoàn 726, Binh đoàn 16, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức
Ông Điểu Ronh (SN 1947), dân tộc M'nông, ở bon Bu Nung, xã Quảng Trực, từng là công nhân tại đồn điền trà Bu Prăng khẳng định, tòa nhà tại Trung đoàn 726 hiện nay là trụ sở làm việc của Sở Trà Bu Prăng. Năm 1962, khi mới 15 tuổi, ông Điểu Ronh bắt đầu đi làm công nhân ở đồn điền trà Bu Prăng. Đồn điền lúc đó rộng khoảng 20ha và có khoảng 80 công nhân làm việc tại đây. Trong đó, người dân tộc thiểu số làm việc tại đồn điền có khoảng 40 người. Đặc biệt, có 12 tù nhân chính trị bị bắt về làm việc tại đây.
Nhân chứng lịch sử ông Điểu Ronh (ngoài cùng bên trái) và ông Điểu B'Lưu (ở giữa)
Những công nhân làm việc tại đồn điền được trả 30 đồng/tháng. Có những người không lấy tiền thì sẽ quy ra đổi thành gạo hoặc muối. Cuối năm sẽ được thưởng thêm bằng thịt bò.
Những gốc trà cổ thụ của đồn điền trà xưa được tìm thấy đưa về trồng, chăm sóc, bảo vệ tại Trung đoàn 726
Một ngày, người công nhân tại đồn điền trà làm việc từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, buổi trưa sẽ được cho ăn uống và nghỉ ngơi. Ông Điểu Ronh làm công nhân ở đồn điền trà được khoảng 4 năm thì nghỉ do đồn điền giải thể.
Bảo tồn giá trị lịch sử
Thời gian qua, Sở VH-TT & DL tỉnh Đắk Nông đã tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, thông tin, tư liệu về di tích lịch sử Sở Trà. Qua khảo sát, di tích lịch sử Sở Trà được bảo tồn khá nguyên vẹn với 1 công trình xây dựng bằng kết cấu bê tông cốt thép, theo kiểu kiến trúc Pháp những năm đầu thế kỷ XX.
Hiện nay, về quá trình xây dựng ngôi nhà vào ngày tháng năm nào chưa có tư liệu cụ thể. Diện tích khuôn viên ngôi nhà khoảng 200m. Ngôi nhà gần như còn nguyên vẹn với 1 trệt, 1 lầu và 1 tầng lửng. Bên trong ngôi nhà có 8 gian phòng và có 1 lò sưởi ấm xây thông từ tầng trệt lên lầu 1 và tầng lửng để sưởi ấm khi giá lạnh. Phía sau phòng tầng trệt có một hầm bí mật thoát hiểm nhưng đã che đậy miệng hầm. Cho đến nay, dù được Trung đoàn 726 quản lý nhưng chưa khám phá khai thông căn hầm bí mật này.
Lân cận khu vực công trình có một số cây ăn quả, cây trà cổ thụ mà theo người dân địa phương, những cây cổ thụ này khoảng 100 năm tuổi. Trong đó có 2 cây me tây đã được công nhận là cây di sản Việt Nam vào tháng 9/2022.
Đoàn khảo sát của Sở VH-TT & DL tiến hành đo đạc tại di tích lịch sử Sở Trà
Phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương, nhân chứng lịch sử, Sở VH-TT & DL đã xây dựng hồ sơ đề nghị UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với di tích lịch sử Sở Trà, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Bà Khúc Thị Thoi, Phó Giám đốc Sở VH-TT & DL cho biết, đơn vị chủ động và phối hợp hoàn thiện hồ sơ tham mưu các cấp thẩm quyền sớm công nhận di tích lịch sử Sở Trà trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh
Ông Đoàn Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực cho biết, chính quyền địa phương và người dân rất ủng hộ chủ trương của tỉnh trong việc khảo sát, khoanh vùng để hoàn thiện hồ sơ trình lên cơ quan thẩm quyền, công nhận di tích lịch sử Sở Trà trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh. Điều này sẽ bổ sung, làm dày thêm những trang sử truyền thống của xã an toàn khu Quảng Trực. Khi được công nhận sẽ giúp cho di tích phát huy được ý nghĩa, vai trò tuyên truyền giáo dục lịch sử địa phương tới các thế hệ sau.
Nhà thờ đá Phát Diệm điểm đến không thể bỏ qua khi đặt chân đến Ninh Bình Nhà thờ đá Phát Diệm không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh chung của bà con giáo dân trong vùng Kim Sơn, mà còn là công trình kiến trúc độc đáo thu hút du khách gần xa đến tham quan, chiêm ngưỡng. Nhà thờ đá Phát Diệm được Chánh xứ Phát Diệm Phêrô Trần Lục (tức Cụ Sáu) - người...