Những câu chuyện buồn rơi nước mắt ở làng đu dây qua suối
Không có cầu qua suối, vợ anh Nam đã tử vong trong lúc vượt suối đi mua đồ ăn; chị Em lên cơn đau đẻ, người thân phải ẵm chị đang quằn quại với cái bụng to vượt mặt… đu dây cáp đi bệnh viện; mùa nước lên dân ngập nhà, mấy chục người lại dắt díu nhau chạy lên núi lánh nạn…
Đó là những câu chuyện buồn của người dân đang sống cạnh suối Đôi (xã Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai). Vào mỗi mùa mưa, họ phải đu dây vượt suối Đôi đi làm, đi học… Mùa khô thì lội dưới suối để đi.
Sống như “người rừng”
Chỉ cách trung tâm xã Ia Dom chừng 4km, nhưng hàng chục hộ dân sống ở khu vực đất lâm trường của Ban quản lý Rừng phòng hộ Đức Cơ có cuộc sống đối lập hoàn toàn với những người dân phía bên kia bờ suối Đôi. Họ không có nhà, không có “mảnh đất cắm dùi”, không đường, không điện, không trường, không nước sạch… và nguy hiểm nhất là không cầu qua suối (gọi là suối nhưng vào mùa mưa, lòng suối rộng như một con sông lớn, người dân ở đây chỉ biết nước từ thượng nguồn đổ về đây rất lớn).
Ông Đinh Văn Quang (SN 1962) cho biết, gia đình ông vốn quê ở Cà Mau, trước đây mưu sinh bằng nghề bám biển. Nhưng nghề theo thuyền ra biển ngày càng khó khăn và gặp nhiều nguy hiểm nên ông Quang quyết định đưa cả đại gia đình 12 người lên khu vực đất lâm trường bên kia Suối Đôi sinh sống.
Lên Đức Cơ, gia đình ông Quang may mắn được giới thiệu vào làm thuê cho một gia đình ở thị trấn Chư Ty (Đức Cơ). Và họ được đưa vào khu vực đất của lâm trường để làm nông. Chỉ với 2 bàn tay trắng, đại gia đình ông Quang gồm 4 hộ đã lấy tre nứa, mua bạt về dựng thành những túp lều nhỏ ở cạnh bờ Suối Đôi làm chỗ ở. Họ cùng với 12 gia đình khác cùng sinh sống ở đây suốt hơn 3 năm qua, sống như những “người rừng” tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Cuộc sống thiếu thốn đủ bề với nhiều nguy hiểm rình rập.
“Chúng tôi ở đây làm thuê theo ngày và được trả 150 nghìn đồng/ngày công cho các công việc như nhổ cỏ mì, thu hái điều… nhưng có khi cả tháng không có việc gì để làm. Lúc đó chúng tôi lại đi mua nợ gạo và mắm muối để ăn, khi nào có việc làm thì sẽ trả”, ông Quang chia sẻ.
Những đứa trẻ sống bên phía đất lâm nghiệp đu dây qua sông hàng ngày
Vào mùa mưa lũ, nước từ suối Đôi dâng cao khiến những túp lều bị ngập lút. 16 gia đình với 40 nhân khẩu lại dìu dắt nhau lên núi ở.
Chị Đinh Thị Bé Hảo (SN 1990) kể, có nhiều lần nước dâng lên cao đột ngột, gia đình chị không kịp mang theo đồ ăn nên khi lên núi tránh nạn thì chỉ biết đào củ mì, củ mài để ăn sống qua ngày. “Có hôm nước lớn, tôi mua gạo về bị ướt hoặc rớt xuống sông, chúng tôi phải mang gạo ra phơi hoặc rang cho khô để ăn dần, chứ không thì chết đói”, chị Hảo kể.
Ông Quang và những đứa cháu trong căn lều tạm bợ
Sống ở đây, ăn uống sinh hoạt hàng ngày đều dựa vào nước suối Đôi, muốn đi đâu cũng phải vượt qua dòng suối. Những người phụ nữ khi đi đẻ, những người ốm đau, bệnh tật cũng vì dòng suối và nhiều lần nguy hiểm đến tính mạng.
