Những con số đáng nhớ của ‘Lửa Thiện Nhân’
Câu chuyện cổ tích giữa đời thường về bé Thiện Nhân được đạo diễn Đặng Hồng Giang kể lại đầy xúc động trong bộ phim tài liệu “ Lửa Thiện Nhân”.
Bộ phim giản dị về cậu bé Thiện Nhân không may bị thú hoang ăn mất một chân và bộ phận sinh dục lay động đến tận cùng trái tim người xem bởi tình người ấm áp và sự kì diệu trong cuộc sống. Để có 77 phút ý nghĩa và đong đầy cảm xúc ấy là sự vượt lên chính mình của đạo diễn Đặng Hồng Giang và ê kip. Cùng khám phá những con số thú vị đã làm nên Lửa Thiện Nhân.
Đạo diễn Đặng Hồng Giang “lấy lòng” Thiện Nhân bằng cách chơi với bé, mua quà tặng bé.
1000: Là số ngày đạo diễn Đặng Hồng Giang thực hiện bộ phim. Ban đầu, anh chỉ dự định làm một phim ngắn 20-30 phút nhưng càng tiếp xúc với Thiện Nhân và gia đình chị Mai Anh, càng thôi thúc đạo diễn xây dựng một câu chuyện đầy đặn, ý nghĩa. Tuy nhiên, vì quay trong thời gian dài nên ảnh hưởng không ít đến cuộc sống của nhân vật. Chị Mai Anh đôi khi phải cáu vì sự xuất hiện của chiếc máy quay trong không gian sinh hoạt của mình.
Suốt 3 năm thực hiện đạo diễn làm việc theo kiểu vừa làm, vừa kiếm tiền quay. Thậm chí, gần cuối chặng đường, anh phải cầm cố ngân hàng ngôi nhà của mình. Nói đến sự kiên trì theo đuổi thực hiện bộ phim trong thời gian dài, đạo diễn Đặng Hồng Giang nhẹ nhàng cho biết: “Có câu chuyện hay như thế thì mình phải cố gắng làm tốt”.
1000 cũng là con số các hồ sơ gửi đến quỹ Thiện Nhân nhờ giúp đỡ. Hiện nay đã có 90 trường hợp được chữa khỏi. Có thể nói Lửa Thiện Nhân không chỉ là bài ca về sức sống mãnh liệt của “chú lính chì” Thiện Nhân mà còn mở ra hi vọng cho rất nhiều số phận không may mắn. Hình ảnh của Thiện Nhân khiến khán giả tin rằng luôn có câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Người tạo nên sự kỳ diệu của Thiện Nhân chính là mẹ em – chị Mai Anh.
5: Là số giờ quay cảnh bé Thiện Nhân chơi ở công viên. Đây cũng là cảnh quay khiến đoàn phim mất nhiều thời gian nhất. Trên phim, cảnh này chỉ xuất hiện trong 2 phút song để có hình ảnh bước chân của Thiện Nhân hòa cùng nhịp điệu nhún nhảy của các cô đang tập nhịp điệu thì ê kíp phải theo cậu bé từ 6h đến 11h.
Video đang HOT
Hình ảnh đẹp này đã nhận được nhiều lời khen khi Lửa Thiện Nhân trình chiếu khai mạc tại Liên hoan phim độc lập New York năm 2014. Đạo diễn chia sẻ: “Ban đầu khó khăn để Thiện Nhân quen với ống kính nhưng khi đã quen thì chúng tôi lại vất vả chạy theo cậu bé. Thiện Nhân vô cùng hiếu động”.
5 còn là số giờ đạo diễn phỏng vấn chị Mai Anh. Từ 14h chiều đến 19h tối, chị kể lại cụ thể quá trình “chiến đấu” để Thiện Nhân trở thành người bình thường và cả những cảm xúc, trăn trở của một người mẹ.
