Những cáo buộc nối tiếp với ông Đinh La Thăng
Ngày 19.3, TAND Hà Nội dự kiến mở phiên tòa thứ hai xét xử ông Đinh La Thăng với cáo buộc bất chấp mọi cảnh báo vẫn quyết định ‘đổ’ 800 tỷ của PVN vào Oceanbank.
Theo cáo trạng, ngày giữa tháng 9.2008, một cuộc gặp gỡ giữa chủ Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) Hà Văn Thắm với Chủ tịch PVN khi đó là ông Đinh La Thăng đã diễn ra trước sự chứng kiến của nhiều lãnh đạo cấp cao của tập đoàn này. Sau “cú bắt tay” này, PVN đã đổ 800 tỷ đồng vào Oceanbank.
Dù cấp dưới báo cáo tình trạng của Oceanbank khi đó là ngân hàng nhỏ, khả năng thanh khoản thấp, đứng trước khó khăn trong huy động vốn, có nguy cơ lỗ, tiềm lực tài chính thấp…, song ông Thăng không tổ chức cuộc họp HĐQT, không lấy ý kiến các thành viên HĐQT mà ký thỏa thuận góp vốn luôn.
Số vốn 800 tỷ được PVN góp vào Oceanbank ba lần. Ở từng lần góp, ông Đinh La Thăng cùng các thuộc cấp đều bị cáo buộc có sai phạm.
Đồ họa: Tiến Thành
Cơ quan tố tụng cáo buộc, đợt góp vốn đầu tiên với số tiền 400 tỷ đồng để PVN nắm giữ 20% vốn điều lệ của Oceanbank thời điểm cuối năm 2008. Ngày 30.9.2008, ông Đinh La Thăng ký các công văn báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét và phê duyệt cho PVN và các cán bộ công nhân viên chuyển vốn để mua cổ phần của Oceanbank.
Trong khi chưa có ý kiến của Thủ tướng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về việc góp vốn vào Oceanbank, ngày 1.10.2008 ông Đinh La Thăng ký Nghị quyết thống nhất chủ trương tham gia góp vốn mua cổ phần trong đợt phát hành tăng vốn điều lệ năm 2008 của Oceanbank từ 1.000 lên 2.000 tỷ đồng. Trong đó PVN góp 400 tỷ đồng nắm giữ 20% vốn điều lệ và cán bộ công nhân viên của PVN góp 200 tỷ đồng nắm giữ 10% vốn điều lệ của Oceanbank.
Ngày 14.10.2008, Bộ Tài chính có công văn gửi PVN “nhắc nhở” báo cáo rõ tình hình của Oceanbank trước khi góp vốn để tránh rủi ro, song tập đoàn này không thực hiện. Cuối tháng 12.2008, PVN vẫn rót 400 tỷ.
Đồ họa: Tiến Thành
Lần thứ hai PVN đổ vốn vào Oceanbank vào cuối năm 2010. Khi đó, Oceanbank xin tăng vốn điều lệ và được ông Thăng đồng ý. Dù đã thông qua Nghị quyết tăng vốn góp vào Oceanbank nhưng ngày 6.8.2010, ông Đinh La Thăng mới ký văn bản trình Thủ tướng xem xét chấp thuận cho PVN được mua cổ phần tăng thêm của Oceanbank trong năm 2010 để duy trì nắm giữ 20% vốn điều lệ mới của Oceanbank.
Hồ sơ vụ án thể hiện, đến ngày 7.10.2010, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi PVN trong đó truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng &’nhắc nhở’ PVN cân đối vốn, nếu khó khăn thì không nhất thiết nắm giữ 20% vốn của Oceanbank, song ông Thăng cùng các lãnh đạo khác của PVN vẫn đồng ý tăng vốn. Số vốn PVN góp lần thứ hai là 300 tỷ.
Giữa năm 2011, Chủ tịch HĐQT Oceanbanh khi đó vẫn là ông Hà Văn Thắm lại đề nghị tăng vốn điều lệ của ngân hàng này và đòi PVN tiếp tục hỗ trợ tăng vốn góp. Số vốn lần thứ ba PVN góp vào Oceanbank là 100 tỷ, nâng tổng vốn của PVN tại Oceanbank lên thành 800 tỷ.
