Những chuyện chưa kể hết về gia đình đạo diễn Huỳnh Phúc Điền
Tron môt năm vi đao diên tai hoa nay ra đi, nhưng trong long nhưng ngươi ơ lai thi Huynh Phuc Điên vân hiên hưu như môt người anh cả đáng kính trong làng giải trí.
Tôi có tham dự đám tang Huỳnh Phúc Điền cách đây một năm. Đám tang toàn hoa trắng. Đó là màu mà Huỳnh Phúc Điền thích. Đó cũng là sự tinh khiết mà đồng nghiệp vẫn nghĩ về tâm hồn của Huỳnh Phúc Điền. Trong đám tang người đạo diễn tài hoa và bạc mệnh ấy cách đây một năm, có rất nhiều giọt nước mắt đã rơi. Đó là giọt nước mắt của gia đình, người thân, của bạn bè, của đồng nghiệp, đó là giọt nước mắt của những người thân quen và cả những người xa lạ, những người chỉ mới nhìn thấy anh trên truyền hình, qua các bài báo nhưng đã yêu mến con người anh, nhân cách của anh, tài năng của anh. Bất kể họ là ai, thì trong đám tang đó, họ cũng đã khóc với tất cảm tình cảm chân thành và sâu lắng nhất của họ dành cho anh. Khi chứng kiến những cảnh tượng đó, tôi đã hình như lâu lắm rồi người ta mới thấy có một người đã chết lại để lại nhiều tiếc thương đến thế, nhiều nước mắt đến thế. Vì thế, trong những ngày tròn một năm sau khi anh qua đời, tôi rất muốn kể lại những câu chuyện về anh…
Người sinh ra để yêu những cái đẹp của cuộc đời
Huỳnh Phúc Điền sinh năm 1970, có bố là nhà biên kịch Huỳnh Văn Ni. Tuổi thơ anh sớm bất hạnh bởi mẹ anh đã qua đời khi Huỳnh Phúc Điền còn chưa nhận thức được thế nào là nỗi đau, là sự chia ly, mất mát. Ngày đó anh còn quá nhỏ, chẳng thể hình dung được dáng hình người mẹ hiền yêu thương của mình ra sao. Nhưng ngay từ khi vừa đủ lớn để kịp hiểu nỗi đau của một đứa trẻ mồ côi mẹ, anh đã khao khát vô cùng cái cảm giác được có mẹ, được ngụp lặn trong cái tình yêu thương đó dù chỉ một lần. Chính vì thế, khi còn bé, đã có không ít lần anh hi vọng một ngày nào đó sẽ có một phép màu kì diệu xảy ra. Một người phụ nữ có gương mặt hiền lành, phúc hậu như một bà tiên trong trí tưởng tượng của anh, sẽ xuất hiện trước mặt anh và nói “mẹ là mẹ của con”. Nhưng giấc mơ đó không bao giờ thành sự thực. Phép màu đó vĩnh viễn chẳng thể xảy ra. Mang trong mình mơ ước không bao giờ thành sự thực đó nên trong chương trình đầu tiên của Việt nam ca hát do anh làm đạo diễn, Huỳnh Phúc Điền đã lấy cái tên “Mẹ, tôi và em” làm tên và chủ đề xuyên suốt cho chương trình.
Ngay từ khi còn là một cậu bé, Huỳnh Phúc Điền đã là một người nhạy cảm, dễ xúc động. Trong khi những đứa trẻ khác mải mê chơi đùa, nghịch ngợm thì Huỳnh Phúc Điền thường ngồi trầm tư và chiêm nghiệm những điều mà mình nhìn thấy và cảm nhận thấy trong cuộc đời này. Tuổi thơ của anh gắn liền với dòng sông Cửu Long chảy nặng phù sa. Chiều chiều cái thú vui nhất của Huỳnh Phúc Điền là mang cây đàn ra ngồi bên bờ sông, ngồi tựa lưng vào một gốc dừa vắng vẻ và ngâm nga hát, vừa hát những bài hát ngợi ca vẻ đẹp cuộc sống, vừa để những cơn gió lành từ dòng Cửu Long Giang thổi mát tâm hồn mình. Sống giữa thiên nhiên hiền hòa là một trong những yếu tố làm nên tính cách và con người Huỳnh Phúc Điền: lãng mạn và dịu dàng, chân thành và trong sáng.