3: Là số bài hát đạo diễn sử dụng trong phim gồm Chuyện kể về tình yêu, Trở về đất mẹ, Tiếng sáo quê hương. Quy trình làm phim thường là nhạc theo phim nhưng do không đủ kinh phí, đạo diễn đành làm ngược lại, hình ảnh theo nhạc. Vì lẽ đó, anh phải nghe hàng trăm ca khúc, mới chọn được 3 bài phù hợp.
Mỗi lần tìm được đoạn nhạc phù hợp với hình ảnh của phim, đạo diễn lại phấn khích gọi điện khoe với chị Mai Anh: “Tôi vừa bắt được vàng”, khiến chị không biết điều gì xảy ra.
Cảm nhận được tấm lòng và tâm huyết của đạo diễn, nhạc sĩ Phú Quang đã ủng hộ đoàn phim bằng cách không lấy tiền tác quyền bài Chuyện kể về tình yêu.
Đạo diễn Đặng Hồng Giang tin tưởng phim tài liệu sẽ có đất sống nếu thực sự chạm đến trái tim người xem.
1 năm: Là tổng thời gian đạo diễn Đặng Hồng Giang hoàn thiện hình hài cho đứa con tinh thần của mình. Ngoài những cảnh quay hiện tại, anh còn lồng ghép với hình ảnh Thiện Nhân trong quá khứ từ tư liệu do mẹ bé gửi. Tất cả được chứa trong ổ cứng 500 GB.
Đối với phim tài liệu hiện thực, không có kịch bản chi tiết nên quá trình dựng phim vô cùng công phu, tốn công sức. Vì thế, để có một câu chuyện logic, tròn trịa, không dư thừa như Lửa Thiện Nhân, đạo diễn phải mất nhiều đêm trằn trọc sắp xếp các chi tiết.
Lửa Thiện Nhân sau hai tuần cháy vé tại các rạp Ngọc Khánh, Tân Sơn Nhất đã được chiếu tại các hệ thống rạp lớn như Platinum Cineplex (Hà Nội), BHD (TP HCM). Phim nhận được sự đồng cảm, xúc động của hàng chục nghìn khán giả. Giới trong nghề thì xúc động bởi một bộ phim tài liệu tử tế đã được ghi nhận.
Theo Zing
Phim về cậu bé Thiện Nhân lay động tận tâm can
"Lửa Thiện Nhân" - một bộ phim giản dị về cuộc sống thường ngày của bé Thiện Nhân với chuyện ăn uống, ghẻ lở, chữa bệnh, lắp ghép chân giả... nhưng lay động tận tâm can người xem.
Đạo diễn Đặng Hồng Giang trong ngày ra mắt Lửa Thiện Nhân tại TP.HCM.
- Bộ phim Lửa Thiện Nhân mới ra mắt và gây rất nhiều xúc động cho người xem. Anh đã tiếp cận nhân vật thế nào để có những thước phim chân thật, cảm động như thế?
- Những ngày đầu, chúng tôi tương đối vất vả vì em bé nhạy cảm, không quen với sự tiếp cận của người lạ. Để Thiện Nhân vui vẻ hợp tác, quen với ống kính máy quay thì tôi phải biến mình kịch sĩ với cháu, nhảy múa theo cháu, thường xuyên lấy lòng bằng bánh kẹo. Chỉ khi nào bé thoải mái tiếp cận mới bật ra cái tôi. Thiện Nhân cũng như các thành viên khác trong gia đình Mai Anh, không phải là diễn viên nên để nhân vật đứng trước ống kính mà như không thì phải kiên trì. Đôi lúc chúng tôi phải dùng chiêu quay mà như không nữa.
- Sau 3 năm gắn bó với Thiện Nhân, đến khi chia tay, hẳn bé rất lưu luyến đoàn phim. Có kỷ niệm nào anh nhớ nhất?
- Chúng tôi đâu có chia tay, đến bây giờ vẫn gặp. Thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn đến nhà Thiện Nhân. Tôi nhớ khi ngồi chơi bán hàng cùng Thiện Nhân, cụng ly nước lọc với nhau thì bé nói: "Chúc bác Giang làm phim về mẹ Mai Anh hay nhé". Tôi hỏi tại sao lại làm phim về mẹ mai Anh thì bé bảo: "Mẹ Mai Anh là chiến sĩ".
