Những cô dâu ngoại cô đơn ở Singapore
Siti, một cô dâu người Indonesia, luôn cảm thấy cô đơn trong cuộc hôn nhân với người chồng Singapore.
Siti, 38 tuổi, gặp chồng hơn cô 10 tuổi khi đang làm lễ tân khách sạn ở Indonesia, nơi anh nghỉ trong một chuyến du lịch. Hai người kết hôn sau ba tháng yêu xa.
“Tôi lấy anh ấy vì khi đó anh ấy rất chân thành muốn cưới tôi”, cô nói.
Tuy nhiên, cuộc sống ở Singapore với Siti chủ yếu diễn ra trong nhà, chăm sóc 4 đứa con, đứa lớn nhất đã 14 tuổi. Chồng không cho phép cô ra ngoài mà không có mình đi cùng, kể cả đi chợ. Anh cũng không cho cô đi làm, không đưa vợ tiền tiêu vặt, dù trả hết hóa đơn trong nhà.
“Tôi cảm thấy anh ấy sợ tôi kết bạn mới. Tôi lúc nào cũng thấy cô đơn”, Siti nói.
Shailey Hingorani, trưởng bộ phận nghiên cứu và vận động tại Hiệp hội Phụ nữ Singapore về Hành động và Nghiên cứu. Ảnh: Straits Times
Cô không lấy chồng vì muốn đổi đời ở Singapore, nhưng chắc chắn không mong đợi cảm giác ê chề khi phải ngửa tay xin tiền chồng để mua thứ nhỏ nhất.
“Tôi thấy mình như trẻ con”, Siti nói. “Có lần tôi bảo anh ấy đưa 5 đô mua ớt nấu ăn, chồng tôi bảo không có tiền. Tôi đã vô cùng tức giận vì anh ta có tiền mua xổ số nhưng lại không có tiền mua ớt”.
Siti không phải người duy nhất cảm thấy cô đơn. Có rất nhiều phụ nữ ngoại quốc lấy chồng Singapore có thu nhập thấp. Họ đối mặt với hàng loạt vấn đề từ bạo lực gia đình tới nghèo đói cũng như tương lai bất định ở Singapore.
Những phụ nữ này “vô hình và không có tiếng nói”, phần lớn bởi tình trạng nhập cư của họ, khi bị hạn chế nhiều quyền lợi, không được pháp luật bảo vệ và khó tiếp cận với phúc lợi xã hội, theo bà Shailey Hingorani, trưởng bộ phận nghiên cứu và vận động tại Hiệp hội Phụ nữ về Hành động và Nghiên cứu.
“Nhiều người thiếu hiểu biết về quyền và lợi ích mà họ được hưởng, cảm thấy bất lực khi cần giúp đỡ vì không biết tìm kiếm hỗ trợ ở đâu. Nguyên nhân một phần do mạng lưới quan hệ xã hội của họ bị hạn chế ở Singapore”.
Những hộ gia đình có thu nhập thấp có nhiều xung đột nhất. Theo Báo cáo Dân số 2020 của chính phủ, Singapore có 4.426 đàn ông kết hôn với cô dâu ngoại quốc năm 2019, chiếm 1/5 số cuộc hôn nhân mà vợ hoặc chồng là công dân Singapore.
Giáo sư Jean Yeung, giám đốc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Gia đình và Dân số tại Đại học quốc gia Singapore, cùng nghiên cứu sinh tiến sĩ Shuya Lu, vừa công bố nghiên cứu mang tính bước ngoặt về những đôi vợ chồng mà vợ/chồng là người ngoại quốc.
Năm 2018 và 2019, các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn 3.121 phụ nữ là người đảm nhận vai trò chính chăm sóc trẻ em Singapore từ 6 tuổi trở xuống. Kết quả cho thấy 18% người được hỏi cho biết là bản thân là cô dâu ngoại quốc, chồng là người Singapore, còn 57% cho hay cả hai vợ chồng đều là người Singapore. Những hộ gia đình khác bao gồm vợ Singapore chồng là người nước ngoài, hay cả hai vợ chồng đều là người nước ngoài.
5 quốc gia có nhiều cô dâu ngoại quốc nhất trong nghiên cứu này là Trung Quốc (26%), Malaysia (25%). Việt Nam (14%), Indonesia (11%) và Philippines (7%). Nghiên cứu cũng chỉ ra mức độ xung đột trong gia đình tỷ lệ nghịch với thu nhập của cả gia đình.
