Những chiêu vào tận nhà để lừa đảo
Giả dạng nhân viên công ty đến nhà để ký hợp đồng, bán hàng giá rẻ, thậm chí còn xưng danh cả cán bộ địa phương dọa nạt là những chiêu lừa đảo ở TP HCM.
Do cần bán nhà, anh Tuấn (45 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP HCM) đăng thông tin lên một số báo và website rao vặt. Ngay hôm sau, có nhóm người tự xưng là nhân viên một công ty bất động sản đã tìm đến khi chỉ có bố mẹ anh Tuấn ở nhà. Sau vài câu giới thiệu, nhóm này cho biết sàn giao dịch bất động sản của công ty họ rất nhộn nhịp, lại miễn phí, chỉ cần tham gia, trong một vài tuần chắc chắn sẽ bán được nhà.
“Ông bà ở nhà có biết gì đâu, nghe họ nói bán được nhà mà không mất gì nên đã đồng ý tham gia”, anh Tuấn kể.
Được gia chủ đồng ý, cả nhóm ào vào nhà, chụp ảnh, xem xét từ trong ra ngoài rồi lôi ra một tờ hợp đồng, yêu cầu chủ nhà ký tên. Xong chuyện, họ thu 1,2 triệu đồng bảo là phí ký gửi bất động sản. Nếu trong thời gian một tháng nhà không bán được, công ty sẽ hoàn tiền trả lại.
Hóa đơn thu 1,2 triệu đồng phí ký gởi bất động sản. Ảnh: N.V
Khi về nhà, nghe ông bà kể lại, anh Tuấn vội lấy bản hợp đồng ra xem. Trong đó ghi tên công ty bất động sản có trụ sở trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) và website của công ty là một trang rao vặt khá nổi tiếng nhưng anh liên lạc lại không được. Nghi mình bị lừa, anh Tuấn đến trụ sở công ty thì phát hiện địa chỉ ghi trong hợp đồng là giả.
Cũng đến tận nhà để lừa nhưng một nhóm khác lại đóng giả làm nhân viên công ty truyền hình cáp.
Giữa tháng 4, hai thanh niên mặc áo một công ty truyền hình cáp, xách theo một bếp gas đến gõ cửa nhà chị Thanh trong hẻm 463 B, đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3). Sau vài ba câu chào hỏi, họ cho biết đang có một bếp ga xịn của người thân bên nước ngoài gửi cho nhưng dư dùng nên muốn bán. “Giá ngoài hơn 2 triệu nhưng em chỉ bán rẻ 700.000 thôi”, người này cho biết.
Vừa nói, họ vừa “khui thùng” chiếc bếp ga còn nguyên đai nguyên kiện cho chị Thanh xem. Cũng đang muốn thay chiếc bếp cũ nên chị này quan tâm hỏi han.
Video đang HOT
Hai thanh niên mồ hôi nhễ nhại, bóc từng lớp keo mới ra cho khách xem hàng. “Chị thấy không, hàng còn mới nguyên chưa sử dụng lần nào”, anh ta hồ hởi. Nhìn chiếc bếp ga mang nhãn hiệu nổi tiếng lại mới cóng, chị Thanh liền quay vào nhà lấy tiền ra trả và không quên mang 2 ly nước mời khách.
Vài ngay sau, khi nhờ nhân viên lắp bếp mới vào bình gas thì chị Thanh mới tá hỏa vì bên trong toàn là hàng cũ. “Chỉ có vỏ ngoài là mới còn bên trong mục gần hết, bán ve chai cũng chỉ được vài ngàn”, chị này than thở.
Mới đây nhất, một gia đình tại quận Gò Vấp còn bị nhóm người giả danh cả cán bộ phường tới lừa đảo.
Chiều 12/7, nghe tiếng chuông cửa nhà reo, bà Đinh Thị Nhận (51 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) ra mở thì gặp 5 người đàn ông, ăn mặc lịch sự, xách theo cặp táp, tự xưng là cán bộ phường xuống xử lý môi trường cho gia đình.
“Chúng tôi xuống đây để xử lý môi trường cho dân. Nhà này của ai vậy?”, vị “cán bộ” to tiếng. Cô Nhận thật thà cho biết nhà này là của con, cô mới ở dưới quê lên. Vừa nghe xong, các vị cán bộ này bắt cô phải ký vào 2 tờ giấy biên nhận. Thấy người phụ nữ không chịu ký, anh “cán bộ” quát: “Cô chống người thi hành công vụ hả?”.
Tưởng thật, cô Nhận đã ký vào giấy biên nhận. Sau đó, bọn chúng viết tiếp và đưa cho cô 2 hóa đơn thu tiền tổng cộng là 1.450.000 đồng kèm lời hứa sáng hôm sau sẽ quay lại xử lý môi trường, nhà vệ sinh cho gia đình để phòng ngừa dịch bệnh cúm, viêm họng ở trẻ em.
