Những câu chuyện ‘tình chị em’ nổi tiếng trên màn ảnh
Chuyện tình yêu chênh lệch tuổi tác vốn thường được các nhà làm phim khai thác. Một số là phim tình cảm thuần túy, có phim thậm chí thuộc dòng giật gân.
The Piano Teacher (2001): Từng bị lên án là một tác phẩm khiêu dâm trắng trợn, coi thường đạo đức, The Piano Teacher xoay quanh mối tình đầy trái khoáy và ám ảnh giữa chàng trai trẻ học đàn và nghệ sĩ dương cầm kiêm giáo viên trường nhạc luống tuổi. Phim chứa đựng nhiều cảnh quay gây sốc, đặc biệt là những cảnh bạo dâm và tự gây đau đớn cho bản thân của nhân vật cô giáo. Song, The Piano Teacher lại gây tiếng vang lớn tại LHP Cannes 2001 với ba giải thưởng quan trọng, được dành cho đạo diễn Michael Haneke và hai diễn viên chính của bộ phim.
Y tu Mamá También (2001): Trước thành công vang dội của Gravity, đạo diễn Alfonso Cuarón từng gây chú ý khi được nhận đề cử Oscar hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc với Y tu Mamá También hồi đầu thế kỷ. Phim là chuyến đi đầy táo bạo, nhuốm màu sắc nhục dục của hai cậu thiếu niên cùng một phụ nữ quyến rũ. Trên hành trình tới bãi biển thơ mộng, họ được học thêm nhiều điều về tình bạn lẫn tình dục.
The Reader (2008): Lấy bối cảnh chính là thời Thế chiến thứ II, nhưng đạo diễn Stephen Daldry lại muốn tập trung vào chuyện tình cảm oái oăm giữa hai nhân vật chênh nhau đến 21 tuổi là Hanna và Michael. Họ lặp đi lặp lại chuỗi hành động tắm, đọc sách, làm tình và gây ra nhiều ám ảnh cho người xem. Vai diễn Hanna xuất sắc đem lại một giải Oscar cho nữ minh tinh Kate Winslet trong đầu năm 2009.
Sex and the City (1998-2004, 2008): Nhiều khán giả của Sex and the City hẳn sẽ nhớ đến chuyện tình giữa Samantha và Smith Jerrod. Khi Samantha biết tin mình mắc bệnh ung thư, cô tìm mọi cách xua đuổi người tình trẻ tuổi. Tuy nhiên, “chàng phi công” vẫn ở lại, kiên nhẫn đút cho cô từng miếng cháo, viên thuốc và nói rằng: “Anh không chỉ cần mỗi tình dục ở em”. Thậm chí đến khi Samantha rụng gần hết tóc, Smith cũng tự nguyện cạo đầu theo. Đây hẳn là một trong những mối tình hoàn hảo nhất trên màn ảnh từ trước tới nay.
Video đang HOT
The Rebound (2009): Phát hiện ra chồng ngoại tình, Sandy (Catherine Zeta-Jones) 40 tuổi lập tức ly dị chồng, đưa con tới New York. Ở đó, cô gặp được Aram, chàng trai tuổi 24 cũng vừa bị vợ lợi dụng rồi bỏ rơi. Hai tâm hồn tổn thương mau chóng tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc. Là một tác phẩm giải trí đơn thuần, The Rebound đem đến những giây phút hài hước nhẹ nhàng cả ở những khoảnh khắc “ nóng bỏng” nhất.
The Proposal (2009): Chuyện tình “máy bay- phi công” trong The Proposal có phần éo le, khi nữ tổng biên tập Margaret buộc phải dùng chiêu trò để né tránh việc bị đuổi về quê nhà Canada. Cô giả vờ đính hôn với chàng nhân viên bị mình hành hạ bấy lâu nay là Andrew, nhưng rồi phải lòng chàng trai trẻ lúc nào chẳng hay. Cách xây dựng tình huống hấp dẫn, cùng diễn xuất ăn ý giữa Sandra Bullock và Ryan Renolds khiến phim là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của dòng “tình chị em”.
The Lucky One (2012): Đây là một trong nhiều bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết của Nicholas Spark. Định mệnh đã cứu sống và chỉ đường cho một chàng cựu quân nhân tìm đến tình yêu lớn trong đời chỉ thông qua một tấm ảnh. Chàng mới trở về từ Iraq, rất hiểu biết và còn trẻ; nàng là gái một con, từng trải qua cuộc hôn nhân không hạnh phúc với gã chồng say xỉn. Vai nam chính trong The Lucky One là một bản lề quan trọng trong sự nghiệp của Zac Efron, vốn vẫn còn bị gắn với cái bóng lớn của High School Musical tại thời điểm đó.
