Những cỗ máy hốt bạc của phim hoạt hình Nhật Bản
Từ thương hiệu đã trải qua bốn thập kỷ tới chuỗi tác phẩm của vị đạo diễn 20 năm tuổi nghề, đây là những cái tên nhiều năm liền luôn thuộc top các anime có doanh thu ấn tượng
Anime là danh từ riêng dùng để gọi các bộ phim hoạt hình Nhật Bản. Chúng có thể được sản xuất thành phim nhiều tập phát sóng truyền hình, hoặc làm thành phim điện ảnh chiếu màn ảnh rộng. Rất nhiều trong số anime đã trở thành thương hiệu quen thuộc với khán giả, có doanh thu ngang ngửa, thậm chí soán ngôi những bộ phim live-action.
Khán giả Việt Nam hẳn đã quen thuộc, yêu thích, hay từng xem qua một vài bộ phim thuộc nhóm thương hiệu “tỷ yen” này.
Kudo Shinichi là chàng thám tử trung học điển trai và tài giỏi. Trong một lần theo dấu thành viên của tổ chức mafia nguy hiểm, cậu bị chúng phát hiện và thủ tiêu bằng APTX-4869. Tuy nhiên, thứ thuốc chỉ khiến cậu bị teo nhỏ. Để bảo toàn tính mạng, và tiện việc điều tra, Shinichi lấy tên Conan rồi tới sống nhờ nhà cô bạn cùng lớp tên Ran.
Ra mắt độc giả từ năm 1994, Thám tử lừng danh Conan là thương hiệu được độc giả ở nhiều quốc gia, thuộc mọi lứa tuổi, yêu thích. Rất nhiều sản phẩm ăn theo nguyên tác đã ra mắt, trong đó quen thuộc nhất với khán giả Việt Nam là series hoạt hình từng được mua bản quyền phát sóng.
Không chỉ được sản xuất dưới định dạng phim hoạt hình dài tập chiếu truyền hình, anime của Conan còn được làm thành phim điện ảnh. Các phần phim điện ảnh thường ra mắt vào “Tuần lễ Vàng” tháng Tư hàng năm – quãng thời gian người dân Nhật Bản được nghỉ dài ngày.
Hình ảnh từ phim điện ảnh mới nhất của Thám tử lừng danh Conan.
Trailer Thám tử lừng danh Conan
Hiện tại, tổng cộng 23 phim điện ảnh về chàng thám tử trung học bị teo nhỏ đã ra mắt khán giả. Riêng tại thị trường Nhật Bản, trong thập kỷ đầu tiên (1997-2007), trung bình mỗi phần phim mang về cho nhà sản xuất 2,7 tỷ yen. Từ năm 2008 tới nay, con số nâng lên 4,9 tỷ yen.
Loạt phim điện ảnh Thám tử lừng danh Conan có sự tăng trưởng ổn định về doanh thu, khi các phần phim tiếp theo ra mắt thường đạt thành tích bằng, hoặc vượt phần phim trước đó. Ba tập gần nhất liên tục lọt top anime có doanh thu phòng vé cao nhất Nhật Bản theo thống kê của AnimeNewsNetwork.
Phần phim thứ 21, The Crimson Love Letter (2017), lập kỷ lục thương hiệu với 6,87 tỷ yen. Tuy nhiên, con số sớm bị phá vỡ bởi Zero the Enforcer (2018) với 9,19 tỷ yen, rồi sau đó là phần phim mới nhất – The Fist of Blue Sapphire (2019) – với 9,37 tỷ yen.
Nếu có nhân vật truyện tranh mà hầu hết người Việt Nam đều biết, đó hẳn là chú mèo máy cụt tai Doraemon. Nửa thế kỷ từ ngày ra đời, Doraemon đã trở thành thương hiệu với hệ sinh thái đồ sộ các sản phẩm ăn theo như ngoại truyện, anime, mô hình, quà tặng, khu trưng bày nhân vật trong bảo tàng Fujiko F. Fujio…
Doraemon: Nobita no Kyouryuu ( Doraemon: Chú khủng long của Nobita) là phim điện ảnh đầu tiên về chú mèo máy màu xanh, ra mắt khán giả vào tháng 3/1980. Bộ phim mở đầu thông lệ ra mắt phần phim mới vào tháng 3 hàng năm của thương hiệu điện ảnh.
