Những cái chết từ trên trời giáng xuống
Những tia sét xé trời giáng xuống cùng những cơn mưa đầu mùa xảy ra trên địa bàn vùng đất cao nguyên tỉnh Lâm Đồng đã làm 2 người phụ nữ thiệt mạng. Chưa bao giờ người dân miền núi hết ám ảnh, run sợ từ những cái chết “trời giáng” ấy.
Những tia sét “tử thần”
Chiều 7/4, bà Mai Thị Thạnh (52 tuổi, ngụ xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) đang làm việc trong nhà ươm thì bất ngờ bị một luồng sét đánh trúng bất tỉnh tại chỗ. Dù được gia đình đưa đi cấp cứu ngay sau đó, nhưng nạn nhân đã tử vong tại bệnh viện.
Hai nạn nhân bị sét đánh chết khi đang làm việc ngoài vườn
Trước đó một ngày, cô giáo Nguyễn Thị Cúc (32 tuổi, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Định An) cũng đã thiệt mạng vì sét đánh. Tranh thủ ngày nghỉ chủ nhật, cô Cúc vào làm vườn tại thôn K’Long (xã Hiệp An), trời chuyển mây, cô Cúc chuẩn bị ra về thì bị một luồng sét đánh trúng người chết tại chỗ.
Người nhà cô Cúc cho biết, thời điểm gặp nạn, cô Cúc chuẩn bị lấy bằng thạc sĩ, cô Cúc ra đi bỏ lại chồng và 2 đứa con nhỏ. “Nó chết bỏ lại hai đứa con nhỏ dại, khi mặc đồ tang cho cháu, tôi phải nói dối là mặc đồ vào đi múa lân, mấy đứa nhỏ chỉ nghĩ là mẹ mình đang ngủ. Sao số con tôi bất hạnh như vậy” – Mẹ nạn nhân bật khóc.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra hiện tượng sét đánh chết người trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trước đó, vào ngày 28/4/2013, tại con suối gần hồ thủy lợi Ka La, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, nhóm người gồm: Ka Thúy (16 tuổi); Ka Mêu (18 tuổi); Ka Giảo (28 tuổi) và K’Đil (21 tuổi, tất cả đều là người dân tộc K’ho, trú tại địa phương) rủ nhau đến khu vực trên mò ốc. Khoảng 14h chiều cùng ngày, trời bắt đầu nổi mưa giông, gió lớn kèm theo những tia sét chớp dữ dội. Một tia sét đã phóng xuống vị trí 4 người đang mò ốc làm Ka Thúy và Ka Mêu tử vong; Ka Giảo và K’Đil may mắn thoát nạn.
Theo người dân địa phương, khi mùa mưa chớm bắt đầu thì khu vực Tây Nguyên thường xảy rác các trận giông lớn kèm theo sấm sét. Cùng thời điểm này những năm trước đã có một số người bị sét đánh chết khi làm việc ngoài trời hoặc trú mưa dưới gốc cây, thậm chí ngay trong chòi.
Điển hình là trường hợp của anh Nguyễn Xuân Trường (30 tuổi, ngụ xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh) đang cùng 6 người khác làm trên rẫy thì trời đổ mưa giông. Mọi người chạy vào chòi nhỏ trú mưa thì bị sét đánh xuống. Là người ngồi ở giữa, anh Trường bị trúng một tia sét cực mạnh chết cháy tại chỗ, 6 người khác bị phỏng nhẹ.
Tránh sét đánh thế nào?
Video đang HOT
Những tia sét là nỗi kinh hoàng của người nông dân miền núi (Ảnh minh hoạ)
Theo tài liệu của Viện Vật lý địa cầu, để hạn chế những hiểm hoạ do sét đánh gây ra, khi làm việc ở khu vực ngoài trời, người dân cần để ý trước các nơi có thể trú mưa và tránh sét an toàn. Trong trường hợp không có nơi trú ẩn, tuyệt đối không trú mưa dưới những cây to, cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, vật dụng bằng sắt…
Ngồi ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ sao cho phần tiếp xúc của người với mặt đất là ít nhất, không được nằm xuống đất. Nếu ở trong rừng thì tìm những nơi cây thấp hơn và thưa cây để tránh sét. Tuyệt đối, không đứng thành nhóm người gần nhau. Nếu cảm thấy tóc bị dựng lên (như cảm giác điện khi sờ tay trước mặt tivi) thì có nghĩa là có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào. Khi đó, lập tức cúi ngồi xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất.