Adore (2013): Câu chuyện hai người bạn thân từ tấm bé sau này phải lòng con trai của nhau khiến nhiều người liên tưởng đến chuyện Oedipus cưới mẹ trong thần thoại Hy Lạp. Khi những bí mật bị hé lộ, cả bốn người phải đương đầu với rất nhiều thị phi và oái oăm trong cuộc sống. Dưới bàn tay của nữ đạo diễn Anne Fontaine, hai mối tình tội lỗi được đặt trong không gian thơ mộng, lãng mạn của bãi biển vùng phía Đông nước Úc. Nắng vàng, biển xanh và cát trắng giống như những nhân vật thực sự, chứng kiến toàn bộ câu chuyện đầy éo le này.
The Boy Next Door (2015): Bộ phim mới đưa dòng phim “tình chị em” lấn sân sang cả thể loại hình sự kịch tính. Cô giáo viên 40 tuổi Claire Peterson bị chồng mình bỏ rơi và trong khoảnh khắc cô đơn yếu đuối rơi vào tay “chàng phi công trẻ” Noah ở nhà bên. Oái oăm thay, Noah trở thành học sinh của cô tại trường học, liên tiếp đe dọa Claire về bí mật thầm kín giữa hai người. Sắm vai cô giáo là nữ ca sĩ Jennifer Lopez nóng bỏng; còn nhân vật chàng học sinh bí hiểm Noah được dành cho Ryan Guzman – ngôi sao của Step Up Revolution.
Trailer bộ phim ‘The Boy Next Door’
Theo Zing
VTV ngừng phát sóng 'Sex and the City'
Chỉ sau 2 tuần, bộ phim "Chuyện ấy là chuyện nhỏ" trên kênh VTV2 đã bị ngừng phát sóng, gây khó hiểu cho khán giả. Phải chăng nhà đài chưa "dò đúng sóng" của khán giả?
"Phim người lớn" trong cơn bão
Thông tin VTV2 có giờ phát sóng riêng cho "phim người lớn" vào đầu tháng 11 vừa qua thực sự đã tạo nên một cơn bão trong dư luận. Khán giả đã chia thành 2 phe rõ rệt trước quyết định này. Phe ủng hộ nhiệt tình với lý do, đã đến lúc xã hội cần thay đổi quan niệm về giới tính và tình dục, không nên coi đó là một vùng thông tin "nhạy cảm" cần né tránh.
Ngược lại, phe phản đối đưa ra lý do, phương Đông và phương Tây là hai thái độ, tư tưởng khác nhau, hiện nay khán giả Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng để nói về "chuyện ấy", VTV không nên phát sóng phim người lớn khi tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên đã quá cao...
4 nhân vật nữ chính trong phim Chuyện ấy là chuyện nhỏ.
Trước sự tranh luận trái chiều này của khán giả, VTV đã phải lùi lịch phát sóng phim Chuyện ấy là chuyện nhỏ lại một tuần để có những cân nhắc kỹ hơn trước khi đưa phim đến với khán giả. Một mặt bên cạnh chuyện lùi thời gian phát sóng, đại diện của VTV cũng giải thích để trấn an dư luận "phim sẽ được biên tập rất kỹ trước khi phát sóng để phù hợp với khán giả chứ không phải phát sóng nguyên bản".
Khỏi phải nói tâm lý đợi chờ háo hức của khán giả trước giờ những tập đầu tiên của series phim Chuyện ấy là chuyện nhỏ cao đến thế nào. Nhưng tiếc thay, họ đã bị thất vọng vì sự cắt xén quá kỹ của VTV. Những khán giả chưa xem bộ phim này bao giờ thì cho biết họ cảm thấy khó hiểu, phim không hấp dẫn; những khán giả đã từng được xem bản gốc của phim trên các kênh truyền hình nước ngoài thì nhận xét, phim đã bị cắt "quá tay" tới mức làm thay đổi, sai lệch cả đường dây của câu chuyện.
Chị Thùy Hương - một nhân viên văn phòng ở tòa nhà Vincom (Bà Triệu, Hà Nội) - cho biết: "Trong tập 2 của bộ phim, nhân vật Miranda Hobbes - 1 trong 4 nhân vật nữ chính của phim - có cảnh yêu đương rất bạo liệt với Skipper - người đàn ông có vai trò quan trọng trong phần sau của phim.