Năm Huỳnh Phúc Điền lên lớp 8, cuộc đời Huỳnh Phúc Điền đã bước sang một trang khác, vào cái ngày mà một đoàn cán bộ của Trường Cao đẳng Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện tại trường anh để tuyển chọn những mầm non nghệ thuật để đưa về trường đào tạo. Trong lượt sát hạch cuối cùng, khi tất cả các thí sinh được chọn được yêu cầu thể hiện năng khiếu của mình, Huỳnh Phúc Điền đã hát bài “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Những ca từ dịu dàng, tha thiết của bài hát cứ thế vang lên và Huỳnh Phúc Điền đã hát những ca từ đó, không phải với tâm hồn non nớt của một cậu bé lớp 8 vô âu vô lo mà hát với sự cảm nhận của một người đàn ông trưởng thành về nhân tình thế thái, về cuộc đời, về lòng người. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Ai cũng một thời trẻ trai…”. Sau này nhớ lại, Huỳnh Phúc Điền kể rằng khi hát bài hát đó, anh đã nghĩ về đất nước, về quê hương, về những người đang sống và những người đã chết, những người đang lao động miệt mài, đang cống hiến và hy sinh. Anh hát bài hát đó nhập tâm đến nỗi mà nước mắt tuôn trào lúc nào không hay. Sau phần thể hiện ấn tượng đó, Huỳnh Phúc Điền đã trúng tuyển hệ chính quy của trường Cao đẳng Văn hóa và bắt đầu khăn gói quả mướp lên Thành phố Hồ Chí Minh nhập học, bắt đầu cuộc sống xa gia đình, xa người thân, xa quê hương làng xóm, xa dòng Cửu Long gắn liền với những ký ức tuổi thơ.
Video đang HOT
Là một cậu trai tỉnh lẻ lên thành phố nhập học, nên trong suốt những năm tháng đó, cuộc sống của Huỳnh Phúc Điền gặp không ít khó khăn. Anh vừa phải tự chăm sóc bản thân, học cách tự lập, vừa theo đuổi việc học vất vả ở môi trường nghệ thuật vô cùng khắc nghiệt, vừa phải mưu sinh kiếm sống để đỡ đần một phần gánh nặng cho cha. Ngày đó, ngoài giờ học và tập kịch ở trường, anh chẳng nề hà bất cứ công việc nào, từ bán bánh mì đến vá xe, làm thuê, làm mướn. Ngày ấy, trong lứa học sinh nghèo của trường, Huỳnh Phúc Điền còn chơi thân với Phước Sang, Nhật Cường, Hoàng Sơn, Lê Tuấn Anh. Dù nghèo nhưng họ coi nhau như anh em trong gia đình, bất cứ ai khó khăn, đau yếu cũng đều được tất cả mọi người động viên, giúp đỡ và chia sẻ những gì mình có. Những người bạn cùng chơi chung với Huỳnh Phúc Điền ngày ấy giờ đều là những người thành đạt, có tên tuổi. Họ vẫn gắn bó với nhau như những năm tháng thuở hàn vi. Chỉ có điều, Huỳnh Phúc Điền đã ra đi quá sớm, để lại biết bao nuối tiếc cho những người ở lại.
