Những cổ phiếu một thời…: TRI – Kết thúc buồn thương hiệu Việt
Là 1 trong những doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên TTCK, CTCP Nước giải khát Sài Gòn ( Tribeco, mã CK TRI) nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sự góp mặt của những NĐT chiến lược này lại vô tình đẩy TRI đến bờ vực phá sản, thay vì phát triển thành tập đoàn giải khát hàng đầu Việt Nam.
Tribeco một thời kỳ vọng thương hiệu nước giải khát hàng đầu Việt Nam, nay đã phải bán toàn bộ cho Uni President.
Thời hoàng kim
TRI thành lập năm 1992 với vốn điều lệ 8,5 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 51%. Đến năm 1999, TRI cổ phần hóa sau khi cổ đông Nhà nước chuyển nhượng 51% vốn ra bên ngoài.
Ngay sau đó TRI có những bước nhảy vọt trong sản xuất kinh doanh, với sữa đậu nành và nước ngọt có ga được UBND TPHCM chọn làm sản phẩm công nghiệp chủ lực của địa phương.
Thương hiệu Tribeco được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao trong 11 năm liền. Thời điểm đó, TRI đã tạo được dấu ấn riêng khi tham gia tài trợ cuộc đua xe đạp Cúp Truyền hình TPHCM liên tục trong nhiều năm. Đây là chương trình marketing được các chuyên gia kinh tế đánh giá cao vào thời điểm bấy giờ.
Năm 2001, TRI trở thành doanh nghiệp thứ 9 niêm yết CP trên HOSE. Với thế mạnh về thương hiệu và mức chi trả cổ tức trên 2 con số, TRI nhanh chóng trở thành đối tượng săn lùng của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước.
Trong đó có những tổ chức trong nước như Citigroup Global Market Ltd (CGML), Citigroup Global Market Financial Product Ltd (CGMFP), VinaCapital, PXP Vietnam Fund, Vietnam Investment Limited, Uni President, Tập đoàn Kido (tên gọi cũ là Tập đoàn Kinh Đô).
Năm 2005, Kinh Đô, một trong những thương hiệu bánh kẹo mạnh của thị trường nội địa, tham vọng mở rộng sang nước giải khát, đã chọn TRI để đầu tư (mua 35% cổ phần).
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kinh Đô thời điểm đó, cho rằng để thành lập công ty nước giải khát mới sẽ mất rất nhiều thời gian làm thương hiệu, mở kênh phân phối, quảng bá sản phẩm, nên đầu tư vào TRI là lựa chọn tối ưu nhất.
Video đang HOT
Mục tiêu của Kinh Đô giúp TRI tăng doanh số lên 30%/năm và sau 3 năm tăng 100%. Nói về thương vụ này, ông Nguyễn Xuân Luân, Tổng giám đốc TRI lúc đó, cho rằng đó là quyết định 2 bên cùng có lợi, TRI nếu không hợp tác để đẩy mạnh phát triển sẽ sớm bị đối thủ ngoại tranh mất thị trường.
Thực tế, với sự góp mặt của Kinh Đô, TRI đã có những quyết định đầu tư táo bạo trong 2 năm 2006 và 2007 khi liên tiếp đưa vào vận hành 2 nhà máy mới Tribeco Bình Dương và Tribeco Miền Bắc (Hưng Yên).
Liên tục thua lỗ
Điểm chung trong các văn bản giải trình thua lỗ của TRI là đầu tư tài chính chồng chéo, các khoản trích lập dự phòng, trong khi phải đi vay ngân hàng lượng vốn lớn để kinh doanh.
Sau Kinh Đô, TRI tiếp tục bán 15% cổ phần cho cổ đông chiến lược Uni President, sau đó nâng lên hơn 43%. Tưởng chừng với sự góp mặt của tập đoàn thực phẩm hàng đầu của Đài Loan, TRI sẽ tiếp tục ghi dấu những kết quả ấn tượng hơn.
Song kết quả hoàn toàn ngược lại, nguyên nhân xuất phát từ những quyết định đầu tư quá tham vọng trước đó. Đầu tiên là quyết định đầu tư 2 nhà máy mới tại Bình Dương và Hưng Yên với tỷ lệ góp vốn 80% của TRI và 20% của Kinh Đô. Cả 2 nhà máy này có vốn đầu tư cao hơn vốn điều lệ nên TRI phải đẩy mạnh huy động vốn vay.
