Những công trình ‘làm nghèo’ đất nước: Trường tiền tỉ đang xây dở thì bỏ hoang
Trường THPT Mai Kính (xã Việt Tiến, H.Thạch Hà, Hà Tĩnh) được đầu tư tiền tỉ để xây dựng, nhưng khi chưa kịp hoàn thành thì phải dừng lại vì lý do sáp nhập, nên bỏ hoang gây lãng phí suốt nhiều năm nay.
Chưa kịp “khai sinh” đã bị “khai tử”
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, vào năm 2010, Trường THPT Mai Kính được đầu tư xây dựng nhằm thực hiện kế hoạch chuyển đổi các trường bán công sang trường công lập của tỉnh Hà Tĩnh. Công trình được xây dựng trên diện tích 34.000 m 2 ở xã Việt Xuyên cũ (nay là xã Việt Tiến, H.Thạch Hà), với tổng mức đầu tư hơn 31 tỉ đồng, do UBND H.Thạch Hà làm chủ đầu tư.
Sau gần 2 năm triển khai thi công, ngôi trường này đã hình thành nên một dãy nhà cao 4 tầng gồm 16 phòng học, nhưng mới chỉ dừng lại ở phần thô. Tổng kinh phí tính đến thời điểm này mà chủ đầu tư đã bỏ ra là khoảng 4 tỉ đồng.
Đến năm 2012, thực hiện đề án quy hoạch lại hệ thống trường mầm non và phổ thông của tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh có thông báo Trường THPT Mai Kính nằm trong số các trường buộc phải giải thể, do không đáp ứng được học sinh để duy trì số lớp theo yêu cầu. Chính vì thế, ngôi trường cấp 3 này khi chưa kịp “khai sinh” thì đã bị “khai tử”.
Trường THPT Mai Kính bỏ hoang giữa cánh đồng. Ảnh PHẠM ĐỨC
Ông Nguyễn Viết Văn (55 tuổi, ngụ xã Việt Tiến) cho biết, để tránh lãng phí những hạng mục đã xây dựng, UBND H.Thạch Hà đã cho một doanh nghiệp mượn lại ngôi trường xây dở dang này và toàn bộ khu đất xung quanh để trồng thử nghiệm giống cây trồng với thời hạn 5 năm.
“Doanh nghiệp này sau đó đã thuê thợ đến hoàn thiện tầng 1 của dãy nhà để cho cán bộ, công nhân làm việc. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn trồng cây giống, do sản xuất không mấy hiệu quả nên họ cũng rời đi. Nhiều năm nay ngôi trường này bị bỏ không rất lãng phí”, ông Văn ngao ngán nói.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, công trình Trường THPT Mai Kính nằm “phơi nắng, phơi mưa” giữa cánh đồng cạnh bên QL15B và hiện đã xuống cấp nghiêm trọng do bị bỏ hoang lâu ngày. Do khu đất của trường học này không ai quản lý, bảo vệ nên người dân ở xã Việt Tiến tận dụng làm nơi để chăn thả trâu bò.
Tiếp tục bỏ hoang đến khi nào ?
Theo ông Lê Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Việt Tiến, do chủ trương sáp nhập trường nên Trường THPT Mai Kính đã không thể hoàn thành việc xây dựng theo kế hoạch đề ra. Trước thực trạng ngôi trường bị bỏ hoang, chính quyền xã Việt Tiến đã đề nghị với cấp trên xin được tiếp nhận lại cơ sở vật chất nhằm thực hiện kế hoạch làm trung tâm hành chính xã.
“Xã Việt Tiến được hình thành sau khi sáp nhập 3 xã cũ là Phù Việt, Việt Xuyên và Thạch Tiến. Hiện nay, trụ sở của xã mới (xã Việt Tiến) rất chật hẹp, không đáp ứng được nhu cầu làm việc của cán bộ, nhân viên của xã. Bởi vậy, chúng tôi rất muốn tiếp nhận lại Trường THPT Mai Kính vì ngôi trường này nằm ở địa bàn giữa 3 xã cũ, rất phù hợp để làm trung tâm hành chính xã”, ông Tuấn chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó chủ tịch UBND H.Thạch Hà, cho hay toàn bộ diện tích của Trường THPT Mai Kính đã được quy hoạch thành trung tâm hành chính xã Việt Tiến, lộ trình từ 2025 – 2030. Tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện là rất khó khăn vì địa phương chưa có kinh phí.
