Những chuyện ghi ở nghĩa trang – Kỳ 2: Gian nan tìm… huyệt
Trong vai người đi tìm mua đất huyệt cho người thân dưỡng thọ (người già đang sống), chúng tôi đã gặp nhiều người làm dịch vụ trung gian ở các nghĩa trang (còn gọi là “cò”).
Để có phần mộ ở nghĩa trang xã này, gia đình phải lo được… giấy tạm trú của người chết – Ảnh: Chính Thành
15 triệu đồng để vào nghĩa trang nhà nước
Theo quy định, nghĩa trang ở ấp Cây Trắc do xã Phú Hòa Đông (Củ Chi, TP.HCM) quản lý chỉ dành cho những người có hộ khẩu thường trú tại xã Phú Hòa Đông và xã Phạm Văn Cội yên nghỉ khi lâm chung. Tuy nhiên, người từ địa phương khác đến muốn có một phần đất huyệt ở nghĩa trang này chỉ cần có tiền là được “cò” phục vụ tận tình.
Trưa tháng 7 nắng gắt, chúng tôi vừa ghé vào một quán nước gần khu vực nghĩa trang hỏi thăm việc tìm đất huyệt trong nghĩa trang nhà nước để cải táng mộ người thân, chị chủ quán giới thiệu gặp một người tên Giang. Ông Giang được cho là “cao tay ấn” nhất trong khoản lo liệu cho người ở địa phương khác muốn có một huyệt mả trong nghĩa trang do xã Phú Hòa Đông quản lý.
Chúng tôi đưa cho ông Giang tờ giấy cấp phép bốc mộ của người thân ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa, nói là mộ của bà nội, gia đình muốn cải táng lên đây và hỏi có lo giúp được một huyệt trong khu vực nghĩa trang của xã không. Nhìn lướt qua giấy tờ, ông Giang thủng thẳng trả lời: “Thật ra cũng không cần giấy này đâu, chỉ cần anh đưa chứng minh nhân dân của anh, chứng minh nhân dân của bố anh và của người mất là tui lo được cho anh tới nơi”. Nói rồi ông Giang dẫn chúng tôi đi loanh quanh trong nghĩa trang xã để xem thế đất, vừa đi vừa giải thích: “Đầu tiên tui sẽ chạy cho anh, bố anh và bà nội anh có tên tạm trú hợp pháp ở xã. Trước ngày cải táng, tui sẽ dẫn anh lên xã làm thủ tục xin đất để chôn người thân. Khó là công đoạn tạm trú thôi, chứ còn làm thủ tục xin chôn thì dễ lắm, mình chỉ đóng thêm lệ phí 1 triệu đồng cho xã để được cấp giấy phép, rồi ra trình với ông quản trang là vào hạ quan thôi”.
Chỉ vào phần đất kế bên hai mả mới xây xong, ông Giang bảo: “Đây, nếu vài ngày nữa cải táng thì bà cụ anh nằm ở đây. Ngày mai đưa chứng minh nhân dân, cộng thêm đưa trước cho tui 5 hoặc 6 triệu đồng gì đó để tui lo. Khi nào hạ huyệt xong xuôi thì đưa đủ 15 triệu đồng!”. “15 triệu đồng thì tôi bù thêm mấy triệu nữa là có mả đẹp trong các đất tư nhân xung quanh đây rồi còn gì?”, chúng tôi mặc cả. “Đó là giá “mấy người kia” yêu cầu để lo liệu giấy tờ chứ không phải tui đưa ra. Trước đây dễ làm lắm, nhưng giờ bị siết lại dữ quá. Ở vùng này còn mình tui là còn đường để chạy thôi. Không tin ông cứ việc hỏi xung quanh thử!”, ông Giang nói chắc chắn.