Tuy nhiên vì cảnh này đã bị cắt bỏ nên khán giả sẽ không thể hiểu được vì sao hai nhân vật này chỉ vừa mới gặp gỡ đã có một mối liên hệ rất chặt chẽ và gần gũi ở phần sau. Vì đã xem bản gốc của phim nên tôi cảm thấy việc cảnh nóng bị cắt khiến cho phim bị giảm sức hấp dẫn, gây khó hiểu cho khán giả".
Ngoài việc cảnh nóng bị cắt, tất cả những lời thoại liên quan đến chuyện quan hệ tình dục mà các nữ nhân vật đề cập rất thẳng thắn trong câu chuyện của họ cũng đều được biên tập lại bằng cách nói bóng gió, vòng vèo. Và vừa theo dõi phim, khán giả vừa phải miệt mài "giải nghĩa" những cụm từ đã được nói giảm nói tránh về "chuyện ấy".
Cần thận trọng hơn
Sau khi 6 tập phim đầu tiên được phát sóng, VTV2 đã quyết định ngừng giờ phim dành cho người lớn trên kênh sóng của mình. Trao đổi với phóng viên về quyết định này, ông Nguyễn Hà Nam - Trưởng ban Thư ký biên tập của VTV cho biết chung chung: "VTV dừng phát sóng phimChuyện ấy là chuyện nhỏ vì nhiều lý do. Khi nào phim phát sóng lại, VTV sẽ có thông báo đến quý khán giả".
Như vậy là lý do cụ thể của việc ngừng phát sóng giờ phim người lớn trên VTV2 đến nay vẫn chưa được đại diện của VTV giải thích rõ ràng. Tuy nhiên, xét về hiệu quả của bộ phim đối với khán giả và thái độ của người xem đối với bộ phim này thế nào cũng có thể phần nào hiểu được.
Một tờ báo điện tử đã mở cuộc thăm dò ý kiến khán giả về bộ phim với câu hỏi: "Bạn đánh giá thế nào về phim Sex and the City chiếu trên khung giờ 18 của VTV2?" và đưa ra 3 lựa chọn: 1. Không nên chiếu phim 18 như thế trên truyền hình quốc gia. 2. Tôi đã xem và thấy bình thường, phim thú vị. 3. Tôi sẽ không xem bản phim đã cắt gọt. Kết quả số phiếu bình chọn như sau - phương án 1: 23,69%; phương án 2: 15,83% và phương án cuối cùng là 60,49%. Điều đó cho thấy, cứ 10 khán giả được hỏi, có hơn 6 người cho biết sẽ không xem bản phim đã cắt gọt.
Qua cuộc thăm dò ý kiến khán giả này cho thấy, việc phát sóng một bộ phim được dán nhãn 18 trên sóng truyền hình quốc gia có độ phủ sóng rộng nhất nước (VTV2 là một kênh truyền hình quảng bá) nhưng lại bị cắt gọt quá kỹ đã không đem lại hiệu quả như mong muốn.
Bản thân bộ phim Chuyện ấy là chuyện nhỏ hấp dẫn khán giả truyền hình Mỹ vì cảnh nóng và những vấn đề về đời sống tình dục của các nhân vật nữ được bàn luận thoải mái dưới một góc nhìn và quan điểm hài hước phù hợp với tâm sinh lý của người Mỹ. Việc VTV biên tập kỹ bộ phim tới mức cắt hết cảnh nóng, chỉnh sửa lời thoại cho phù hợp với khán giả Việt Nam là một việc "cực chẳng đã" của nhà đài. Vậy chẳng khác nào việc đem một cô gái đẹp, thông minh ra mắt công chúng nhưng lại buộc phải che giấu sắc đẹp và trí tuệ của cô gái đó, đương nhiên cầm chắc thất bại.
Việc "đầu xuôi đuôi không lọt" của bộ phim Chuyện ấy là chuyện nhỏtrên VTV2 chắc chắn đã khiến VTV phải rút ra nhiều kinh nghiệm và thận trọng hơn trong những lần phát sóng tiếp theo của mình.
Theo MaiAn/Dân Việt
11 sự thực bất ngờ về nữ giới từ phim "Sex and the City" "Sex and the City" không định nghĩa thế nào là phụ nữ, nhưng chứa đựng nhiều bài học và sự thật về người phụ nữ hiện đại cũng như tình bạn bè giữa nữ giới với nhau. Sex and the City là một series truyền hình Mỹ không chỉ ăn khách gần 1 thập kỷ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến lối...