Những chiêu ‘độc’ tiết kiệm của sinh viên thời bão giá
Tình trạng giá cả càng leo thang, cuộc sống sinh viên càng khó khăn hơn. Trong cái khó ló cái khôn, càng khó khăn sinh viên càng có nhiều ý tưởng độc đáo để tiết kiệm hiệu quả.
Đi chợ khi trời chưa sáng
Đã nhiều ngày nay, bạn Lê Thị Hương, sinh viên năm thứ 3 Khoa Báo ảnh – Học viện Báo chí và tuyên truyền (Hà Nội) có thêm một thói quen dậy sớm. Cách nhà trọ một đoạn không xa là chợ đầu mối rau quả trên đường Lê Đức Thọ kéo dài, nên Hương dậy thật sớm đi chợ mua thức ăn cho cả ngày để giảm chi phí. Tuy nhiên, các chợ đầu mối thường họp vào nửa đêm và tan khi trời chưa sáng. Vì vậy muốn mua hàng phải dậy thật sớm.
Góp gạo thổi cơm chung thời bão giá. Ảnh minh họa
Mua thức ăn tại các chợ đầu mối bao giờ cũng rẻ hơn rất nhiều so với giá cả tại các chợ bán lẻ. Hương chia sẻ: “Mua ở chợ lẻ gần nhà, cà chua lên 20 nghìn đồng/kg, bắp cải 7 nghìn đồng/kg, su hào 5 nghìn đồng/củ. Trong khi đó, mua ở chợ đầu mối, cà chua chỉ 10 nghìn đồng/kg, bắp cải 4 nghìn đồng/kg, su hào 3 nghìn/củ.
Giá cả leo thang như bây giờ phải chịu khó mới tiết kiệm được”. Mỗi lần đi chợ như vậy có thể dành ra một số tiền nhỏ, nhưng cả tháng góp lại thì đó là khoản tiền đáng kể với sinh viên. Do vậy, rất nhiều bạn sinh viên đã chọn cách này để chống chọi với “bão giá” hiện nay”.
Tuy nhiên, mua hàng tại các chợ đầu mối cũng cần chú ý một số điểm. Theo kinh nghiệm của Hương: “Nếu thấy giá tăng hơn thường ngày thì phải đi nhiều hàng cạnh đó để xem xét tình hình, nếu biết người bán tự nâng giá thì mình nên chọn hàng nào mà họ bán với giá phải chăng nhất.Khi lựa chọn thực phẩm cũng phải chú ý đến chất lượng sao cho giá rẻ mà thực phẩm vẫn tươi, chưa có mùi lạ và không bị bầm dập. Tránh tham rẻ quá mà mua thức ăn tồn đọng từ nhiều ngày trước, vừa không ngon vừa không đảm bảo an toàn”.
Không cần dậy sớm đi chợ đầu mối, bạn Tống Thị Thảnh, sinh viên năm thứ 2 Khoa Kế toán – Học viện Tài chính chọn cách mua hàng trong siêu thị. Bạn giải thích: “Nhiều mặt hàng ở ngoài chợ tăng mà giá tại siêu thị vẫn chưa đổi.
Hôm nay mình đã mua được 1 kg cà chua với giá 8.000 đồng trong khi ở chợ là 15.000 đồng”. Trong siêu thị còn thường xuyên có các đợt hàng giảm giá, có thể mua được thêm hoa quả với giá rất mềm, chỉ khoảng 30% so với giá gốc.
Video đang HOT
Tiết kiệm kiểu… sinh viên
Giải quyết tình trạng thiếu hụt “ngân sách” trầm trọng, nhiều bạn sinh viên lựa chọn cách cầu cứu thêm viện trợ từ gia đình. Nhưng đó là giải pháp của những bạn gia đình khá giả, còn các sinh viên nghèo thì không thể, khó khăn đã làm họ gần nhau hơn trong những bữa ăn chung đạm bạc.
Với cách làm đậm chất sinh viên này, gạo và các gia vị được luân phiên lần lượt mang từ nhà đi, chi phí giảm đáng kể so với việc ăn ngoài hàng quán mà lại đảm bảo vệ sinh. Các món ăn cũng được chế biến “đậm đà” hơn và cùng một loại rau củ có thể nấu theo nhiều kiểu luộc, xào, nấu canh.
