Những con số kỷ lục về người di cư trong năm 2015
Năm 2015, thế giới đã chứng kiến con số kỷ lục những người tị nạn phải chạy trốn khỏi đất nước mình vì bất ổn chính trị, chiến tranh, nghèo đói…
Theo thống kê mới nhất, số người nhập cư vào châu Âu trong năm qua đã vượt qua mốc 1 triệu người, đặt ra thách thức lớn về kinh tế- xã hội và nhất là mối lo ngại an ninh khi các phần tử khủng bố trà trộn vào dòng người nhập cư.
Hơn 60 triệu người tại các nước từ Syria tới Nam Sudan và Afghanistan đã phải chạy ra nước ngoài tị nạn hoặc sống tại các khu tập trung ở trong nước vì xung đột và bạo lực trong năm qua. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, trên toàn thế giới cứ 122 người thì có 1 người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa.
Người tị nạn ở nhà ga Munich, Đức. (ảnh: Reuters).
Làn sóng người di cư khổng lồ này đã hướng về châu Âu với hy vọng có một cuộc sống tốt hơn, dẫn đến cuộc khủng hoảng nhập cư tồi tệ nhất tại lục địa này kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.
Châu Âu đã chính thức cán đích tiếp nhận 1 triệu người di cư. Theo dữ liệu mới của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNCHR) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), tính đến đầu tuần trước, hơn 972.000 người đã phải trải qua hành trình nguy hiểm vượt biển Địa Trung Hải để đến những miền đất hứa châu Âu, tuy nhiên con số này không bao gồm gần 3.700 người bị mất tích và chết đuối khi đang trong hành trình vượt biển.
Trong khi, 34.000 người khác lựa chọn đường bộ từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Bulgary và Hy Lạp. Trong đó, Hy Lạp là một trong 6 nước tiếp nhận số người tị nạn nhiều nhất, với khoảng 821.000 người. Italy cũng là đích đến của 150.000 người di cư vượt biển.
Video đang HOT
Tổng Giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế William Lacy Swing cho biết số người tị nạn tới châu Âu trong năm 2015 đã tăng gấp 3 đến 4 lần so với năm trước đó.
“Chúng tôi vừa công bố số liệu thống kê cho thấy số người di cư đổ về châu Âu đã vượt qua mốc 1 triệu. Họ chủ yếu là những người tị nạn Syria. Con số người bỏ mạng trong hành trình tới châu Âu cũng vượt qua con số của năm ngoái, với những thảm kịch chìm tàu trên Địa Trung Hải, trên vùng biển Aegean và trên những tuyến đường bộ qua các nước Balkans tới châu Âu”, Tổng giám đốc Lacy Swing nói.
Cuộc nội chiến tại Syria là nguyên nhân làm bùng phát cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu trầm trọng nhất khi hơn một nửa số người di cư và tị nạn đến từ Syria, đặt ra thách thức buộc các nước châu Âu phải hành động, đảm bảo sự an toàn cũng như thể hiện thiện chí sẵn sàng tiếp nhận người di cư.
Nỗ lực của Liên minh châu Âu lúc này là dàn xếp những kế hoạch khác biệt, để tập trung vào giải quyết những “vấn đề về lâu dài” với trọng tâm là kế hoạch tất cả các quốc gia thành viên chia sẻ gánh nặng người di cư.
Một trong những thành tựu nổi bật nhất của hội nhập châu Âu- đó là việc người dân được đi lại tự do xuyên biên giới không cần hộ chiếu- lại đang làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu. Thực tế, châu Âu đang phải đối mặt với thách thức về chính sách đối ngoại, với hệ lụy từ các cuộc xung đột trong lòng châu lục và các nước ở bên kia bờ Địa Trung Hải.
Trong khi đó, cơn chấn động sau các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại thủ đô nước Pháp đêm ngày 13/11 đã lan rộng tới mọi lĩnh vực, gây thêm áp lực cho châu Âu trong giải quyết các vấn đề vốn đã rất khó khăn từ khủng hoảng di cư.
Giữa lúc châu Âu bất đồng và vẫn chưa tìm được lối thoát thích hợp cho cuộc khủng hoảng nhập cư, thì việc hộ chiếu Syria được tìm thấy sau vụ khủng bố Paris đã khiến các nước đề cao cảnh giác hơn.
