Những câu văn khiến người lớn giật mình
“Ông nội em có hai cái râu vểnh lên”, “con gà mái nhà em có mào đỏ chót”, “mùa hè em thường ngồi hóng mát dưới gốc cây cà chua”… là những câu văn của trẻ khiến phụ huynh lo lắng.
Chị Minh ở Đống Đa (Hà Nội) bất ngờ khi con trai học tiểu học thủ thỉ: “Đọc lại 8 bài văn con làm từ đầu năm đến giờ thấy hoang mang quá mẹ ạ”. Rồi cậu kể, cô giáo yêu cầu cả lớp viết tập làm văn theo gợi ý cô cho sẵn nên khi làm bài văn tả bác sĩ, cậu dùng câu kết luận “Em mơ ước sau này lớn lên em là bác sĩ”. Khi làm văn tả người nghệ sĩ, cũng kết “Em mơ ước sau này làm nhạc sĩ”, và khi tả bác công nhân, cậu lại viết: “Em ước mơ lớn lên em làm công nhân”.
“Con tả thầy giáo, ca sĩ, rồi kỹ sư… cũng phải lặp lại câu ước mơ lớn lên em làm nghề như họ. Thế sau này con làm gì, mẹ nhỉ?”, cậu bé đặt câu hỏi.
Chị Minh vội xem lại tập văn con làm. “Đọc văn của con mình phì cười, phần mở đầu và thân bài, con trai có nhiều sáng tạo. Riêng cái kết thì đúng là 8 bài như một. Cái sự máy móc vớ vẩn đó làm hỏng cả ước mơ của con mình, phải rút kinh nghiệm thôi”, chị Minh nói và cho hay lâu nay nhìn bảng điểm, bài văn nào con trai cũng được 8, 9, thậm chí 10 nên chị vẫn yên tâm.
Còn chị Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội) kể, sau một lần hướng dẫn con làm bài tập về nhà, hôm sau bé mếu máo trách “vì mẹ dạy mà bài tập làm văn của con chỉ được cô cho 5 điểm”. Kể từ đó, bé tự học thuộc văn trong sách tham khảo hoặc dàn bài mà cô cho, không nhờ mẹ hướng dẫn nữa vì sợ “không đúng ý cô”.
Có lần, bé ghép nhầm cấu trúc cô hướng dẫn, viết “con gà mái nhà em có cái mào đỏ chót” khiến cả nhà phì cười. Lúc tả con mèo, bé nghe lời cô học theo văn mẫu, viết rất hay. Nhưng khi đề bài yêu cầu tả ông nội, bé lại lấy cấu trúc của bài trước ra tham khảo và viết “ông em có hai cái râu vểnh lên”.
Video đang HOT
“Tả cây cối thì bé phải tả đầy đủ bộ phận theo lời cô dặn. Thế mới có bài tả cây cà chua: ‘Trong vườn nhà em có rất nhiều loại cây nhưng em thích nhất là cây cà chua. Gốc cây to, rễ cây mọc thành từng chùm, thân cây sum suê cành lá. Mùa hè em thường ngồi hóng mát dưới bóng cây”, chị Hoài kể và cho biết phải mất rất nhiều thời gian để giải thích cho con hiểu, nhưng bé vẫn giữ lập trường “học theo văn mẫu và lời cô dặn”.
Có những bé sau khi bị điểm kém do bố mẹ hướng dẫn tập làm văn đã nhất quyết học theo văn mẫu và nghe lời cô. Ảnh minh họa: Hoàng Thùy.
Bạn đọc Mỹ Tiên kể, mới đây chị về thăm nhà, kiểm tra vở của em trai đang học lớp 5. Khi xem đến vở tập làm văn thì chị giật mình. Như bài yêu cầu tả con vật nhà em nuôi, do nhà chị không nuôi con vật gì nên em trai đã viết mở bài: “Nhà em có một con chó của nhà dì Thúy”.
Thân bài cậu bé mô tả: “Con chó có mắt đen như hạt nhãn, mũi to bằng mũi của em, còn mõm thì to như mõm cá sấu. Nó chỉ ăn thịt và xương. Khi có người lạ vào nhà nó sủa gâu gâu, nếu người ta chửi nó sẽ quay đít bỏ đi”. Cuối cùng cậu kết luận: “Em xin hứa sẽ học thật giỏi để không phụ lòng ba mẹ đã thương con chó”.