Người anh cả đáng kính trong làng giải trí
Những ngày đầu bước vào con đường nghệ thuật, Huỳnh Phúc Điền dự định trở thành một nhà biên kịch. Nhưng số phận có lẽ đã định anh phải trở thành một đạo diễn tài hoa, nên ngay từ những năm tháng đó, con đường mà Huỳnh Phúc Điền chọn ban đầu đã không thể đem lại cho anh những vinh quang nghề nghiệp. Huỳnh Phúc Điền bắt đầu tập viết kịch bản từ cuối những năm 1980, khi anh bước vào tuổi 18. Đến năm 1991, trong lần gửi tác phẩm dự thi đến Liên hoan tác giả chuyên nghiệp Toàn quốc với vở kịch “Cõi tình”, Huỳnh Phúc Điền đã giành huy chương vàng khi mới tròn 21 tuổi. Thành công đó những tưởng sẽ tạo thành bước đà cho anh chinh phục đỉnh cao nghề nghiệp của con đường mà mình đã chọn. Nhưng sau đó, những tác phẩm của anh như “Chỉ còn âm nhạc”, “Nơi đây một dòng sông dừng lại” dù đã được dựng thành kịch, thành phim, vẫn không mang lại cho anh sự hài lòng và hạnh phúc như anh tưởng. Đó là những năm tháng cực kỳ hoang mang trong cuộc đời Huỳnh Phúc Điền, bởi anh có cảm giác những kịch bản phim, những số phận con người do anh tạo ra, những đêm dài thức trắng để sáng tạo nghệ thuật đầy đau đớn đã bào mòn anh, khiến anh mất dần đam mê sáng tạo. Những khó khăn, hoang mang đó đã khiến anh đổ bệnh một thời gian dài, rơi vào cảnh thiếu thốn vô cùng, để rồi trở thành động lực thúc đẩy anh rẽ sang một hướng đi khác, đó là trở thành một đạo diễn tài ba và có uy tín nhất nhì làng giải trí Việt.
Những ngày đầu đến với nghề đạo diễn, Huỳnh Phúc Điền cũng gặp không ít khó khăn. Suốt một thời gian dài, công việc chính của anh là đi dựng những chương trình văn nghệ quần chúng, mang tính nghiệp dư ở các trường học, các khu chùa, vào các dịp lễ tết trong năm. Dần dần, nhờ sự mày mò, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và năng khiếu trời phú, Huỳnh Phúc Điền bắt đầu trở thành cái tên được chú ý trong giới đạo diễn. Anh bắt đầu được mời thực hiện các chương trình ca nhạc thiếu nhi, rồi các chương trình của các ca sĩ trẻ và bắt đầu thực hiện những chương trình lớn hơn. Thời chưa thành danh, có lần đứng xem chương trình “Duyên dáng Việt nam” từ trong cánh gà, Huỳnh Phúc Điền đã vừa thán phục, vừa ao ước một ngày nào đó mình sẽ trở thành đạo diễn của chương trình này. Chỉ vài năm sau, ước mơ đó không những đã trở thành sự thực, mà Huỳnh Phúc Điền còn đạt kỷ lục về đạo diễn có số lần thực hiện chương trình “Duyên dáng Việt Nam” nhiều nhất. Điểu đáng nói là chương trình nào của anh cũng thành công rực rỡ và được nhiều người khen ngợi về những ý tưởng và sự làm mới không ngừng qua từng chương trình.