Tại thời điểm này, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã có hiệu lực) quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”.
Tới giữa năm 2015, khi Oceanbank làm ăn thua lỗ bị Ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng, hàng loạt lãnh đạo, nhân viên ngân hàng này vướng lao lý, PVN bị mất số vốn 800 tỷ.
Cáo trạng khẳng định PVN đã mất toàn bộ số vốn góp 800 tỷ đồng tại Oceanbank. PVN phải ghi nhận khoản lỗ tương đương 800 tỷ trên sổ sách kế toán, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước và của PVN.
Ông Thăng có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng
Sau khi PVN góp vốn và trở thành cổ đông chiến lược của Oceanbank, ông Thăng khi đó với vai trò là Chủ tịch HĐQT/HĐTV PVN còn ký văn bản mang tính chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị thành viên PVN và các nhà thầu dầu khí mở tài khoản, dử dụng dịch vụ ngân hàng của Oceanbank.
Kết luận điều tra thể hiện, thực hiện chỉ đạo của ông Thăng tại các văn bản nêu trên, trong thời gian từ 2009-2014 có 165 đơn vị thành viên thuộc PVN thực hiện việc gửi tiền vào Oceanbank, với doanh số tiền gửi không kỳ hạn (số dư trên tài khoản thanh toán) trung bình là 2.500 tỷ và 74 triệu USD mỗi tháng. Doanh số tiền gửi có kỳ hạn từ khoảng 16.000 đến khoảng 18.000 tỷ và 100 triệu USD.
Hồ sơ vụ án xác định đây chính là một trong những nguyên nhân để xảy ra hành vi nhận lãi suất ngoài hợp đồng của 145 đơn vị trong PVN với số tiền hơn 318 tỷ.
Sau khi ký các văn bản chỉ đạo, ông Thăng không yêu cầu các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện, cũng không có biện pháp kiểm tra, đánh giá, chấn chỉnh kịp thời. Việc này có dấu hiệu của động cơ cá nhân và là tình tiết tăng nặng của hành vi làm trái nêu trên.
Ông Đinh La Thăng ở phiên tòa hồi tháng 1.2018. Ảnh: TTXVN
Đầu tháng 12.2017, ông Đinh La Thăng bị bắt để điều tra về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 165 Bộ luật Hình sự 1999.
Sai phạm xảy ra trong giai đoạn ông Thăng giữ chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (2009-2011), trước khi làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải.
Ông Thăng bị cáo buộc liên quan tới cả hai vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), chỉ đạo sử dụng số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Phiên tòa thứ nhất mở đầu tháng 1.2018 với việc hầu tòa của ông Thăng, Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam PVC) và 20 đồng phạm.
Bản án sơ thẩm tuyên cuối tháng 1 thể hiện, PVN là chủ đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 với tổng vốn lên tới 1,7 tỷ USD. Mặc dù chưa ký hợp đồng EPC nhưng PVN đã ứng tiền cho công ty con là PVC.
PVC sau đó sử dụng hơn 1.000 tỷ sai mục đích khiến dự án bị chậm tiến độ. TAND Hà Nội tuyên phạt ông Thăng 13 năm tù về Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Thanh lĩnh án tù thân, những người còn lại từ 30 tháng tù treo đến 16 năm tù.
Đồ họa: Tiến Thành
Xuyên suốt hơn 10 ngày diễn ra phiên tòa, ông Thăng chỉ xin “nhận trách nhiệm của người đứng đầu”. Cựu Chủ tịch HĐQT PVN luôn khẳng định “mức án nào cũng xin chấp nhận” song chưa một lần nhận có hành vi cố ý làm trái như cáo buộc. Trước những lời khai chống lại mình của thuộc cấp, ông thường chỉ nói “tôn trọng” nội dung này.
Cơ quan công tố kết luận ông Thăng giữ vai trò đứng đầu vụ án, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”. Song ông Thăng cho tới tận khi nói lời sau cùng vẫn khẳng định không tư lợi, mà chỉ do hoàn cảnh, sự nóng vội mới dẫn tới sai sót.