Áp lực kiếm sống thường khiến hôn nhân căng thẳng . Các hộ gia đình mà vợ là người nước ngoài và chồng là người Singapore thường xung đột cao nhất. Các nhân viên xã hội cho rằng nghiên cứu của giáo sư Yeung xác nhận những gì họ đã quan sát được trong nhiều năm, đó là người Singapore lấy vợ nước ngoài thường là đàn ông nhiều tuổi, ít học, thu nhập thấp.
Video đang HOT
Với những thách thức về tài chính, pháp lý và những khó khăn khác mà nhiều cô dâu ngoại quốc đang đối mặt, nghiên cứu cho thấy họ rất dễ bị tổn thương. Phụ nữ ngoại quốc kết hôn với đàn ông Singapore có thu nhập thấp rất dễ bị bạo lực gia đình và bạo hành hôn nhân.
Những người phụ nữ được phỏng vấn trong bài báo này cho hay họ quen chồng qua bạn bè, mạng xã hội hoặc khi người chồng tới đất nước họ du lịch hay làm việc, chứ không phải thông qua các công ty môi giới hôn nhân.
Một trong những lý do khiến những cuộc hôn nhân này dễ bị tổn thương là hai người thường kết hôn sau thời gian yêu đương ngắn ngủi, chưa hiểu rõ về nhau.
“Nhiều cặp không có nền tảng vững chắc trong hôn nhân”, xơ Sylvia Ng, người phụ trách hồ sơ tại Ủy ban Chăm sóc Người Di cư và Lưu động của Tổng giáo phận Singapore, nói. Họ chỉ gặp gỡ vài lần trước khi kết hôn, thậm chí bất đồng ngôn ngữ.
Amanda Chong, người từng công bố nghiên cứu về cô dâu nhập cư trên tạp chí Luật và Giới của Đại học Havard năm 2014, cho biết nhiều phụ nữ mà bà phỏng vấn tuyên bố lấy đàn ông Singapore là “chiến lược kinh tế”.
Chong, người đồng sáng lập Readable, nhóm tình nguyện viên dạy trẻ em gia đình có hoàn cảnh khó khăn biết đọc biết viết, biết tính toán, nói thêm “họ cảm thấy đàn ông Singapore có thể chu cấp cho mình và con cái nhiều cơ hội hơn so với đàn ông tại quê nhà”. Họ thường phụ thuộc tài chính vào chồng, cũng như cần chồng hỗ trợ xin thẻ thăm thân dài hạn (LTVP).
Một số người chịu đựng bạo hành hoặc mâu thuẫn trong hôn nhân vì sợ phải xa con nếu chồng hủy bỏ LTVP khi ly hôn. Siti là một trong số này. Cô từng muốn ly hôn nhưng lại gạt đi vì sợ không thể gặp lại các con.
“Vì vậy tôi chỉ chịu đựng”, Siti nói. Tuy nhiên, quan hệ của cô và chồng đã cải thiện theo thời gian.
Anna Ng, cô dâu Việt lấy chồng người Singapore. Ảnh: Ng Sor Luan
Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Singapore cho biết công dân Singapore không thể đơn phương hủy bỏ LTVP của vợ hoặc chồng quốc tịch nước ngoài mà không được họ đồng ý. Đây là thực tế mà nhiều người vợ ngoại quốc không biết, theo các nhân viên xã hội.
Tất nhiên, cũng có nhiều cuộc hôn nhân hạnh phúc giữa đàn ông Singapore và vợ nước ngoài. Trong thập kỷ qua, chính phủ Singapore đã ban hành nhiều chính sách và chương trình giúp đỡ cô dâu ngoại quốc và gia đình.
Điều đầu tiên là những người có LTVP dễ tìm việc hơn. Từ cuối năm 2018, họ không cần người sử dụng lao động phải nộp đơn xin phép cho họ ở lại Singapore làm việc, những ai đã nộp đơn từ trước, chủ lao động chỉ cần thông báo cho Bộ Nhân lực khi họ bắt đầu làm việc.
Người có LTVP không bị hạn chế ngành nghề cũng như không phải đóng thuế lao động nước ngoài, tăng khả năng được tuyển dụng.
“Đây là bước phát triển tuyệt vời khi cho phép những người vợ nước ngoài được làm việc và đóng góp tài chính cho gia đình”, xơ Sylvia nói.
Phát ngôn viên của Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội (MSF) cho hay chính phủ đã cải thiện khả năng tiếp cận và mua nhà ở xã hội cho các hộ gia đình có vợ/chồng là người ngoại quốc.