Theo những người dân quanh nghĩa trang Phú Hòa Đông, trước đây có tình trạng người trong xã chung chi cho quản trang để “đặt trước” mộ giả rồi bán lại giá cao cho người từ địa phương khác. Vụ việc bị phát hiện, từ đó việc “chạy” rất khó khăn.
Trao đổi về vấn đề “chạy huyệt” này, ông Nguyễn Văn Vững, chủ tịch xã Phú Hòa Đông, cho biết: “Từ khi phát hiện và xử lý trường hợp vi phạm vào hai năm trước, chúng tôi đã siết chặt lại công tác kiểm tra, cấp giấy cho phép chôn trong nghĩa trang của xã. Chúng tôi còn ban hành thêm quy định người chết phải có hộ khẩu thường trú thuộc xã Phú Hòa Đông hoặc ít nhất phải có sổ tạm trú ở xã Phạm Văn Cội trên sáu tháng mới được chôn trong nghĩa trang của xã”.
Bảng giá đất nghĩa trang ở Cần Giờ. Nhiều người mua cả chục huyệt để bán kiếm lời – Ảnh: Chính Thành
Có tiền là có huyệt
…Chúng tôi vừa dừng xe ở cổng nghĩa trang Gò Dưa, một người đàn ông đi chiếc cúp 81, trên tay cầm bay thợ hồ sà đến hỏi ngay: “Tìm mua huyệt hả? Tôi có mấy miếng đất riêng nè, đi coi thử đi”. Ông chỉ cho chúng tôi bốn miếng đất huyệt và “hét” giá 55 triệu đồng một huyệt, ông “tiếp thị” thêm: “Đất của tui từ xưa đến giờ, anh thấy người ta xây kín rồi không”. Chúng tôi lần lữa bảo đi xem thêm mấy miếng nữa rồi có gì gọi sau, ông Tùng bỏ đi. Mới men qua được mấy ngôi mộ, một người đàn ông khác đã tới hỏi ngay: “Cần mua đất nhà nước à? Tui có một miếng gần đây nè, rẻ thôi, 15 triệu đồng!”. Chúng tôi lại men theo bậc thềm của các ngôi mộ san sát nhau mà đi xem miếng đất của người đàn ông này chỉ. Miếng đất rộng chưa đầy 2×3m nằm lọt thỏm giữa nghĩa trang, nếu người này không đưa tay gạt những lùm cỏ hôi ra chắc chúng tôi không cách nào biết nơi đó có một “miếng đất trống”.
Video đang HOT
Quản lý nghĩa trang Gò Dưa cho hay cả hai người xưng là chủ đất trên đều là những người dắt mối bán đất chứ “không ông nào có đất đai gì sất”. Người làm nghề thợ xây, làm nghề giữ mộ. Sau khi mời chào nồng nhiệt như vậy, nếu khách hàng đồng ý mua đất thì họ sẽ dẫn đến chủ thật sự của miếng đất huyệt trên và lấy tiền hoa hồng hoặc chênh lệch.
Chúng tôi tới nghĩa trang Già Đỏ ở xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ) vào buổi chiều muộn. Lác đác trong nghĩa trang lau sậy và cỏ mọc rậm rạp xen lẫn với mộ phần. Trong căn nhà cấp bốn mái tôn, một người đàn ông cởi trần mặc quần xà lỏn bước ra tự giới thiệu ông tên Chinh, quản trang nghĩa trang Bình Khánh.
Nghe chúng tôi muốn cải táng mộ người thân về đây, ông Chinh cho biết những người muốn chôn nhưng không có hộ khẩu cư trú tại huyện đều không được chấp nhận. Chần chừ một hồi ông cũng mách nước: nếu có tiền, ông sẽ giới thiệu cho một số người cần sang lại mộ phần. Giá đúng 10 triệu đồng một huyệt.
