Những chứng cứ tréo ngoe, vô lý trong kỳ án vườn mít
Số phận long đong của bị cáo Lê Bá Mai vẫn tiếp tục xoay vần theo các phiên tòa dù không có những tình tiết mới có tính chất quyết định. Những chứng cứ xác lập tréo ngoe, vô lý, thế mà tòa án lại phải dựa vào để quyết định số phận pháp lý cao nhất là mạng sống của một con người.
Tòa đếm số bản khai nhận tội và không nhận tội để buộc tội
Những tháng ngày được trả tự do, chưa bao giờ gia đình Mai, gia đình ông chủ vườn mít Dương Bá Tuân, cả các luật sư bào chữa cho Lê Bá Mai vui mừng đến thế.
Dù Viện kiểm sát tỉnh kháng nghị, gia đình nạn nhân kháng cáo, nhưng Mai và những người bảo vệ cho Mai đều tin cấp phúc thẩm sẽ tuyên y án sơ thẩm. Nhưng niềm vui đó đã bị chặn lại. Tháng 5/2012, bất ngờ Mai bị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM ra lệnh bắt giam lại.
Tại phiên tòa phúc thẩm lần hai, tòa cho rằng tuy vụ án đã qua nhiều lần điều tra và nhiều cấp xét xử, nhưng đánh giá một cách toàn diện, khách quan các chứng cứ đã thu thập được (kể cả chứng cứ gỡ tội và chứng cứ buộc tội) thì kháng nghị của viện kiểm sát tỉnh là có căn cứ.
Tòa viện dẫn trong giai đoạn điều tra từ đầu, có tổng cộng sáu biên bản ghi lời khai của Mai, chỉ có một bản khai đầu tiên Mai không nhận tội, còn lại năm bản khai Mai đều nhận tội. Ngoài ra, còn có hai bản tự khai do chính tay Mai viết và một bản tường trình cùng lập ngay sau ngày phát hiện xác cháu Thị Út, Mai thừa nhận mình chính là thủ phạm.
Ngày 25/12/2004, Mai đã tự vẽ lại hiện trường vụ án. Năm ngày sau, Mai thực hiện diễn biến hành vi phạm tội đúng như nội dung vụ án mà Mai khai tại cơ quan điều tra.
Về lời khai của nhân chứng Thị Hằng, tòa căn cứ ba bút lục cháu Hằng khẳng định Mai là người đã chở cháu Út đi vào 9h sáng ngày 12/11/2004, ngày cháu Út mất tích.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần 1, Mai nhận tội. Khi kháng cáo, Mai cũng chỉ cho rằng án tuyên quá nặng và xin xem xét giảm nhẹ hình phạt. Đến khi ra tòa phúc thẩm lần 1, Mai mới không thừa nhận hành vi phạm tội.
Trong giai đoạn điều tra lại lần hai, Mai có tất cả 9 bản khai và 3 bản tự khai. Trong đó có 5 bản khai và 2 bản tự khai, Mai nhận tội. Còn 4 bản khai và 1 bản tự khai, Mai không nhận tội. Tòa phúc thẩm lần hai xét trong số các lời khai lần này, hầu hết có mặt luật sư bào chữa, bị cáo không bị đe dọa, ép cung hay đánh đập. Đánh giá về những lời khai nhận tội, bị cáo Mai còn xác định khi bị tuyên án tử hình, vì sợ chết, muốn kéo dài sự sống bằng cách kêu oan, không nhận tội.
Sau khi nhận bản cáo trạng lần hai, bị cáo Mai suy nghĩ lại nên nhận tội đã hiếp và giết cháu Út. Lời khai của cháu Hằng khi điều tra lại vẫn khẳng định người chở cháu Út đi là Mai.
Tòa phúc thẩm lần hai còn đối chiếu lời khai của bị cáo, nhân chứng với vật chứng thu giữ tại hiện trường, xác định rõ nhiều vấn đề mà tòa cho là cơ bản của vụ án là phù hợp như quan điểm đại diện viện kiểm sát nêu. Bị cáo khai nạn nhân Út có cầm củ sắn đang ăn dở, khám nghiệm hiện trường thu được củ sắn bị cắn một phần (hình chụp củ sắn thu được tại hiện trường sau 5 ngày mà còn mới tinh, không có dấu răng cắn mà có vết dao cắt – PV).