Cô Nhận thẫn thờ sau khi bị lừa. Ảnh: A.V
Thấy số tiền nộp quá lớn, cô Nhận đã từ chối. Trước sự chứng kiến của hàng chục người dân khu phố 1, bọn chúng hù dọa: “Bả không nộp bắt bả lên phường xử lý”. Cùng lúc, một tên khác lại nhẹ giọng: “Dì đóng tiền đi, ai cũng vậy. Tụi con làm việc cho phường, muốn khiếu nại gì mời dì lên phường”.
Sau một hồi cãi vã, cô Nhận đã bấm bụng nộp tiền cho bọn chúng và nhận lại 2 biên lại thu tiền. Nhưng khi ngẫm lại thấy có nhiều điểm nghi vấn, người phụ nữ chạy ra lại cửa nhà thì bọn chúng đã cao chạy xa bay, trước cửa nhà là 5 bịch đen, bên trong chứa các gói Bio-Phis, loại thuốc xử lý hầm cầu, chuồng trại trâu bò, heo gà do Trung tâm Công nghệ Sinh học và Xử lý môi trường sản xuất.
Cô Nhận kể, sau khi sự việc xảy ra, gia đình có báo địa phương và được biết không có cán bộ phường nào thực hiện công việc trên. Khu phố còn thông tin, trước đó, bọn chúng đã vào vài nhà dân đang xây dựng tại khu vực này, đều có cãi vã tương tự nhưng chưa ai bị sập bẫy.
Theo ông Thái Trường Sơn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học và Xử lý Môi trường, trung tâm không có cử cán bộ nào đi bán hàng kiểu này. “Đây là hành vi lừa đảo rất tinh vi, chúng nhắm vào người dân nhẹ dạ cả tin, ở nhà một mình. Rất cần người dân cảnh giác, báo ngay với cơ quan có thẩm quyền khi nghi vấn”, vị giám đốc khuyến cáo.
Theo VNExpress
Pê đê giả gái bán dâm cướp tiền khách làng chơi
Khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc nhóm pê đê chuyên giả gái mại dâm do G. (biệt danh Cave sợ nước, ngụ Quận 4, Tp HCM) bắt đầu cải trang thành "thiếu nữ", phân chia nhau, điệu đà lái xe lượn quanh các điểm "tươi mát" ở thành phố hoặc tụ tập tại chân cầu Sài Gòn, cầu Thị Nghè... tìm khách làng chơi.
Các "cô ả" thường lả lướt mời chào các quý ông hám của lạ, say xỉn để "gạ tình". Khi mơn trớn cho con mồi đê mê, các đối tượng nhanh chóng móc ví của họ hoặc gọi đồng bọn tới trấn lột tài sản của khách và sau đó cao chạy xa bay.
Hai "cô ả" pê đê bịt khẩu trang che kín mặt đang lượn lờ tìm khách quanh khu vực cầu Thị Nghè
Theo ghi nhận của PV, rất nhiều nạn nhân khi lọt vào bẫy không dám trình báo công an nên ổ mại dâm pê đê chuyên móc túi này đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa bị triệt phá.
Tìm hoa gặp "hoa giả"
Chiều ngày 16/7, theo ghi nhận của chúng tôi, tại chân cầu Sài Gòn, lối hướng vào nội thành xuất hiện nhiều "ả đào" lượn lờ tìm khách làng chơi. Lẫn lộn trong số bóng hồng bán "vốn tự có" ở đây, chúng tôi nhận thấy có không ít "cô ả" là pê đê chính hiệu giả làm gái mại dâm để lừa tiền của khách.
Trong quá trình quan sát, chúng tôi nhận ra lẫn trong nhóm "bóng hồng" còn có sự hiện diện của những pê đê "chính hiệu" thường xuyên tham gia "biểu diễn" phục vụ các đám ma ở Quận 4. Nổi bật trong đám những "cô ả" này là H, với thân hình mảnh mai "như thiếu nữ", trên mình khoác một bộ đồ hoa vải bóng mỏng tang, tóc duỗi thẳng, đôi mắt toét gắn thêm cặp lông mi giả đậm màu, đôi môi dầy cộm và vêu ra. Chiếc áo cổ trễ, để lộ bộ "núi đôi" như muốn bung ra khỏi làn áo mỏng vì quá chật. Khi chúng tôi làm bộ dạng dừng lại "tìm hàng" thì ngay lập tức "cô ả" tiến sát, một giọng nói "õng ẹo" được phát ra: "Đi không anh? Em tính rẻ cho"....
