Những câu chuyện kinh dị bắt nguồn từ việc làm đẹp
Việc làm đẹp như một con dao hai lưỡi và khi bạn làm đẹp không đúng cách hoặc kém may mắn, nó có thể gây ra cho bạn những tai họa vô cùng kinh khủng. Sau đây là 6 trong số những câu chuyện làm đẹp được xếp vào hàng kinh dị trên thế giới thời gian qua.
1. Mất lông mày vì đắp mặt nạ
Đắp mặt nạ tại gia tưởng chừng là một công việc hết sức đơn giản và vô hại nhưng một khi tham đắp quá lâu, bạn có thể sẽ phải đối mặt với hậu quả vô cùng kinh khủng. Tháng trước, Emily Cowdrey, một người dùng Twitter đã chia sẻ trải nghiệm nhớ đời của mình về việc đắp mặt nạ quá lâu. Theo đó, do lưu lại trên mặt quá lâu mà khi được gỡ bỏ, chiếc mặt nạ đã lột sạch luôn cả cặp lông mày của Emily, khiến khuôn mặt của cô nàng trông rất đáng sợ. Để không gặp phải tình trạng khóc dở mếu dở như Emily Cowdrey, lời khuyên dành cho các cô nàng ham đắp mặt nạ là chỉ nên đắp trong thời gian quy định, thường là từ 15 – 20 phút, đừng “cố quá” kẻo đẹp thì không thấy mà lông mày lại “không cánh mà bay”.
Câu chuyện dở khóc dở cười được Emily Cowdrey chia sẻ trên Twitter.
2. Nổi nhọt trên đầu vì tóc nối kém chất lượng
Bạn có bao giờ nghĩ rằng chỉ nối tóc cũng có thể gây ra những ổ nhọt gớm ghiếc trên đầu mình? Điều đó có thể khó tin nhưng lại là sự thật. Hồi tháng 4 năm nay, một cô gái người Anh có tên Tina Campbell đã phải phẫu thuật loại bỏ nốt nhọt khổng lồ trên đầu mình – hậu quả của việc nối tóc tại một cơ sở kém chất lượng. Trước đó, Tina đã bỏ ra 100 bảng Anh (~ 3,4 triệu VNĐ) để nối tóc tại một salon ở London. Được vài tuần, trên đầu cô bắt đầu xuất hiện những nốt nhọt lớn nhỏ gây đau rát, ngứa ngáy. Đến lúc những nốt nhọt đó vỡ ra và chảy mủ, Tina mới hốt hoảng đến bệnh viện và tại đây, bác sĩ đã phải dùng dao mổ để loại bỏ những ổ nhọt kinh khủng đó. Theo các bác sĩ, nguyên nhân của sự việc là do da đầu của Tina Campbell đã tiếp xúc với những cây kim (được dùng để đan tóc nối) bị nhiễm khuẩn.
Tina Campbell đã phải trả giá đắt chỉ vì nối tóc.
Tina trước và sau khi phẫu thuật. Cô đã phải đón sinh nhật trong bệnh viện.
3. Bị liệt vì dùng chung cọ trang điểm
Video đang HOT
Việc dùng chung cọ trang điểm cũng như mỹ phẩm ẩn chứa nguy cơ lây bệnh vô cùng nguy hiểm và không chỉ dừng lại ở những bệnh thông thường, nó còn có thể khiến người ta bị liệt. Hồi tháng 4 vừa qua, Jo Gilchrist, một cô gái người Úc đã bị liệt nửa người và được chẩn đoán nhiễm tụ cầu khuẩn, một loại virus thường được tìm thấy ở mũi và da người. Tụ cầu khuẩn đã tấn công vào xương sống của Jo, khiến cô không đi lại được nữa và mất khả năng kiểm soát ruột và bàng quang. Jo tin rằng mình bị lây loại virus nguy hiểm này sau khi mượn cọ trang điểm của một người bạn, người từng bị nhiễm tụ cầu khuẩn trên mặt. Tai nạn không may của Jo Gilchrist thực sự là một lời cảnh tỉnh cho bất cứ ai còn coi nhẹ vấn đề dùng chung đồ với người khác cũng như giữ vệ sinh cho các loại mỹ phẩm, dụng cụ làm đẹp của mình.