Lê Bái Mai trước vành móng ngựa
Bị cáo khai cháu Út ngã nằm đè lên cây khoai mì nên bị cáo nhổ đi, khám nghiệm hiện trường có một cây khoai mì bị nhổ bung gốc, lá đã héo.
Bị cáo khai cháu Út không mặc quần lót, khám nghiệm hiện trường cháu Út không có quần lót. Bị cáo khai dùng quần dài buộc hai nút thắt xiết cổ nạn nhân, khám nghiệm tử thi trên cổ nạn nhân bị quần dài quấn quanh, có hai nút thắt.
Khi nhận dạng, bị cáo nhận dạng chính xác vật chứng này là chiếc quần mà cháu Út đã mặc khi bị bị cáo hiếp dâm và dùng chiếc quần đó xiết cổ nạn nhân. Mai khai để nạn nhân lật úp xuống, khám nghiệm hiện trường tư thế nạn nhân nằm úp như lời khai của Mai.
Video đang HOT
Chứng cứ quá yếu để buộc tội
Đặc biệt, tòa phúc thẩm lần hai còn viện dẫn việc khám nghiệm hiện trường có chụp ảnh dấu vết hằn của vân lốp xe. Kết quả giám định số 4613 của Phân viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) kết luận dấu vết vân lốp xe để lại hiện trường với vân lốp bánh sau xe môtô Mai đi sáng ngày cháu Út mất tích, thu qua thực nghiệm và ghi nhận bằng phương pháp chụp ảnh là cùng một loại vân lốp (trong khi kết luận giám định ghi rõ là “không đủ yếu tố giám định truy nguyên lốp xe cụ thể” – PV).
Các vấn đề khác trong án giám đốc thẩm yêu cầu, tòa phúc thẩm lần hai cho rằng về cơ bản đã được điều tra làm rõ, như lời khai của anh Điểu Ky, cháu Hằng, ông Trần Văn Sinh, anh Nguyễn Văn Trong, xác định nạn nhân chính là cháu Út…
Về một số đồ vật phát hiện tại hiện trường ngày 17/11/2004 và vật chứng mà cơ quan điều tra thu giữ như bật lửa màu đỏ, chiếc dép da cũ, các cọng tóc, chiếc mũ kết màu đỏ, bình phun thuốc trừ sâu… đây là những nội dung đã được điều tra bổ sung. Có vấn đề đã được làm rõ, nhưng cũng có vấn đề do nhiều nguyên nhân không thể điều tra lại được.
Đối với các vật chứng đã thu giữ được, trong quá trình điều tra bổ sung đã được kiểm chứng bằng cách cho Mai nhận dạng: Mai nhận dạng được ba chiếc quần dài thu của mình, trong đó có chiếc quần kaki màu xám có dây ni lông cột thay cúc quần là quần dài Mai mặc ngày cháu Út mất tích, phù hợp với quần dài của Mai được cháu Hằng nhận dạng và Mai tự chọn quần dài mặc ngày thực nghiệm điều tra lại.
Trong số bốn chiếc áo thun của Mai thì Mai nhận dạng được hai cái. Trong đó, có một cái áo loại blu-dong màu xanh và chiếc áo dài tay màu sẫm Mai tự lấy mặc ngày cháu Út mất tích, phù hợp với áo Mai tự chọn mặc vào ngày thực nghiệm điều tra lại.
Mai nhận ra đôi dép nhựa màu trắng chiếc bị đứt quai có buộc dây thép chính là đôi dép của Mai đã mang vào ngày cháu Út mất tích.
Mai còn nhận ra chiếc nón màu đỏ mà điều tra viên Nguyễn Thanh Phước thu (thu tại Công an xã An Khương, còn chiếc nón kết màu đỏ tại hiện trường đã được điều tra viên giao cho gia đình nạn nhân chôn theo phong tục, nhưng không rõ là giao cho ai – PV) là chiếc nón bị cáo sử dụng ngày cháu Út mất tích.
