Những chậu hoa trong chung cư cũ
“Mình có khách hả em?”. Tôi gật đầu. Anh hỏi tiếp: “Ai vậy?”. “Mùa xuân”.
Anh đậu đại học thành phố, tôi học ở quê. Tôi biết thành phố qua những lá thư của anh. Thời sinh viên anh hay kể về ký túc xá, cơm bình dân và những chương trình ca nhạc miễn phí dành cho sinh viên. Tốt nghiệp đi làm, thư anh kể về những công ty nằm trong tòa cao ốc suốt ngày phải bật máy lạnh, ra vô quẹt thẻ ai đi làm giờ nào đều rành mạch chứ không có chuyện tranh thủ đi muộn về sớm. Ba năm, anh kể về sáu công ty. Phải nhảy việc liên tục, nơi này lương bèo bọt, nơi kia không thích hợp với chuyên môn, nơi nọ mâu thuẫn với sếp…
Rồi thì anh cũng ổn định để cưới vợ. Tôi theo chồng về làm dâu thành phố.
Ảnh minh họa
Cứ tưởng thành phố đâu đâu cũng sang chảnh, là nơi chốn của những nhà hàng khách sạn mà tầng cao luôn khiến người ngắm nhìn phải mỏi cổ và đường phố là nơi gõ gót giày của du khách đến từ muôn phương; là nơi dành cho những siêu thị xa hoa hào nhoáng… Vậy nên tôi hơi hụt hẫng khi nhìn thấy chung cư cũ kỹ, trên các tầng đều có áo quần phơi phóng cùng với những chậu kiểng lô nhô.
Điều đáng nói là căn hộ hai lăm mét vuông của chúng tôi ở tầng năm, và không thang máy. Những ngày đầu tiên tôi vừa leo cầu thang vừa thở phì phò, chồng cười. Tôi đợi anh an ủi nhưng không, anh tỉnh bơ: “Chỗ trọ này nuốt mất nửa tháng lương của anh đó. Em ở quen rồi sẽ biết”.
Tôi không cần mất nhiều thời gian để nhận biết. Thành phố sợ nhất là kẹt xe, căn hộ này cách công ty chồng tôi chỉ hơn một cây số và cách chỗ làm mà anh đang nộp hồ sơ của tôi chỉ khoảng năm trăm mét. Và sau hai cơn mưa khắp nơi ngập lụt mà chúng tôi đi làm về chỉ bị ướt giày thì khi leo cầu thang tôi không còn cố ý thở phì phò ngầm ý đòi anh đổi chỗ trọ khác nữa.
Video đang HOT
Nhưng mà tôi vẫn so sánh. Hai lăm mét vuông ở quê tôi chỉ là gian bếp, còn ở đây là nguyên căn hộ. Bữa cơm ngày thường nấu qua loa thì không nói gì, cuối tuần bày ra món nướng, món chiên thì mùi bám khắp nơi. Phải mở cửa cho thoáng thì đụng ngay cửa căn hộ đối diện. Ai nói thành phố nhà nào biết nhà nấy nhưng ở chỗ tôi thì rõ ràng là người ta biết rõ hàng xóm cuối tuần ăn món gì, vì cái sự không thể không mở cửa khi nấu nướng mà hành lang chỉ rộng một mét hai và khoảng cách này còn bị lấn chiếm bởi những kệ giày dép và mấy chiếc xe đạp trẻ con.
Ảnh minh họa
Chỉ khi nấu nướng thôi, còn lại là đóng kín vì diện tích nhỏ hẹp nên đồ đạc mọi thứ bày hết cả ra, mà cuộc sống vợ chồng chẳng ai muốn bị nhìn ngó tận ngóc ngách. So sánh, so sánh và so sánh, có phải đó là nguồn cơn của nỗi nhớ nhà? Gió quê nhà mát rượi trong lành, nơi này quá nhiều xe cộ nên gió hăng hăng mùi xăng và bụi bặm. Nước uống ở quê dịu ngọt, nước uống ở đây thoang thoảng mùi thuốc khử trùng. Quê nhà cây cối sum suê cành nhánh tha hồ cho chim chóc làm tổ, nơi này nhìn mấy con chim nhỏ đậu trên sợi dây điện mà thương. Chúng mất bao lâu để thích nghi với sợi dây mỏng manh đong đưa giữa trời, lại còn hót líu lo nữa chứ? Tôi cần bao lâu để có thể yêu được nơi chốn này?
