Những cái chết thảm của voi rừng
Chỉ trong một thời gian ngắn, những đàn voi rừng hiếm hoi còn sót tại vùng rừng núi Quảng Nam đã tan tác vì vùng sinh cảnh bị thu hẹp và những họng súng đen ngòm của đám thợ săn rình rập giữa rừng sâu.
Hai con voi xấu số chết thảm giữa rừng Nà Lau, huyện Nông Sơn là một minh chứng. Số phận những con voi hiếm hoi còn lại sẽ ra sao khi rừng không còn và luôn bị truy sát…?
Tan tác voi rừng
Theo cơ quan chức năng và người dân vùng rừng núi Quảng Nam, hiện vẫn còn tồn tại hai đàn voi rừng. Mỗi đàn từ 3 đến 7 con tại vùng rừng núi Tiên Phước, Trà My và vùng tam giác voi Nà Lau (huyện Nông Sơn), Nam Giang (huyện Phước Sơn).
Số phận của hai đàn voi rừng này đến nay gần như đã được định đoạt bởi vùng sinh cảnh ngày càng bị thu hẹp khi các dự án đầu tư thủy điện và dân sinh đã phá tan “ngôi nhà” của các đàn voi.
Xác con voi rừng tại Trà My bị hạ sát giữa rừng sâu vào năm 2006
Những cung rừng bạt ngàn nối liền giữa các huyện miền núi nằm dọc theo dãy Trường Sơn hùng vĩ nguyên trước là vùng sinh cảnh của các loài động vật hoang dã quí hiếm như hổ, voi… giờ đây đã bị chia bởi các dự án thủy điện, các tuyến đường ngang dọc, các dự án dân sinh.
Đó là chưa kể người dân ngày càng lấn sâu vào rừng để khai phá lấy đất canh tác, rồi nạn khai thác vàng tràn lan tàn phá khu vực đầu nguồn tại các vùng rừng núi Quảng Nam.
“Hàng trăm nghìn tấn thuốc nổ và hóa chất độc hại đang ngày đêm tàn phá vùng rừng này, không có loài thú nào sổng nổi” – một quan chức kiểm lâm nói.
Những năm gần đây, do vùng sinh cảnh ngày càng thu hẹp, hai đàn voi rừng thường xuyên kéo về tàn phá hoa màu ở các khu dân cư thuộc vùng rừng núi Tiên Lãnh huyện Tiên Phước và xông thẳng vào vùng ven thị trấn Bắc Trà My.
Còn tại vùng Nà Lau, xã Quế lâm, huyện Nông Sơn, đàn voi rừng khoảng chừng 3 đến 7 con rất hung dữ khi kéo vào các khu rẫy của người dân tàn phá hoa màu.
Lực lượng kiểm lâm đang khám nghiệm xác hai con voi bị chết tại rừng Nà lau vào ngày 20-3
Trong chuyến đi kiểm tra rừng, hạt trưởng hạt kiểm lâm Quế Sơn đã bị voi rừng Nà Lau tấn công gây thương tích nặng. Còn tại Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước vào năm 2004 voi rừng đã giẫm chết một người dân.
Hai đàn voi dữ đã bắt đầu tan tác khi vùng sinh cảnh bị thu hẹp và những họng súng đen ngòm của những toán thợ săn ngày đêm rình rập giữa rừng sâu để hạ sát voi lấy ngà đã khiến đàn voi rừng Quảng Nam đang đứng bên bờ diệt chủng.
Video đang HOT
Voi rừng chết thảm giữa rừng sâu
Vào năm 2003, xác một con voi rừng bị bắn chết giữa vùng rừng núi Trà My được những người đi rừng phát hiện. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, vụ án giết voi rừng được khởi tố điều tra.
Nhưng hơn 1 năm điều tra, cơ quan chức năng vẫn không tìm ra thủ phạm sát hại con voi rừng quí hiếm này.
Con voi rừng đi lạc xuống thị trấn Trà My vào mùa mưa năm 2006 đã bị người dân vây bắt và voi tấn công lại người
Đến tháng 6-2006, lại thêm một xác con voi rừng cũng bị hạ sát tại vùng rừng Trà My. Xác con voi nằm giữa rừng, nhưng ngà voi đã bị cắt, xác voi trương phình, bốc mùi hôi thối cả một cung rừng.