Mai cũng nhận ra đúng chiếc quần của nạn nhân đã mặc và Mai đã dùng để xiết cổ nạn nhân. (Lý giải về các lời khai khác nhau về hình dáng, màu sắc chiếc quần nạn nhân mặc, kết quả điều tra bổ sung cho rằng “do cách gọi và thể hiện trong ghi biên bản có sự khác nhau nên chiếc quần quấn trên cổ nạn nhân có sự khác nhau mặc dù chỉ là một chiếc quần. Qua kiểm tra tại kho vật chứng đã xác định được chiếc quần dài 56 cm, màu trắng đục đã cũ” (?) – PV).
Mai không nhận dạng được chiếc quẹt ga nhưng xác nhận chiếc quẹt ga Mai mang theo và làm rơi trong buổi sáng ngày cháu Út mất tích cùng màu đỏ như chiếc quẹt Big thu ở hiện trường. (Trong khi cơ quan điều tra lấy lời khai của Dương Ngọc Thạch, cháu của ông Tuân, anh Thạch xác nhận thời điểm xảy ra vụ án, anh có đi bắt ong tại khu vườn mít trên, có đem theo một quẹt ga để đốt lửa hun khói, nhưng đã đánh rơi, không rõ chỗ nào.
Ngoài ra, chiếc quẹt ga màu đỏ ở hiện trường chỉ được chụp ảnh chứ không được điều tra viên thu giữ vì cho rằng đồ vật này bị cỏ rác phủ, có từ trước khi xảy ra vụ án – PV).
Lý giải về dòng chữ “1 thùng đựng đá màu đỏ” ghi thêm vào, bản kháng nghị của VKSND Tối cao cho rằng nhìn mắt thường có nét chữ khác với nét chữ của những hàng chữ khác trong biên bản về việc anh Trong nộp áo quần, nón lá, khăn của Mai, dù anh Trong không nộp thùng đựng đá màu đỏ, điều tra viên đã giải trình: Sau khi xét hỏi Mai khoảng 30 ngày, điều tra viên Nguyễn Hữu Huấn cùng với trưởng công an xã An Khương và công an viên Trần Văn Sinh, thu một thùng đựng đá màu đỏ tại chòi ở của Mai vào lúc 14h. Khi đó, trong chòi không có ai, cho nên điều tra viên đã không lập biên bản theo quy định (?).
Tòa phúc thẩm lần hai xác định những lời khai nhận tội của Mai, đặc biệt là những lời khai có luật sư bào chữa trực tiếp tham dự và đại diện viện kiểm sát chứng kiến, phù hợp lời khai nhân chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, các biên bản thực nghiệm điều tra, vật chứng thu giữ về thời gian, địa điểm xảy ra vụ án, đối tượng xâm hại, cách thức thực hiện tội phạm.
Trong đó, có những tình tiết cụ thể chỉ có đối tượng thực hiện mới khai báo được. Mặc dù trong quá trình điều tra vẫn còn một số thiếu sót và một số điểm chưa thống nhất, nhưng không làm thay đổi bản chất và các tình tiết khách quan của vụ án. Vì các lẽ trên, tòa tuyên hủy bản án sơ thẩm lần hai để xét xử sơ thẩm lại một lần nữa.
Lẽ ra phải tuyên án tử hình, tòa lại tuyên án tù chung thân?
Tám tháng sau, TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm lần ba. Tòa này căn cứ các chứng cứ buộc tội không có gì mới so với án phúc thẩm lần hai. Có khác chăng là lần này luật sư Bùi Quang Nghiêm bào chữa cho Mai đề nghị tòa xem xét việc cơ quan điều tra vi phạm thủ tục tố tụng.
Luật sư Trịnh Thanh bào chữa cho Lê Bá Mai đang chỉ ra những điểm mâu thuẫn trong biên bản hiện trường do cơ quan điều tra lập ra
Tòa xác định trong quá trình điều tra ban đầu, cơ quan điều tra có sai sót và vi phạm tố tụng về thu thập chứng cứ, thu giữ, bảo quản vật chứng, do đó nhận định của luật sư có cơ sở. Nhưng tòa cho rằng những sai sót, vi phạm đó không làm ảnh hưởng đến việc đánh giá sự thật của vụ án.