Video đang HOT
“Việc xây dựng Trường THPT Mai Kính trước đây được thực hiện theo chương trình bố trí các trường học và được sự đồng ý của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Việc trường bỏ hoang khi đang làm dở do phải sáp nhập là điều chúng tôi không hề lường trước được. Cái này thuộc về chủ trương của tỉnh và nhiều yếu tố khách quan nên trách nhiệm không chỉ riêng một mình chủ đầu tư. Để tránh lãng phí, chúng tôi từng cho Tổng công ty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) mượn đất để trồng các loại giống cây nhưng cũng không hiệu quả”, ông Sáu nói thêm.
Theo ông Sáu, UBND H.Thạch Hà hiện cũng chưa có phương án gì để tận dụng cơ sở hạ tầng đã xây dựng của Trường THPT Mai Kính. Cơ bản là vẫn phải chờ khi có nguồn lực thì mới có thể biến trường cấp 3 này trở thành trung tâm hành chính xã Việt Tiến để hoạt động.
Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh nói gì ?
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh, giải thích Trường THPT Mai Kính là trường thuộc hệ bán công và cơ sở vật chất đã bị xuống cấp nên tỉnh mới cho phép xây dựng trường mới để đảm bảo việc dạy học. Tuy nhiên, mô hình trường bán công này sau đó hoạt động không hiệu quả, thiếu học sinh và không phù hợp nên phải giải thể. Hiện cơ sở hạ tầng của Trường THPT Mai Kính đã được tỉnh Hà Tĩnh bàn giao cho H.Thạch Hà quản lý.
Kỳ lạ cây cầu 12 tỷ xây xong chỉ để làm cảnh, người dân than "lãng phí vô cùng"
Cây cầu trị giá 12 tỷ xây dựng được hơn 5 năm nhưng vì không có đường dẫn lên nên dù đã hoàn thiện thì cây cầu này cũng chỉ để làm cảnh.
Cây cầu Bà Vương xây hoàn thiện hơn 5 năm qua nhưng không có đường dẫn lên nên cầu chỉ để làm cảnh.
Cầu 12 tỷ xây xong rồi bỏ hoang
Cầu Bà Vương bắc qua kênh C2 nối giữa xã Hộ Độ và Mai Phụ (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Cây cầu này là một hạng mục nằm trong gói thầu xây lắp tuyến 6 thuộc Dự án nâng cấp đường giao thông liên xã của huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đi qua 3 xã Thạch Châu, Mai Phụ và Hộ Độ.
Dự án này do UBND huyện Lộc Hà làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh phê duyệt năm 2008 và điều chỉnh năm 2015 với tổng mức đầu tư 104 tỷ đồng. Nguồn kinh phí dự án từ nguồn vốn JICA và ngân sách tỉnh.
Toàn tuyến đường thuộc dự án được phê duyệt có chiều dài khoảng 16km. Riêng cầu Bà Vương có chiều dài 43,08mm có giá trị hơn 12 tỷ đồng.
Cây cầu có thiết kế 3 nhịp do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Mỹ Hưng khởi công vào tháng 12/2015 và tiến độ hoàn thành đưa vào sử dụng sau 12 tháng.
Năm 2016, sau khi hoàn thành xong cây cầu thì công trình bỗng nhiên ngừng thi công cho đến tận bây giờ. Ở 2 đầu cầu, đường dẫn đấu nối lên cầu không được thi công nên dù đã hoàn thiện nhưng cây cầu này chưa một lần được sử dụng.
Cây cầu dài 43,08m, có giá trị hơn 12 tỷ đồng.
Hơn 5 năm qua, cây cầu Bà Vương này như xây xong chỉ để "làm cảnh". Có cây cầu bắc qua kênh nhưng người dân muốn đi từ bên này sang bên kia kênh đều phải đi đường vòng xa hơn.