Cơ quan chức năng huyện Trà My (cũ) nay là Bắc Trà My đã tiến hành điều tra, khởi tố vụ án và tiến hành tiêu hủy xác con voi nặng hàng tấn giữa rừng xanh.
Vụ án này cũng đành khép lại sau hơn 1 năm điều tra vì không tìm ra thủ phạm.
Mùa mưa năm 2006, một con voi rừng đã đi lạc vào thị trấn Trà My gây náo loạn dân chúng. Nhiều người dân đã dùng gậy gộc rượt đuổi bắt và đã bị con voi tấn công trở lại khiến một người bị thương. Con voi rừng đi lạc sau đó trở lại rừng, nhưng không biết số phận của nó bây giờ ra sao.
Và đến bây giờ, xác hai con voi rừng xấu số lại được phát hiện giữa vùng rừng Nà Lau, xã Quế lâm, huyện Nông Sơn.
Theo báo cáo của kiểm lâm Nông Sơn vào sáng 21/3 sau khi từ hiện trường trở về đã xác định cụ thể xác voi rừng chết (tên khoa học Elephas maximus) tại Hố Sét (đầu khe cạn) thuộc khoảnh 3 Tiểu khu 459, xã Quế Lâm, có tọa độ X: 0811997; Y: 1727236, xung quanh hiện trường là rừng thứ sinh phục hồi sau khai thác.
Bộ xương voi không còn nguyên vẹn, thịt đã phân hủy hoàn toàn. Đoàn công tác liên ngành tiến hành kiểm tra, khám nghiệm hiện trường xác định đây là con voi rừng đã trưởng thành và chết cách đây khoảng 4 đến 5 tháng.
Cũng tại địa bàn này, đoàn công tác tiếp tục kiểm tra hiện trường con voi rừng thứ 2 đã chết (tên khoa học Elephas maximus): Tại Dốc Tịnh thuộc khoảnh 7, Tiểu khu 459 xã Quế Lâm, có tọa độ X: 0810553; Y: 1726187, xung quanh hiện trường là rừng thứ sinh phục hồi sau khai thác.
Tại hiện trường chỉ còn lại 1 bộ xương voi không hoàn chỉnh đang trên đà phân hủy, toàn bộ xương còn lại tại hiện trường đã lên nấm mốc (rêu màu xanh, xương không có sự liên kết giữa các bộ phận với nhau).
Kết quả khám nghiệm nhận định đây là con voi rừng chưa trưởng thành và chết cách đây khoảng 2 đến 3 năm. Không xác định được nguyên nhân chết.
Một khu bảo tồn voi tại Nà Lau đã được khoanh vùng. Nhưng đến nay, theo lời các quan chức của huyện Nông Sơn rằng, đã kêu gào, đề xuất mấy năm nay. Nhưng không có tiền, nên khu bảo tồn giờ cũng chỉ là quyết định trên giấy.
VGT(Vietnamnet)
Kinh hoàng vụ voi tấn công qua lời người thoát chết
Thấy có người, con voi to lớn gầm lên, giương đôi ngà nhọn hoắt, chân cào xuống đất mấy đường làm bụi đất bay lên mù mịt rồi lao tới...
Nỗi bàng hoàng của người vừa thoát chết
Đến sáng 17/4, 4 ngày sau khi thoát chết trong gang tấc và chứng kiến cái chết thê thảm của người em cùng thôn Trần Văn Tư (SN 1975), dưới bàn chân voi dữ, anh Hà Văn Thuật (SN 1974), ở thôn 2b, xã Ea H'leo, huyện Ea H'leo (Đăk Lăk) vẫn chưa hết bàng hoàng, khiếp sợ.
Anh Thuật bàng hoàng kể lại phút đối mặt với voi dữ
Từ sau buổi chiều tang tóc đó, tinh thần anh Thuật vô cùng hoảng loạn, ăn uống bữa được bữa không, đêm nào ngủ cũng giật mình la hét vì ám ảnh cảnh tượng đau thương. Sáng nay, chị Liên, vợ anh đã phải đưa anh xuống trung tâm xã (cách nhà hơn 15km) để giúp anh sớm hồi phục tinh thần.