Theo ghi nhận của PV, khu vực hoạt động của giới pê đê chủ yếu trên các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai (trước Thảo Cầm Viên), Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh), ngã ba Nguyễn Tất Thành - Xóm Chiếu (Quận 4)... Những đối tượng này cũng có thể trà trộn với gái mại dâm đứng tại các chân cầu Thị Nghè, cầu Sài Gòn (Bình Thạnh), cầu vượt Quang Trung (Quận 12), công viên Phú Lâm (Quận 6)...
Ngậm ngùi nuốt "trái đắng"
Anh Đ.Q.V (ngụ Gò Vấp) kể lại chuyện sau một chầu nhậu "sương sương", anh và nhóm bạn quyết định đi "tăng 2" để thưởng thức "của lạ". Vừa đến chân cầu vượt Quang Trung (Quận 12), anh và nhóm bạn gặp được một nhóm 4 "cô ả" đang đứng đón khách. Khi chưa kịp hỏi giá thì bất ngờ một "cô" trong nhóm đã "nhảy tót" ngồi lên phía sau xe của anh và giục "đi đi anh". Trong lúc chở "cô ả" đến nhà nghỉ, vô tình anh V. đụng phải "hàng" của "cô ả" nên biết mình đã bị lừa, nhanh chóng anh lừa "ả" xuống xe và vọt thẳng về nhà.
Không được "may mắn" như anh V. nhiều khách làng chơi đã phải ôm hận sau khi "dính" quả lừa của những gã pê đê. Anh B (ngụ Long Thành, Đồng Nai) trong một lần lên Sài Gòn, lúc tới cầu Thị Nghè thấy một "cô gái" đi trên chiếc xe Dream II nháy mắt đưa tình, anh B. cũng quay sang mỉm cười với "người đẹp". Sau màn làm quen, "cô ả" bám theo và ra giá "150.000 đồng, bao phòng".
Không nghĩ ngợi nhiều anh B. liền đi theo "cô ả" đến một nhà trọ thuộc phường 25, quận Bình Thạnh. Cánh cửa sắt được khép lại. Đèn đóm tối om. Sau màn "nhập phòng" đầy ấn tượng anh B. đi từ ngạc nhiên này đến "nỗi đau" khác, từ việc "cô ả" hiện nguyên hình là một "đực rựa" chính hiệu cho đến chuyện số tiền hơn 1 triệu đồng mang theo nuôi vợ đẻ cũng đã "bay" theo gã pê đê.
Không chỉ lừa "con mồi" vào khách sạn rồi tranh thủ lúc khách đi tắm để "chôm" ví, điện thoại, xe gắn máy... những "cô ả" này còn trắng trợn hơn là cướp tài sản ngay trên đường phố. Anh Nguyễn Tiến Dũng (Quận 12) kể lại một lần đang điều khiển xe gắn máy chạy trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, một đôi pê đê đi Attila trắng tiến sát lại xe anh Dũng. "Sau đó, một đối tượng ngồi sau nhảy xuống ôm chặt lấy tôi, nhanh chóng móc ví và trở lại xe đồng bọn tẩu thoát", anh Dũng mô tả lại.
Theo chân pê đê đến "động quỷ"
Trưa ngày 17/7, ngay dưới chân cầu Sài Gòn, chúng tôi phát hiện 2 "ả" pê đê đang chạy xe lòng vòng khu vực chân cầu để kiếm khách. Sau một hồi bám theo, chúng tôi đã tìm được nơi cư ngụ của hai "ả" này là một dãy trọ thuộc Xóm Chiếu (Quận 4). Phản ánh của những người dân quanh khu vực cho biết, tại đây khách làng chơi sẽ được "tiếp đãi" tại những căn phòng "đặc biệt" trong dãy trọ này.
Các vách ngăn của các phòng bên trong được che chắn bằng rèm đỏ. Trong lúc một gã tiếp khách, một gã pê đê khác sẽ "phục kích" sẵn trong phòng kế bên để khi đồ đạc của khách được thảy qua chúng dễ dàng lột sạch.
Ông Nguyễn Văn Thán (một người dân sống trong khu vực này) cho biết: "Có ít nhất là 10 gã pê đê sống ở đây. Với chiêu thức không bao giờ dẫn xe mình vào trong nhà mà chỉ đưa xe khách vào, chúng dễ dàng tẩu thoát sau khi cướp xong. Đã có lần ông khách do tiếc tiền nên quay lại tìm bị chúng đánh hội đồng ngay tại hẻm. Mọi người không ai dám can ngăn vì sợ họa lây, tụi này hung dữ lắm".
Theo Người Đưa Tin
Tràn lan quân trang, quân phục giả Quần, áo, đồ đạc và dụng cụ hỗ trợ giống lực lượng Công an, Cảnh sát cơ động, Bộ đội được bày bán công khai trên các tuyến phố ở Hà Nội là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kẻ gian thu mua và giả danh các lực lượng này để đánh lừa, ăn chặn tiền của không ít người...