Từ năm 2019, công dân Singapore từ 21 tuổi trở lên kết hôn với người ngoại quốc và lần đầu nộp đơn đăng ký mua nhà ở xã hội có thể xin trợ cấp lên tới 40.000 USD khi mua một căn hộ bán lại. Trước đó, quy định này áp dụng cho người từ 35 tuổi trở lên.
Đối với Siti, cuộc đời tươi sáng hơn sau khi kiếm được tiền nhờ công việc dọn dẹp, dù chồng không hề muốn. Ban đầu anh vô cùng giận dữ, nhưng sau đó lại thay đổi thái độ và cho phép vợ đi làm bởi khoản tiền lương hơn 1.000 đôla Singapore mỗi tháng giúp gia đình trang trải thêm chi phí chăm sóc con cái.
Cô cũng làm quen với nhiều bạn bè hơn thông qua công việc này và bây giờ đã biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ của nhân viên xã hội.
“Tôi rất vui khi tự kiếm ra tiền vì có thể mua sắm cho bản thân và con cái. Tôi còn tiết kiệm được một ít tiền phòng khi ốm đau. Tôi cũng có nhiều bạn bè hơn”, Siti bày tỏ.
Với nhiều cô dâu khác, họ phải đấu tranh với nỗi nhớ quê hương.
Khuong Thi Van, người chuyển tới Singapore theo chồng ba năm trước, phát ốm vì nhớ nhà, nhớ bố mẹ cùng hai em trai ở Việt Nam. Anna Ng, 24 tuổi, một cô dâu Việt Nam khác chỉ học hết cấp ba, cũng rất nhớ đồ ăn Việt Nam và buồn vì không có bạn bè ở đây.
“Năm đầu tiên ở đây, tôi lúc nào cũng cô đơn, khóc rất nhiều và cảm thấy cực kỳ lạc lõng”, Anna Ng nói bằng tiếng Anh.
Nhưng “buddy” người Việt mà cô quen trong chương trình hỗ trợ hôn nhân đã giúp đỡ Anna vượt qua khó khăn, khi giới thiệu cô với những cô dâu Việt khác, đưa cô đi làm quen Singapore. Anna cũng quen được nhiều bạn hơn nhờ đi lễ nhà thờ.
Cô và chồng, Ng Bon Han, 25 tuổi, kinh doanh thiết bị máy móc, quen nhau qua bạn bè giới thiệu. Trong thời gian yêu đương một năm, anh thường xuyên tới Việt Nam thăm cô.
“Tôi cảm thấy kết nối với anh ấy”, Anna nói. “Anh ấy rất quan tâm tôi”.
Năm đầu tiên lấy nhau là quãng thời gian khó khăn nhất khi hai người phải thích nghi với vai trò mới. Anna muốn sinh con ngay nhưng chồng lại muốn tiết kiệm trước. Cuối cùng, họ thống nhất 5-10 năm nữa mới sinh con vì tin rằng nuôi dạy con cái ở Singapore rất tốn kém.
“Yêu nhau nhưng chúng tôi vẫn có nhiều khác biệt. Vì vậy chúng tôi thường xuyên trao đổi để hiểu nhau hơn. Hôn nhân của chúng tôi bây giờ rất ổn định”, Anna nói.
Tuy nhiên, hôn nhân của nhiều cô dâu Việt khác là bạn của Anna lại gặp trắc trở. Một số người lấy chồng Singapore với hy vọng đổi đời. Họ kết hôn chỉ sau một tháng quen biết mà không tìm hiểu kỹ người chồng trước khi cưới, cô cho hay.
Có người lấy chồng nhiều tuổi gấp đôi. Nhân sinh quan và quan niệm hôn nhân của họ rất khác nhau.
“Tôi thường nói với bạn bè rằng hãy lấy người mình yêu, đừng quan trọng anh ấy đến từ đâu. Nhưng nhiều người vẫn coi lấy chồng Singapore là giấc mơ đổi đời”, Anna nói.
Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội Singapore năm 2014 giới thiệu chương trình tiền hôn nhân và hỗ trợ hôn nhân cho các đôi vợ chồng khác quốc tịch, nhằm giúp họ có một nền tảng hôn nhân vững chắc.
Một buổi học trong chương trình hỗ trợ hôn nhân của tổ chức Fei Yue. Ảnh: Fei Yue
Chương trình bao gồm cách giao tiếp, xử lý xung đột trong bối cảnh đa văn hóa, cũng như lời khuyên về cuộc sống ở Singapore, theo Isabelle Ng, nhân viên xã hội của Fei Yue, đơn vị điều hành chương trình.
