Những chi tiết thú vị ẩn giấu trong ‘Nhím Sonic’
Bộ phim ăn khách “ Sonic the Hedgehog” chuyển thể từ loạt trò chơi cùng tên chứa đựng nhiều chi tiết thú vị liên quan đến nguyên tác hay các siêu anh hùng sở hữu siêu tốc độ.
Trailer Nhím Sonic
Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung bộ phim Nhím Sonic
Những địa điểm quen thuộc: Nhiều địa điểm trong Sonic the Hedgehog lấy cảm hứng từ loạt trò chơi gốc. Quê nhà thiên đường của Sonic ( Ben Schwartz) là màn chơi đầu tiên mang tên Green Hills Zone. Bông hoa mà cậu tặng cho dì Longclaw ( Donna Jay Fulks) được dùng để đánh dấu điểm khởi đầu trong trò chơi. Cái tên Green Hills tiếp tục được sử dụng để đặt cho thị trấn mà chàng nhím xanh sinh sống khi đến Trái Đất.
Chiếc hang trên đường Hill Top cũng dựa theo một màn chơi cùng tên. Vùng đất toàn nấm mà Sonic định hướng đến là Mushroom Zone. Ngoài ra, chi tiết này còn ám chỉ tựa game Super Mario Bros. – đối thủ trực tiếp của Sonic trên hệ máy Nintendo năm xưa. Còn thành phố San Francisco lấy cảm hứng từ màn City Escape trong Sonic Adventure 2 và bản mở rộng Sonic Adventure 2: Battle.
Những kẻ thù lâu năm của Sonic: Đầu phim, Sonic buộc phải rời bỏ quê hương khi bị tấn công bởi một nhóm sinh vật có tên Echidnas. Chúng là đám kẻ thù lâu năm của chàng nhím siêu tốc, mà nổi tiếng nhất là Knuckles thuộc bộ tộc cùng tên. Tuy nhiên, những nhân vật xuất hiện trong phim dường như đến từ Nocturnus – bộ tộc luôn ôm mộng thôn tính Trái Đất thông qua chiếc nhẫn dịch chuyển của Sonic.
Siêu năng lực của Sonic: Ban đầu, Sonic sở hữu siêu tốc độ lên đến gần 500 km/h. Về sau, sức mạnh của cậu ngày càng được tăng cường hệt như trong trò chơi. Chú nhím có thêm “tuyệt kỹ” Spin Dash, tức cuộn tròn thành một trái bóng để tấn công đối thủ. Ngoài ra, khi tích tụ nhiều cảm xúc, Sonic còn tạo ra và điều khiển các xung điện chạy khắp cơ thể. Tuy nhiên, năng lực này khá nguy hiểm nếu không thể kiểm soát.
Vai trò của những chiếc nhẫn: Trong nhiều tựa game, nhiệm vụ của Sonic là thu thập những chiếc nhẫn. Cậu sẽ mất hết những gì đã tích trữ nếu tông trúng kẻ thù trên đường đi. Trong phim, những chiếc nhẫn thực chất có thể tạo ra cổng dịch chuyển giữa các thế giới. Giống trò chơi, Sonic cũng đánh rơi mất túi đựng nhẫn khi bị Tom (James Marsden) vô tình bắn trúng.
Lấy cảm hứng từ The Flash và Quicksilver: Sonic nhanh chóng yêu thích những nhân vật có sức mạnh giống mình khi đến Trái Đất. Cậu mê đọc truyện về The Flash – siêu anh hùng sở hữu siêu tốc độ nhờ kết nối với Speed Force (Tốc Lực) của DC. Ngoài ra, Sonic the Hedgehog còn vay mượn một phân cảnh của Quicksilver – siêu anh hùng có năng lực tương tự đến từ Marvel – ở loạt phim X-Men. Trong đó, cả hai nhân vật đều “ngưng đọng thời gian” để xử lý đối thủ.