Đối với những người ở trong nhà, khi trời sắp xảy ra mưa giông, biện pháp tránh sét tốt nhất là nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước; không nên dùng điện thoại khi có nhiều tia sét đánh ngoài trời. Nên rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có giông. Với các đường dây điện thoại, dây điện hay dây ăngten vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền.
Đối với những nạn nhân bị sét đánh, ngoài làm cháy, bỏng, sét còn gây tác hại lên hệ thần kinh, gãy xương, mất thính giác, thị giác, trí nhớ. Người bị sét đánh cần được cứu trợ ngay tức khắc. Nếu người bị sét đánh bị ngất (tim ngừng đập, tắt thở) phải thực hiện khẩn cấp các động tác hô hấp, trợ tim nhân tạo. Đặc biệt cẩn thận không di dời những nạn nhân nếu nghi ngờ bị gãy cột sống, tìm cách nhanh nhất để nhân viên y tế đến sơ cứu tại chỗ.
Theo ông Nguyễn Minh Giám – Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ – hiện nhiều tỉnh thành Nam bộ tiếp tục có mưa trong vai ngày tới, lượng mưa có thể tăng lên 15 – 20%. Mưa ở thời kỳ này thường kèm dông lốc, gió xoáy, sấm sét nên cần đề phòng.
Trung Kiên
Theo Dantri
Độc đáo ngôi nhà gắn hơn 8.000 cổ vật
Ròng rã trong gần 20 năm, anh Trường đã gắn hơn 8.000 bát đĩa cổ, 2 tạ tiền xu và gần 500 chiếc cúc áo cổ lên tường nhà mình.
Cách chơi đồ cổ có một không hai này của anh Nguyễn Văn Trường (làng Sơn Kiệu, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) đã khiến nhiều người ngạc nhiên thích thú, nhưng cũng không ít người "dèm pha". "Cũng vì cái thú chơi không giống ai này mà nhiều người cho tôi là bị hâm, bị dở, đi mang những thứ đâu đâu về ốp lên tường. Đến vợ tôi còn nghĩ tôi không bình thường...", anh Trường chia sẻ cười.
Từ trong nhà đến ngoài ngõ có hàng nghìn cổ vật được gắn lên tường.
Đam mê không thể từ bỏ
Anh Trường tiếp chúng tôi trong bộ dạng một người đàn ông ngăm đen, cao gầy, mái tóc dài đậm chất nghệ sĩ, điềm tĩnh ngồi hút thuốc lào trong căn nhà gắn vô số đồ cổ.
Vốn là bộ đội chinh chiến nhiều năm tại Campuchia, sau khi xuất ngũ, anh Trường trở về quê với công việc sơn bàn ghế. Trong một lần đi sơn cho một người chơi đồ cổ gần nhà, anh đã bị cuốn hút bởi những món đồ của muôn năm cũ. Anh quyết định bỏ nghề sơn để tìm hiểu và đi sưu tầm đồ cổ. Niềm đam mê bắt đầu thành hình từ đó.
Anh chia sẻ: "Thường những người nhiều tiền mới chơi đồ cổ, mình thì nghèo rớt mùng tơi nhưng vẫn yêu thích. Không phải đua đòi gì đâu, nhưng tại cái máu ham mê nó có trong người rồi, không cưỡng lại được".
Điều kiện kinh tế không cho phép nên anh tìm cách chơi riêng cho mình, chỉ mua những món đồ cổ có giá trị thấp, chủ yếu là bát đĩa thời Lý, Trần, với giá từ 200 - 250 nghìn đồng/chiếc, cũng có những cái lên tới cả triệu đồng. Sau gần 20 năm lặn lội khắp nơi, hiện anh đã sở hữu hơn 8.000 bát đĩa cổ, 2 tạ tiền xu, gần 500 chiếc cúc áo cổ, cùng nhiều đồ vật khác.
Điều đặc biệt là anh đã gắn toàn bộ những cổ vật mà mình sưu tầm được lên tường nhà, cổng và hàng rào. Người ta chơi cổ vật là để trong tủ kính trưng bày, để trao đổi và mua bán, nhưng với anh, gắn lên tường là cách anh thể hiện tình yêu của mình với chúng. Anh cho rằng, gắn cổ vật lên tường sẽ làm cho chúng cố định, vĩnh cửu và quan trọng là có thể lưu giữ cho thế hệ sau thưởng thức.
