Những cán bộ nào đã bị ’sờ gáy’ sau án oan ông Chấn?
Liên quan đến vụ án oan ông Nguyễn Thanh Chấn ( huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bị kết án tù chung thân về tội giết người, đến nay đã có tất cả 3 cán bộ cấp cao của cơ quan điều tra, công tố, xét xử bị khởi tố về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 1-10, Cục Điều tra VKSND Tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Tuấn Chiêm, (sinh năm 1949, ở cụm Yên Mác, xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội), nguyên thẩm phán TANDTC, chủ tọa phiên tòa, người đã tuyên bản án oan vào ngày 27-7-2004 đối với ông Chấn. Đây được cho là điều chưa từng xảy ra trong nền tố tụng nước nhà, sẽ có tác động rất lớn đến tiến trình cải cách tư pháp của Việt Nam.
Ông Phạm Tuấn Chiêm bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự, với mức phạt cao nhất là 12 năm tù.
Theo kết quả điều tra, ông Chiêm đã không kiểm tra đánh giá chứng cứ trong quá trình điều tra nên không phát hiện sai sót về tố tụng hình sự. Trong quá trình xét xử phúc thẩm, thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm đã sử dụng chứng cứ duy nhất là lời khai nhận tội của ông Chấn tại CQĐT và sử dụng biên bản xác định kích thước bàn chân ông Chấn nhận định là “gần đúng với dấu vết bàn chân thu thập được tại hiện trường” làm chứng cứ buộc tội ông Chấn đã phạm tội giết người. Việc làm của thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm đã vi phạm một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán, chủ tọa phiên tòa trong đánh giá chứng cứ dẫn đến việc tuyên bản án oan sai.
Bản án phúc thẩm đã tuyên ông Chấn tội giết người và phạt tù chung thân do ông Phạm Tuấn Chiêm là thẩm phán, chủ toạ phiên xét xử ngày 27/7/2004.
Ông Chấn trước ngày được minh oan
3.699 ngày oan trái của ông Chấn: Án mạng và 9 ngày bức cung, nhục hình
Trước đó, ngày 9/5, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Đặng Thế Vinh (Trưởng phòng 10, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang) và ông Trần Nhật Luật (Thượng tá, Phó Trưởng Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) để làm rõ những hành vi sai phạm của hai cán bộ này trong quá trình điều tra, xử lý vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn cách đây hơn 10 năm.
Cả hai bị can trên cùng bị khởi tố về hành vi cố tình “làm sai lệch hồ sơ vụ án” theo Điều 300 Bộ Luật hình sự với khung hình phạt cao nhất lên tới 15 năm tù giam.
Việc điều tra, truy tố, xét xử với các cựu điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán đã bị khởi tố nêu trên sẽ được thực hiện theo đúng quy trình tố tụng hình sự.
Hiện ông Chấn đang làm việc với Tòa Phúc thẩm TANDTC về vấn đề bồi thường án oan sai. Hung thủ đích thực cũng đã được đưa ra xét xử tại TAND tỉnh Bắc Giang vào ngày 29/9 vừa qua nhưng phiên tòa đã tạm hoãn do đại diện gia đình bị hại có đơn xin vắng mặt.
Video đang HOT
Việc khởi tố thẩm phán không những là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các thẩm phán khi ngồi tòa, đây còn là một động thái tích cực sẽ trực tiếp làm giảm và mất hẳn sự bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra, đúng như bạn đọc Lưu Quang Đạo gửi comment nhận định “Xử lý cơ quan ra bản án – tức là HĐXX và Tòa án – là biện pháp nhanh nhất để chấn chỉnh toàn bộ hệ thống tiến hành tố tụng. HĐXX nghiêm minh, công chính thì VKS phải nghiêm minh theo, và VKS nghiêm minh thì cơ quan điều tra cũng phải như thế. Các hiện tượng bức cung, nhục hình, ra kết luận điều tra, cáo trạng, bản án oan sai sẽ tự động biến mất” .
Theo Phap luât TPHCM
Những người xử oan ông Chấn 10 năm tù sẽ chịu trách nhiệm gì?
Trường hợp ông Phạm Tuấn Chiêm, nguyên Thẩm phán tòa phúc thẩm TAND tối cao kết tội ông Chấn bị tù oan vừa bị khởi tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", ông Chiêm sẽ phải đối mặt với mức án từ ba năm đến 12 năm tù.