Chưa hết kinh hoàng, anh Thuật kể lại: "17h chiều 13/3, trên đường đi rẫy về, chúng tôi nghe có tiếng động sột soạt, cứ nghĩ đó là tiếng đào bới của một số người đi đào rễ cây trắc, nên 2 anh em vẫn tiếp tục đi.
Được thêm một đoạn, tôi lại nghe thấy tiếng động mỗi lúc một gần, lại có mùi khen khét, tôi và anh Tư quay lại thì thấy sừng sững một "ông Bồ" (người đi rừng, làm rẫy nơi đây vẫn gọi kính trọng voi như thế) to hàng chục tấn, cao 4-5m, đứng cách chúng tôi khoảng 5-6m. Hoảng hồn, tôi và anh Tư cắm đầu cắm cổ chạy. Thấy chúng tôi bỏ chạy, "ông" hét lên một tiếng to, giương đôi ngà nhọn hoắt, chân cào xuống đất mấy đường làm bụi đất bay lên mù mịt rồi lao tới đuổi chúng tôi. Ông rướn tới rất nhanh, những bước chạy ầm ầm làm rung cả đất.
Chạy được một quãng, gặp một đường rẽ, tôi chạy cắt sang, còn anh Tư, do quá đà nên chạy thẳng luôn con đường mòn. Chạy được khoảng 50m, tôi nghe anh Tư hét lên thất thanh, kèm theo là tiếng rú của "ông bồ". Linh tính cho tôi biết là anh Tư đã bị voi giẫm, nhưng nghe tiếng động vẫn còn nên tôi không dám ra để xem anh như thế nào. Một lúc sau, nghe tiếng chân ông bỏ đi, tôi rón rén bò ra thấy anh Tư đã bị voi giẫm chết. Sau ít phút hoàng hồn, tôi lấy điện thoại gọi về nhà để thông báo.
Một lúc sau, gia đình anh Tư đã huy động thêm hơn 20 chiếc xe máy chạy đến. Khi cách chỗ anh Tư bị nạn khoảng 2km, mọi người đều bật đèn xe sáng trưng, bóp còi inh ỏi voi mới rời đi".
Dân hoang mang không dám vào rừng sản xuất
Ea H'leo có diện tích hơn 34.000 ha, dân số hơn 11.000 người sống chủ yếu bằng nông nghiệp với các cây trồng chủ lực là mì, cà phê, tiêu, bông, cao su... Lâu nay, khi vào rừng, lên nương rẫy sản xuất, người dân nơi đây vẫn thường xuyên gặp voi rừng.
Điều chín đỏ cây, rơi đầy gốc nhưng không thuê được người hái
Đối với người dân nơi đây, xưa nay, voi rừng vẫn hiền, có thể đuổi đi được chứ chưa bao giờ voi rượt đuổi, giẫm chết người. Anh Thuật cho biết: "Năm ngoái, tôi cũng đã gặp chính "ông" đã giẫm chết anh Tư, nhưng lúc đó "ông" không hề rượt đuổi khi thấy tôi mà chỉ lẳng lặng đứng bóc ruột cây chuối ăn ngon lành".
Ma Thiên (79 tuổi, người dân tộc Jrai), người đã gắn bó lâu năm với vùng núi nơi đây cũng cho biết, năm nào "ông" cũng về, có lúc đi thành đàn, có lúc đi một mình. Lâu nay chỉ thấy "ông" phá chòi canh rẫy để tìm muối, phá hoa màu để ăn chứ chưa bao giờ giẫm chết người cả.
Với tâm lý voi hiền, gặp voi là chuyện thường nên khi đêm về, vẫn có hàng trăm người ngủ lại trong các chòi canh dưới đất để trông giữ nông sản, bơm thuốc cho cây trồng. Họ được trang bị một số cách phòng tránh, xua voi theo kiểu kinh nghiệm, như: đốt lửa, gõ xoong nồi, nếu khi voi rượt thì chạy vòng quanh hoặc chạy xuống dốc...