Trên tinh thần “thà thiếu đạm chứ nhất định không chịu thiếu vitamin”, Nguyễn Dương Tùng, sinh viên năm nhất khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội hóm hỉnh: “Rau là người bạn thân thiết nhất của đời sinh viên”.
Cũng chính bởi chất lượng bữa ăn hàng ngày chưa cao mà hầu hết các sinh viên đều rơi vào tình trạng gầy yếu, sức khoẻ kém.
Tiết kiệm trong bữa ăn chưa đủ, Tùng còn có tuyệt chiêu sáng tạo hơn đó là ngủ nướng đến tận trưa để… đỡ mất bữa sáng. Dường như có 101 cách tiết kiệm đã được sinh viên nghĩ ra và tận dụng triệt để. Bên cạnh bỏ xe máy, đi xe buýt; bỏ cà phê, ra trà đá; bỏ “nấu cháo” điện thoại sang nhắn tin để hạn chế bớt khoản phí phát sinh, sinh viên còn phải ngậm ngùi siết chặt “tình phí”.
Tình yêu trong thời giá cả leo thang của sinh viên cũng lắm nỗi bi hài. “Chuyển sang đi chơi bằng xe đạp cũng có nhiều cái lãng mạn, nhưng không ít hôm đi về muộn vì không đạp kịp giờ, lại bị chủ nhà mắng” – Phương Thảo, sinh viên năm thứ 3, Đại học Kinh doanh công nghệ thở dài.
Xác định rõ đây là “cuộc chiến” lâu dài vì giá cả lên thì nhanh mà không biết bao giờ mới xuống, nhiều sinh viên phải “chạy sô” làm thêm để trang trải cuộc sống. Các công việc như gia sư, bồi bàn, trông xe luôn kín lịch mà thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu.
Theo Nguoiduatin
Những mánh lừa đau thời bão giá
Tìm mọi cách để tiết kiệm thời bão giá là một trong những nguyên nhân khiến các bạn sinh viên trở thành con mồi ngon cho đội quân lừa đảo.
Để tìm cách chống trọi với cơn "bão giá" chưa hề có dấu hiệu giảm "cường độ", nhiều sinh viên chọn giải pháp tìm người ở ghép để tiết kiệm chi tiêu. Tuy nhiên, đây dường như là giải pháp chẳng mấy "sáng sủa" bởi quyết định sống chung với người chưa từng quen biết khiến không ít người phải ngậm ngùi vì "tiền mất tật mang".
Lan, sinh viên Đại Học Thương Mại, Hà Nội đang ở cùng hai cô bạn tại 1 căn phòng trên đường Hồ Tùng Mậu với giá 1,2 triệu đồng/tháng. Dù phải chắt bóp chi tiêu để trả tiền phòng nhưng cô bạn vẫn cố gắng bám trụ tại đây vì được ở gần trường và cũng gần cả chỗ dạy thêm.
Tuy nhiên, khi chủ nhà đột ngột thông báo tiền phòng sẽ tăng lên 1,5 triệu đồng/tháng, điện 5 nghìn/số thì Lan như ngồi trên đống lửa.
Quyết định sống chung với người chưa từng quen biết khiến không ít người phải ngậm ngùi vì "tiền mất tật mang"
Không như hai cô bạn ở cùng sinh ra lớn lên trong gia đình có điều kiện, bố mẹ Lan chỉ làm nghề nông, nhà lại có 4 anh chị em nên mỗi tháng bố mẹ cố gắng lắm cũng chỉ gửi được cho Lan 1,2 triệu đồng.
Áp dụng hàng loạt "tuyệt chiêu" tiết kiệm thời bão giá vẫn không ăn thua, Lan đành ngậm ngùi một mình tính kế đi tìm căn phòng khác giá rẻ hơn để vượt bão giá.
Đang lúc "sắp phát khóc" vì lang thang mấy ngày trời chẳng tìm được căn phòng nào có giá dưới 1,5 triệu đồng/tháng thì Lan nhìn thấy tờ giấy tìm người ở ghép với nội dung: "Cần 2 người ở ghép, phòng 900, gần trường Đại học quốc gia,...".