Theo thống kê, nợ phải trả (phần lớn là vay ngắn hạn) của TRI tăng từ 89 tỷ đồng năm 2005 lên 150 tỷ đồng năm 2006 và xấp xỉ 500 tỷ đồng vào năm 2007. Gánh nặng lãi vay chính là nguyên nhân khiến TRI lần đầu nếm mùi thua lỗ trong năm 2008. Thời điểm cuối năm 2008, vốn chủ sở hữu của TRI âm 5 tỷ đồng, đặc biệt tỷ lệ nợ vay trên tổng nguồn vốn lên gần 99%.
Liên tiếp trong 2 năm 2010, 2011, TRI phải bán đi 2 nhà máy này để trả nợ vay. Đến cuối 2011, lỗ lũy kế của TRI lên đến 312 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 26 tỷ đồng. Cũng thời điểm này, Kinh Đô quyết định rút lui khỏi TRI.
Trong những thời khắc khó khăn này, ban lãnh đạo của TRI, với sự góp mặt của các đại diện đến từ các NĐT chiến lược, lại mắc nhiều quyết định sai lầm trong điều hành.
Chẳng hạn, thay vì quảng cáo trước sau đó lập kênh phân phối bán hàng, TRI lại xác định gây dựng kênh phân phối rồi mới đẩy mạnh marketing sản phẩm. Điều đáng nói, ở thời điểm này các đối thủ cạnh tranh của TRI đã vươn lên khá mạnh mẽ nhờ các hoạt động marketing rầm rộ.
Thua lỗ lớn trong năm 2008 và khủng hoảng xảy ra khiến TRI không dám mạo hiểm thay đổi chiến lược, trong khi hệ thống phân phối lập nửa chừng. Đặc biệt, sự khác biệt trong cách thức quản lý của các ông chủ đến từ Đài Loan sau khi Kinh Đô rút lui đã khiến TRI không đạt được sự đồng thuận trong các quyết định đầu tư.
Điều này khiến hàng loạt cán bộ giỏi xin nghỉ, hệ thống phân phối không được mở rộng, thị trường ngày càng thu hẹp. Đến tháng 8-2012, TRI tổ chức ĐHCĐ bất thường thông qua tờ trình giải thể doanh nghiệp và hủy niêm yết CP trên TTCK.
Ký ức buồn
Thời điểm đó, nếu HĐQT không chủ động hủy niêm yết TRI vẫn bị hủy niêm yết bắt buộc do vốn chủ sở hữu âm. Với tuyên bố giải thể doanh nghiệp, hơn 27,5 triệu CP TRI cũng chính thức bị hủy niêm yết trên HOSE kể từ ngày 10-4-2012.
Để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, TRI sẽ mua lại cổ phần từ các NĐT với mức giá 2.300 đồng/CP, tính theo giá bình quân 60 ngày giao dịch gần nhất. Sau quyết định giải thể, mọi hoạt động của TRI đã được chuyển sang cho Tribeco Bình Dương (công ty 100% vốn nước ngoài được sở hữu bởi Uni President). Điều này đồng nghĩa thương hiệu Tribeco sau 20 năm gầy dựng chính thức về tay đối tác ngoại.
Trên thị trường nước giải khát, Tribeco là kết thúc buồn đối với thương hiệu hàng đầu Việt Nam. Còn trên TTCK, TRI là ký ức buồn của những mã CK đầu tiên niêm yết trên HOSE. Dù chỉ giao dịch hơn 11 năm, nhưng TRI đã để lại nhiều cảm xúc đối với không ít NĐT, đặc biệt những NĐT đầu tiên tham gia TTCK.
TRI chào sàn ngày 28-12-2001 ở mức giá chốt phiên 29.000 đồng/CP. Đỉnh lịch sử của TRI được xác lập trong phiên giao dịch 23-3-2007 là 61.000 đồng/CP.
Kim Giang
Theo saigondautu.com.vn
Đối trọng mới âm thầm soán ngôi vị thế đồng USD
Một nhóm các nước lớn và khu vực kinh tế đang âm thầm hình thành một đối trọng nhằm thực hiện quá trình phi đô la hóa trên toàn thế giới.