Phiên tòa xử vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại PVN khi đổ 800 tỷ vào Ocenbank tại TAND Hà Nội mở sẽ mở ngày 19.3 và dự kiến kéo dài hết ngày 29.3.Bảy người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự 1999), gồm: Ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐQT PVN), Nguyễn Xuân Sơn (cựu Phó tổng giám đốc PVN), Ninh Văn Quỳnh (cựu Phó tổng giám đốc PVN), Nguyễn Xuân Thắng (63 tuổi, cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN), Nguyễn Thanh Liêm (63 tuổi, cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN), Vũ Khánh Trường (64 tuổi, cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN), Phan Đình Đức (58 tuổi, cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN).Riêng ông Quỳnh thêm tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ luật Hình sự 1999)
Vì sao ông Đinh La Thăng hầu tòa lần 2? Nguồn: Zing
Theo Bảo Hà (VNE)
Những túi quà bạc tỷ khiến "thuộc cấp" của ông Đinh La Thăng xộ khám
Sau khi PVN trở thành cổ đông chiến lược với 20% vốn điều lệ ở Oceanbank, trong thời gian từ tháng 3.2009 đến tháng 12.2013, ông Ninh Văn Quỳnh đã nhận từ ông Nguyễn Xuân Sơn 20 tỷ đồng. Số tiền này được lấy từ nguồn tiền do Hà Văn Thắm chỉ đạo chi lãi ngoài cho khách hàng gửi tiền vào Oceanbank.
Liên tục "biếu" tiền tại phòng làm việc
Theo kết luận điều tra, từ khoảng tháng 3.2009 đến tháng 11.2010 (thời gian này ông Quỳnh là Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN còn ông Nguyễn Xuân Sơn là Tổng Giám đốc Oceanbank), ông Quỳnh và ông Sơn cùng làm việc tại trụ sở tòa nhà Dầu khí, số 18 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội. Ông Quỳnh ở tầng 16, còn ông Sơn ở tầng 3.
Cứ khoảng từ 2 đến 3 tháng, ông Sơn lại đến phòng làm việc của ông Quỳnh để... đưa tiền. Khi đưa, ông Sơn thường để túi quà có chứa tiền lên bàn làm việc của ông Quỳnh và nói "em biếu anh chai rượu hoặc chiếc áo". Việc đưa tiền chỉ có ông Quỳnh và ông Sơn biết với nhau, không có người chứng kiến cũng không có giấy tờ biên nhận.
Lần đầu tiên ông Sơn đến đưa "quà", ông Quỳnh không biết trong túi có gì. Sau khi ông Sơn về, ông Quỳnh mở túi quà ra thì thấy có 10 xấp tiền Việt Nam đồng, loại mệnh giá 500.000 đồng, tổng cộng là 500 triệu đồng. Những lần sau, khi ông Sơn đưa quà đến, ông Quỳnh hiểu ngay trong túi là tiền mặt. Tổng cộng, ông Quỳnh đã nhận của ông Sơn 10 túi quà, mỗi lần là 500 triệu đồng.
Khoảng tháng 12.2010 đến tháng 12.2013, lúc này ông Sơn đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc PVN phụ trách Tài chính kế toán, ông Quỳnh vẫn là Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN. Thời gian này ông Sơn chuyển lên làm việc ở tầng 16 tòa nhà Dầu khí, số 18 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội; còn phòng làm việc của ông Quỳnh và Ban Tài chính kế toán chuyển xuống tầng 9.
Bị can Ninh Văn Quỳnh. (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an)
Trong giai đoạn này, ông Sơn vẫn tiếp tục đưa tiền mặt cho ông Quỳnh, vẫn là loại mệnh giá 500.000 đồng nhưng bối cảnh khác hơn chút ít, cụ thể: Các lần đưa tiền, ông Sơn gọi điện thoại bảo ông Quỳnh đến phòng làm việc của mình hoặc tranh thủ đưa khi ông Quỳnh lên báo cáo công việc tại phòng làm việc của ông Sơn. Tiền vẫn được đựng trong hộp rượu hoặc hộp áo sơ mi (bên trong chỉ có tiền - PV). Có vài lần ông Sơn đi qua Ban Tài chính kế toán chỉ đạo công việc và trực tiếp cầm túi tiền đưa cho ông Quỳnh.