Ngay từ thập niên 1980, phim điện ảnh Doraemon đã mang về cho nhà sản xuất doanh thu khổng lồ 1,56 tỷ yen, tức lớn hơn con số 1,1 tỷ yen mà phần đầu của Thám tử lừng danh Conan thu được năm 1997. Trong lịch sử thương hiệu, trừ phần phim Nobita no Kaitei Kiganjo ( D oraemon: Nobita và lâu đài dưới đáy biển – 1983), mọi phần phim luôn đạt doanh thu trên 1 tỷ yen.
Sau hơn 50 năm, Doraemon vẫn là thương hiệu ăn khách.
Trailer Doraemon
Năm 2014, song song với bộ phim hoạt hình 2D ra rạp vào tháng 3, bộ phim hoạt hình 3D với tên gọi Stand by Me Doraemon cũng được phát hành nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh cố họa sĩ Fujiko F. Fujio.
Bộ phim được xây dựng từ nội dung của nhiều truyện ngắn trong bộ sách, xoay quanh tương lai mối quan hệ giữa Nobita và Shizuka, cũng như khoảnh khắc khi chú mèo máy Doraemon phải chia tay người bạn nhỏ.
Chiến thắng tuyệt đối trái tim của khán giả, Stand by Me mang về cho nhà sản xuất doanh thu 8,38 tỷ yen tại thị trường Nhật Bản, cao gấp 2,6 lần doanh thu phần phim Doraemon 2D ra mắt cùng năm có tên gọi Doraemon Shin Nobita no Daimakyo ~Peko to 5-nin no Tankentai ~ ( Doraemon phiên bản mới: Nobita thám hiểm vùng đất mới – Peko và 5 nhà thám hiểm).
Không chỉ là bom tấn phòng vé tại Nhật Bản, phim điện ảnh của Doraemon còn trở thành hiện tượng phòng chiếu ở nhiều quốc gia khác.
Phim của Makoto Shinkai
Được mệnh danh là “phù thủy của những nỗi buồn”, Makoto Shinkai vừa là tiểu thuyết gia, vừa nhà làm phim. Ông đứng sau những bộ phim điện ảnh như 5 Centimeters per Second (2007), Garden of Words (2013), Your Name (2016) và Weathering with You (2019).
Với lợi thế ở cả ba mảng sáng tác văn học, thiết kế đồ họa và đạo diễn, Makoto Shinkai đã tự xây dựng cốt truyện, làm đạo diễn các bộ phim của mình, trước khi chuyển thể kịch bản thành tiểu thuyết. Nhờ sự bao quát tuyệt đối, mọi thành phẩm đều truyền tải được trọn vẹn tinh thần của tác giả.
Makoto Shinkai có một phương pháp rất riêng để lột tả sự mong manh của mối liên kết giữa người với người trong thế giới hiện đại. Hình ảnh trong anime của ông thể hiện sở trường đồ họa vi tính, cũng như tầm nhìn của vị đạo diễn. Mỗi khung cảnh hiện lên, dù rực rỡ mỹ lệ tới đâu, vẫn phảng phất nỗi buồn man mác, hòa hợp với câu chuyện của các nhân vật.
Năm 2016, phim điện ảnh Your Name là thành công thương mại rực rỡ nhất trong sự nghiệp của Makoto Shinkai. Câu chuyện một cô gái thôn quê bị hoán đổi cơ thể với chàng trai phố thị khi ngôi sao chổi nghìn năm có một sắp quét qua Trái Đất gây ra sự tò mò lớn cho khán giả.