Theo ông Chinh thì có nhiều người mua huyệt mộ từ những năm trước với giá một hai triệu đồng/huyệt, nay sang bán lại cho ai có nhu cầu. Ông Chinh chỉ những khu đất trống rộng rãi trong nghĩa trang và cho biết tất cả đều đã có chủ. “Nhiều người có tiền mua đất huyệt đợi giá tăng cao rồi bán lại kiếm lời. Ở nghĩa trang này, người mua mấy chục suất là chuyện bình thường”, ông Chinh cho biết. Như ông Tấn, đại gia sà lan dầu ở quận 7, đặt mua 60 huyệt từ nhiều năm qua nhưng đến nay chưa dùng suất nào, ông T. cũng vài chục huyệt… Người mua lẻ tẻ năm mười phần đất rất nhiều. Theo người dân xung quanh nghĩa trang, nhiều người nói mua đất để dành cho người thân chứ thực chất là mua đất huyệt rồi chờ giá lên bán kiếm lời. Có nhiều người chỉ chuyên đi buôn đất nghĩa trang.
Theo Tuổi Trẻ
Chuyện người nhặt xác 3000 hài nhi
Ngày ngày, hai người đều đã ở tuổi "xưa nay hiếm" lóc cóc đạp xe hàng chục cây số rong ruổi trên những nẻo đường, tìm bới trên từng bãi rác, đến tận các cơ sở nạo hút thai, bệnh viện để xin xác hài nhi về chôn cất
Gần 10 năm nay, có một bà cụ đã bước sang tuổi 73 vẫn ngày ngày lặn lội khắp nơi để nhặt những thai nhi bị bỏ rơi đem về chôn cất. Đó là bà Phạm Thị Cường, ngụ xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng - Nam Định.
Bà bộc bạch: "Hãy yêu thương những linh hồn bé nhỏ bị bỏ rơi kể cả khi chúng đã qua đời, bởi những đứa trẻ tội nghiệp ấy đã gánh thay chúng ta những tai họa ở trần gian".
Không thể kìm lòng
Ở làng quê nghèo ven biển xã Nghĩa Thắng, không ai còn lạ với hình ảnh một người đàn bà đã vào cái tuổi thất thập cổ lai hy ngày ngày âm thầm đi gom nhặt thi hài những đứa trẻ khắp nơi về chôn cất.
Trên đường về Nghĩa Thắng, khi hỏi thăm nhà bà Cường, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về bà qua những nông dân ở vùng quê này. Ở nơi đây, mọi người vẫn trìu mến gọi bà là bà Hương "hài nhi", có lẽ một phần cũng do những công việc mà bà đã và đang làm.
Bà là một người hiền lành, phúc hậu. Đã gần 10 năm nay, không quản ngày nắng cháy da cháy thịt hay đêm đông lạnh giá, bà vẫn lặn lội khắp mọi ngả đường của huyện Nghĩa Hưng, đặc biệt là khu vực thị trấn Đông Bình, để nhặt các hài nhi xấu số bị phá bỏ về chôn cất.
Cuộc sống của bà Cường chỉ trông vào gánh bán rau quả và những đồ tạp hóa ở khu chợ Đông Bình. Nơi đây có một số cơ sở nạo phá, hút thai nhi. Mỗi ngày có hàng trăm ca nạo phá thai đã diễn ra, một phần công khai còn chủ yếu là bí mật, cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm hài nhi bị vứt bỏ.
Trong câu chuyện với bà Cường, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng thở dài của người phụ nữ đã ở tuổi gần hết cuộc đời về những chuyện lắt léo nhân tình thế thái của cuộc sống.
Bà nói như oán trách: "Cuộc sống ngày càng phát triển thì nhiều người sống càng buông thả hơn. Ngày càng nhiều các cô gái đến các phòng khám ở Đông Bình để phá thai cũng đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều đứa trẻ vô tội phải đi theo những vết kéo oan nghiệt.