Dấu tích những vết chân khổng lồ và những cành cây bị quật gãy khi "ông bồ" đi qua
Tuy nhiên, sau cái chết thê thảm của anh Tư, gần 1 tuần nay, hàng trăm hộ nông dân ở đây hết sức hoang mang, không dám vào rừng để sản xuất, thu hoạch mì, điều, vì sợ điều không may lại xảy đến.
Chị Lục Thị Thơm, ở thôn 2b, xã Ea H'leo, than thở: "Vườn điều 4 ha dưới chân núi của nhà tôi đang bắt đầu chín bói, nhưng thuê người hái không ra vì ai cũng sợ đi hái gặp voi. Vườn điều bát ngát như thế, 2 vợ chồng với mấy đứa con, không biết hái đến lúc nào mới hết nữa".
Anh Hà Văn Ban, ở thôn 1, cho biết: "Trước đây, tối đến, cha con tôi còn ở lại chòi canh để đốt lửa xua "ông" xuống phá sắn. Nhưng nay, nghe "ông" nổi nóng, giẫm chết người, tôi không dám ở lại đêm nữa. Chúng tôi tranh thủ buổi sáng vần công cho nhau thu hoạch sắn, chứ buổi chiều không dám lên rẫy vì sợ".
Ngoài những người nông dân địa phương, còn có hàng trăm người dân tứ xứ đang bám trụ tại đây từ đầu mùa khô để vào rừng sâu lùng sục tìm kiếm phong lan, nu cây, gỗ quý... cũng đang ớn lạnh không dám mạo hiểm. Có người đã phải từ bỏ vùng đất hứa về quê, vì quá sợ hãi.
Mấy ngày nay, khi lân la các quán cà phê nơi đây, chúng tôi còn ghi nhận được nhiều lời thêu dệt, đồn thổi khiến người nghe không khỏi rợn tóc gáy. Nào là, tại khu rừng anh Tư gặp nạn, ngày hôm sau, 2 người đi rừng khác từ xã Ea Wi sang, cũng bị voi rừng giẫm chết, nào là ở chỗ nọ có người bị hổ vồ...
Tuy nhiên, ông Lê Trọng Trinh, Chủ tịch UBND xã Ea H'leo, khẳng định: "Từ sau khi anh Tư ở thôn 2b chết vì bị voi giẫm, trên địa bàn không hề xảy ra vụ chết người nào trong rừng nữa". "Đây rất có thể chỉ là lời đồn thổi của một số người đi rừng "hù" để người khác khỏi vào rừng vì sợ họ lấy mất cây cảnh, nu cây quý... mình đã tìm thấy những chưa dám vào lấy", ông Trinh, phỏng đoán. Cũng theo ông Trinh, ngay sau khi anh Tư bị voi rừng giẫm chết, lãnh đạo huyện và hạt kiểm lâm đã đến địa bàn thị sát và đã báo cáo tình hình lên Chi cục kiểm lâm để có biện pháp khả thi vừa bảo vệ được tính mạng, thành quả lao động của người dân, vừa ngăn chặn sự xâm hại voi rừng, một loại động vật quý hiếm của quốc gia.
"Trước mắt, địa phương cử một tổ công tác túc trực thương xuyên trên địa bàn có voi rừng xuất hiện để hỗ trợ người dân khi cần thiết và phối hợp với buôn làng cảnh báo nguy hiểm, hướng dẫn người dân một số biện pháp xua voi, cách chạy trốn nếu bị voi rượt đuổi", ông Trinh cho biết thêm.
Theo VTC
Voi rừng bất ngờ tấn công giẫm chết người dân Hơn 20 chiếc xe máy đồng loạt rú ga, bóp còi, dọi đèn nhưng con voi dữ vẫn không rời xác nạn nhân. Đến khi ô tô lớn đến nó mới chịu bỏ đi... Ngày 16/3, ông Lê Trọng Trinh- Chủ tịch UBND xã Ea H'leo (huyện Ea H'leo, Đak Lak) xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ voi rừng...