Cuối năm ấy, doanh thu nội địa của Your Name cán mốc 21,32 tỷ yen, bỏ xa tác phẩm ở vị trí thứ hai là Shin Godzilla (8,11 tỷ yen). Đây đồng thời trở thành bộ phim có doanh thu cao thứ tư trong lịch sử Nhật Bản, và là anime đạt doanh thu cao thứ nhì mọi thời đại.
Tính tới hết năm 2019, doanh thu trên toàn thế giới của Your Name là 359,9 triệu USD, thành công soán ngôi Spirited Away (347,7 triệu USD) trở thành anime có doanh thu toàn cầu cao nhất lịch sử.
Hai bộ phim mới nhất của Makoto Shinkai đều là những tác phẩm thành công.
Trailer Weathering with You
Anime mới nhất của Makoto Shinkai lấy chủ đề thời tiết – Weathering with You – ra mắt năm 2019. Phim được phát hành tại 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, và là anime đầu tiên được phát hành chính thức tại hệ thống rạp chiếu phim Ấn Độ. Weathering with You cũng là bộ phim được Nhật Bản lựa chọn để tranh giải Phim quốc tế xuất sắc tại Oscar lần thứ 92.
Tại thị trường nội địa Nhật Bản, phim thu 14,2 tỷ yen, giữ vị trí anime có doanh thu cao nhất 2019, bỏ xa phim ở vị trí thứ hai là Thám tử lừng danh Conan (9,37 tỷ yen). Sau khi khởi chiếu tại các cụm rạp trên toàn nước Mỹ, Weathering with You thu thêm 7,79 triệu USD, nâng doanh thu toàn cầu lên mức 186,83 triệu USD.
Các tác phẩm từ xưởng phim Ghibli
Studio Ghibli là cánh chim đầu đàn đưa anime ra với thế giới. Chính thức thành lập năm 1985, Ghibli đến nay đã cho ra mắt 20 phim điện ảnh, 2 phim truyền hình, 11 phim hoạt hình ngắn, và nhiều sản phẩm khác.
Đây cũng là xưởng anime sở hữu số lượng giải thưởng đồ sộ, luôn được giới phê bình nghệ thuật trong và ngoài nước ghi nhận. Nổi bật nhất trong đó là bốn giải Anime Grand Pix, bốn giải thưởng của Viện Hàn lâm Nhật Bản, và trên hết là giải Oscar hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc vào năm 2002 dành cho Spirited Away.
Spirited Away (2001) – bộ phim hoạt hình kể lại chuyến phiêu lưu của cô bé Chihiro tới thế giới linh hồn – là tác phẩm xuất sắc mọi mặt của Ghibli. Phim lần đầu trình chiếu tại Nhật Bản năm 2001, tại Mỹ năm 2002, rồi được tái phát hành thêm 5 lần kể từ 2015.
Sau 19 năm, Spirited Away vẫn là tượng đài anime.
Việc tái phát hành đã góp phần nâng tổng doanh thu của bộ phim lên con số 30,8 tỷ yen tại thị trường nội địa, cũng như 347,7 triệu USD trên toàn cầu. Spirited Away hiện vẫn vững vàng ngôi đầu trong danh sách anime có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại xứ sở hoa anh đào.
Trong danh sách các anime có doanh thu cao nhất tại Nhật Bản cũng như toàn cầu, những cái tên nổi bật khác của Ghibli như Howl’s Moving Castle, Ponyo, Princess Mononoke hay The Wind Rises… đều giữ thứ hạng cao trong top 10, đạt doanh thu trung bình 15,13 tỷ yen mỗi tác phẩm.