Suốt nhiều thập kỷ qua, USD vẫn thống trị vị trí hàng đầu trong các đồng tiền dự trữ mạnh nhất, chiếm tới 62% tổng dự trữ toàn cầu.
Tuy nhiên, vị thế của nó có thể bị đe dọa bởi chiến lược làm suy yếu đồng bạc xanh của Mỹ từ một nhóm các nước lớn. Đây là lời cảnh báo từ chuyên gia Anne Korin thuộc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu.
Một nhóm các quốc gia mạnh đang có động lực chống lại sự thống trị của đồng USD. Ảnh: Reuters.
Anne Korin, người đồng thời là đồng Giám đốc tư vấn về an ninh và năng lượng, tiết lộ những thế lực lớn đó bao gồm Trung Quốc, Nga và Liên minh châu Âu. Điều nguy hiểm là các khu vực này đều đang có những động lực để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
"Chưa thể nói chắc về những gì sẽ diễn ra, nhưng đang có những sự thay đổi rõ rệt. Chúng ta có một nhóm những khu vực, quốc gia cực kỳ mạnh", vị này nói thêm.
Đồng USD vẫn được đánh giá là nơi trú ẩn an toàn nhất thế giới, giá của nó sẽ có thể bị đẩy lên cao nhanh chóng khi tình hình kinh tế - chính trị có những bất ổn. Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn e ngại sức hút của đồng bạc xanh bởi khó tránh khỏi sự thao túng bởi Mỹ thông qua các giao dịch bằng đồng tiền này.
Mỗi giao dịch hoặc thanh toán qua ngân hàng có sử dụng USD đều lọt vào tầm ngắm của chính phủ Mỹ. Điển hình, khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018 và khôi phục các biện pháp trừng phạt đối với Tehran, một loạt các công ty đa quốc gia của châu Âu vẫn bị theo dõi và hứng chịu biện pháp trừng phạt của Mỹ khi tiếp tục giao dịch hoặc liên hệ với Iran.
Korrin cho rằng châu Âu vẫn muốn duy trì mối quan hệ với Iran. Chắc chắn họ cũng không muốn bị ép buộc phải tuân theo luật chơi của Mỹ. Đây là động lực "cực kỳ mạnh mẽ" khiến khu vực này dần không còn mặn mà với đồng USD.
Khi đồng USD mất dần sức ảnh hưởng, đó là thời cơ lên ngôi của các đồng tiền thế lực khác như đồng NDT. Những năm gần đây, Trung Quốc thể hiện rõ tham vọng thống trị tiền tệ thế giới của mình, bao gồm việc tung ra các hợp đồng tương lai dầu thô yết giá bằng đồng NDT. Nước này còn chuẩn bị thanh toán dầu nhập khẩu bằng chính đồng tiền của mình thay vì sử dụng đồng USD.
Korin chỉ ra rằng các hợp đồng tương lai có mệnh giá bằng NDT, hay còn gọi là "đồng NDT - dầu thô" chính là dấu hiệu ngầm tuyên chiến với sự thống trị của đồng USD.
"Có thể hiểu đó chính là sự cảnh báo sớm với đồng bạc xanh của Mỹ. 90% các giao dịch liên quan đến dầu thô vẫn được thực hiện bằng đồng USD. Nên dễ hiểu là nếu muốn khởi đầu cho quá trình phi đô la hóa, cần thực hiện tấn công từ các giao dịch dầu trước tiên".
Tất nhiên, đó mới chỉ là điều kiện khởi đầu, chuyên gia tư vấn nhấn mạnh rằng sự chấp nhận trên phạm vi toàn thế giới mới đủ để viễn cảnh thống trị của đồng NDT thành hiện thực.
An Chi
Theo Zing.vn
Tỷ giá ngoại tệ ngày 21/10, USD giảm, Euro tăng Đồng đô la Mỹ thấp hơn so với các loại tiền tệ khác, trong khi đồng euro tăng với hy vọng rằng một thỏa thuận Brexit sẽ giúp giảm thiểu rủi ro suy thoái trong khối. Chỉ số đô la Mỹ, đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ sáu loại tiền tệ chính, đã giảm 0,2% xuống 97.172. Đồng đô...