Người xử tù oan 10 năm sẽ chịu 3 năm tù giam?
Như Dân trí đã thông tin, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Tuấn Chiêm (SN 1949), nguyên Thẩm phán TAND tối cao về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Như vậy, đến nay Cơ quan điều tra đã chính thức khởi tố 3 bị can gồm: Phạm Tuấn Chiêm, Đặng Thế Vinh - nguyên Trưởng phòng 10 VKSND tỉnh Bắc Giang, Trần Nhật Duật - nguyên Phó Trưởng Công an huyện Việt Yên, Bắc Giang vì có liên quan đến hành vi làm sai lệch và gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhưng điều mà dư luận quan tâm nhất là việc những cá nhân, người tiến hành tố tụng đã thực hiện công vụ trái quy định của pháp luật dẫn đến oan sai trong vụ án sẽ bị xử lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật như thế nào.
Luật sư Vi Văn Diện cho rằng, ông Chiêm đang đối mặt với mức án từ 3 đến 12 năm theo qui định trong Bộ luật Hình sự.
Trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Vi Văn Diện - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, ông Phạm Tuấn Chiêm đã thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, không tuân thủ quy định của pháp luật về nguyên tắc xác định sự thật của vụ án được quy định tại Điều 10. Bộ luật tố tụng hình sự.
Theo quy định, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Lỗi ở đây có thể do hạn chế về trình độ chuyên môn, quan liêu, tắc trách, thiếu cẩn trọng, không phát hiện ra sai sót..., mà đưa ra quyết định trái luật dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Trường hợp ông Phạm Tuấn Chiêm, nếu giữ nguyên tội danh thì ông này sẽ phải đối mặt với mức án từ ba đến 12 năm tù theo quy định tại Khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên, Luật sư Diện cũng yêu cầu cần mở rộng điều tra vì Hội đồng xét xử không chỉ có một mình ông Chiêm mà còn nhiều thành viên khác, do đó cũng cần xem xét trách nhiệm của những người liên quan mới bảo đảm khách quan, công bằng. Ngoài ra, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố với vai trò buộc tội cũng phải có trách nhiệm.
Ai, cơ quan nào phải bồi thường tổn thất cho ông Chấn?
Theo luật sư Diện, trong vụ oan sai này, Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Nguyễn Thanh Chấn. Tuy nhiên cần xác định rõ, cơ quan nào phải thực hiện trách nhiệm này cũng như trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại.
"Theo tôi, Cơ quan Viện kiểm sát và Toà án cùng phải thực hiện trách nhiệm bồi thường. Căn cứ theo Điều 31. Trách nhiệm bồi thường của VKSND trong hoạt động tố tụng hình sự, VKS có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp phê chuẩn lệnh tạm giam của cơ quan điều tra có thẩm quyền hoặc ra lệnh tạm giam, gia hạn tạm giam mà sau đó có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội.
Trách nhiệm bồi thường của Toà án được quy định tại Khoản 2, Điều 32. "Toà án cấp phúc thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp Toà án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án phúc thẩm và đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội".
Ông Chấn (thứ 2 từ trái sang) hiện đang tiến hành các thủ tục thoả thuận đền bù với Toà Tối cao về 10 năm tù oan.
Sau khi hoàn thành trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trên cơ sở xác định rõ người thi hành công vụ sai phạm sẽ phải có nghĩa vụ hoàn trả. Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường sẽ ra quyết định thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả theo quy định tại Điều 58 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà Nước; Điều 13, chương 3 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Chế định về bồi thường thiệt hại của Nhà nước đã rõ ràng, giờ chỉ còn chờ vào sự thoả thuận giữa ông Nguyễn Thanh Chấn với các cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
Điều 16 Nghị định 16/2010/NĐ-CP đã qui định:
1. Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 36 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.
Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do việc thực hiện hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại đó thì phải hoàn trả theo quy định tại Điều 18 của Nghị định này.
2. Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 03 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước."
Khoản tiền bồi thường cho ông Chấn sẽ được bảo đảm thực hiện từ chính Ngân sách của Nhà nước.
Về việc hoàn lại của người thi hành công vụ, trách nhiệm này sẽ thuộc người thi hành công vụ từ giai đoạn khởi tố, truy tố và xét xử sơ thẩm cho đến giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án oan này, trách nhiệm hoàn lại sẽ được xem xét trên cơ sở yếu tố lỗi mà người thi hành công vụ gây ra, căn cứ theo tính chất, mức độ vi phạm cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định việc truy cứu trách nhiệm hình sự, dân sự, xử lý kỷ luật cũng như giá trị hoàn lại của từng cá nhân đã gây thiệt hại cho ông Nguyễn Thanh Chấn để thu hồi một phần hay toàn bộ khoản tiền về Ngân sách mà Nhà nước đã bồi thường cho ông này.