“Cách đây mấy tháng, chị Trần Thị Út Em lên cơn đau đẻ, chúng tôi phải ẵm chị lên cáp treo để qua sông và đưa đi bệnh viện. May mắn là đến viện kịp nên mẹ tròn con vuông”, anh Tống Hoàng Dĩnh (SN 1978) kể.
Video đang HOT
Những căn lều sống ở nơi “nhiều không” của hàng chục hộ dân.
Theo anh Dĩnh, ngoài 16 hộ dân đang sống ở khu vực sát bờ suối Đôi ở khu vực giáp núi còn có hàng chục gia đình khác sống với cuộc sống không khác gì 16 hộ dân ở đây.
Tương lai mù mịt của những đứa trẻ
Trước đây, hơn 100 người dân sống bên khu vực đất lâm nghiệp cùng hàng trăm hộ dân thuộc Đội 15, 17 và 18 phải mạo hiểm lội sông để qua bên kia bờ đi mua đồ ăn và đi làm. Hơn 1 năm nay, họ đã ghóp 5 triệu đồng để làm ròng rọc bắc qua sông với chiều dài khoảng 30m để qua sông vào mùa mưa.
Tuy vậy, việc qua sông của họ vẫn gặp rất nhiều nguy hiểm. Anh Dĩnh cho biết, cách đây chừng 2 tháng, trong lúc ngồi trên chiếc cáp ròng rọc sang kia bờ, không may trục ròng rọc bị gãy khiến anh Dĩnh bị rơi xuống sông. May mắn hôm đó nước chảy không xiết, và anh Dĩnh biết bơi nên đã thoát nạn.
Có bầu hơn 8 tháng nhưng chị Tô Kim Nhàn không biết lúc trở dạ có kịp đu dây tới bệnh viện sinh hay không
Anh Trần Phương Nam (29 tuổi) lại có câu chuyện đau lòng gắn với sợi dây cáp vượt suối. Anh nhớ lại: “Cách đây 4 năm, vợ tôi lội suối để đi mua đồ ăn, không may bị trượt ngã nên chết đuối. Phải 4 ngày mới tìm thấy xác cô ấy. Lúc đó cô ấy mới 23 tuổi”.
Nguy hiểm luôn rình rập, cùng với cái nghèo đói đã khiến tương lai của hàng chục đứa trẻ nơi đây trở nên mịt mù. Hơn 20 đứa trẻ nhưng chỉ còn 4 em đến trường, số còn lại chỉ học đến lớp 3, lớp 4 rồi bỏ.
Bé Nguyễn Ngọc Đẹp (SN 2003) cho biết, bé năm nay lên lớp 4 và nghỉ học ngay từ đầu năm. Bản thân bé rất thích đi học, nhưng do cha mẹ nghèo, phải thường xuyên lên núi làm thuê nên không thể đưa bé đi học được, mà phải mang con theo lên trên rẫy để mưu sinh: “Năm lớp 1, lớp 2 con học có giấy khen, năm lớp 3 học sinh trung bình. Mỗi lần đi học phải qua sông, rồi đi bộ 3km mới đến được trường. Ba mẹ con không đưa con đi học được nên con phải nghỉ học”, Đẹp hồn nhiên nói.
Hàng ngày phải vượt suối đi học, cháu Đinh Ngọc Mơ (lớp 2) cho biết, 6h sáng bố cháu đưa cháu qua sông đi học, 10h trưa đón cháu về: “Cháu không dám qua cáp treo một mình, cháu sợ rớt xuống sông. Vì cháu nghe nói bữa trước có học sinh chết đuối dưới sông nên cháu sợ lắm”.
Những đứa trẻ nơi đây phải sống trong cảnh thiệt thòi đủ thứ khi phải nghỉ học sớm, phải mưu sinh từ khi còn rất nhỏ.
Hỏi về ước mơ, từ người lớn đến trẻ nhỏ đều mơ có một cây cầu. “Có ra ngoài kia thì cũng không có đất, không có nhà, không có công ăn việc làm thì chúng tôi cũng không dám ra. Chúng tôi mong ước có một cây cầu để qua sông cho đỡ nguy hiểm” nhiều người dân bày tỏ.
