“Công nghệ” văn mẫu
Đề kiểm tra học kỳ II môn tập làm văn lớp 4 ở Q.4, TP.HCM yêu cầu “Tả một đồ vật có nhiều kỷ niệm gắn bó với em”. Một số học sinh (HS) lại tả… con chó.
Khi được hỏi lý do, các HS này cho biết nguyên nhân vì cô giáo không ôn tập tả đồ vật và các em chỉ thuộc lòng bài văn mẫu tả con chó.
Câu chuyện tưởng hi hữu nhưng lại hết sức phổ biến trong thời buổi HS được dạy kiểu học tủ, sao chép ngay từ bậc tiểu học. Nhắc lại chuyện này, cô X., giáo viên Q.4, kể: “Theo phân phối chương trình lớp 4, học kỳ II các em được học tả cây cối và đồ vật. Do đề kiểm tra giữa kỳ đã ra về tả cây cối nên các cô chắc mẩm đề kiểm tra cuối kỳ sẽ ra về tả con vật nên ôn tả con vật rất kỹ. Có cô ôn tới bốn, năm con (gồm chó, mèo, gà, chim…) cho HS. Ai dè đề lại ra “tả đồ vật có nhiều kỷ niệm gắn bó với em” nên nhiều HS bị lạc đề”.
Khuôn đúc… văn!
Ôn ở đây là giáo viên lập dàn ý tả chi tiết hoặc viết luôn bài mẫu cho HS viết theo, dẫn đến chuyện chim, gà, chó, mèo học rồi thì tả được, nhưng hễ ra đề về một con vật khác chưa học thì HS tắc tị. Chị Mỹ, phụ huynh có con học lớp 3 Trường tiểu học TT, Hóc Môn, kể với giọng hài hước: “Trước kỳ thi học kỳ, cô giáo cho cháu ôn bốn đề khác nhau về tả bút chì, cặp táp, đồng hồ, bàn học. Mỗi đề cô làm bốn bài văn mẫu, chép lần lượt lên bảng. Lớp có bốn tổ, mỗi tổ được phân công chép một bài rồi về nhà học thuộc lòng. Thành ra có bốn bài văn mẫu về tả cây bút chì. Bức xúc, tôi tìm gặp cô giáo thì được cô xin lỗi và giải thích: Ai cũng làm vậy chị ơi, tôi cũng sắp nghỉ hưu rồi, chị thông cảm”.
“Giáo viên cực chẳng đã mới cho học sinh học bài mẫu để khi đi thi các em nhớ được chừng nào viết ra chừng đó” – một giáo viên tại Q.4, TP.HCM
Video đang HOT
Trong khi đó, đề thi học kỳ II môn tiếng Việt lớp 2 ở một trường tiểu học thuộc Q.Tân Bình, TP.HCM yêu cầu HS “Tả cái cây mà em yêu thích”. Chị T., phụ huynh có con làm đề thi này, kể: “Khi cô giáo dạy tả về cây, cô chọn cây phượng nên 90% học sinh trong lớp đều tả cây phượng. Riêng con tôi tả cây giâm bụt vì lần cháu về quê được tiếp xúc với loại cây này. Khi tự làm bài ở lớp, cháu chọn cách dẫn dắt thực tế từ việc về quê ra sao, biết loại cây này thế nào theo ý riêng… Nhưng sau đó cô lại dạy cháu sửa lại theo đúng mẫu “trong các loại cây em thích nhất là cây giâm bụt” rồi sau đó miêu tả thân cây thế nào, rễ cây ra sao… Rốt cuộc khi đi thi, cháu và hàng loạt bạn khác cũng đều bắt đầu bài văn bằng câu mào đầu quen thuộc: “Trong các loại cây, em thích nhất là…”.
