Những chứng bệnh lành tính ở “núi đôi”
Đôi khi những chẩn đoán của bác sĩ như u xơ, u mỡ, u nang, abces vú… khiến bạn không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, chúng không hề liên quan gì đến ung thư vú đâu.
1. U xơ vú
Đây là căn bệnh lành tính thông thường và khá phổ biến ở phụ nữ. U xơ có nguồn gốc từ các tế bào của mô liên kết tại vú tạo nên. Thông thường, u xơ có hình tròn, rắn và nhẵn như viên bi, di động được ở dưới da. Khi nhìn qua phim chụp X-quang, đường chu vi của khối u khá rõ.
Căn cứ vào tính chất, mức độ, vị trí của khối u mà bác sĩ có thể quyết định phương pháp điều trị: phẫu thuật hoặc dùng thuốc điều chỉnh nội tiết nếu như khối u do nội tiết gây ra.
Video đang HOT
Đối với một ca bệnh u xơ “núi đôi” ở phụ nữ trẻ, sau một thời gian điều trị bằng thuốc uống (có sự theo dõi của bác sĩ) mà không thấy u teo đi hay ngừng phát triển mà còn có xu hướng phát triển to lên thì bác sĩ mới chỉ định mổ bóc tách, chọc hút khối u. Còn đối với phụ nữ có tuổi, sự can thiệp dao kéo và thuốc tê sẽ dễ dàng loại bỏ được nỗi lo lắng này.
Một lần nữa nhắc lại với bạn rằng, đây là một bệnh thông thường, lành tính, có thể gặp ở nhiều người. Vì thế, bạn không nên quá căng thẳng. Hãy chú ý ăn uống hợp lý để bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể, tránh xa các chất kích thích và không nên ăn quá mặn!
2. U mỡ, abces vú, cương cứng “núi đôi”
U mỡ là một loại khối u lành tính kết hợp với những tế bào mỡ ở “núi đôi” tạo thành và cũng khá phổ biến. U mỡ phát triển giống như một quả bóng cao su ở dưới da. U mỡ không tự mất đi và cũng không tiêu khi dùng thuốc nên nhất thiết phải có sự can thiệp của dao kéo.
Abces (tiếng Latin: abscessus) là thuật ngữ chỉ một ổ mủ hình thành bằng sự tích lũy trên nền mô cơ bản gây ra bởi một ổ nhiễm trùng đã được xử lý (thường là do vi khuẩn, ký sinh trùng), hoặc do các tác nhân bên ngoài (ví dụ: kim tiêm, vết trầy xước…). Đây là phản ứng tự vệ của cơ thể nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm của các tác nhân đến các thành phần khác của cơ thể.
Abces vú thường gặp ở phụ nữ đang cho con bú. Thực chất, đây là hiện tượng bị nhiễm khuẩn “núi đôi”. Mầm mồng của vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua các khe nứt của tuyến sữa. Ổ abces vú có đặc thù là rất đau nhức, sưng, nóng, đỏ cả một vùng da xung quanh vú, bệnh nhân có thể bị sốt cao… Abces vú nếu phát hiện sớm có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh Erythromycin kết hợp với thuốc giảm đau như Paracétamol. Còn khi ổ abces sưng to và có mủ thì nhất thiết phải chọc kim hút mủ hoặc rạch tháo mủ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có những chỉ dẫn cụ thể!
Ngoài ra, bạn có thể cảm thấy “núi đôi” căng, đau nhức và đôi khi, nó có thể sưng to và hết sức nhạy cảm trong vòng 1-2 tuần trước kỳ nguyệt san thì cũng đừng quá lo lắng. Đây là các triệu chứng tiền nguyệt san do tác động của hormone, hết sức bình thường. Trong khoảng thời gian này, bạn nên tránh xa đồ ăn mặn, không nên sử dụng chất kích thích (rượu, bia, trà, cà phê…). Hãy bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi, ma-giê… vì chúng có tác dụng rất tốt trong việc làm giảm thiểu các triệu chứng rối loạn trước kỳ kinh. Ngủ đủ giấc và luyện tập thể thao cũng là những phương thuốc khá hiệu nghiệm.
3. U nang
Đây là một loại bệnh lý thường thấy ở phụ nữ trong độ tuổi từ 40-50. U nang vú thường không ổn định theo chu kỳ kinh nguyệt, đặc biệt hay xuất hiện vào những lúc kinh không đều. Chúng cứng nhưng bên trong chứa chất lỏng và di động khi ta dùng tay day qua day lại.
Bác sĩ thường khó phân biệt một u nang trong chứa dịch lỏng với một bướu đặc. Phương pháp thông thường là siêu âm hoặc châm kim vào khối bướu để hút dịch rồi mang đến phong thí nghiệm để đi đến kết luận chính xác.
Nếu khi châm kim vào khối u và hút được dịch lỏng, sau đó khối u biến mất, không thấy xuất hiện lại, thì đó là u nang vú lành tính. Còn nếu dịch hút ra từ khối u là máu hoặc khối u không hoàn toàn biến mất sau khi hút dịch; hoặc trong một thời gian ngắn, khối u tái phát thì nó cần được phâu thuật để cắt bỏ.
Cũng có những u nang rất nhỏ, sờ không thấy, nhưng khi chụp phim hoặc siêu âm tình cờ thấy. Chúng là u nang lành tính và có thể không cần làm gì cả.
Theo Dân trí