Ngày 11/9, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Thiện- Chủ tịch xã Ia Dom cho biết, hiện tại có 175 hộ dân (692 khẩu) ở Đội 15, 17 và 18 ở phía bờ bên này có đất sản xuất ở phía đất lâm trường nên phải qua bên kia sông để làm rẫy. Còn phía bên đất lâm trường có 16 hộ dân (40 khẩu) đang sinh sống được vài năm nay. Họ là những người dân dưới Cà Mau và Thanh Hóa lên đây ở làm thuê, không có nhà cửa, đất đai và phải qua sông để mua đồ ăn, học hành…
Suối Đôi mùa mưa nước lớn như một dòng sông dữ.
Ông Nguyễn Văn Luyện – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đức Cơ cho biết, sau khi nhận thông tin, sáng nay, đoàn lãnh đạo của huyện mới xuống khu vực trên để nắm tình hình. Sự việc có dây cáp treo trên sông là có thật, và theo tìm hiểu của huyện thì không cần phải làm cầu dân sinh. Cuộc sống của hàng chục hộ dân bên kia bờ suối Đôi như thế nào huyện chưa hề biết vì chưa ai sang tìm hiểu (!).
Đặt câu hỏi về một cây cầu bắc qua suối, ông Luyện cho biết, khu vực lòng suối rộng khoảng 20m, nếu làm cầu treo thì hết khoảng 2 tỷ, cầu bê tông hết khoảng 4 tỷ. “Nhưng không nhất thiết phải làm cầu, nếu có làm cầu thì làm cầu ở khu vực gọi là dốc 5K, chứ không làm ở khu vực có dây treo trên”, ông Luyện cho biết thêm.
Cả người lớn và trẻ nhỏ hàng ngày liều mình qua sông.
Thiên Thư
Theo Dantri
Bệnh viện bị trại lợn "tấn công"
Hàng trăm cán bộ, y bác sĩ cùng các bệnh nhân đang điều trị bệnh tâm thần, lao và phổi tại xã Trà Đa (TP Pleiku, Gia Lai) phải sống chung với mùi hôi thối bốc ra từ trại lợn 1.500 con ở ngay gần đó.
Hơn 1 năm nay, vào mỗi ngày nắng, một số hộ dân ở thôn 1, thôn 2 (xã Trà Đa) cùng hàng trăm cán bộ y, bác sĩ và bệnh nhân đang điều trị ở 2 bệnh viện Tâm thần kinh, và Lao, phổi (đóng chân trên địa bàn thôn 1, xã Trà Đa) phải chịu đựng mùi xú uế hôi thối bốc ra từ trại lợn "khủng" gần đó.
Chỉ cách trại lợn có quy mô 1.500 con vài trăm mét, Bệnh viện Tâm thần kinh là cơ quan phải hứng chịu mùi hôi thối này nhiều nhất. Bác sĩ Võ Đình Hiệp- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần kinh cho biết, hiện tại bệnh viện có hơn 60 cán bộ, nhân viên; bệnh nhân điều trị tại bệnh viện dao động khoảng trên dưới 30 bệnh nhân, và mỗi bệnh nhân đều có kèm người nhà ở nuôi.
Ông Hiệp cho biết, trại lợn "khủng" trên đã làm ô nhiễm không khí ở khu vực bệnh viện, đặc biệt là những lúc nắng gió. Vì vậy, mùi hôi thối đã làm ảnh hưởng đến công việc của cán bộ, nhân viên bệnh viện. Thay vì mở cửa phòng làm việc thì các cán bộ ở đây phải đóng kín cửa phòng để làm việc, để giảm được mùi hôi thối.
Ảnh hưởng nhất là những bệnh nhân đang trị bệnh tâm thần tại đây. Đã bị bệnh tật hành hạ, họ còn phải chịu thêm mùi xú uế của trại lợn, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình điều trị bệnh.
"Những lúc có gió rất hôi, kinh lắm, đặc biệt là tháng 11, 12 có gió nhiều. Có những bệnh nhân và người nhà thấy mùi hôi quá nên đã phải xuất viện sớm. Có bệnh nhân đáng ra phải điều trị 1 tháng thì nửa tháng đã xuất viện rồi", bác sĩ Hiệp cho biết.