Mỹ Tiên cười đến chảy nước mắt vì trong tất cả bài văn của em đều có câu kết ‘Em xin hứa sẽ học thật giỏi để không phụ lòng ba mẹ’. Ngay cả khi tả cây cổ thụ, cậu bé cũng viết: “Nhà em vừa mới có một cây cổ thụ, cây to bằng con lươn. Rồi kết lại cũng hứa sẽ học thật giỏi để không phụ lòng ba mẹ đã ngồi dưới gốc cây”.
“Ở trường cô giáo dạy em mình học thuộc các bài văn mẫu của cô, cho nên khi em làm bài, lúc nhớ lúc không, đành lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Mình cảm thấy nản cho cách dạy văn và học văn của thầy cô giáo và các em học sinh bây giờ”, Mỹ Tiên nói.
Bên cạnh những “sản phẩm học thuộc”, có những bé lại viết văn rất ngô nghê. Nguyên là giáo viên dạy văn cấp 3 nhưng chị Linh tự nhận không thể dạy được con làm văn. Chị cho biết, bé My con gái chị đang học lớp 4 tại một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy, bé viết chữ xấu, ngại học văn và tư duy nặng về tính toán. Có những bài văn của con chị đọc xong chỉ biết bò lăn ra cười.
Với đề bài tả con mèo, bé viết: “Nhà em có con mèo lười, không biết bắt chuột, đi chơi về thì lem luốc, lại kén ăn nên cả nhà đều ghét. Bà em còn dọa làm thịt quách con mèo ấy đi”. Bé kết luận rất thật thà: “Em rất ghét con mèo ấy”.
Khi cô giáo yêu cầu viết về giấc mơ với ba điều ước, bé đã viết bài văn hai trang giấy và ước tới 20 lần. Điều đầu tiên cô bé đã ước “có thật nhiều điều ước”. Bé viết: “Điều ước đầu tiên của em là những người cùng hoàn cảnh với em không khổ nữa. Điều ước thứ hai là tất cả những người xấu tính, độc ác không có mặt trên đời. Điều ước thứ ba là bà ngoại em sống lại và thọ đến 10 tuổi”.
“Do điều ước thứ nhất của em là có thật nhiều điều ước nên điều ước thứ tư của em là những người nghèo trở nên giàu có. Điều ước thứ năm của em là trên thế giới này sẽ không có bệnh nào nữa. Điều ước thứ sáu của em là đất nước Việt Nam sẽ rộng thêm, đông người thêm”.
Cuối bài, bé tiếp tục viết rất thật: “Điều ước thứ hai mươi mốt của em vừa định ước thì em đã bị gọi dậy. Em vừa thấy vui vừa thấy tiếc. Tối nay em phải mơ tiếp mới được. Chắc chắn là em phải mơ tiếp mới được”.
Theo VNE
Không rập khuôn khó có "mưa" HS giỏi
Trăn trở với việc làm thế nào để những thế hệ sau này sống thật hơn với cảm xúc, với chính kiến của riêng mình, nhiều độc giả cho rằng: không thể chỉ trách giáo viên, mà đây là lỗi hệ thống.
Bệnh thành tích
Độc giả Lê Huân cho rằng không chỉ bây giờ mà đã từ rất lâu, từ thời 8x như anh đã có hiện tượng "học thuộc lòng để đi thi còn chép". "Có điều thời đó thông tin đại chúng không có, nỗi lo cơm áo gạo tiền nặng nên mọi người không chú ý nhiều thôi!"
Cô giáo Bích Hà chia sẻ "đã có lần quăng bút chấm bài vì đọc bài học sinh viết y như nhau". Cô Hà cho rằng "khi để các em viết chân thực thì phải chấp nhận điểm không cao, giáo viên dạy không giỏi, tỷ lệ học sinh khá giỏi thấp, thành tích của trường kém.... Điều này lại không mấy ai chấp nhận". Tuy nhiên, cô giáo dạy Văn này vẫn ủng hộ việc dạy HS cách cảm nhận con người, cuộc sống theo cái nhìn riêng của các em.
"Việc cô yêu cầu trò làm theo mẫu sẽ làm méo mó cách nhìn của các em, dạy các em thói giả dối ngay từ bé. Như thế là phản giáo dục, là có tội...", một độc giả khác đồng tình với ý kiến này. Anh cho rằng nếu chúng ta chỉ đổ lỗi cho giáo viên là hoàn toàn sai, mà phải tìm được đúng bản chất vấn đề.
Một bà mẹ có con học lớp 5 cũng giật mình khi đọc bài văn con tả bố hoàn toàn xa lạ với "bố thật". Khi yêu cầu cháu viết lại một bài văn khác chân thật hơn thì cháu nói rằng "cô giáo bảo tả như thế mới hay và cả lớp con tả bố như thế, tả thật cô không cho điểm cao" trong khi cô giáo dạy Văn của cháu là giáo viên giỏi, chuyên ôn luyện cho đội tuyển HS giỏi của trường - phụ huynh này cho biết. Chị cho rằng với cách dạy như vậy, chính ngành giáo dục đang dạy các cháu cách nói dối.