Luật sư Trịnh Thanh đề cập bản vẽ hiện trường do chính Mai vẽ mâu thuẫn với bản vẽ hiện trường do cơ quan điều tra lập, dù Mai khá rành về địa hình trang trại ông Tuân. Mai vẽ tới ngã ba thứ hai thì Mai rẽ trái, trong khi nhân chứng Hằng khai Mai chạy xe đi thẳng.
Vị trí thi thể nạn nhân trong bản vẽ của Mai cách vị trí thi thể nạn nhân trong bản vẽ của cơ quan điều tra hàng trăm mét. Tòa lý giải đó là do trình độ của Mai có hạn, không thể vẽ được như cơ quan điều tra, bản vẽ hiện trường bị cáo vẽ, về cơ bản phù hợp với bản vẽ hiện trường của cơ quan điều tra về địa điểm, hướng bị cáo xuất phát, vị trí cháu Hằng, cháu Út đứng và nơi cháu Út bị giết. Do đó, tòa bác bỏ ý kiến này của luật sư Thanh.
Luật sư đưa ra quan điểm về đồ vật bị cáo mang theo vào ngày nạn nhân mất tích, giữa lời khai của Mai và cháu Hằng có sự mâu thuẫn. Cháu Hằng khai Mai mang theo bình xịt màu xanh, bình nước đá màu đỏ. Mai khai ở chòi không có bình nước đá màu đỏ, chỉ có bình xịt inox màu trắng.
Tòa cho rằng trong lời khai của hai nhân chứng Đỗ Thanh Trường, Nguyễn Văn Trong đều khai nơi Mai ở có bình nước đá màu đỏ (nhưng tòa không viện dẫn bút lục nào), như vậy là phù hợp với lời khai của cháu Hằng.
Về bình xịt màu xanh, tòa cho rằng thời điểm cháu Hằng quan sát thấy Mai, khi đó cháu Hằng mới 9 tuổi, việc xác định màu sắc có thể nhầm lẫn do các yếu tố về thời tiết, tự nhiên. Tại phiên tòa sơ thẩm lần ba, lúc này cháu Hằng đã hơn 17 tuổi, cháu Hằng khẳng định khi nhìn thấy Mai chạy xe đi ngang, cháu Hằng “chỉ nhìn qua và xác định là chú Mai chứ không quan sát kỹ màu sắc đồ vật”, do đó quan điểm của luật sư không được tòa chấp nhận.
Điều gây sốc của phiên tòa này chính là kết cục của bản án. Tòa nhận định bị cáo Mai coi thường pháp luật, coi thường tính mạng sức khỏe người khác, trong thời gian ngắn thực hiện nhiều hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Tại phiên tòa, Mai không khai báo thành khẩn, luôn có thái độ ngoan cố để che đậy hành vi phạm tội của mình. Hành vi của Mai là đặc biệt nguy hiểm, cần áp dụng hình phạt cao để giáo dục, phòng ngừa chung. Xét về tình tiết giảm nhẹ, tòa cho rằng Mai chưa có tiền án, tiền sự, là dân lao động, hơn nữa vụ án xảy ra đã lâu nên cần cách ly Mai khỏi xã hội không thời hạn.
Dù viện kiểm sát đề nghị án tử hình đối với tội giết người, nhưng tòa lại xử mức án tù chung thân, tổng hợp cả án hiếp dâm trẻ em, Mai lãnh án chung là tù chung thân.
Xét về luật hình sự, nếu thật sự Mai phạm tội ác tày trời như thế trong hoàn cảnh như thế, tòa án không thể xử mức án nào khác ngoài mức án cao nhất: tử hình. Do đó, viện kiểm sát tỉnh đã kháng nghị bản án trên theo hướng phải xử án tử hình đối với tội giết người. Mai tiếp tục kháng cáo kêu oan. Tất cả phải chờ xem ở phiên xử phúc thẩm lần ba sắp tới.