Đó là lúc tên tuổi của Huỳnh Phúc Điền đã thực sự tạo được sức hút. Nhiều chương trình lớn như “Duyên dáng Việt Nam”, “Làn sóng xanh”, “Mai vàng” đều đã tin tưởng giao cho anh vị trí tổng đạo diễn. Tên tuổi anh đã gắn liền với những live show lớn của Quang Dũng, Mỹ Tâm, Mr. Đàm. Anh đã hai lần đoạt giải đạo diễn trong chương trình “VTV Bài hát tôi yêu” nhờ những ý tưởng mang đậm phong cách và dấu ấn cá nhân của mình. Cái tên Huỳnh Phúc Điền trở thành một thương hiệu đảm bảo sự thành công cho các chương trình. Anh cũng là đạo diễn được nhiều ca sĩ nổi tiếng chọn mặt gửi vàng khi thực hiện những video clip mới, làm những album mới…
Lúc còn sống, Huỳnh Phúc Điền tâm sự: Anh vô cùng biết ơn và yêu mến mảnh đất Sài Gòn, bởi chính nơi đây đã đem lại cho anh cuộc sống, tương lai, tiền tài, danh vọng, và cả tình yêu và một mái ấm hạnh phúc. Nhưng anh vẫn trân trọng những năm tháng khó khăn trước kia để giữ cho mình luôn khiêm tốn. Không chỉ được yêu quý vị một đạo diễn tài năng, Huỳnh Phúc Điền còn thực sự chinh phục được tình cảm của người trong giới bởi lối sống giản dị, chân thành và tâm hồn trong sáng của anh. Huỳnh Phúc Điền không bao giờ bon chen với ai, không bao giờ chơi xấu đồng nghiệp, và anh luôn giúp đỡ tất cả mọi người không một chút toan tính, nếu việc đó không vượt ngoài khả năng của anh. Là người ham mê công việc, nên ngay cả khi biết mình đã cận kề với cái chết, Huỳnh Phúc Điền vẫn cố gắng hết sức để hoàn thành những công việc dang dở của mình, với tất cả tâm huyết và sức lực mà anh có thể có được trong những ngày tháng phải đấu tranh với căn bệnh ung thư gan quái ác. Chính đức tính đó càng làm cho bạn bè, đồng nghiệp yêu mến anh hơn và tiếc thương cho sự ra đi của anh – người đạo diễn tài hoa và bạc mệnh của làng giải trí Việt.
Những day dứt còn để lại cho đời
Trong đám tang Huỳnh Phúc Điền, cái hình ảnh khiến bất cứ ai cũng phải nhói lòng là gương mặt đau đớn đến thẫn thờ, tuyệt nhiên không còn cảm xúc của Hải Anh – người vợ hiền lành, dịu dàng của Huỳnh Phúc Điền cùng với ánh mắt ngơ ngác của hai đứa con thơ dại của anh. Huỳnh Phúc Điền ra đi ở tuổi 39, cái tuổi còn quá trẻ, cái tuổi đang còn cống hiến rất nhiều, cái tuổi mà trách nhiệm đối với gia đình, với vợ con vẫn còn rất nặng nề với một người đàn ông. Sự ra đi của anh khiến những đứa con mà anh rứt ruột đẻ ra và rất mực yêu quý trở thành những đứa trẻ mồ côi. Lúc còn sống, khi phải chiến đấu với bệnh tật, hẳn những ý nghĩ đó đã dày vò anh không ít lần. Anh kể là, suốt thời gian chữa bệnh ở Singapore, mỗi lần đón con trai sang thăm rồi tiễn cháu về, khi nhìn qua cửa kính ở phòng chờ sân bay, anh chẳng thể ngăn được những giọt nước mắt rơi trên gương mặt mình. Dự cảm không lành về tương lai khiến anh đau đớn khi nghĩ rằng rồi sẽ có một ngày, con anh sẽ vĩnh viễn mất đi tình yêu và sự chăm sóc của anh. Khi nhìn những đứa con của anh, tôi lại nghĩ đến hình ảnh của anh trong những năm tháng xa xưa, hình ảnh của một đứa trẻ mồ côi mẹ và lúc nào cũng khao khát có mẹ. Khi ấy, tôi tự hỏi, liệu các con anh có bao giờ giống anh, có bao giờ mơ rằng ba chúng chưa chết, và một ngày nào đó, anh sẽ xuất hiện trước mặt chúng, nở nụ cười hiền từ và nói: “Ba đã về” – như sau một chuyến đi công tác xa lâu ngày.