Chỉ vì dùng chung cọ trang điểm với bạn, cô Jo Gilchrist đã bị liệt nửa người.
4. Bị nhiễm bệnh tình dục vì waxing vùng kín
Tháng 3/2014, một cô gái có tên Maddie Rubin đã chia sẻ với trang báo Cosmopolitan về câu chuyện kinh khủng có liên quan đến việc waxing. Trước đó, Maddie đã tiến hành waxing vùng bikini tại một salon như thường lệ. Sau đó không lâu, cô bắt đầu nhận thấy những nốt nhỏ xuất hiện trên phần da xung quanh vùng kín của mình. Ban đầu, Maddie tưởng đó chỉ là triệu chứng dị ứng thông thường và chỉ đến khi đi khám, cô mới biết mình bị nhiễm u mềm lây hay còn gọi là u nhầy lây, một loại bệnh tình dục khá phổ biến. Vị bác sĩ khám cho Maddie đã nhanh chóng kết luận cô bị lây nhiễm do dùng chung que waxing tại salon bởi trước đó không lâu, một bệnh nhân khác cũng từng đến khám với triệu chứng tương tự sau khi waxing vùng kín. Cũng theo vị bác sĩ này, ngày càng có nhiều phụ nữ tại New York nhiễm u nhầy lây từ việc waxing vùng kín do không ít salon thường dùng một que waxing cho nhiều người. Ngoài ra, một cuộc nghiên cứu tại Pháp cũng đã liệt waxing vùng kín vào một trong những nguyên nhân lây nhiễm căn bệnh tình dục này.
5. Da mặt bị tàn phá vì chăm sóc da tại salon
Tháng 5/2013, Juli, một blogger làm đẹp khá nổi tiếng tại Singapore đã trở thành nạn nhân của một salon kém chất lượng và phải đối mặt với cơn ác mộng có thể được coi là kinh khủng nhất trong cuộc đời cô. Theo đó, Juli đã ghé thăm salon này và sử dụng một gói chăm sóc da mặt tại đây. Hai ngày sau, mặt cô bắt đầu xuất hiện những đốm mụn đáng ngờ. Juli liên lạc với salon và được an ủi rằng đó là phản ứng bình thường bởi da cô quá nhạy cảm và đề nghị tiến hành hút, nặn những đốm mụn kia. Tuy nhiên, tình trạng da mặt của Juli ngày càng tệ khi những đốm mụn ngày càng lan rộng ra toàn bộ mặt và vô cùng đau đớn. Quá sợ hãi, Juli quyết định dừng điều trị ở salon và cầu cứu bác sĩ da liễu. Sau đó nhiều tháng, da mặt Juli mới dần trở lại bình thường và trong suốt thời gian đó, cô luôn phải đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài vì sợ làm mọi người kinh hãi.
Chân dung blogger làm đẹp Juli trước khi ghé thăm salon tai họa.
Cận cảnh khuôn mặt đáng thương của blogger trẻ sau khi bị nhiễm trùng da.
6. Cháy xém tóc vì máy uốn xoăn
Câu chuyện dở khóc dở cười của cô gái tuổi teen Tori Locklear vào năm 2013 là một ví dụ kinh điển về sự nguy hiểm khi dùng máy uốn xoăn không đúng cách. Trong video được chính Tori đăng tải lên YouTube, cô đã bị đứt xém cả một lọn tóc rất dài khi đang dùng máy uốn xoăn để làm tóc. Nguyên nhân được cho là do Tori đã chỉnh nhiệt độ quá cao và để máy làm xoăn tiếp xúc với tóc quá lâu. Cho đến nay, video này đã thu hút được hàng chục triệu lượt xem trên YouTube.
Theo Kenh14
Làm đẹp bằng tóc nối và mánh khóe ở thị trường chợ đen
Nhiều phụ nữ phải trả hàng nghìn USD để mua tóc chết từ các thương lái lừa đảo mà vẫn lầm tưởng rằng đó là tóc hạng "virgin remy" (tóc tự nhiên).