Theo Xa lộ Pháp luật
Tiếp tục những sai sót "chết người" trong kỳ án vườn mít
Sau khi VKSND Tối cao kháng nghị, án tử hình tạm dừng thi hành, kỳ án Vườn Mít được xem xét lại kỹ càng hơn. Hai bản án tuyên tử hình Lê Bá Mai với quá nhiều lỗi tố tụng "chết người" bị giám đốc thẩm tuyên hủy. Số phận tử tù Lê Bá Mai chuyển sang một chương mới tươi sáng: được tuyên vô tội và trả tự do. Thế nhưng niềm vui chẳng tày gang, chẳng bao lâu Mai bị bắt lại, bản án vô tội với nhiều lý lẽ sắc sảo bị... tuyên hủy.
Nghi ngờ nạn nhân chưa chắc là Út
Trong lúc gia đình tử tù Lê Bá Mai và ông chủ vườn mít Dương Bá Tuân vô cùng tuyệt vọng, đêm ngày hồi hộp không yên, nhiều lần ngủ thấy ác mộng vì cho rằng Mai đã bị đem ra trường bắn để tử hình thì không còn gì cứu vãn nổi, kháng nghị của VKSND Tối cao đã khơi lại cho họ ngọn lửa hy vọng và niềm tin.
Đã 9 năm qua, Lê Bá Mai phải ngồi trước vành móng ngựa bao lần mà "số phận pháp lý" vẫn chưa đến hồi kết.
Tháng 2/2007, Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao giám đốc thẩm vụ án Vườn Mít. Án giám đốc thẩm nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, người bị hại là một bé gái mới 11 tuổi, lại là người dân tộc thiểu số. Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết luận bị cáo Mai phạm tội giết người và hiếp dâm trẻ em, áp dụng hình phạt cao nhất: tử hình.
Nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện không đúng các quy định tố tụng hình sự trong việc chứng minh tội phạm, chỉ căn cứ vào các chứng cứ buộc tội mà bỏ qua nhiều chứng cứ khác.
Do đó, để có căn cứ vững chắc kết án Mai về tội giết người và hiếp dâm trẻ em, ngoài những tình tiết của vụ án đã được chứng minh có ý nghĩa buộc tội bị cáo, cần phải điều tra làm rõ thêm một số vấn đề sau:
Ngay buổi tối 12/11/2004, không thấy cháu Thị Út (11 tuổi) về, cháu Thị Hằng (9 tuổi) kể cho người nhà về đặc điểm người chở cháu Út đi, anh Điểu Ky (cha cháu Hằng) đã nghi người đó là Mai. Anh Điểu Ky và cháu Hằng đã đến hỏi Mai nhưng Mai không nhận, nhưng anh cũng không có phản ứng gì, cũng không báo với chính quyền địa phương hay với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc cháu Út mất tích.
Ngày 16/11/2004, anh Điểu Ky cùng họ hàng tổ chức tìm kiếm cháu Út, đến khoảng 11h30 phát hiện có xác chết trong vườn mít của ông Dương Bá Tuân, nhưng không có tài liệu nào thể hiện cơ quan chức năng như công an xã đã tiến hành lập biên bản về việc anh Điểu Ky phát hiện ra xác chết, cũng không cho gia đình cháu Út nhận dạng tử thi.
Vì vậy, cần hỏi lại những người thân của cháu Út đã căn cứ vào đặc điểm gì để nhận ra đó là cháu Út? Đặc biệt là chiếc quần quấn trên cổ nạn nhân, về màu sắc, cách gọi không thống nhất giữa lời khai với biên bản thu giữ, phải lý giải được vì sao lại có sự khác nhau đó?.
"Mặt khác, đến nay gia đình có nghi ngờ gì về nạn nhân bị giết không phải là cháu Út hay không?", án giám đốc thẩm đặt vấn đề.
Kể cả việc Mai và gia đình khiếu nại Mai bị ép cung, bị vi phạm quyền kháng cáo nhưng chưa được giải quyết. Bản kháng nghị của viện kiểm sát nêu ra những tình tiết khác cũng phải xác minh lại. Vì vậy, Hội đồng giám đốc thẩm quyết định hủy hai bản án phúc thẩm lần 1 và sơ thẩm lần 1. Mai tiếp tục bị tạm giam.
