Những con số hé lộ quy mô ‘khủng khiếp’ của bom tấn 4600 tỷ
Với ‘ Dune 2′, các phân cảnh trên sa mạc được quay chủ yếu tại Abu Dhabi. Hằng ngày, 30km đường đi sa mạc nối 20 địa điểm quay được duy trì và đảm bảo. Với khối lượng công việc khổng lồ, có tới hơn 11.000 người tham gia vào quá trình chế tác bộ phim.
Dune: Hành tinh cát 2 (Dune: Part Two) hay Dune 2 của đạo diễn Denis Villeneuve chính thức ra rạp Việt Nam từ 1/3, cùng thời điểm với thế giới. Phần 2 được quay toàn bộ bằng máy IMAX với quy mô đáng kinh ngạc cùng chi phí 190 triệu USD (khoảng 4600 tỷ đồng) và hơn 11.000 người tham gia.
Để ghi hình Dune 2, ê-kíp trở lại với các hoang mạc mênh mông tại Abu Dhabi, Jordan, Budapest và phim trường mới tại Italy.
Khu vực Lăng mộ Brion ở Italy lần đầu được phép quay phim.
Phim trường ở Italy – khu vực Lăng mộ Brion được sử dụng cho cảnh quay của các nhân vật thuộc Hội Nữ tu Bene Gesserit, bao gồm Công chúa Irulan (Florence Pugh), Mẹ Chí tôn Mohiam (Charlotte Rampling) và Phu nhân Margot (Léa Seydoux). Điều thú vị là khu lăng mộ với kiến trúc cổ kính, độc đáo nổi tiếng này chưa bao giờ cho phép việc quay phim. Tuy nhiên, vì một thành viên trong gia tộc Brion là fan cứng của Dune, ê-kíp đã trở thành đoàn làm phim đầu tiên được quay phim tại khu di tích này.
Các phim trường của Dune 2 cũng được xây dựng trên diện tích khổng lồ. Hai phim trường ở Budapest, nơi diễn ra các phân cảnh của Hoàng gia cũng như Gia tộc Harkonnen, có diện tích lên đến hơn 30.000m2.
Các phân cảnh trên sa mạc được quay chủ yếu tại Abu Dhabi.
Với phần phim này, các phân cảnh trên sa mạc được quay chủ yếu tại Abu Dhabi. Hằng ngày, 30km đường đi sa mạc nối 20 địa điểm quay được duy trì và đảm bảo. Với khối lượng công việc khổng lồ, có tới hơn 11.000 người tham gia vào quá trình chế tác bộ phim, hơn 1.000 nhân viên cố định.
Bên cạnh các bộ sa phục vốn đã là biểu tượng của loạt phim Dune nhờ vào sự độc đáo nhưng không kém phần cầu kỳ, vẻ ngoài của các thành viên gia tộc Harkonnen với đặc điểm là ‘không lông’ cũng là một thách thức lớn với đội ngũ hóa trang của phim.
Diễn viên gạo cội Stellan Skarsgard phải trang điểm từ 4-5 tiếng đồng hồ mỗi ngày để ra tạo hình này.
Nhân vật Nam tước Harkonnen do diễn viên gạo cội Stellan Skarsgard thủ vai tiếp tục khiến khán giả ấn tượng nhờ vào vẻ ngoài hung dữ, đáng sợ của mình. Toàn bộ trang phục và dụng cụ hóa trang của ông trong phần đầu đã được thay mới hoàn toàn do không thể sử dụng thêm. Mỗi ngày, Stellan Skarsgard phải ngồi trên ghế trang điểm từ 4-5 tiếng đồng hồ để đội ngũ tạo nên vẻ ngoài độc đáo của Nam tước.
Trong khi đó, phần phim đón chào một thành viên mới của Gia tộc Harkonnen là Feyd-Rautha, do Austin Butler thủ vai. Trái ngược với vẻ ngoài đầy lãng tử, tạo hình của Austin Butler trong Dune 2 lại khá đáng sợ. Đội ngũ hóa trang đã tạo ra một chiếc mũ đặc biệt giúp che đi toàn bộ phần tóc và lông mày của Butler, với độ chính xác ở khớp mũ lên đến từng mm vì chỉ cần lệch một chút, tất cả sẽ bị phơi bày trên máy quay. Austin Butler mất khoảng 3 giờ đồng hồ mỗi ngày cho việc trang điểm trước khi quay và từ 1-2 giờ cuối ngày chỉ để tháo phần hóa trang xuống.
Austin Butler rất vất vả với ngoại hình đáng sợ này trong ‘Dune 2′.
Với phần phim thứ hai, đạo diễn Denis Villeneuve đã tạo ra những phân cảnh hành động ấn tượng, hoành tráng hơn rất nhiều. Hơn 5.000 khẩu súng cho tộc Fremen cùng rất nhiều các vũ khí được chế tạo riêng nhằm phục vụ cho các đại cảnh chiến đấu của phim.
Nhà dựng phim từng giành giải Oscar với phần đầu tiên – Joe Walker – chia sẻ: “Đây là một bộ phim vĩ đại, thậm chí lớn hơn phần 1 nhiều lần trên nhiều khía cạnh: dàn diễn viên hùng hậu hơn và tất nhiên, các đại cảnh chiến đấu lớn hơn. Denis Villeneuve đã nhắn nhủ tôi chuẩn bị cho những điều to lớn và choáng ngợp hơn, không chỉ ở số lượng cảnh hành động và chiến đấu đầy tham vọng mà còn ở sự căng thẳng đến nghẹt thở của những cảnh quay đó”.