Các bộ phim của Ghibli có nhiều lần dẫn đầu danh sách doanh thu phòng vé nội địa trong năm, như 1989 ( Kiki’s Delivery Service), 1991 ( Only Yesterday), 1992 ( Porco Rosso), 1998 ( Pom Poko), 2013 ( The Wind Rises)
Anh Phan
Đứa Con Của Thời Tiết - Dấu ấn đậm chất nghệ thuật của bậc thầy ngôn từ Makoto Shinkai
Cái tên Makoto Shinkai có vẻ như không còn quá xa lạ với khán giả yêu thích những bộ anime Nhật Bản. Ông là người đã làm ra những bộ phim lấy đi nhiều nước mắt như 5cm/s, Khu Vườn Ngôn Từ, Những Đứa Trẻ Đuổi Theo Vì Tinh Tú, và nổi tiếng nhất là Tên Cậu Là Gì? (Your Name.), bộ phim hoạt hình nổi tiếng trên toàn thế giới vào năm 2017.
Sau 3 năm, Makoto Shinkai tiếp tục giới thiệu một bộ phim khác, đó là Đứa Con Của Thời Tiết (Weathering With You). Dù trong bất kỳ tác phẩm nào, Makoto Shinkai vẫn đem vào đó những cảm xúc trữ tình, lắng đọng và lãng mạn nhưng cũng không kém phần đau thương.
Phù thuỷ của nỗi buồn Makoto Shinkai (Nguồn: lwlies)
Đạo diễn Makoto Shinkai từng chia sẻ với báo giới rằng ngay sau khi hoàn thành bộ phim Tên Cậu Là Gì, ông đã có sẵn ý tưởng cho phim Đứa Con Của Thời Tiết. Thế nhưng, chưa cần phải hấp tấp vội vàng, vị đạo diễn tài năng này từ từ từng bước một chau chuốt cho cho đứa con tinh thần được hoàn hảo nhất.
Điều dễ dàng nhận ra khi xem xong Đứa Con Của Thời Tiết là bộ phim có cốt truyện gần giống với Tên cậu là gì? và nội dung tương đối đơn giản. Một thanh niên không có gì đặc biệt, bỗng chốc có mối liên hệ với một cô gái vô cùng đặc biệt, và có sứ mệnh giải cứu cô gái đó. Cậu thanh niên Hodaka (Kotaro Daigo), 16 tuổi, bỏ nhà lên Tokyo tự lập với sự chán ghét gia đình mà chưa biết nguyên do là gì. Ở đây, cậu được nhận vào làm cho một tòa soạn tự do chuyên làm những chủ đề về những truyền thuyết đô thị. Cũng tại Tokyo, Hodaka gặp gỡ và làm quen được với Hina, cô gái có khả năng điều khiển thời tiết mồ côi cha mẹ, đang vất vả với việc kiếm sống để nuôi cậu em trai học tiểu học. Cả hai đã lên kế hoạch lợi dụng sức mạnh đặc biệt này để kiếm tiền sinh hoạt, nhưng không biết rằng phép màu đó giống như một lời nguyền, dẫn Hina đến gần với số phận của những vu nữ bị hiến tế thời xưa.
Bộ ba nhân vật trong phim (Nguồn: IMDb)
Hành trình tìm việc làm mưu sinh của Hodaka ở đầu phim được xây dựng sinh động và thú vị, với những thử thách đời thường không kém phần khó khăn. Qua đó, giúp khán giả hiểu rõ hơn hoàn cảnh và tâm lý nhân vật ngay từ ban đầu. Về phía nhân vật nữ chính, đạo diễn Makoto Shinkai phát triển hướng tiếp cận đơn giản và nhẹ nhàng hơn. Dù cho đôi lúc việc hai nhân vật này xử lý mọi chuyện thật sự ngây ngô và không khả quan, nhưng chúng ta có thể hiểu Makoto Shinkai xây dựng tính cách này để phù hợp với độ tuổi thiếu niên của nhân vật, vốn là giai đoạn gây ra nhiều lỗi lầm
Trọng tâm chính của câu chuyện chính là việc kha thác và phát triển tình cảm của một đôi bạn. Đây cũng là thế mạnh khai thác của Shinkai Makoto. Hai nhân vật chính đều là những người trẻ đang chật vật mưu sinh, tình cờ giúp đỡ nhau rồi trở thành bạn bè. Tình cảm giữa hai người không hẳn là tình yêu, mà còn là tình thân, tình người. Quá trình phát triển cảm xúc của hai nhân vật được xây dựng hợp lý, dễ theo dõi, hài hước nhưng không kém phần cảm động.