Xem thường vết giày dép tại hiện trường
Thoát án tử, thoát được nỗi sợ hãi bấy lâu, nhưng con đường trước mặt Lê Bá Mai vẫn sâu hun hút khi việc điều tra quay lại từ đầu. Có khác chăng với ngày xưa là lần này vụ án được các ngành chức năng và dư luận quan tâm, giám sát kỹ hơn.
Từng vấn đề còn mâu thuẫn hoặc chưa làm rõ được cơ quan điều tra xác minh lại khá thận trọng. Thời gian điều tra lại kéo dài, nhưng kết quả thu được xác tín nhất lại không phải là chứng cứ buộc tội thuyết phục đối với Mai: sau khi khai quật mộ cháu Út lấy mẫu giám định, cơ quan giám định khẳng định nạn nhân chính là cháu Út. Cháu cũng được xác định đã học tới lớp 4, biết tiếng Việt.
Hơn bốn năm sau án giám đốc thẩm, vụ án Vườn Mít được đưa ra xét xử sơ thẩm lần hai. Tòa đã xem xét toàn diện các chứng cứ và nhận định dù đã được điều tra lại từ đầu nhưng vụ án vẫn còn quá nhiều mâu thuẫn. Tại nhiều bản tự khai và biên bản lấy lời khai, Mai nhận mình phạm tội, không có chứng cứ chứng minh bị đánh đập, ép cung, nhưng lời nhận tội của Mai mâu thuẫn với các chứng cứ quan trọng khác.
Mâu thuẫn về đặc điểm người chở cháu Út đi: Mai khai sau khi rải phân xong, Mai và anh Trong về chòi rồi Mai lấy xe xuống chỗ hai cháu Út, Hằng, xe không chở vật gì. Lời khai này phù hợp với lời khai của anh Trong. Nhưng cháu Hằng khai tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa đều xác định người chở cháu Út đi trên xe có chở bình xịt thuốc rầy dẹp màu xanh và thùng nước đá màu đỏ treo ở ghi đông (ra tòa lần này, cháu Hằng đã 16 tuổi).
Lời khai của cháu Hằng phù hợp với đơn trình báo gửi công an xã và lời khai của anh Điểu Ky ngày 16/11/2004 (ngày phát hiện xác cháu Út). Tuy nhiên, trong bản khi ghi lời nhận tội của Mai sau khi Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hủy án để điều tra lại từ đầu, Mai lại khai mang bình xịt inox màu trắng và can nhựa màu đỏ sẫm.
Tòa dẫn chứng thêm một mâu thuẫn cơ bản khác: đối với vết giày dép in trên hiện trường thể hiện qua bản ảnh hiện trường, nhìn bằng mắt thường cũng có thể xác định có dấu vết hình sin, còn đôi dép thu giữ của Mai thì đế dép có dấu đan chéo hình carô.
Theo những lần Mai nhận tội và biên bản thực nghiệm hiện trường, nếu lời khai đó đúng sự thật thì dấu vết vân lốp xe, dấu giày dép tại hiện trường phải phù hợp với xe Mai đã sử dụng và dép Mai đã đi ngày nạn nhân mất tích. Viện kiểm sát không giám định dấu vết giày dép và cho rằng sau khi vụ án xảy ra, gia đình người bị hại đã nhờ nhiều người đến khu vực hiện trường để tìm người bị hại nên không cần thiết phải giám định dấu vết này là mâu thuẫn, bởi lẽ nếu nhiều người đi lại thì hiện trường phải thể hiện nhiều vết giày dép.
Theo Pháp luật Việt Nam
Công bố những sai sót chết người trong kỳ án vườn mít Giờ đây, kỳ án Vườn Mít với bị cáo Lê Bá Mai đã quá nổi tiếng trước công luận. Nổi tiếng vì đây là vụ án cực kỳ dã man, hung thủ hiếp dâm và giết chết một bé gái 11 tuổi. Nổi tiếng vì vụ án phải xử đi xử lại sơ phúc thẩm đến vòng thứ ba vẫn chưa có phán...