Thiện Nhân đứng giữa trong ngày ra mắt phim tại Hà Nội.
- Có điều gì trong cuộc sống của bé Nhân anh chưa thể hiện được trên phim?
- Tôi rất xúc động khi biết Mai Anh không giấu giếm con mình về sự thiệt thòi của bé. Cô ấy cho con biết sự thật nhưng tự nhận mọi trách nhiệm về mình. Cô ấy kể với con về sự cố của Thiện Nhân như một câu chuyện cổ tích là bé bị thú dữ mang đi, ăn mất chân và bộ phận sinh dục. Sau đó, cô ấy nhảy vào cứu con và bù đắp cho con bằng tình thương và sự chăm sóc mỗi ngày. Nếu có kinh phí, chắc chắn tôi sẽ dựng lại câu chuyện này.
- Đạo diễn phim tài liệu khác như thế nào nếu so sánh với đạo diễn phim truyện thưa anh?
- Tôi có người anh, từng là chủ nhiệm của nhiều đoàn phim truyện đi giúp tôi cho phim Lửa Thiện Nhân thì ngày đầu đến phim trường, anh nhận xét: "Đạo diễn gì trông như con lân". Bởi vì đạo diễn phim truyện oách lắm, ngồi trước monitor, chỉ đạo, nắng có người che dù nhưng đạo diễn phim tài liệu thì không thể đàng hoàng như thế. Chúng tôi phải ứng biến trên phim trường vì có những tình tiết phát sinh, nếu không "chộp" nhanh thì sẽ mất ngay những khoảnh khắc đẹp.
Đặng Hồng Giang hi vọng nhận được sự chia sẻ của khán giả để có cơ hội làm ra những bộ phim đàng hoàng, tử tế.
- Anh có thể chia sẻ những tình huống phát sinh ngoài kịch bản khiến anh tâm đắc?
- Với phim tài liệu thì kịch bản chỉ là những cái gạch đầu dòng sơ lược thôi. Ở trên phim trường, phải ứng biến và đoán trước được tình thế. Chẳng hạn khi quay cảnh Thiện Nhân bơm xe đạp ở công viên, lúc đó có nhóm các cô, các chị đang tập nhịp điệu. Tôi bảo quay phim phải quay ngay những bước nhảy uyển chuyển của các cô. Sau này lồng ghép với bước nhảy của Thiện Nhân tạo nên hình ảnh ý nghĩa.
Hay cảnh Mai Anh đưa Thiện Nhân sang Đức. Ở trong bệnh viện, Mai Anh cúi xuống lau nước mắt cho con. Nhìn con nằm trên giường bệnh, cô nói: "Đây là mơ ước của mình hay của thằng bé?", tôi yêu cầu quay phim đứng lên cao, quay khuôn mặt Thiện Nhân qua cặp mắt kính của mẹ. Điều này tạo nên tổng thể hòa hợp giữa hình ảnh và lời nói. Những chi tiết này đã nhận được nhiều lời khen khi trình chiếu tại Liên hoan phim độc lập New York 2014.
Xuyên suốt 77 phút, đạo diễn Đặng Hồng Giang không vẽ chân dung đáng thương của một đứa bé từng bị bỏ rơi, bị thú hoang cắn chân phải và bộ phận sinh dục mà là bài ca về nghị lực sống. Bộ phim khiến tất cả những ai xem đều xúc động.
Theo Zing
'Lửa Thiện Nhân' và điều kỳ diệu của phim tài liệu Trong tuần qua, tại rạp Tân Sơn Nhất (TP HCM), tất cả các suất chiếu cuối tuần của phim "Lửa Thiện Nhân" đều kín chỗ. Tại rạp Ngọc Khánh (Hà Nội), nhiều khán giả phải ra về. Người xem không chỉ trào dâng nước mắt ngay lúc xem phim, bước ra khỏi rạp mà cảm xúc còn lan tỏa mạnh mẽ thông qua...