Nhắc đến tóc nối, người ta thường nghĩ đến những lọn tóc dài, mềm mại mà luôn bỏ qua nguồn gốc của chúng: những người phụ nữ đã cho đi mái tóc. Arin Brahma - chủ sở hữu công ty Rebelle USA - và Riqua Hailes - chuyên gia về tóc nối danh tiếng ở Los Angeles (Mỹ) - đã hé lộ vài bí mật đằng sau ngành công nghiệp làm đẹp này.
Theo Arin, trước khi tìm hiểu nguồn gốc của tóc nối, điều quan trọng các chị em phải hiểu sự khác nhau cơ bản giữa các loại tóc. Tóc của người châu Á có mặt cắt hình tròn, thường thẳng và dày. Trong khi mái tóc châu Phi có mặt cắt góc cạnh, khiến nó có vẻ thô ráp và xoăn tít. Tóc của hầu hết người da trắng có mặt cắt hình bầu dục. Người Ấn Độ có gốc Á Đông, nhưng sở hữu kiểu tóc giống người da trắng nhất. Điều đó khiến nguồn tóc từ "đất nước sông Hằng" trở thành mặt hàng cao cấp thường được săn lùng.
Nối tóc là xu hướng làm đẹp của nhiều phụ nữ thời hiện đại.
Giới buôn tóc gọi mặt hàng này bằng những cái tên như "hàng sòng phẳng" (fairly trade) hay "hàng đạo đức" (ethical trade). Về bản chất, chúng không có sự khác biệt. Chuyên gia Brahma giải thích rằng, từ "hàng song phẳng" ám chỉ mái tóc được mua đúng với giá trị thực và là dạng trao đổi công bằng. Còn "hàng đạo đức" nhấn mạnh sản phẩm này được thu nhận đúng quy trình và hợp tiêu chuẩn đạo đức. Chuyên gia Hailes đồng tình rằng, hai từ ấy tương đương nhau: "Chẳng hạn một phụ nữ muốn bán tóc để kiếm tiền, trong khi người khác hiến tặng tóc vì mục đích tôn giáo. Hình thức nào cũng là một dạng trao đổi ngang bằng và tự nguyện giữa đôi bên".
Các búi tóc tốt sẽ được bó lại thành từng chùm đuôi ngựa, tỉa tót, đóng gói và bán nguyên vẹn như khi thu mua. Mặt hàng tóc nối được đánh giá chất lượng tốt nhất gọi là "virgin remy" - nghĩa là tóc người tự nhiên, với những sợi xếp đều với nhau và chưa từng trải qua xử lý hóa chất. Kế đến là tóc "remy" cũng được xếp vào loại chất lượng cao nhờ cấu trúc đều đặn, nhưng kiểu tóc này được làm từ tóc từng nhuộm hoặc uốn nên ít nhiều bị hư kết cấu.
Một từ khác được dùng trong giới chuyên môn là "tóc đền" (temple hair), xuất phát từ tập tục từ 5.000 năm trước: cắt tóc dâng hiến lên thánh thần nhằm chứng tỏ lòng thành của các nam phụ lão ấu Ấn Độ. Brahma cho biết, khoảng 15-20 năm trước, toàn bộ tóc đền sau khi cúng sẽ được đốt thành tro vì không có công dụng nào khác. Nhưng bây giờ, với sự phát triển của ngành công nghiệp tóc nối, các tổ chức phi lợi nhuận trong đền chùa quyết định quyên góp tiền cho cộng đồng bằng việc bán tóc, biến tục lệ này trở thành một dạng mới của phúc lợi xã hội.
Tuy nhiên, ba loại tóc cao cấp trên chỉ chiếm khoảng 20% thị trường tóc nối hiện nay.
80% còn lại được gọi chung là tóc "non-remy" hay "tóc xấu", ám chỉ những mặt hàng tóc kém chất lượng, thường bị pha tạp và khó có thể phân loại. Một bộ tóc bình thường, đồng đều về kiểu dáng và kết cấu mới đảm bảo độ óng ả, suôn mượt. Nếu pha tạp nhiều kiểu tóc với các biểu mô tóc khác loại, sẽ rất khó để vào nếp suôn mượt, nếu không muốn nói là rối nùi, giảm hẳn độ bền. Hơn nữa, một khi đã bị pha tạp, tóc không thể phân loại được nữa.