" Có cầu cũng như không, dân chúng tôi phải đi đường vòng. Hơn 5 năm rồi, cầy xây xong cứ bỏ không vậy, lãng phí vô cùng. Không hiểu sao chỉ có đoạn đường nối lên cầu thôi là đi được mà họ không làm cho", anh Nguyễn Hùng Huy bức xúc chia sẻ.
Dù đã hoàn thiện hơn 5 năm nhưng cầu không có đường dẫn lên nên các phương tiện không thể đi qua.
Thấy cây cầu xây xong nhưng đường lên không có, một số người dân đã xây thêm những bậc thang để tiện đi bộ qua cầu. Riêng các phương tiện xe máy, xe đạp vẫn không thể đi qua cầu.
Theo quan sát của PV, dù đã xây xong hơn 5 năm qua chưa từng được sử dụng nhưng nhiều điểm đã xuất hiện các vết nứt nẻ, hư hỏng. Nhiều điểm bê tông bị bong tróc. Nhiều điểm thép lộ ra ngoài bị gỉ sét, xuống cấp và hư hỏng.
Có cầu nhưng người dân phải đi đường vòng hơn 5 năm qua.
Được biết, cây cầu này xây dựng đi qua trục đường cũ nên cơ quan chức năng đã phải mở tạm phần đường mới để người dân tiện đi lại. Tuy nhiên, người dân cho biết phần đường này có khúc cua ngoặt, đường đất không có rào chắn cùng với việc không có đèn đường rất dễ dẫn đến tai nạn giao thông.
Nhiều lần người dân phản ánh lên thì đơn vị thi công đã đổ bê tông trên con đường tạm. Tuy nhiên chỉ được thời gian ngắn thì mặt đường bê tông cũng hư hỏng.
2 nguyên nhân khiến cầu 12 tỷ xây xong chỉ để "làm cảnh"
Không có đường dẫn lên nên người dân tự xây thêm bậc để đi bộ qua cầu.
Việc cây cầu xây xong nhưng chưa được đưa vào sử dụng suốt nhiều năm qua khiến người dân ở xã Mai Phụ (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) hết sức xót xa, và bức xúc.
Ông Nguyễn Xuân Bắc - Chủ tịch UBND xã Mai Phụ (huyện Lộc Hà) cho biết: " Cây cầu này đã làm xong từ năm 2016, nhưng đến nay chưa thể sử dụng vì không có đường dẫn. Địa phương thì mong muốn, dự án sẽ sớm được hoàn thành, đưa vào sử dụng".
Liên quan đến vấn đề trên, ông Trần Phi Long - Phó Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Lộc Hà (chủ đầu tư dự án) cho biết, dự án chậm tiến độ có 2 nguyên nhân gồm: Do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng diện tích đất làm muối của người dân và chưa bố trí được nguồn vốn.
5 năm qua, cây cầu này gần như bị bỏ quên, cỏ mọc um tùm.
Phó Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Lộc Hà cho biết thêm, phần vốn đầu tư dự án này có 2 nguồn gồm vốn của JICA và ngân sách tỉnh.
"Hiện phần vốn của JICA đã được bố trí xong, hiện còn 11 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh là chưa có. Vừa rồi, huyện đã làm văn bản gửi UBND tỉnh, đề nghị bố trí nguồn vốn để giải phóng mặt bằng và triển khai dự án", Phó Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Lộc Hà chia sẻ.
Cây cầu bỏ hoảng 5 năm qua nên đã xuống cấp nhiều dù chưa từng được sử dụng.
Nhiều điểm bê tông nứt nẻ.
Phần đường tạm 2 bên cầu cho người dân đi nhếch nhác mỗi khi mưa xuống.
Có cầu nhưng các phương tiện không thể đi qua.
Thủ tướng: 'Cần có giải pháp để tăng cường tiềm lực của báo chí' Tại cuộc gặp mặt nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các cơ quan nghiên cứu giải pháp phù hợp để tăng cường tiềm lực của báo chí. Chiều 17.6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì gặp mặt của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các cơ quan báo...