Mỗi lần nhìn thấy thi hài của các cháu bị vứt bỏ nơi đầu đường, xó chợ tôi lại không thể kìm lòng, càng thương các sinh linh bé nhỏ bơ vơ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã phải chịu thay tội vạ mà cha mẹ chúng đã gây ra. Đáng trách quá!".
Bị cười chê là... khùng!
Gần 10 năm nay, họ đã tìm nhặt và an táng hơn 3.000 sinh linh bé bỏng. Tưởng chừng như chỉ có mình bà Cường đi làm công việc "kỳ khôi" là gom nhặt và an táng cho những linh hồn bé nhỏ nhưng bà lại gặp được người bạn cùng chí hướng.
Đó là ông Vũ Văn Bao, người cùng thôn, cũng âm thầm làm công việc tạo phúc đức như bà. Hai con người, hai số phận nhưng họ có chung một tấm lòng nhân ái với những số phận bất hạnh. Họ gặp nhau rồi ngày ngày lại cùng nhau thực hiện một công việc chung, một ơn nghĩa để đời.
Từ đó đến nay, ngày ngày người dân xã Nghĩa Thắng thường gặp cảnh hai người đều đã ở tuổi xưa nay hiếm lóc cóc trên những chiếc xe đạp cà tàng, đạp hàng chục cây số. Họ rong ruổi trên những nẻo đường, tìm bới trên từng bãi rác, thậm chí đến tận các cơ sở nạo hút thai, bệnh viện để... xin thi hài về chôn cất.
Bà Cường thắp nhang cho những hài nhi xấu số
Những hài nhi nhặt về, bà Cường cùng với ông Bao tỉ mẫn cho vào những bát hương hoặc tiểu sành nhỏ. Bà Cường tâm sự: "Những ngày đầu, tôi thường bị người đời cười chê cho là khùng nhưng dần dần, họ hiểu nên cũng có vài người đi làm cùng".
Nhiều lúc bà Cường cũng nản khi có quá nhiều đứa bé bị nạo hút như vậy. Nhiều lúc bà định dừng công việc này nhưng lại nghĩ đến những đứa trẻ bơ vơ, sống không thấy mặt cha mẹ, chưa kịp chào đời đã bị bỏ rơi.
Bà lại thấy mình không thể đứng nhìn được, phải làm việc gì sao cho có ích. "Vì vậy, tôi không kể gì là gian khổ, mưa nắng hay ngày đêm, lúc nào nghe tin ở đâu đó có thi hài bị bỏ rơi là lại tìm đến để xin về mai táng"- bà Cường cho biết.
Nghĩa trang Quần Vinh trong một chiều mùa hạ, bà Cường lặng lẽ thắp những nén nhang thơm lên phần mộ của những hài nhi xấu số. Rồi bà nói trong tiếng nấc: "Các con chưa kịp chào đời đã phải trả giá cho sai lầm của những kẻ sinh thành nên các con. Bà thắp nén nhang thơm, mong các con được an nghỉ".
Bà Cường với công việc bán tạp hóa mưu sinh hằng ngày
Bên ngôi mộ chung được xây dựng khá kiên cố và sạch sẽ, bà cho biết nó được một nhà hảo tâm trong TPHCM gửi tiền ra để xây cho các cháu. "Gần chục năm nay, chúng tôi đã an táng cho hơn 3.000 sinh linh bé bỏng tại nơi này"- bà não nề.
Nhìn những bát hương bên trên có gắn xi măng và được đánh dấu rất chi tiết, mà theo bà Cường mỗi bát hương đó là một đứa trẻ, tôi không khỏi chạnh lòng suy nghĩ. Một địa phương nhỏ như Nghĩa Hưng mà gần chục năm đã có hàng ngàn em bé bị bỏ rơi và chết đi khi chưa kịp chào đời! Đó quả thực là con số quá đau lòng.