Cặp đôi dễ thương Hodaka và Hina (Nguồn: IMDb)
Dù có thiếu sót về mặt nội dung, nhưng phải thừa nhận tài năng của Makoto Shinkai trong việc xây dựng và lồng ghép những hình ảnh trong Đứa Con Của Thời Tiết rấttinh tế và tuyệt đẹp. Chính nhờ điều này đã gần như làm nhòa bớt đi những thiếu sót về mặt nội dung, giúp khán giả được tận hưởng không khí Tokyo những ngày mưa tầm tã. Mọi cảnh phim, mọi chi tiết đều được làm vô cùng tỉ mỉ và cặn kẽ. Nhất là ở trường đoạn cuối, khi Tokyo đã bắt đầu tạnh mưa, cả thành phố ngập trong biển nước, mọi thứ đều mang một vẻ đẹp phi thực.Tiết tấu âm thanh mạnh được sử dụng trong nhiều cảnh phim cũng tăng cảm xúc của người xem. Những bản nhạc phim được thể hiện bởi RADWIMPS cũng vô cùng ấn tượng, được lồng ghép đầy cảm xúc, đặc biệt là ở hồi cuối.
Hình ảnh trong phim không thể chê vào đâu được (Nguồn: IMDb)
Đứa Con Của Thời Tiết đem đến cho khán giả những trải nghiệm không thể nào quên được với hình ảnh và âm thanh được trau chuốt đến từng chi tiết. Một Tokyo đẹp theo cách vô cùng ảm đạm hiện ra qua những tòa nhà cao tầng hiện đại lẫn bỏ hoang, những bậc thang rỉ sét, những tấm bảng hiệu quảng cáo và những dòng người tấp nập, chi chít nối nhau, hàng theo hàng. Những phân cảnh từ mưa bão tăm tối bỗng chuyển hóa thành nắng trời đẹp đẽ, sau đó còn là sự xuất hiện vô cùng tinh tế của những vệt sáng cầu vồng được thiết kế một cách hài hòa nhằm tạo nên một khung cảnh đẹp thơ mộng, trữ tình.
Khung cảnh trong phim đẹp nhưng cũng khiến khán giả phải thấm đượm chút buồn phiền (Nguồn: IMDb)
Đứa Con Của Thời Tiết sử dụng thời tiết như là phép ẩn dụ trung tâm, rất phù hợp với những nét vẽ siêu thực, những thế mạnh thẩm mỹ đặc biệt theo phong cách của đạo diễn mà chúng ta biết. Bộ phim chứa đầy những cảnh mưa cực kỳ ngoạn mục và các hiệu ứng thời tiết khác, thể hiện tất cả những thế mạnh được thể hiện trong các bộ phim Shinkai trước đó. Trong phim, viễn cảnh biến đổi khí hậu không thể đảo ngược là một bóng ma ám ảnh đối với toàn hành tinh, cho dù không thể giải quyết dứt điểm.
Đứa Con Của Thời Tiết không ngại miêu tả cả vẻ đẹp và sự kinh hoàng mà thế giới tự nhiên có thể tạo ra. Bộ phim còn nhắc nhở khán giả tới mối quan hệ khăng khít giữa con người với thiên nhiên. Thời tiết ảnh hưởng đến tâm trạng, công việc, cuộc sống của cả cá nhân, xã hội và để lại những hậu quả về sau. Những yếu tố văn hóa, thần thoại Nhật Bản và phong tục truyền thống còn được giữ đến ngày nay cũng được khéo léo truyền tải trong Đứa Con Của Thời Tiết.