Độc giả Hoàng Lân Vũ cũng đồng tình và cho rằng: "Ngay cả thế hệ người lớn chúng ta đã từ lâu nhiễm thói giả dối vào trong câu, chữ, lời nói... Bây giờ nên làm lại từ thế hệ trẻ và người lớn chúng ta phải làm khuôn mẫu mới mong sớm ra ba, bốn thế hệ sau sẽ có lớp người mới trung thực hơn. Trẻ con các nước người ta "hướng dẫn" các cháu suy nghĩ, còn chúng ta thì "bắt buộc" các cháu suy nghĩ nên mới có những chuyện tréo ngoe nêu trên. Cứ mãi như thế thì các cháu lớn lên sẽ suy nghĩ, làm việc như cái máy, khả năng tìm tòi học hỏi kém, không có tư duy độc lập".
Ở nhiều trường, giáo viên chưa đề cao tính sáng tạo của học sinh (Ảnh minh họa)
Để trẻ không là máy photocopy?
Nhiều độc giả nêu ví dụ ở các nước phát triển, họ để cho con trẻ nói ra những gì các con biết, các con nghĩ. Còn ở nước ta, trẻ được dạy phải nói những gì tốt đẹp, mượt mà, tránh nói những điều thô kệch, xấu xí cho dù đó có là sự thật.
Độc giả Trần Việt cho rằng Việt Nam nên học cách làm của những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến khác: "Tôi thấy rằng nền giáo dục của các nước phát triển luôn đề cao tính sáng tạo của học sinh. Các cháu được viết những gì các cháu nghĩ và nhìn thấy cuộc sống xung quanh mình, hoàn cảnh, gia đình, cuộc sống...
Từ đó giáo viên hiểu được các cháu đang có cuộc sống như thế nào để có thể hướng dẫn và giúp đỡ các cháu đi đúng con đường. Bên cạnh đó luôn gặp gỡ riêng phụ huynh của từng em để cùng giúp các cháu... Tại sao giáo dục chúng ta không nhìn theo con đường đó để giúp các cháu nhận thức cuộc sống tốt hơn. Ở đây tôi xin không đề cập đến lương của 2 nền giáo dục khác nhau mà nói về sự yêu nghề, yêu học sinh như con".
Anh Nguyễn Tiến Hùng cho rằng "việc tham khảo văn mẫu là tốt nhưng khi làm một bài văn thì phải biết sàng lọc những ngôn từ, áng văn hay để áp dụng sát với thực tiễn cảm nhận của các cháu; không copy nguyên bản bài văn mẫu..."
Bạn đọc Quỳnh Anh tỏ ra thông cảm với các giáo viên khi phải dạy theo chương trình quy định, "vì chỉ lệch chút ít họ sẽ bị kiểm điểm và kỷ luật". Độc giả này bất bình trước việc "trẻ chỉ được ca ngợi và không được phép phê phán hay nêu cảm xúc thực của mình. Một điều buồn là giáo viên dạy như những cái máy công nghịêp, chỉ cần không sai, không cần minh họa, không cho phép trao đổi phản biện..."
Chị Hồng Vân chia sẻ kinh nghiệm hướng dẫn viết văn cho con trai và đã thu được những kết quả tốt. "Điều khó nhất là phải tạo được hứng thú cho các cháu với môn học này thông qua đi chơi dã ngoại, xem qua ti vi, báo ảnh... hoặc qua internet để tạo kiến thức cho trẻ. Cha mẹ cũng cần phải chú ý hướng dẫn con cách quan sát phong cảnh, sự vật, con người khi ra ngoài".
Bên cạnh đó, chị cũng cho con đọc thêm văn mẫu, sách truyện để trẻ học được cách hành văn. Chị cho rằng đây là điều các con không thể tự có được mà phải qua học hỏi.
Theo Nguyễn Thảo (Vietnamnet)
Không có cú hích ấy, tôi sẽ ra sao? Mới đó mà đã hơn ba mươi lăm năm, cậu học trò lớp 8E (như lớp 10 bây giờ) năm học 1976-1977 của trường cấp 3 Đức Thọ (Hà Tĩnh) bây giờ đã 50 tuổi, là một cán bộ quản lý giáo dục ở Tây Nguyên. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ mãi những kỷ niệm thời học trò. Nhưng nhớ nhất là...