Tìm đến nơi, Lan được chủ căn phòng (một cô gái cũng trạc tuổi Lan tự xưng tên Nhung) cho biết bạn ở cùng đi làm xa nên đã chuyển nơi khác, đang bão giá đắt đỏ nên cần tìm thêm 2 người ở cùng.
Căn phòng tương đối rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát lại giá rẻ khiến Lan gật đầu đồng ý ngay. Nhung lấy lý do chủ nhà đang đòi trả ngay tiền thuê phòng nên bảo Lan đưa trước 450 nghìn đồng rồi ngay ngày mai chuyển đến.
Mừng quá...mất khôn, Lan đưa ngay tiền cho cô gái để rồi hôm sau phải ngã ngửa khi biết mình bị lừa.
Tìm gặp chủ nhà, Lan được cho biết: khi nghe nói tiền phòng sẽ tăng, Hương (chứ không phải Nhung như cô gái tự nhận) đã xin ở thêm 2 ngày rồi dọn đi.
Ai ngờ thời phút cuối lại là cơ hội vàng để cô gái này thực hiện phi vụ "ngậm tiền cọc" rồi lặn mất. Không chỉ Lan, 4 nữ sinh khác cũng trở thành nạn nhân của Hương trong phi vụ này.
Ấm ức vì mất tiền oan, mệt mỏi vì vừa mất công dọn hết đồ đến giờ lại phải chuyển về, Lan mếu máo: "Giờ cũng chẳng biết làm sao để có thể lấy lại được tiền bởi chủ nhà trọ cũng không biết Hương "chuồn" đi đâu. Chắc em đành về chỗ cũ rồi cắn răng nhịn ăn may ra đủ trả tiền phòng..."
Muốn giảm bớt phần nào chi phí ăn ở đắt đỏ, Lê Mai, sinh viên năm 4 trường Học Viên Tài Chính cũng phải chịu cảnh bị sập bẫy lừa giống Lan. Khi chủ nhà thông báo tăng tiên thuê phòng lên 1,7 triệu đồng/tháng, Mai cùng hai cô bạn bàn tính và quyết định tuyển người ở ghép.
Sau khi dán thông báo, một người tên Thúy, khoảng 25 tuổi, giới thiệu là nhân viên một công ty trên đường Hoàng Quốc Việt đến xin ở cùng. Thấy Thúy có vẻ chân chất, hiền lành nên cả bọn gật đầu đồng ý. Khi mới dọn đến ở, Thúy tỏ ra là người thoải mái trong chuyện tiền nong lại vui vẻ, dễ gần nên Mai cũng mừng thầm.
"Dù vậy, vốn cẩn trọng lại chưa hoàn toàn tin tưởng người lạ. Mỗi khi đi đâu bọn mình đều mang theo laptop và cất tiền cẩn thận. Vậy mà một buổi sáng thức dậy bọn mình vẫn phải khóc ròng bởi điện thoại, máy tính xách tay đều không cánh mà bay. Xót của lắm nhưng chỉ còn biết trách mình nhẹ dạ cả tin để bị lừa...".Mai ngậm ngùi nói.
Nắm được tâm lý muốn tìm người ở ghép để cắt giảm chi phí của sinh viên nghèo, không ít kẻ lừa đảo đang xem chuyện "ở ghép" như một "thị trường béo bở" để trục lợi. Mỗi người hãy thật cẩn trọng trước khi quyết định ở ghép, đừng để sự nhẹ dạ cả tin khiến bạn lâm vào cảnh "tiền mất tật mạng" như hai bạn trong câu chuyện kể trên.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Chủ nhà trọ "siết cổ" sinh viên thời bão giá Một phòng trọ trong khu ổ chuột, giá "bèo" nhất cũng đã lên tới 700 - 800 nghìn đồng/tháng, những phòng trông được hơn giá giao động từ 1.200 - 1.700 nghìn đồng, víp hơn thì giá đã lên tới 2 triệu đồng/ tháng. Muôn nẻo đường tăng Lượn một vòng qua các khu nhà trọ, giá thuê phòng đã tăng đáng kể...