Những ngày cuối năm, trong tâm trạng đợi đến ngày nghỉ là vợ chồng lên xe về quê ngay nên tôi chẳng chuẩn bị và cũng không sửa soạn gì. Một hôm đi làm về, leo cầu thang như thường lệ bỗng thấy khang khác. À, có vài kệ giày dép đã được dọn đi nhường chỗ cho hoa. Và những ngày sau thì hầu như các kệ giày dép và xe đạp đều biến mất. Toàn hoa và hoa.
Làm đẹp đón năm mới mà vì ngại chậu hoa nhà mình choán chỗ hành lang vốn đã hẹp nên những chậu hoa kích cỡ nho nhỏ như nhau nhưng cũng đủ khiến mắt người xốn xang. Cánh cửa đối diện căn hộ của tôi dù cái ổ khóa và tờ giấy dán ghi chỉ số nước báo hiệu chủ nhân đã về quê nhưng cũng có một chậu hoa cúc, có lẽ họ nhờ ai đó mua về chưng giùm chăng? Chậu cúc cũng nho nhỏ thôi, đầy ý tứ, như chừa lại khoảng không gian cho phần của tôi. Không cố tình mà chợt mắt tôi nhìn vào tận trong nhà hàng xóm, cũng vì cửa đang mở toang, tôi thấy có một chậu mai be bé đặt ở bệ cửa sổ, vài đóa vàng rung rinh cùng tấm thiệp đỏ. Rực rỡ và ấm áp. Mấy đứa nhỏ đang xúm xít bên cái mâm bay mùi ngòn ngọt, có lẽ là mứt dừa mẹ vừa rim xong. Ti vi vang vang tiếng hát một khúc ca xuân.
Ảnh minh họa
Tôi đi vào căn hộ của mình, bốn bức tường lặng lẽ và mọi thứ đều lặng lẽ như thường ngày là vậy. Nhưng lòng tôi chợt xáo động. Tôi nhận ra mình vô tình quá. Tôi muốn được yêu mà chính tôi không chăm sóc vun xới cho tình yêu. Nơi chốn này đã chứng kiến bao vui buồn của vợ chồng tôi, bao giận hờn và bao thương nhớ mà tôi vẫn khăng khăng so sánh chê bai… Tôi đã đối xử với nơi chốn này như thể nó chỉ là bốn bức tường thôi.
Hình như tôi đã sai rồi.
May mà tôi nhận ra kịp. Nhờ hoa nhắc nhở.
Chồng tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy cây mãn đình hồng ngay trước cửa, và anh nhướng mắt khi thấy chậu hoa lồng đèn trên bệ và bộ ly thủy tinh trong veo.
“Mình có khách hả em?”.
Tôi gật đầu. Anh hỏi tiếp:
“Ai vậy?”.
“Mùa xuân”.
Anh nhướng mắt kinh ngạc như không ngờ tôi lãng mạn quá. Rồi thì chúng tôi ôm nhau cười vang.
Và tôi đã thấy nhớ rồi đây. Ngồi trên chuyến xe về quê, tôi nhớ mấy chú chim đậu trên dây điện giăng ngang đường phố và nhớ mình từng tự hỏi vì sao chúng có thể hót líu lo…
Nguyên Hương
Theo phunuonline.com.vn
Tôi muốn giải thoát cho mẹ khỏi ba
Có điều, với con người của ba, nếu không có người chăm sóc ông sẽ chết vì đói và say.
Hình ảnh minh họa
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, ba mẹ đều làm nông vất vả, làm quanh năm vẫn không đủ trả lãi ngân hàng. Từ nhỏ tới lớn tôi luôn chứng kiến cảnh gia đình túng thiếu tiền bạc, ba mẹ gây gổ, bị chủ nợ đòi tiền tới tận ngày 30 Tết. Nhà tôi chỉ có 2 chị em, lao động chính là mẹ, ba say xỉn đã mấy chục năm rồi và quậy phá ghê lắm, lúc vui thì có làm, lúc buồn thì say xỉn mấy tháng trời. Càng lớn tôi càng ghét ba vì ông sống tệ bạc với vợ con, không lo làm ăn kinh tế giúp đỡ gia đình, mọi thứ nặng nhọc rồi nuôi dạy con cái đều phó thác lên vai mẹ. Đã vậy ông suốt ngày chửi bới vợ con và phá phách mọi thứ, nhà đã khổ lại thường xuyên chứng kiến cảnh bạo lực gia đình khiến chị em tôi buồn lắm.