Một giới chức Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, có mặt tại cửa khẩu biên giới Hy Lạp- Macedonia nói: “Cảnh sát biên giới đang kiểm tra chặt chẽ các loại giấy tờ của người nhập cư, phần lớn là người Syria. Nếu phát hiện giấy tờ giả, người nhập cư sẽ buộc phải trở lại Hy Lạp. Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn sẽ hướng dẫn và thông tin cho người nhập cư khi họ được vào Macedonia”.
Trong bối cảnh châu Âu được coi là “miền đất hứa” trong vòng nửa thế kỷ tới, dòng người di cư đổ về châu lục này sẽ là tất yếu. Tổ chức Di cư quốc tế cũng cho rằng rất khó để ước đoán số người tị nạn và di cư tới châu Âu vào năm 2016 khi mà các bên chưa tìm ra biện pháp giải quyết cuộc nội chiến Syria.
Nhiều nước Liên minh châu Âu vẫn đang chọn giải pháp xây hàng rào, phong tỏa và đóng cửa biên giới để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư. Song câu hỏi đặt ra là châu Âu sẽ xử lý cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay như thế nào để ngăn chặn các nguy cơ tương tự trong tương lai./.
Hoàng Lê (Tổng hợp)
Theo_VOV
Hơn một triệu người di cư tới EU trong năm 2015
Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) ngày 22-12 cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, hơn một triệu người tị nạn và người di cư đã tới các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU). Trong đó, gần 3.700 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trong hành trình đầy nguy hiểm này.
Người tị nạn và người di cư lên phà tại đảo Lesbos, Hy Lạp, ngày 18-12-2015. (Ảnh: Reuters).
Theo IOM, kể từ đầu năm 2015 đến ngày 21-12, hơn 1.005.000 người đã ồ ạt tiến vào Hy Lạp, Bulgaria, Italy, Tây Ban Nha, Malta và Cộng hòa Síp, trong đó 816.700 người đã tới Hy Lạp bằng đường biển.
"Chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng số người di cư sẽ nhiều tới mức độ này. Chúng tôi chỉ hy vọng người di cư đều được đối xử bình đẳng", người phát ngôn IOM Joel Millman nói. Ông Millman cũng cho rằng, không thể dự đoán diễn biến của làn sóng di cư năm 2016.
Tổng Giám đốc IOM William Lacy Swing cho biết, số người di cư tới EU năm nay cao gấp từ ba đến bốn lần so với con số này năm 2014 và số người thiệt mạng cũng vượt quá mức của năm ngoái.
Theo một thông cáo chung của IOM và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), hầu hết dòng người di cư đã vượt biển Địa Trung Hải hoặc biển Aegean để tới châu Âu, một nửa trong số này là những người Syria chạy trốn chiến tranh, 20% là người Afghanistan và 7% là người Iraq.
Các đường dây buôn người có thể đã kiếm được ít nhất một tỷ USD trong năm nay thông qua đưa người di cư tới "lục địa già". IOM ước tính, kể từ năm 2000, các nhóm buôn người ở châu Âu đã thu về khoảng 10 tỷ USD và thậm chí nhiều hơn.
UNHCR cho biết, dòng người di cư nhiều kỷ lục tràn vào châu Âu là một dấu hiệu cho thấy sự hỗn loạn trên toàn cầu, số người tị nạn và người phải di dời trong nước đã vượt xa mức 60 triệu người. Đây là hậu quả của cuộc chiến tại Syria, sự nổi dậy của nhóm Boko Haram ở Tây Phi, cuộc xung đột ở Libya, Yemen, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Afghanistan và Iraq, dịch Ebola, động đất ở Nepal.
Người đứng đầu UNHCR Antonio Guterres kêu gọi tổ chức cuộc tái định cư quy mô lớn bên trong châu Âu nhằm phân bổ hàng trăm nghìn người tị nạn trước khi hệ thống hỗ trợ tị nạn của lục địa này sụp đổ.
H.H(Theo Reuters)
Theo_Báo Nhân Dân
Liên minh Châu Âu yêu cầu Ý thắt chặt kiểm soát người nhập cư Hôm nay, 16/12, Ủy ban châu Âu đã yêu cầu chính phủ Ý sử dụng vũ lực nếu cần thiết để lấy dấu vân tay của những người nhập cư. Những người nhập cư trái phép tại thị trấn Pozzallo, Ý - một trong những điểm nóng được Ủy ban châu Âu quan tâm (Ảnh: Reuters). Ủy ban châu Âu đã yêu cầu...