Phần lớn tóc nối trôi nổi trên thị trường đều là loại được pha tạp, kém chất lượng, có thể làm ảnh hưởng đến da đầu.
Nguồn hàng xấu từ thị trường chợ đen này do các lái buôn nhỏ lẻ, nghiệp dư thu gom từ tóc của các nhà sư cắt ở đền chùa, hay tóc của nhiều khách hàng cắt ở salon làm đẹp. Chưa hết, lái buôn cũng tìm đến những vùng nghèo khó ở Trung Quốc, dụ dỗ phụ nữ bán tóc rụng bằng cách trao đổi những món kẹp trang trí, đồ gia dụng hay đôi khi bằng tiền. Thậm chí, họ gạt bỏ cả vấn đề đạo đức khi nhu cầu quá cao mà nguồn cung bị thiếu. Khi ấy, việc bắt cóc phụ nữ để cướp tóc, hoặc lấy tóc từ người vừa qua đời trở thành một vấn nạn.
Brahma và Hailes tiết lộ một trong những chiêu trò của các thương lái: "Họ có thể lấy tóc chết (tóc rụng dưới sàn hoặc mắc vào lược) nhào nặn thành tóc nối hạng virgin remy". Quy trình đầu tiên là ngâm tóc mới thu mua trong một bể acid lớn. Toàn bộ biểu mô tóc xấu sẽ bị phân rã, giúp giải quyết gọn vấn đề tóc rối, không vào nếp nhưng làm tóc mất đi vẻ óng ả, bóng mượt bình thường. Thương lái tiếp tục ngâm sản phẩm vào bể silicone, nhằm tạo một lớp áo mỏng làm giả độ bóng và chắc khỏe của tóc. Mắt thường sẽ không phát hiện được lớp phủ nhân tạo này. Nhưng chỉ cần qua 6-8 lần gội đầu, nếu để ý kỹ người dùng sẽ nhận ra.
Ngành công nghiệp tóc nối có những thay đổi đáng kể chỉ trong vòng 6 năm qua. Lợi nhuận từ việc bán tóc "remy" và "virgin remy" gấp hàng chục lần vốn đầu tư cho việc thu mua tóc xấu và bộ hóa chất tẩy rửa đi kèm. Sự tinh vi của thị trường chợ đen khiến chất lượng tóc giảm thấp mà vẫn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Hailes nhận định: "Nhiều phụ nữ phải trả hàng nghìn USD để mua tóc chết từ các thương lái lừa đảo mà vẫn lầm tưởng rằng đó là tóc hạng virgin remy".
Vấn đề lớn nhất trong ngành công nghiệp tóc nối chính là sự gian dối. Không một thương hiệu tóc giả nào dám nhận mình sử dụng hàng non-remy. Còn thương lái sẽ tận dụng điểm yếu là không thể phân biệt chỉ bằng mắt thường và sờ vào mà phải chờ quá trình sử dụng để kinh doanh có lợi. Không những thế, làm giả nguồn tóc cũng là một điều phổ biến, nhất là "tóc Brazil" - nổi tiếng về độ đen, bóng mượt và chắc khỏe. Rất nhiều bộ "tóc Brazil" được bày bán thực chất có nguồn gốc từ Ấn Độ và Trung Quốc, được đóng gói sang Brazil.
Theo Hailes, ngành công nghiệp tóc nối còn quá mới nên vẫn chưa có quy định chặt chẽ. Thương lái có thể dán bất kỳ nhãn hiệu nào có thể và hậu quả không lường trước được. "Là một người trong ngành, tôi thường xuyên phải đi vòng quanh thế giới để tận mắt xem nguồn nguyên liệu của mình thực sự đến từ đâu", cô khẳng định.
Theo VNE
Hói đầu, mọc mụn mủ vì ham tóc nối rẻ tiền Một nữ phóng viên đã phải ăn sinh nhật trong bệnh viện vì ham dịch vụ nối tóc rẻ. Tina Campbell, một nữ phóng viên ở London, Anh, đã bị rụng mất một mảng tóc lớn, mọc mụn mủ lớn trên đầu và phải nhập viện điều trị sau vài tuần dùng tóc nối giá rẻ. Nguyên nhân của sự việc này là...