Chị Thảo, có con học ở Q.Thủ Đức, kể: Đầu năm lớp 3, con gái bức xúc: “Mấy chục bạn có sách văn mẫu, sao mẹ không mua cho con?”. Đang còn cân nhắc xem có nên cho con mình tiếp xúc văn mẫu hay không, con gái lại thúc giục: “Cô dặn phải mua đúng quyển 270 bài văn mẫu”. Dẫn con ra nhà sách, trước hàng chục đầu sách văn mẫu lớp 3, con gái nỉ non: “Phải mua nhiều quyển mẹ ơi, bạn nào có sách lạ mang vào lớp sẽ được cô mượn để đọc cho cả lớp nghe”…
Vòng luẩn quẩn
Chính vì thế, cứ đến hẹn lại lên, sau đợt chấm bài thi học kỳ, giáo viên phải đọc và cho điểm nhiều bài văn giống nhau như khuôn mẫu (của sách văn mẫu và của cô giáo). Dù bài thi rọc phách nhưng cô giáo nào cũng nhận ra giọng văn quen thuộc nếu chấm bài học trò mình. Tình trạng phổ biến đến mức nhiều trường tiểu học có quy định khi chấm thi, những bài nào giống văn mẫu hoặc giống nhau sẽ bị trừ 1 điểm. Và thế là để HS không bị trừ điểm, giáo viên phải cất công soạn và hướng dẫn HS làm 3-4 bài khác nhau cho mỗi đề với hi vọng HS sẽ có những bài văn khác nhau một tí.
Đến gần ngày thi, để tiết kiệm thời gian, nhiều cô giáo yêu cầu cả lớp về làm bài trước. Hôm vào tiết tập làm văn cô sẽ chọn những bài tiêu biểu đọc trước lớp. Cũng có nhiều giáo viên chọn cách khuyến khích từng trẻ nói ý của mình tại lớp. Nhưng chỉ có vài HS tích cực phát biểu, còn lại do trẻ không có khiếu văn hoặc chưa tự tin phát biểu.
Cô X. tâm tư: “Mỗi lớp chỉ có vài em thích môn làm văn, có thể tự hình dung và miêu tả. Một số khác gợi mở kiểu gì các em cũng chịu, mà thời lượng tiết học thì không đủ để rèn kỹ năng cho từng em. Giáo viên cực chẳng đã mới cho HS học bài mẫu để khi đi thi các em nhớ được chừng nào thì viết ra chừng đó”. Một giáo viên lớp 2 Trường tiểu học H, Q.Tân Bình dẫn chứng: “Chương trình tập làm văn không có tính liên kết: vừa học tả cây, tả quả, chuyển sang tả ảnh, tả người thân… Mỗi tuần một thể loại, HS chưa kịp quen dạng bài này đã phải chuyển sang dạng khác.
Không ít giáo viên phải xin thêm thời gian môn phụ để cho HS làm thêm nhiều bài nhưng vẫn không đủ. Vậy nên phải làm đủ cách, từ việc cho HS đọc văn mẫu, yêu cầu HS phải tự làm bài trước ở nhà, nhờ phụ huynh cùng dạy văn cho con, nhưng tốt nhất là hướng dẫn HS viết theo mình là nhanh nhất, đủ ý nhất. Không có thời gian để gợi mở ý tưởng cho HS, giáo viên phải dạy học trò viết theo khuôn mẫu. Được dạy viết theo khuôn mẫu, HS lại không được khơi gợi sáng tạo, không có cơ hội thể hiện khả năng. Giáo viên lại phải dạy văn mẫu. Cái vòng luẩn quẩn đó là do “công nghệ” dạy văn mẫu ngày càng được nâng lên trong khi khả năng của HS ngày càng đi xuống.
Viết theo cô giáo là dễ nhất Một cô giáo dạy lớp 2 ở Q.Tân Bình cho rằng: “Sách văn mẫu có nhiều, hàng chục đầu sách, nhiều tác giả nhưng na ná nhau, cầu kỳ, sáo rỗng nên thường giáo viên và cả phụ huynh chọn cách làm theo cô giáo. Không chỉ bậc tiểu học, ngay cả đến khi đi thi tú tài, HS cũng học và làm văn theo thầy cô mình. Điều này tồn tại từ rất lâu nhưng chưa tháo gỡ được. Trong mớ bòng bong văn mẫu, cả thầy và trò đều là nạn nhân đau khổ”.
Theo Lưu Trang – Phúc Điền
Tuổi Trẻ
Kỹ năng ôn thi tốt nghiệp môn hóa, ngoại ngữ
Các giáo viên khuyên, với môn hóa học không nên tham khảo quá nhiều tài liệu, như vậy chỉ làm rối thêm. Còn môn ngoại ngữ cần phải chăm học từ vựng và nắm vững ngữ pháp.