Biệt danh của Sonic: Tại Green Hills, Carl Điên (Frank C. Turner) là người duy nhất cảm nhận được sự tồn tại của Sonic. Bức tranh vẽ chàng nhím của ông dựa trên bản phác thảo của một YouTuber từ năm 2010. Nhân vật “ăn theo” được đặt tên là nhím Sanic và trở thành một trong những ảnh chế nổi tiếng nhất về Sonic. Carl còn gọi Sonic là Blue Devil (Quỷ Xanh). Đây vốn là tên chiếc xe đua của chàng nhím trong Sonic Drift 2 (1995).
Tiến sĩ Robotnik: Sau khi phát hiện ra nguồn năng lượng lạ khiến cả một vùng lớn mất điện, chính phủ Mỹ phái tiến sĩ Robotnik (Jim Carrey) đến điều tra sự việc. Nhân vật dần thay đổi để giống với nguyên tác. Cuối phim, Robotnik diện bộ quần áo bay màu đỏ đặc trưng trong trường đoạn chiến đấu với Sonic. Khi bị đẩy đến hành tinh nấm, gã trở nên điên loạn khi cạo trọc đầu và để ria mép. Trong một cảnh, Sonic gọi Robotnik là tiến sĩ Eggman. Đây là tên của gã phản diện trong lần đầu xuất hiện ở tựa game Sonic the Hedgehog (1991) của Nhật Bản.
Gợi nhắc loạt phim Men in Black: Trong một cảnh phim, đồng nghiệp của Tom là Wade (Adam Pally) gọi nhóm người của tiến sĩ Robotnik là “Men in Black”. Cả hai đều là tổ chức bí mật của chính phủ được lập ra nhằm kiểm soát người ngoài hành tinh và diện trang phục màu đen.
Gợi nhắc Thor (2011): Cảnh chiến đấu cuối cùng của Sonic the Hedgehog có nhiều nét tương đồng với phần phim đầu tiên về Thor (Chris Hemsworth) trong MCU. Khi đó, Thần Sấm mất hết sức mạnh và bị bộ giáp Destroyer đánh gục. Ngay khoảnh khắc quyết định, anh lấy lại được sức mạnh sấm sét nhờ búa thần Mjolnir. Trong khi đó, Sonic cũng rơi vào tình trạng tương tự và được phục hồi nhờ “sức mạnh tình bạn”.
Trang phục của Sonic: Sonic bất tỉnh sau một lần bị tiến sĩ Robotnik săn đuổi. Lúc này, bạn gái của Tom là bác sĩ thú y Maddie (Tika Sumpter) đã giúp chàng nhím hồi sức. Khi bừng tỉnh, câu đầu tiên cậu nói là: “Gotta go Fast” – một dòng thoại quen thuộc trong game. Sau đó, Sonic được cháu gái của Maddie tặng cho đôi giày thể thao màu đỏ vốn luôn gắn liền với cậu.
Những đoạn after-credits ý nghĩa: Trong đoạn after-credits đầu tiên, những cảnh hành động quan trọng trong phim được tái hiện theo phong cách 16-bit quen thuộc của loạt trò chơi nguyên tác. Sang clip thứ hai, một nhân vật phụ nổi tiếng trong loạt Sonic là Tails (Colleen Villard) xuất hiện. Chàng cáo là nhân vật dành cho người chơi thứ hai trong Sonic the Hedgehog 2 (1992), và sở hữu khả năng bay lượn bằng chiếc đuôi hệt như trong phim từ Sonic the Hedgehog 3 (1994).
Theo zing
Phim 'Sonic the Hedgehog': 10 chi tiết Easter Egg đặc sắc đáng chú ý nhất
Đồng hành nhím tốc độ Sonic sẽ còn nhiều nhân vật hấp dẫn khác, tất cả đều góp mặt trong Sonic the Hedgehog của Paramount.
Sau hàng loạt sóng gió liên quan đến tạo hình nhân vật, thì tựa phim đầu tiên của vũ trụ game Sega mang tên Sonic the Hedgehog đã chính thức ra mắt. Trong cuộc phiêu lưu đầu tiên này, chú nhím tốc độ Sonic (do Ben Schwartz lồng tiếng) sẽ hợp tác cùng anh chàng cảnh sát Tom Wachowski (do James Marsden thủ vai) trước sự truy đuổi của Tiến sĩ Robotnik (do Jim Carrey thủ vai). Dĩ nhiên, với một tựa phim mang đậm yếu tố văn hóa đại chúng, Sonic The Hedgehog không thể thiếu các Easter Egg đang chờ fan cứng khám phá.