Tổ chức này cũng mở các lớp dạy tiếng Anh hoặc tiếng Quan thoại, tổ chức gặp gỡ và giới thiệu “buddy” cho người có nguyện vọng.
“Ngôn ngữ và văn hóa khác biệt khiến hôn nhân có thể gặp nhiều khó khăn hơn. Vì vậy buddy là nguồn động viên tinh thần cho những cô dâu ngoại quốc”, Ng nói.
Anna hiện là buddy của hai phụ nữ Việt Nam. Cô cảm thấy chương trình hỗ trợ do Fei Yue điều hành rất hữu ích.
“Buddy của tôi đã giúp tôi rất nhiều. Giờ tôi đủ sức giúp đỡ người khác. Tôi có nhiều bạn hơn, đỡ căng thẳng hơn. Tôi cảm thấy mình rất may mắn”, Anna nói.
Người Triều Tiên đầu tiên bị dẫn độ đến Mỹ
Doanh nhân Mun Chol-myong bị Malaysia bàn giao cho Mỹ, trở thành người Triều Tiên đầu tiên bị dẫn độ tới nước này để xét xử.
Mun Chol-myong được chuyển giao cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tại Washington hôm 20/3, theo các tài liệu mà hãng thông tấn AP tiếp cận được. Ông này bị dẫn độ tới Mỹ sau khi tòa án Malaysia bác bỏ cáo buộc cho rằng cáo trạng nhắm vào ông mang động cơ chính trị.
Mun, một doanh nhân Triều Tiên ngoài 50 tuổi sống tại Malaysia trong 10 năm qua, bị cáo buộc rửa tiền thông qua các công ty bình phong, làm giả giấy tờ cho các tàu chở hàng bất hợp pháp và cung cấp xa xỉ phẩm từ Singapore đến Triều Tiên, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Mun phủ nhận toàn bộ cáo buộc.
Một thẩm phán liên bang ở Washington phát lệnh bắt Mun vào tháng 5/2019. Mun bị bắt ở Malaysia cùng tháng đó.
Chính phủ Malaysia được cho là đã đồng ý dẫn độ Mun, nhưng ông phản đối vì lo sợ không được xét xử công bằng ở Mỹ. Các luật sư của Mun cho rằng nỗ lực dẫn độ này mang "động cơ chính trị" và nhằm tăng áp lực lên chương trình tên lửa, hạt nhân Triều Tiên.
Tham tán Đại sứ quán Triều Tiên Kim Yu-song (trái) và Jagjit Singh, luật sư bào chữa của Mun Chol-myong tại tòa án ở Kuala Lumpur, Malaysia năm 2019. Ảnh: AFP .
Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Malaysia hôm 9/3 bác các lập luận của Mun và cho phép dẫn độ ông này sang Mỹ. 10 ngày sau, Triều Tiên thông báo cắt quan hệ ngoại giao với Malaysia, gọi hành động của Malaysia là "tội ác không thể tha thứ" được thực hiện "một cách mù quáng" trước áp lực từ Mỹ.
Malaysia là một trong số ít đồng minh của Triều Tiên nhưng quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng sau vụ người có tên trên hộ chiếu là Kim Chol bị sát hại tại sân bay Kuala Lumpur hồi năm 2017. Sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao, đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur hạ cờ, tháo bảng hiệu và khóa cổng hôm 21/3. Các nhà ngoại giao Triều Tiên cũng đã rời khỏi cơ sở này.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuần trước cho biết các quan chức Washington đã liên hệ với Triều Tiên thông qua "một số kênh", nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cảnh báo chính quyền Tổng thống Joe Biden "tránh gây rắc rối ngay từ đầu" nếu muốn "ngủ ngon trong 4 năm tới".
Nhân viên ngoại giao Triều Tiên rời Malaysia Triều Tiên cắt quan hệ ngoại giao với Malaysia Malaysia yêu cầu nhân viên ngoại giao Triều Tiên về nước
Bà mẹ sàm sỡ bạn học của con gái Người phụ nữ 45 tuổi bị cáo buộc có hành vi sàm sỡ cậu bạn thân của con gái khi cả ba nằm ngủ cùng giường. Ngày 17/3, người phụ nữ bị tòa án cơ sở Singapore phạt một năm tù về tội Có hành vi khiêu dâm với trẻ vị thành niên . Bị cáo được tòa cho ẩn danh để bảo...