Bên cạnh hai nhân vật chính, nhóm nhân vật phụ trong phim được xây dựng hoàn cảnh và cá tính rõ nét, có điểm nhấn riêng, với vai trò quan trọng xuyên suốt mạch truyện chính. Đây là điểm nổi trội hơn trong Đứa Con Của Thời Tiếtso với các tác phẩm trước của Makoto Shinkai. Thêm vào đó, khá nhiều vấn đề xã hội và thông điệp đa chiều được Shinkai Makoto lồng ghép xuyên suốt từ đầu đến cuối phim. Dưới lăng kính cuộc sống của đôi nhân vật chính chưa qua tuổi thành niên và ông chủ tòa soạn Suga, phim khắc họa thành công vấn nạn lao động tuổi vị thành niên, trách nhiệm của gia đình và xã hội đối với trẻ em, tình trạng thất nghiệp của một bộ phận giới trẻ Nhật Bản.
Ông chủ toàn soạn Suga (Nguồn: IMDb)
Hình ảnh trong phim (Nguồn: Mashable India)
Makoto Shinkai rõ ràng không muốn những câu chuyện của mình phải hướng theo một khuôn mẫu cụ thể, không phù hợp với cốt truyện lần này. Tuy nhiên, Đứa Con Của Thời Tiết vẫn nắm bắt thành công nhịp đập của đời sống, hơi thở của một thành phố Tokyo hiện đại trong thời kỳ thay đổi. Đứa Con Của Thời Tiết tự đặt ra cho một nhiệm vụ bất khả thi, nhưng ngay cả khi thất bại về kịch bản, bộ phim vẫn đứng vững với những bài học, thông điệp ý nghĩa về cuộc sống. Khán giả sẽ chứng kiến và cảm nhận nỗi đau bên trong mà thiên nhiên đang kêu cứu, trong một bộ phim qua cuộc sống của cặp đôi trẻ. Nhịp phim chậm rãi để người xem cảm nhận từng chút một ý nghĩa nhân sinh quan mà Makoto Shinkai muốn gửi gắm. Không ồn ào, náo nhiệt, nó chỉ đơn giản được lồng ghép rất tinh tế, thẩm mỹ vào những khung hình đậm chất nghệ thuật.
Không chỉ đơn giản là một bộ phim (Nguồn: IMDb)
" Shinkai là bậc thầy trong việc khắc họa và khám phá khoảng cách giữa con người, anh vượt trội trong việc biểu tượng hóa cách con người bị chia cắt bởi hố sâu mong mỏi" Jonathan Clements, tác giả của Anime : A History, cho biết.
Người hâm mộ vẫn đùa gọi Makoto Shinkai có thù với khoảng cách. Các nhân vật trong câu chuyện của Shinkai đều bị chia cắt bởi khoảng cách về địa lý, về không gian, về tuổi tác, hay về thời gian, nhưng Makoto Shinkai cũng đã chứng minh rằng nỗi cô đơn do sự chia cắt đó cũng thật đẹp và đáng xem biết bao nhiêu, điều này đã giúp cho tâm hồn, chất liệu văn học của ông được lan toả hơn bao giờ hết. Một phong cách mới trẻ trung năng động, tràn đầy sức sống và mãnh liệt hơn, nhưng đồng thời vẫn thấm đậm thứ nét trữ tình riêng và trầm lắng vốn có của ông. Giờ đây Makoto Shinkai không chỉ là một cái tên phổ biến trong cộng đồng phim anime nói riêng mà hình ảnh ông còn hiện hữu trong cả con tim của những người yêu thích bộ môn nghệ thuật thứ bảy nói chung.
Theo moveek
5 phim hoạt hình Nhật Bản hay nhất mọi thời đại Với sự sáng tạo, gần gũi trong nội dung cũng như tạo hình nhân vật, những phim hoạt hình Nhật Bản dưới đây vẫn luôn có sức hút mãnh liệt đối với khán giả toàn châu Á. Doraemon Doraemon là loạt phim hoạt hình được sản xuất dựa trên bộ truyện tranh cùng tên của Fujiko F. Fujio, được phát sóng trên kênh...