10. Sanic Hedgehog
Tại Green Hills, chỉ có ông Carl Điên là người từng chạm mặt với Sonic, hay nói đúng hơn là "Con quỷ xanh". Thậm chí, ông còn tự tay phác họa hình thù của chú ta và đem khoe cho mọi người. Nếu cảm thấy bức họa ấy khá quen thuộc thì xin chúc mừng, bạn chính là một fan cứng của Sonic. Đó thực chất là một bức ảnh nổi tiếng từng được đăng tải bởi YouTuber 0nyxheart vào năm 2010 và gây bão. Ngoài ra, cái tên "Blue Devil" cũng gợi nhớ đến chiếc xe đua của Sonic trong Sonic Drift 2, còn cái tên tự phong "Blue Blur" của cậu cũng trùng với tên trò chơi điện tử fan-made nổi tiếng.
9. Tuyệt chiêu lốc xoáy
Cảnh chiến đấu cuối cùng giữa Sonic và Tiến sĩ Robotnik đưa khán giả đi vòng quanh thế giới, thế nhưng tốc độ của Sonic dường như không giúp cậu là mấy khi Robotnik có trong tay nguồn năng lượng vô hạn từ sợi lông của cậu. Ở phân cảnh tại Ai Cập, Sonic đã thông minh sử dụng tốc độ của mình tạo ra lốc xoáy cát để đánh lạc hướng Robotnik. Tuyệt chiêu này thực chất từng được cậu sử dụng trước đây, từ màn phối hợp đồng đội trong game 3D Sonic Heroes (2003), hay cả trong tựa game Sonic Chronicles: The Dark Brotherhood (2008).
8. Mất nhẫn là mất mạng
Một trong những món đồ quen thuộc không thể thiếu của chú nhím tốc độ cũng xuất hiện trong Sonic the Hedgehog, đó chính là những chiếc nhẫn vàng. Trong phim, những chiếc nhẫn này đóng vai trò như cánh cổng mở ra chiều không gian khác. Tuy nhiên, phim đã vô cùng khéo léo khi thể hiện tầm quan trọng thật sự của chúng đối với sự sinh tử của Sonic, đúng như trong trò chơi. Khi mất đi túi nhẫn, Sonic không ít lần bị thương hay thậm chí suýt mất mạng, nhưng khi gom lại toàn bộ số nhẫn, chú ta hoàn toàn khỏe mạnh dù gặp bao nhiêu sóng gió.
7. Chiếc nón hài hước của Sonic
Khi đến Trái Đất, Sonic đã sống tại một hang động được cậu trang hoàng lộng lẫy với toàn những món đồ độc lạ, trong đó có một chiếc nón cao bồi trong vô cùng hài hước. Nếu là một fan cứng của game Sonic, chắc chắn bạn sẽ nhận ra nó trông rất giống với chiếc nón cao bồi mà kẻ thù của Sonic - Knuckles hay đội trong tựa phim hoạt hình Sonic the Hedgehog ra mắt năm 1996.
6. "No Good!"
Sonic và anh cảnh sát Tom đến San Francisco để tìm lại chiếc túi nhẫn bị rơi trên nóc của tòa Transamerica Pyramid, và khi đi "tiền trạm" thử thì Sonic biết mình không thể lên được đỉnh của nó. Khi ấy, chú ta đã thốt lên rằng " No Good!", hay tạm dịch là " Không được!", cũng là câu thoại từng gây sóng của Sonic trong tựa phim hoạt hình Adventures of Sonic the Hedgehog ra mắt năm 1993. Khi ấy, Sonic và Tails thường giảng giải cho khán giả nhí về những thông điệp hay ho trong cuộc sống, và trong một lần nói về vấn đề lạm dụng "sờ mó", thì Sonic đã kết câu bằng " No Good!" và khuyên khán giả nhí nên báo với người lớn khi bị ai đó lạ đụng chạm.