Môn hóa: Không học tủ, học lệch
Theo thầy Phan Việt Thắng - GV Hóa TT BDVH - LTĐH Sài Gòn Tri Thức, hình thức thi của môn Hóa là trắc nghiệm nên các câu hỏi sẽ dàn trải toàn bộ kiến thức được học, vì vậy không được học tủ, học lệch.
Trong kỳ thi TN, kiến thức chỉ tập trung trong chương trình lớp 12. Các câu hỏi ở mức cơ bản, không đánh đố nên chỉ cần nắm vững các kiến thức cơ bản. Đề thi môn Hóa có câu hỏi lý thuyết và bài tập tính toán, để trả lời câu hỏi lý thuyết, như đã nói phải bám sát SGK, nhớ các định nghĩa, khái niệm, quy tắc, các phương trình phản ứng. Quan trọng nhất là phải hiểu bản chất, các đáp áp lựa chọn đôi khi rất giống nhau, lựa chọn chính xác chỉ khác các đáp án khác vài từ. Khi học phản ứng nên học theo kiểu ghi theo chuỗi, hiện tượng khi phản ứng xảy ra và các chất quan trọng trong phản ứng.
Đặc biệt hết sức chú ý, có những kiểu câu hỏi lựa chọn câu đúng hay không đúng. Với câu hỏi bài tập, các dạng bài thường tập trung vào các phương pháp bảo toàn electron trong phản ứng oxy hóa khử, tăng giảm khối lượng, bảo toàn khối lượng... Khi ôn tập phải chia ra theo dạng, hình thành phản xạ dạng này phải làm thế nào? Giúp giải quyết nhanh bài toán, tiết kiệm thời gian, vì có câu chỉ mất vài giây để làm nhưng sẽ có những câu mất nhiều thời gian hơn. Khi làm bài tập, phải nhìn cả đáp án, có nhiều câu dựa vào đáp án cũng giúp nhận định nhanh chóng câu trả lời. Các em nên tham khảo đề của các năm trước, đề thi các năm thường có nhiều điểm tương đồng, khi tham khảo nên cố gắng trả lời từng đáp án của câu hỏi lý thuyết này tại sao đúng, sai? Các bài tập thì suy đoán xem liệu với bài tập này có dạng nào khác nữa không? Chứ không dừng lại ở chuyện là chỉ giải đúng câu hỏi trong đề.
Thầy cô, bạn bè trong nhóm, là nguồn tư vấn và giúp ta hoàn thành các công việc hữu hiệu nhất. (Ảnh minh họa).
Môn tiếng Anh: Nắm chắc ngữ pháp
Đề thi thường có các phần: phát âm và dấu nhấn (Phonetics), từ vựng (vocabulary), ngữ pháp (Grammar), đọc hiểu (reading), chuyển đổi cấu trúc câu (Transformation). Để làm tốt bài thi, thầy Phạm Hùng, GV Bộ môn tiếng Anh Trường THPT Marie Curie TP.HCM khuyên học sinh phải có vốn từ vựng nhất định, nắm vững phần ngữ pháp và cấu trúc, rèn kỹ năng làm bài - dĩ nhiên là phải làm bài tập nhiều. Thầy cô, bạn bè trong nhóm, là nguồn tư vấn và giúp ta hoàn thành các công việc hữu hiệu nhất.
Nhưng chìa khóa vẫn là sự nỗ lực của bản thân, gạt bỏ sự lười biếng, và không chủ quan, ỷ lại hay phó mặc. Phải có tâm lý vững vàng, không căng thẳng. Vì đặc thù của bộ môn tiếng Anh là thấm từ từ, phải có 1 thời khóa biểu cố định, thường xuyên và mỗi ngày. Trước ngày thi, thư giãn, không lo lắng. Bình tĩnh, tự tin vẫn là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công.
Theo đất việt
Teen và chuyện "tủ đè" "Học tủ" vốn là chuyện muôn thuở của teen. Thường thì teen "chủ động" "chui" vào tủ, nhưng đôi khi có những cái "tủ" lại vô tình tìm đến... Không hoàn toàn là lỗi của teen Với lượng kiến thức ngày càng lớn qua từng cấp học, teen thường phải "gồng mình" lên để "chống đỡ", chính vì thế mà khi thi cử,...