Về mức tiền, giá trị buộc các cá nhân những người thi hành công vụ có hành vi sai phạm phải hoàn trả Ngân sách Nhà nước được quy định tại Điều 16 Nghị định 16/2010/NĐ-CP.
Về trách nhiệm dân sự của ông Nguyễn Thanh Chấn đối với nghĩa vụ bồi thường tổn thất tinh thần và cấp dưỡng nuôi con của bị hại, Luật sư Diện cho rằng: "Trong quá trình giải quyết vụ án, ngoài việc phải chấp hành hình phạt tù chung thân, ông Chấn còn phải bồi thường tổng cộng 20 triệu đồng cho phía gia đình nạn nhân".
Ông Chấn (ảnh trái) được giải oan chờ bồi thường và hung thủ chính vụ án giết người - Lý Nguyễn Chung đang đối mặt mức án trên 10 năm tù giam.
Riêng phần nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con của nạn nhân, bản án phúc thẩm đã tách ra để điều tra, xét xử lại chưa có kết quả, hiệu lực thi hành cho đến thời điểm ông Chấn được minh oan. Do đó, Cơ quan Viện kiểm sát cần có văn bản cụ thể về hai nội dung này để khẳng định Ông Nguyễn Thanh Chấn không có nghĩa vụ phải thực hiện hoặc tại bản án xét xử Lý Nguyễn Chung phải nêu rõ việc bồi thường, đền bù. Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con của nạn nhân không thuộc trách nhiệm của ông Chấn vì ông này không phải đối tượng, là bị cáo trong vụ án và không thực hiện hành vi giết người nên phần quyết định trách nhiệm bồi thường của ông Nguyễn Thanh Chấn không có giá trị pháp lý.
Ngày 15/8/2013, chị Nguyễn Thị Hoan, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang bị Lý Nguyễn Chung sát hại. Sau đó, Chung bỏ trốn vào Đắk Lắk sinh sống rồi lập nghiệp. Cơ quan Tố tụng tỉnh Bắc Giang đã xác định và kết luận Nguyễn Thanh Chấn, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung là hung thủ của vụ án.
Ngày 27/7/2014, HĐXX Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao do ông Pham Tuấn Chiêm làm chủ tọa đã tuyên phạt ông Chấn tù chung thân về tội "giết người".
Sau hơn 10 năm ngồi tù oan, ông Nguyễn Thanh Chấn đã được chính thức minh oan vào ngày 25/1/2014 do hung thủ thực sự của vụ án là đối tượng Lý Nguyễn Chung ra đầu thú.
Trước đó, như Dân trí đã thông tin, liên quan đến việc xử lý những người đã gây ra oan sai, khiến ông Chấn và gia đình phải chịu tổn thất vật chất và tinh thần trong suốt hơn 10 năm. Ngày 9/5, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã khởi tố vụ án hình sự về tội "Cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án" theo điều 300 Bộ Luật hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối Đặng Thế Vinh, nguyên Trưởng phòng 10, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang, là kiểm sát viên thụ lý chính vụ án và Trần Nhật Duật (nguyên thượng tá, điều tra viên cao cấp) Phó Trưởng Công an huyện Việt Yên (Bắc Giang), điều tra viên thụ lý chính trong vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn.
Mới đây nhất, ngày 30/9, Cơ quan điều tra VKS ND tối cao đã quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Tuấn Chiêm, nguyên Thẩm phán - chủ toạ Tòa phúc thẩm TAND Tối cao đã xử ông Chấn bị tù oan hơn 10 năm.
Quốc Cường - Xuân Thái
Theo Dantri
Ông Nguyễn Thanh Chấn đòi tiền bồi thường cho cả người thân Sau khi được TAND tối cao hướng dẫn thủ tục yêu cầu bồi thường, ông Nguyễn Thanh Chấn (53 tuổi, trú tại Thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) vừa gửi đơn lần hai tới TAND tối cao đòi bồi thường tổng cộng 9,3 tỉ đồng. So với đơn gửi lần trước, ông Chấn yêu cầu bồi thường thêm...