5. Động của Sonic
Nơi trú ngụ của Sonic tại Green Hills chứa đầy rẫy những món đồ thú vị, như chiếc bảng hiệu lớn chú ta dùng làm bàn chơi bóng bàn có dòng chữ "Hill Top" để chỉ Hill Top Zone trong game Sonic 2, hay chiếc băng đầu cậu đội khi tập côn nhị khúc có logo chính thức của thương hiệu Sonic, hay tuyệt nhất là cậu rất thích đọc truyện tranh The Flash của DC. Đáng nói nhất, việc cậu sống ẩn dật trong một cái động cũng nhắc khán giả nhớ đến việc nhóm "anh hùng" của Sonic cũng từng sống vui vẻ tại một hang động trong truyện tranh Sonic the Hedgehog của Archie Comics.
4. "Gotta Go Fast"
Trong một phân đoạn truy đuổi gay gắt, Tom và Sonic may mắn thoát khỏi những cỗ máy chết người của Robotnik, nhưng lúc đó Sonic đã bất tỉnh nhân sự. Sau đó, Tom đưa cậu đến nhà của vợ anh là Maddie để cô chữa trị cho cậu. Khi Maddie cho Sonic ngửi muối hôi, cậu đã tỉnh dậy và nói " Gotta go fast!", cũng là câu cửa miệng nổi tiếng nhất của Sonic. Sau đó, cậu còn được tặng một đôi giày đỏ mới, cũng là món "trang sức" nổi tiếng nhất gắn với thương hiệu Sonic trong nhiều năm qua.
3. Những cấp chơi kinh điển
Nhiều bối cảnh trong Sonic the Hedgehog khiến các fan nhớ đến những cấp chơi kinh điển trong game về Sonic, như nơi Sonic đang ở là Green Hills - cũng là tên một màn chơi trong Sonic 2, hay cảnh truy đuổi tại San Francisco cũng có điểm tương đồng với màn City Escape trong Sonic Adventures 2. Nơi mà Sonic dự định đến - Mushroom Planet cũng là một màn trong game, và ngay cả kim tự tháp Ai Cập và Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc cũng thuộc tựa game Sonic Unleashed và Sonic Adventures 2.
2. Knuckles
Ở phần đầu phim, có thể thấy Sonic bé đang bị truy đuổi bởi một nhóm thổ dân lạ mặt, cũng là những kẻ đã giết bà cú Móng Dài trước mặt cậu. Tuy nhiên, nếu để ý kĩ thì một trong những tên thuộc bộ lạc ấy chính là Knuckles - một nhân vật không kém phần nổi tiếng trong thế giới của chú nhím tốc độ. Sự xuất hiện của Knuckles chắc chắn không hề ngẫu nhiên, thậm chí cậu có thể tiếp tục truy đuổi Sonic trong phần tiếp theo, cùng sự xuất hiện của một nhân vật quan trọng không kém.
1. Tails
Phân đoạn after-credit cuối cùng của Sonic the Hedgehog đã giới thiệu đến khán giả sự góp mặt của một nhân vật quan trọng luôn đi đôi với Sonic, đó chính là Tails. Miles "Tails" Prower là một chú cáo cam với 2 chiếc đuôi có thể hoạt động như cánh trực thăng, giúp chú bay lượn trên không. Sự xuất hiện của nhân vật này đã ngầm xác nhận phần tiếp theo cho loạt phim về nhím Sonic, cũng như mở rộng thế giới điện ảnh Sega trong tương lai.
Sonic the Hedgehog chính thức công chiếu ngày 21/2/2020 tại Việt Nam.
Theo saostar
Những lý do không thể bỏ lỡ siêu phẩm tốc độ 'Nhím Sonic' Cùng điểm lại những lý do khiến fan hâm mộ điện ảnh không thể bỏ lỡ siêu phẩm Hollywood này. Sonic là nhân vật quen thuộc với trẻ em toàn thế giới qua loạt trò chơi điện tử và truyện tranh cùng tên của hãng Sega. Sau 30 năm, chú nhím dũng cảm với khả năng chạy nhanh hơn tốc độ âm thanh...