Những ngày cuối đời trên giường bệnh, điều khiến Huỳnh Phúc Điền thấy rằng nặng trĩu nhất chính là sự ra đi của mình sẽ để lại khoảng trống không thể bù đắp trong lòng vợ anh và các con anh, đồng thời đó là nỗi lo vợ con mình sẽ không còn chỗ dựa để nương tựa trong những lúc sóng to gió cả và những năm tháng dài sau này. Đó là những người quan trọng nhất với cuộc đời anh, những người mà anh đã vì họ mà sống, mà làm việc và chiến đấu với bệnh tật cho đến giây phút cuối cùng.
Trước khi Huỳnh Phúc Điền mất, tôi thường xuyên ghé thăm blog của anh, nhìn những tấm ảnh vợ chồng con cái anh chụp trong những chuyến đi chơi xa và đọc những entry anh kể về gia đình. Sau khi anh mất, tôi không bao giờ còn ghé thăm blog đó nữa, bởi nhìn những bức ảnh hạnh phúc của anh bên gia đình, tôi không thể chịu đựng được ý nghĩ rằng nó đã mãi mãi chỉ còn là ký ức.
Bất cứ người phụ nữ nào cũng phải ghen tỵ với chị Hải Anh – vợ đạo diễn Huỳnh Phúc Điền, khi nghe anh kể về chị. Những lúc đó, ánh mắt anh long lanh, ấm áp và chan chứa yêu thương. Hải Anh là con gái đất Hà Thành. Chị là người phụ nữ khiến bất cứ ai gặp một lần cũng phải yêu quý vì vẻ đẹp dịu dàng và tính cách hiền lành, nhu mì của chị trong từng lời ăn tiếng nói, từng ứng xử, hành động. Hai vợ chồng Huỳnh Phúc Điền gặp nhau trong một ngày mà Huỳnh Phúc Điền thường gọi đùa là định mệnh, cái ngày mà anh nói rằng anh thực sự biết ơn nghề đạo diễn của mình vì đã giúp anh tìm được người phụ nữ của đời mình. Ngày hôm đó, trong một buổi quay của một phim ca nhạc do anh làm đạo diễn, Huỳnh Phúc Điền đã vô tình lia ống kính máy quay vào gương mặt của một cô diễn viên trẻ có vẻ đẹp hết sức dịu dàng, trong sáng. Ngay lập tức bị “trúng sét”, Huỳnh Phúc Điền đã “lợi dụng quyền hành của một đạo diễn” và tìm mọi cách mời cô diễn viên trẻ đó tham gia các phim ca nhạc sau của anh.
Mỗi lần nhớ lại kỷ niệm đó, Huỳnh Phúc Điền đều tủm tỉm cười về sự “láu lỉnh” của mình. Suốt thời gian đó, anh thường làm việc chăm hơn mức chăm chỉ bình thường của mình rất nhiều, chỉ để tranh thủ càng nhiều càng tốt những giây phút gặp gỡ cô gái mà mình thầm thương trộm nhớ. “Tranh thủ” đến nỗi, có những đêm quay phim đến tận 12h đêm, anh vẫn chưa cho cả đoàn nghỉ, vì lý do thực sự gì thì khi ấy chỉ có mình anh biết. Một thời gian sau đó, họ lên xe hoa và viết tiếp câu chuyện tình yêu của mình khi bước sang đời sống vợ chồng.
Ngày Hải Anh và Huỳnh Phúc Điền mới yêu nhau, Huỳnh Phúc Điền vẫn là một chàng đạo diễn nghèo, cuộc sống khó khăn, chật vật, nhưng cô gái đất Hà Thành có vẻ đẹp dịu dàng đó vẫn tin tưởng gửi gắm cuộc đời mình cho anh. Và cuối cùng, sau những thành công và vinh quang, sau những khó khăn và sóng gió, Huỳnh Phúc Điền càng có niềm tin khẳng định rằng mình đã không chọn nhầm khi yêu thương và kết hôn với một người phụ nữ tuyệt vời như thế. Ngay cả trong những lúc cơ hàn hay khi kỷ niệm 10 năm ngày cưới trong một bệnh viện tại Singapore, anh vẫn may mắn có chị bên cạnh đồng hành, chia sẻ và yêu thương.