‘Dune 2′ có quy mô khổng lồ ở mọi khía cạnh.
Đội ngũ VFX của phim, đứng đầu là Paul Lambert – người đã cùng đội ngũ của mình nhận tượng vàng Oscar cho phần 1 nói về Dune 2: “Trong cuộc họp qua Zoom đầu tiên, chúng tôi đã bàn về cảnh Paul cưỡi sâu cát. Đã có rất nhiều cuộc thảo luận được thực hiện về phân cảnh này. Chúng tôi đã xây dựng đỉnh cồn cát ở một địa điểm khác, với cần cẩu và những vật dụng cần thiết. Chúng tôi đã mất vài ngày để chạy thử cho cảnh quay này”.
Trong những phân cảnh hành động: “Chúng tôi có những cảnh hành động lớn với hàng ngàn người Fremen, đội quân Sardaukar, vậy nên chúng tôi phải mở rộng thêm những gì được ghi lại trên máy quay. Chúng tôi thêm vào rất nhiều cát thổi để mở rộng hơn sức ảnh hưởng của chúng với mặt đất, cũng như xây dựng cả một chiếc máy bay chiến đấu ornithopter mới, khác hơn so với phần đầu tiên”.
Những con sâu cát khổng lồ trên màn ảnh.
Đạo diễn Denis Villeneuve khẳng định: “Phần 1 chỉ là món khai vị, phần 2 mới là món chính”. Và với những con số ấn tượng cùng quy mô hoành tráng mà đội ngũ tài năng của Villeneuve tạo ra, khán giả hoàn toàn có thể trông đợi vào một trải nghiệm đỉnh cao trên màn ảnh rộng.
'Dune: Part 2' cần thu về bao nhiêu để hòa vốn?
Dune: Part 2 có kinh phí cao hơn nhiều so với phần trước và tất nhiên là, phim cần thu về số tiền tương đối để hòa vốn và xa hơn là có lãi.
Dune: Part 2 bắt đầu ngay sau những tình tiết trong phần đầu tiên với hình ảnh tuyệt đẹp được khen ngợi trong các bài đánh giá. Bộ phim tiêu tốn rất nhiều tiền để thực hiện và sẽ cần phải đạt thành tích tốt ở phòng vé để kiếm được lợi nhuận. Do Denis Villeneuve đạo diễn, Dune: Part 2 có sự tham gia của Timothée Chalamet, Zendaya và Javier Bardem, cùng với dàn diễn viên toàn sao bao gồm các nhân vật cũ và mới. Phần tiếp theo sẽ ra rạp với nhiều kỳ vọng, đặc biệt là khi nhận về những đánh giá tích cực từ giới phê bình.
Dune phần đầu tiên ra mắt năm 2021 có kinh phí 165 triệu USD và được coi là thành công về mặt phòng vé sau khi thu về 41 triệu USD trong tuần đầu công chiếu tại thị trường nội địa trước khi tiếp tục kiếm được 434.8 triệu USD tại phòng vé toàn cầu. Bộ phim được phát hành trong khi đại dịch vẫn đang hoành hành và Warner Bros. phát hành phim song song trên nền tảng Max vào cùng ngày ra rạp. Việc này không xảy ra với Dune: Part 2 và người xem sẽ buộc phải đến rạp, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu phòng vé.
Ngân sách của Dune 2 được cho là rơi vào khoảng 190 triệu USD, nhiều hơn khoảng 25 triệu USD so với phần trước. Phần tiếp theo cũng được dự đoán sẽ thu về 65 triệu USD trong tuần đầu công chiếu ở Bắc Mỹ, tăng 24 triệu USD so với những gì Dune phần đầu kiếm được. Dune: Part 2 đã được tiếp thị rầm rộ và dàn diễn viên nổi tiếng, có mức cát-xê khá cao, đã xuất hiện trên báo chí, tham gia các cuộc phỏng vấn và sự kiện. Bên cạnh đó, kinh phí cũng cao hơn vì mọi thứ trong Dune 2 đều lớn hơn và bắt mắt hơn phần phim đầu tiên.
Ngân sách lớn của Dune 2 không có gì đáng ngạc nhiên, vì các phần tiếp theo có xu hướng cần nhiều chi phí sản xuất hơn các phần trước. Ngân sách này cũng cao hơn bốn lần so với bộ phim Dune năm 1984 của David Lynch, bộ phim thất bại tại phòng vé.
Với kinh phí cao như vậy, Dune: Part 2 cần kiếm được ít nhất 380 triệu USD ở phòng vé để hòa vốn và 475 triệu USD để có lãi. Một trong những lợi thế của Dune 2 là nó chỉ được phát hành tại rạp. Xem xét việc Dune kiếm được khoảng 434 triệu USD tại phòng vé toàn cầu khi vẫn phát song song trên nền tảng trực tuyến đồng nghĩa với việc phần tiếp theo của nó có thể đạt được lợi nhuận cao hơn nhiều tại phòng vé. Hiện tại, Dune 2 không có bất kỳ trở ngại nào cản trở sự thành công về mặt tài chính của nó.
Điểm Rotten Tomatoes kỷ lục của 'Dune 2' đặt ra thách thức lớn cho 'Dune 3' Chưa phát hành, Dune: Part 2 đã được nhận xét là một trong những bộ phim khoa học viễn tưởng hay nhất từng được thực hiện, đặt ra tiêu chuẩn cực kỳ cao cho Dune 3. Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của cuốn tiểu thuyết Dune phát hành năm 1965 do Frank Herbert viết, Dune: Part 2 phản ánh...