Về số lượng tiền từng lần, từ năm 2011 đến tháng 4.2012, ông Sơn đã đưa cho ông Quỳnh số tiền 1 tỷ đồng hoặc 2 tỷ đồng/lần do thời điểm này PVN có lượng tiền gửi tăng đột biến tại Oceanbank.
Từ tháng 7.2012 đến 2013, PVN ban hành và thực hiện theo Quy chế quản lý vốn bằng tiền, số dư tiền gửi của PVN tại Oceanbank không vượt quá vốn điều lệ của Oceanbank nên ông Sơn đưa cho ông Quỳnh 500 triệu đồng/lần. Tổng số tiền ông Quỳnh đã nhận từ ông Sơn là 11 tỷ đồng. Tất cả các lần đưa và nhận tiền chỉ có 2 người với nhau, không có ký nhận gì.
Ninh Văn Quỳnh xin khắc phục thiệt hại 20 tỷ Nguyên Phó tổng giám đốc PVN xin sớm được khắc phục thiệt hại số tiền 20 tỷ đã nhận từ Nguyễn Xuân Sơn để sớm được hưởng khoan hồng của pháp luật. Nguồn: Zing
Biết phạm pháp nhưng vẫn nhận
Ngoài ra, trong giai đoạn này, có 2 lần ông Sơn gọi điện thoại hẹn ông Quỳnh lên phòng làm việc để đưa tiền trước sự chứng kiến của ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Giám đốc Khối Khách hàng lớn và đối tác chiến lược Oceanbank.
Lần thứ nhất vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5.2012, ông Quỳnh đến phòng làm việc của ông Sơn. Lúc ông Quỳnh đến, ông Nguyễn Xuân Thắng và ông Sơn đang ngồi nói chuyện. Sau khi trao đổi công việc xong, ông Sơn bảo ông Thắng xách 1 chiếc túi đã chuẩn bị sẵn xuống phòng làm việc cho ông Quỳnh.
Khi ấy, ông Quỳnh hiểu đây là tiền như những lần trước. Sau đó, ông Quỳnh và ông Thắng đi xuống phòng làm việc của ông Quỳnh. Khi ông Thắng ra về, ông Quỳnh mở túi ra và thấy trong túi có 4 cọc tiền mệnh giá 500.000 đồng. Túi quà này trị giá 2 tỷ đồng.
Lần thứ 2 diễn ra vào khoảng tháng 6 đến tháng 8.2012. Cũng giống như lần trước, sau khi trao đổi công việc, ông Sơn bảo ông Thắng xách giúp chiếc túi đựng tiền xuống phòng cho ông Quỳnh. Túi quà này là 2 tỷ đồng. Như vậy, trong khoảng thời gian từ 2009 đến 2013, ông Ninh Văn Quỳnh đã nhận từ ông Nguyễn Xuân Sơn tổng cộng 20 tỷ đồng.
Tại cơ quan công an, ông Quỳnh khai, trong những lần nhận tiền, ông đều hiểu và nhận thức rõ việc nhận tiền từ ông Sơn là hành vi vi phạm pháp luật, vì đây không phải là tiền của cá nhân ông Sơn mà là tiền của Oceanbank. Còn việc ông Sơn lấy từ tiền bằng cách nào thì ông Quỳnh không biết.
Trên cương vị là Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN, ông Quỳnh thừa hiểu việc ông Sơn dùng tiền của Oceanbank để chi cho mình là để "cảm ơn" ông Quỳnh đã quan tâm, giúp đỡ, tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo PVN ban hành chủ trương, chỉ đạo có lợi cho Oceanbank. Ví dụ như việc yêu cầu các đơn vị thành viên của Tập đoàn hỗ trợ, sử dụng các dịch vụ ngân hàng, gửi tiền tại Oceanbank...