Trong Blog của Huỳnh Phúc Điền, mỗi lần nhắc về vợ, anh luôn dành cho vợ hai tiếng trìu mến “mẹ Anh”, và dưới những bức ảnh hai vợ chồng chụp với nhau, anh luôn chú thích “vợ chồng xinh đẹp”. Họ đã có gần 12 năm hạnh phúc, trước khi anh vĩnh viễn giã biệt cuộc đời vì bệnh tật. 2 năm đấu tranh kiên cường với bệnh tật, là hai năm Huỳnh Phúc Điền càng thêm yêu và cảm phục người vợ dịu dàng nhưng rất mạnh mẽ, cứng cỏi của mình. Chính chị là người đã động viên anh, đã tiếp thêm cho anh sức mạnh và niềm tin để vượt qua những đau đớn bệnh tật, để không ngừng nuôi hy vọng cho đến giây phút cuối cùng. Chính chị là người đã luôn ở bên anh trong những lúc anh vật vã bởi những cơn đau hành hạ. Chính là chị đã luôn theo anh trong những chuyến đi chữa bệnh nơi xứ người đầy mệt mỏi và vất vả, để cố gắng giữ gìn được càng nhiều khoảnh khắc bên nhau càng tốt. Chị động viên anh bằng niềm tin và sự lạc quan của chị. Chị đau lòng khi thấy anh mỗi ngày một gầy yếu, nhưng chị chưa bao giờ để anh thấy điều đó. Suốt hơn 2 năm anh chống chọi với bệnh tật, hẳn đã không ít lần chị rơi nước mắt. Nhưng chị chưa bao giờ để anh nhìn thấy những giọt nước mắt ấy. Ngay cả trong đám tang anh, chị cũng không kêu gào vật vã như những người phụ nữ khác. Người ta có cảm giác chị giấu nỗi đau vào lòng, để đêm về, khi chỉ còn lại một mình, chị sẽ lôi nó ra mà mặc sức để những đau đớn đó hành hạ mình.
Trong những tâm sự cuối cùng của đời mình, Huỳnh Phúc Điền đã nói: Anh ước gì anh không có vợ và có hai đứa con đáng yêu như thế. Bởi họ là cái sợi dây níu kéo khiến anh chẳng am tâm rời bỏ cuộc đời. Bởi họ là những người khiến anh chẳng thể yên lòng khi nhắm mắt xuôi tay. Ai sẽ thay anh chăm sóc cho những người anh yêu thương? Ai sẽ đưa con gái anh đi chơi? Ai sẽ dạy cho con trai anh cách quay những thước phim đẹp về cuộc sống? Ai sẽ là chỗ dựa cho vợ con anh khi anh chẳng còn trên cõi đời này?
Trong những ngày khi Huỳnh Phúc Điền ra đi, mọi người nói về anh rất nhiều. Người ta nói về chuyện anh đã để lại di nguyện dành toàn bộ số tiền phúng điếu mình cho quỹ Ung bướu dành cho những bệnh nhân ung thư. Người ta nói về chuyện anh đã tự tay viết kịch bản đám tang cho mình. Người ta nói về ước nguyện của anh trước khi chết, đó là được nghe những giai điệu da diết của bài hát “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong đám tang mình. Đó là thông điệp mà anh gửi lại cho những người còn sống, những người ở lại, cho vợ con anh, cho bạn bè, cho đồng nghiệp, cho những người sẽ mãi mãi yêu thương và đau đớn về sự ra đi của anh.
Theo Đang Yêu