Hơn 100 con người đang làm việc và điều trị tại Bệnh viện Tâm thần kinh phải hứng chịu mùi xú uế của trại lợn "khủng"
Cũng chung tình trạng trên, bác sĩ Nguyễn Đại- Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Gia Lai cho biết, mùi hôi thối của trại lợn ảnh hưởng tới những cán bộ và bệnh nhân đang làm việc và điều trị tại bệnh viện. Bệnh viện có 77 cán bộ và hiện tại có khoảng 65 bệnh nhân. Bệnh viện đã hoạt động được hơn 5 năm nay, còn trại lợn mới xây được hơn 1 năm nay.
Sau khi bị mùi hôi thối của phân lợn "tấn công", các y, bác sĩ đã chịu không nổi nên đã liên tục có ý kiến lên Giám đốc bệnh viện. Vì vậy, đã 2 lần ông Đại điện thoại phản ánh đến lãnh đạo xã Trà Đa về sự việc.
"Mùi hôi của phân heo rất khó chịu. Cán bộ, nhân viên và cả bệnh nhân, cùng người nhà đã phản ánh lên tôi. Bản thân tôi cũng thấy mùi hôi rất khó chịu, nên tôi đã 2 lần gọi điện phản ánh lên Bí thư xã và Phó Chủ tịch xã để nói về vấn đề trên", ông Đại bày tỏ.
Đã bị bệnh lao, phổi hành hạ, giờ bệnh nhân lại bị hành thêm bởi mùi hôi thối
Nhà cách xa trại lợn cả 1km, nhưng mỗi ngày nắng gió mùi hôi của trại lợn cũng "tấn công" tới nhà bà X. (thôn 1) và những người hàng xóm, khiến cuộc sống sinh hoạt của họ cũng bị ảnh hưởng. Bà X. cho biết: "Ngày nào mùi bốc lên là hôi thối kinh khủng, nhưng chúng tôi cũng đành chấp nhận".
Trước những phản ánh trên, trao đổi với chúng tôi- ông Nguyễn Đình Thức- Chủ tịch UBND xã Trà Đa cho biết, trại lợn trên là của ông với 3 người khác hợp tác nuôi lợn. Nhưng ông Thức đã bán lại phần của ông cách đây khoảng 1 tháng cho 3 "cổ đông" còn lại.
Theo ông Thức, trại lợn trên có quy mô 40 chuồng, nuôi 1.500 con heo và diện tích trang trại là 2ha. Bản thân ông Thức chưa nghe bất kì phản ánh nào của người dân cũng như phía bệnh viện về tình trạng ô nhiễm.
Mặc dù quy mô của trại lợn nằm gần bệnh viện và khu dân cư, nhưng lại không có bất kì một quy trình xử lý chất thải nào. Theo ông Thức, dù trại lợn được nuôi với quy mô không nhỏ, nhưng không có quy trình xử lý chất thải. Phân lợn sau khi được thải ra chỉ được mang ra phơi ngoài nắng và sau đó mang đi bán. Vì vậy, mùi hôi càng nặng nề hơn.
Trại lợn 1.500 con nhưng không có bất kì quy trình xử lý chất thải nào ngoài mang ra phơi khiến mùi hôi thối càng nặng nề hơn
Ông Thức cho biết thêm, hiện trại lợn đang chuẩn bị xây dựng hầm biogas để chứa chất thải. Khí gas sau đó sẽ bán cho người dân hoặc đốt trên không.
Thiên Thư
Theo Dantri
Bộ GTVT lên tiếng vụ xây cầu treo phục vụ chủ tịch xã Vừa qua, các cơ quan báo chí phản ánh cầu treo Khe Tây (Vũ Quang - Hà Tĩnh) trước mắt chỉ phục vụ một số hộ dân. Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường đề nghị địa phương sớm làm đường để phát huy hiệu quả; Bộ GTVT sẽ rút kinh nghiệm về quy trình lấy ý kiến của người dân. Thứ trưởng GTVT...