Thực tế, trong thời gian PVN góp 20% vốn điều lệ của Oceanbank, các đơn vị thành viên của PVN luôn có số dư tiền gửi lớn, dao động từ 18.000 đến 20.000 tỷ đồng tại đây. Do vậy, Oceanbank đã thông qua ông Sơn để đưa cho ông Quỳnh 20 tỷ đồng như đã nói ở trên. Với hành vi này, ông Ninh Văn Quỳnh đã phạm vào tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 280 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Ông Nguyễn Xuân Sơn tại phiên tòa xử "đại án Oceanbank".
Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai: Trong giai đoạn năm 2009 - 2010, khi đang là Tổng giám đốc Oceanbank, Sơn được Hà Văn Thắm thỏa thuận chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi cho nhóm khách hàng dầu khí gửi tiền tại Oceanbank và đã nhận hơn 69 tỷ đồng của Thắm. Trong số tiền nhận được, Sơn đưa lại cho Ninh Văn Quỳnh, Kế toán trưởng PVN khoảng 30 - 40 tỷ đồng để nhờ Quỳnh "cảm ơn" lãnh đạo PVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên trong Tập đoàn sử dụng dịch vụ, gửi tiền tại Oceanbank.
Sang giai đoạn năm 2010 - 2014, khi Sơn về làm Phó Tổng giám đốc PVN, Hà Văn Thắm tiếp tục nhờ Sơn nhận tiền để chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi cho nhóm khách hàng dầu khí gửi tiền tại Oceanbank; trung bình khoảng 45 ngày thì Nguyễn Xuân Thắng, Phó Giám đốc khối Khách hàng lớn và đối tác chiến lược Oceanbank (em con chú của Sơn) nhận tiền từ Oceanbank rồi đưa về cho Sơn. Số tiền khoảng 5 tỷ đồng để Sơn đưa lại cho Quỳnh; Tổng cộng thời gian này, Sơn đã nhận khoảng 200 tỷ đồng từ Oceanbank và đưa hết toàn bộ cho Quỳnh.
Tại phiên tòa sơ thẩm vụ án Hà Văn Thắm, bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, nguyên Phó Giám đốc khối Khách hàng lớn và đối tác chiến lược Oceanbank khai: Có 22 lần Nguyễn Xuân Sơn nhờ Thắng qua trụ sở Oceanbank để nhận tiền mặt, mỗi lần 5 tỷ đồng. Sau khi nhận đủ tiền, Thắng trực tiếp xách túi đựng tiền về đưa cho ông Sơn tại phòng làm việc của ông này. Thấy ông Ninh Văn Quỳnh, Thắng chào hỏi xã giao rồi đi ra ngoài.
Khoảng 10 phút sau, ông Sơn và ông Quỳnh nói chuyện xong, ông Sơn gọi Thắng vào, nhờ xách hộ túi tiền mà Thắng vừa mang về, đưa xuống phòng làm việc của ông Quỳnh. Do túi đựng tiền được dán kín, không được kiểm tra nên Thắng không biết trong túi có bao nhiêu tiền.
Kết quả đối chất tại phiên tòa nói trên, ông Ninh Văn Quỳnh và bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đều giữ nguyên lời khai của mình và thừa nhận việc đưa nhận tiền giữa Quỳnh và Sơn không có người chứng kiến cũng không có giấy tờ gì để chứng minh.
20 tỷ đồng lấy từ nguồn tiền do Hà Văn Thắm chỉ đạo Kết quả điều tra xác định: Trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2013, ông Ninh Văn Quỳnh đã nhận từ ông Nguyễn Xuân Sơn số tiền 20 tỷ đồng. Đây là tiền được lấy từ nguồn tiền do Hà Văn Thắm chỉ đạo chi lãi ngoài cho khách hàng gửi tiền tại Oceanbank.
Theo Xuân Nguyễn (Người Đưa Tin)
Vì sao ông Đinh La Thăng hầu tòa lần 2? Cơ quan tố tụng cáo buộc ông Đinh La Thăng mắc nhiều sai phạm, chịu trách nhiệm cao nhất trong việc Tập đoàn Dầu khí mất 800 tỷ khi góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương. . Theo Hoàng Hiệp - Bá Chiêm (Zing)