Càng thương các cháu nhỏ bao nhiêu, tôi lại càng khâm phục những con người như bà Cường và ông Bao bấy nhiêu. Những việc họ làm không chỉ mang ý nghĩa nhân ái mà đó là hành động cao cả trong cuộc chiến bảo vệ quyền sống của con người, giúp chúng ta nhận ra một thực tại đau lòng, ngẫm về việc sống buông thả của một bộ phận giới trẻ hiện nay đã để lại những hậu quả đau lòng.
Cầu mong... thất nghiệp
Tuy hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bản thân lại già yếu nhưng lúc nào bà Cường cũng hiển hiện niềm tin cuộc sống và tình thương yêu con người.
Tâm sự với chúng tôi, bà Cường không mong ước điều gì ngoài việc mình được... thất nghiệp. Bà mong sẽ không còn phải ngày ngày đi làm công việc thu gom xác hài nhi đầy đau đớn này nữa.
Tuy vậy, bà Cường vẫn khẳng định: "Tôi sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi nào còn sức khỏe. Tôi sẽ tiếp tục đi thu gom những hài nhi xấu số về chôn cất, bởi theo tâm niệm của tôi, những đứa trẻ tội nghiệp đó đã quá bất hạnh. Tôi quyết không để các cháu cô đơn mặc dù đã rời trần thế".
Chúng tôi rời nghĩa trang Quần Vinh khi mặt trời đã tắt. Nhìn những ngôi mộ của các sinh linh bé nhỏ, chúng tôi biết các cháu đã có giấc ngủ yên bình bởi các cháu được những người dù không trực tiếp sinh thành nhưng luôn làm tất cả để bảo vệ giấc ngủ bình yên cho mình ở nơi vĩnh hằng.
Ngày mới sẽ đến, hy vọng sẽ không còn cảnh những bào thai bị vứt bỏ nữa để những người như bà Cường hay ông Bao sẽ được nghỉ ngơi và xã hội sẽ không còn những cảnh đau lòng.
Ám ảnh
Bà Cường vừa rót nước trà mời khách vừa tâm sự về "cơ duyên" dẫn mình đến cái nghiệp làm phúc này. Bà cho biết vẫn nhớ như in ngày 8-3-2002. Trên đường đến chợ Đông Bình để bán rau, khi đi đến cầu Đông Bình, bà Cường thấy có một túi ni lông màu đen, ruồi muỗi bám đen.
"Lúc đầu tôi cứ nghĩ đây là túi rác của gia đình nào đó ném ra đây. Nhưng rồi đi được một đoạn, tự dưng trong người tôi như có lửa đốt, cứ bồn chồn chẳng yên, đặc biệt là hình ảnh chiếc túi màu đen cứ như ngay trước mắt mình. Đứng lại suy nghĩ một lúc, tôi quyết định quay lại xem bên trong túi bóng đó chứa thứ gì"- bà Cường nhớ lại.
Bà Cường bàng hoàng và đau xót khi chứng kiến một hài nhi đang thoi thóp thở, thân thể bị kiến bu đầy nhưng đôi mắt bé mở to nhìn bà chằm chằm như muốn nài nỉ, van xin.
"Tôi đem đứa bé về nhà, lau rửa sạch sẽ rồi đi xin sữa cho cháu bú nhưng cũng chỉ được ít phút sau, cháu đã tắt thở. Tôi cứ bị ám ảnh mãi ánh mắt của cháu, cứ đau đáu nhìn tôi. Nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, tôi quyết định phải làm một việc gì đó chứ không thể để những cảnh thai nhi bị người ta bỏ đi mà không hề được chôn cất"- bà Cường tâm sự.
Theo NLĐ
Cá heo liên tiếp chết và dạt biển Phú Yên Thêm một "ông nam hải" dạt vào bờ biển Phú Yên; ngư dân cho rằng đây là những dự báo cho một mùa biển bội thu. Ngày 14/4, người dân địa phương phát hiện xác của một con cá heo dạt vào lạch gành Dưa (thôn Giai Sơn, xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Con cá heo có đường kính...