Công việc hàng ngày của anh là lang thang khắp các tỉnh thành để săn tìm những món đồ cũ. Anh thường lên tận sông Hồng ở Việt Trì (Phú Thọ) mang từng viên sỏi dưới sông về nhà, hay đến từng điểm thu mua sắt vụn tìm kiếm những món đồ mà người ta đã vứt đi. Anh cũng đã từng rất nhiều năm chạy chiếc xe máy cũ lên các tỉnh miền núi phía Bắc tìm mua đồ cổ; có những chuyến đi kéo dài cả tháng trời.
Căn nhà độc nhất vô nhị
Thời gian đầu khi anh mới thực hiện ý tưởng gắn đồ cổ lên tường, nhiều người cho rằng anh khác người. Tuy nhiên, khi ngôi nhà gần hoàn thiện, sự độc đáo của nó đã thay đổi cách nhìn của những người xung quanh. Không ít người chơi cổ vật còn tìm đến anh để ngỏ ý mua lại căn nhà độc nhất vô nhị ấy.
Căn nhà anh dù nằm trong ngõ sâu nhưng rất nổi bật. Cổng nhà được đắp bằng rất nhiều bình cổ, có ba con sư tử oai dũng. Bước qua cổng, bên phải là hòn non bộ được đắp hàng nghìn mảnh gốm, đồng xu, đây là nơi anh thường tiếp đón những người ham mê đồ cổ đến giao lưu. Ở giữa hòn non bộ là một khóm trúc rủ bóng mát xuống khoảng sân hẹp, trên bụi trúc được treo đủ các loại từ bình tông nhôm, chày, cối, đèn bão,...
Bên trái cổng đi vào là căn nhà cấp bốn đã cũ. Toàn bộ bên trong cũng như bên ngoài đều được gắn bát cổ, xếp ngay ngắn thẳng hàng. Ba cây cột trước hiên cũng được gắn chi chít những đồng xu, xèng và cúc áo cổ.
Anh chia sẻ: "Do căn nhà cũ đã ọp ẹp nên tôi quyết định bóc bỏ lớp xi cũ, gắn bát đĩa cổ mà mình sưu tầm được lên đó. Vừa có thể ngắm chúng lại vừa có nhà chắc chắn hơn để cho vợ con ở. Từ khi làm thế này, căn nhà mát và nhìn rộng hơn nhiều".
Cứ như vậy, ban ngày anh rong ruổi đi tìm mua đồ cổ, đêm về lại hì hụi trộn vữa tự tay gắn từng món đồ cổ lên tường.
Cũng bởi kinh tế gia đình eo hẹp nên nhiều khi anh phải đi vay mượn, bán cả thóc trong nhà và thậm chí đã từng cầm cố sổ đỏ để có tiền mua món đồ ưng ý.
Anh Hồng (ở Trung Nguyên, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) là bạn thân của anh Trường, đồng thời là một tay chơi đồ cổ, nói: "Đúng là không có ai máu chơi đồ cổ như lão. Tiền thì thiếu nhưng đam mê có thừa. Nhiều khi ham quá, bán cả đồ đạc trong nhà để mua đồ cổ, vì thế vợ chồng không ít lần xích mích. Bây giờ vợ con cũng hiểu cho rồi nên cũng ủng hộ một phần".
Về phần mình anh Trường tâm sự: "Phải 5, 6 năm nữa ngôi nhà này mới hoàn thiện thực sự. Đến lúc đấy tôi có thể hoàn toàn hạnh phúc vì ước mơ của mình đã thành hiện thực. Mình làm được như thế này, con cháu đời sau vẫn sẽ được thưởng thức, lại bảo tồn được văn hóa của cha ông".
Tuyến Phan
Theo Dantri
Đi bắt cá "cải thiện" bữa ăn, bé trai chết thảm dưới hồ Trong lúc bố mẹ đi làm thuê, Tài đi xuống hồ nước gần nơi ở để thả lưới bắt cá nhưng không may em bị trượt chân rơi xuống lòng hồ. Khi được phát hiện thì đứa trẻ đã chết ngạt dưới lòng hồ. Vợ chồng ông Dũng như ngây dại trước cái chết thương tâm của đứa con duy nhất Vụ tai...