Tôi chỉ muốn mình lớn thật nhanh và thoát khỏi nhà càng sớm càng tốt. Tôi đã đi làm và lập gia đình, đang mang thai đứa con đầu lòng. Từ ngày đi làm tới giờ tôi luôn lo mọi thứ trong gia đình, trả gần hết mấy trăm triệu tiền nợ cho mẹ, rồi lo nhiều thứ quan trọng khác. Lấy chồng nhưng tôi vẫn lo cho gia đình mình chứ không lo cho nhà chồng vì ba mẹ chồng khá giả hơn. Em trai tôi đi làm, tự lo được cho bản thân chứ không có dư nhiều nên không giúp mẹ được nhiều. Mọi khó khăn trong cuộc sống này tôi đã nỗ lực vượt qua và giúp đỡ gia đình về mọi mặt, tôi luôn tin mình cố gắng thì mọi thứ đều trở nên tốt đẹp. Điều khiến tôi buồn nhất ở đây là ba không hề thay đổi, không nhận ra được giá trị của vợ con.
Giờ chỉ có ba mẹ ở nhà, mẹ làm quần quật từ sáng đến tối cực khổ vô cùng, sức khỏe yếu đi nhiều, đau bệnh trong người nhưng vẫn ham công tiếc việc. Ba đã không phụ giúp lại còn nhậu nhẹt suốt ngày, đòi tiền rồi tìm cớ phá phách, luôn sỉ nhục và chửi đánh mẹ bất cứ lúc nào. Mẹ buồn, khổ tâm và hay khóc, mỗi lần tâm sự mẹ con cùng khóc. Mẹ không bỏ ba vì ngày xưa quá nghèo khổ, lo làm nuôi con ăn học và mẹ muốn cho chúng tôi có đủ cha mẹ đàng hoàng. Với lại chia tay rồi ba không có chỗ nào đi, lại làm khổ mẹ con tôi tiếp thôi. Ba tôi không được khôn ngoan như người khác, ông ra đường luôn tỏ vẻ tội nghiệp, về nhà muốn làm đại ca, ông đi nói xấu mẹ tôi khắp làng xóm, cứ ai tới nhà ông lại chửi mẹ thậm tệ.
Tôi hận và ghét ba lắm, muốn giải thoát cho mẹ nhưng với con người của ba nếu không có người chăm sóc ông sẽ chết vì đói và say. Nhiều lần mẹ đi xa mới 10 ngày ông đã ốm gần chết, nếu mẹ về không kịp, không lo lắng và chăm sóc cho ông thì ông cũng chết rồi. Vì thế mẹ không nỡ và 2 chị em tôi cũng không nỡ. Mẹ sợ thiên hạ nói chị em tôi bất hiếu nên mẹ chịu khổ để chúng tôi được sống vẹn toàn và nhìn ra xã hội. Mẹ sợ tiếng để đời là chị em tôi không chăm sóc bỏ mặc ông, nhưng mọi người thấy đó, tôi không muốn mẹ khổ như vậy nữa.
Giờ mẹ nói không chịu được nữa, nếu không có ngày mẹ sẽ chết không ai biết. Tôi muốn đưa mẹ vào sống cùng vợ chồng tôi, hoặc mẹ đi làm đâu đó kệ bố ở nhà, để bố hiểu cảnh cô đơn là như thế nào. Mẹ đã khổ cả cuộc đời, giờ già rồi vẫn khổ, tôi không muốn mẹ chịu đựng, muốn mẹ được giải thoát và sống thanh thản ở tuổi này. Còn ba tôi, nếu không có mẹ bên cạnh, xóm làng lời ra tiếng vào thì chúng tôi cũng không thể hạnh phúc. Tôi phải làm sao đây, mong các bạn tư vấn.
Hiền
Theo vnexpress.net
Hôm trước còn mạnh miệng đuổi tôi đi khỏi nhà, hôm sau mẹ chồng đã phải đến tận nhà thông gia xin đón tôi về Chỉ một tin nhắn như vậy của tôi cũng khiến mẹ chồng sôi sục. Tôi về làm dâu mới được 2 năm nhưng đã chứng kiến không ít sóng gió. Nhà chồng tôi có 2 người con trai. Sau chồng tôi, còn một người anh chồng nữa. Kết hôn xong, chúng tôi ra ngoài ở còn vợ chồng anh chồng tôi lâu nay...