Những cái chết bí ẩn của phóng viên điều tra
Mikhail Beketov là một nhà báo của Nga, người từng viết loạt bài chỉ trích kế hoạch của Chính phủ phá một phần rừng Khimki để làm đường cao tốc nối Matxcova với St Petersburg. Sau một cuộc gọi cho thị trưởng Khimki năm 2007, chiếc xe của ông bị đốt còn con chó thì bị đánh chết ngay trước cửa nhà. Nhưng dù vậy, Beketov từ chối im lặng.
Phóng viên điều tra luôn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm trong khi tác nghiệp
Ngày 13-8-2008, Beketov bị 2 người đàn ông lạ mặt tấn công bằng gậy sắt đến mức phải cắt bỏ chân phải và 4 ngón tay, bị chấn thương não nghiêm trọng đến mức không nói được và phải ngồi xe lăn. 5 năm sau, ông qua đời trong một cơn đột quỵ. Cảnh sát lập tức khép lại việc điều tra vụ tấn công khi trước và phớt lờ tất cả các nhân chứng cũng như video giám sát có thể giúp lần ra manh mối.
Chauncey Wendell Bailey đang là Tổng Biên tập tờ The Oakland Post khi bị sát hại vào tháng 8-2007. Đó cũng là thời điểm ông đang thực hiện loạt bài điều tra về ổ nhóm tội phạm địa phương. Các nhà báo đồng nghiệp sau đó đã quyết tâm hoàn thành công việc mà Bailey để lại và tìm ra thủ phạm vào tháng 6-2011, song không ai biết chủ mưu đích thực là ai. Bailey là nhà báo đầu tiên bị giết ở Mỹ khi điều tra một vụ việc trong nước kể từ năm 1976.
Trong suốt những năm cuối thập niên 1990, Jill Dando được xem là gương mặt nổi trội của Kênh BBC. Cô thành công với khá nhiều chương trình, trong đó có Crimewatch, một series liên quan đến án mờ – những vụ án không tìm được ra thủ phạm.
Không ngờ chính Jill lại trở thành nạn nhân của một vụ án mờ như vậy vào tháng 4-1999. Thi thể của cô được tìm thấy ngay trước thềm nhà ở Thủ đô London, Anh. Nhiều giả thuyết được đưa ra: hung thủ có thể là bạn trai cũ của Jill, một kẻ báo thù do lộ diện trong Crimewatch, hoặc một đối tượng quá khích người Serbian. Không ai biết chính xác điều này.
Vào nghề 2 năm, Dmitry Kholodov đã trở thành một phóng viên điều tra nổi tiếng nhất ở Nga với loạt bài vạch trần tình trạng buôn lậu vũ khí có liên quan đến giới chức trong quân đội. Ngày 17-10-1994, ông nhận được một cuộc gọi nặc danh cho biết có một cặp tài liệu chứa những thông tin mà ông đang tìm kiếm ở ga Kazanskaya, Matxcova. Kholodov mang chiếc cặp về văn phòng và nó phát nổ khi vừa mở ra, giết chết Kholodov.
Tháng 11-2000, thi thể mất đầu của nhà báo Ukraine Georgy Gongadze được tìm thấy ở cánh rừng cách Thủ đô Kiev, Ukraine 160km. Gongadze, người có nhiều bài viết đi ngược lại lập trường của Chính phủ Ukraine mất tích trước đó 2 tháng.
Tổng thống Ukraine khi đó là Leonid Kuchma từ chối các cuộc điều tra với cái chết của Gongadze, song một đoạn ghi âm sau đó được công khai cho thấy Kuchma và các thành viên chính phủ thảo luận nên làm thế nào với “tay phóng viên phiền toái này”.
Video đang HOT
Năm 2004, Tổng thống kế nhiệm là Viktor Yushchenko quyết định cho điều tra lại và 2 đại tá cảnh sát bị bắt giữ vì liên quan đến vụ này. Tuy nhiên, nghi phạm chính đã chết trước khi bị bắt 1 ngày với 2 viên đạn trong đầu.
Theo Gia Vinh
An ninh thủ đô
Cái chết bí ẩn của phóng viên điều tra vụ ám sát Kennedy
Ngày 8-11-1965, nữ phóng viên Dorothy Kilgallen bị phát hiện đã chết vì dùng quá liều thuốc trong căn hộ ở Manhattan, Mỹ. Cái chết của cô xảy ra chỉ vài tuần trước khi cô định tới New Orleans để gặp một nguồn tin bí mật liên quan tới cuộc điều tra kéo dài 18 tháng mà cô đang thực hiện về vụ ám sát Tổng thống John Kennedy (JFK) để viết thành sách.
Cuốn sách dang dở
Khám nghiệm y học thời đó kết luận rằng Kilgallen chết ngẫu nhiên do dùng rượu và thuốc ngủ. Vụ việc được khép lại ở đó. Tuy nhiên, luật sư và tác giả Mark Shaw cho rằng Kilgallen là nạn nhân của một âm mưu bẩn thỉu của một tay anh chị - người sợ rằng cuốn sách của Kilgallen sẽ cáo buộc hắn là chủ mưu vụ ám sát Tổng thống Kennedy?
Ông Mark Shaw là tác giả cuốn sách "The Reporter Who Knew Too Much" (Người phóng viên biết quá nhiều) đang kêu gọi điều tra đầy đủ cái chết của Kilgallen. Ông cáo buộc rằng cái chết của cô là do bị giết và bị che đậy, đồng nghĩa với việc nghi can vẫn chưa bị phát hiện. Phát biểu với tờ New York Post, ông Shaw nói: "Giết người vẫn là giết người cho dù nó mới xảy ra 5 ngày trước hay 50 năm trước. Nạn nhân có quyền lợi nhưng Kilgallen đã bị từ chối quyền của mình vì không ai điều tra".
Kilgallen Dorothy.
Tác giả Shaw đã phỏng vấn một số bạn bè thân thiết nhất và một trong những người cuối cùng nhìn thấy Kilgallen còn sống. Ông cho rằng cái chết của Kilgallen là một vụ giết người bí ẩn, trong đó nghi can gồm cả Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Edgar Hoover, bố già mafia Don Carlos Marcello và một người đàn ông bí ẩn có thể đã bịt miệng cô.
Theo tác giả Shaw, năm 1963, Kilgallen - khi đó nổi tiếng với vai trò giám khảo trong một chương trình trò chơi trên truyền hình của kênh CBS - đã suy sụp trước vụ ám sát ông Kennedy ngày 22/11. Kennedy, người mà Kilgallen coi là bạn và từng cùng con trai tới thăm ở Nhà Trắng, đã bị Lee Harvey Oswald bắn chết ở Dallas. Sau vụ ám sát, Kilgallen đã tự điều tra và bác bỏ giả thiết rằng Oswald hành động một mình. Cô thu thập bằng chứng, từ các ghi chép cho tới phỏng vấn và lúc nào cũng cất trong ngăn kéo có khóa.
Tuy nhiên, sau cái chết của cô, người ta không bao giờ tìm thấy các tài liệu Kilgallen đã thu thập. Ông Shaw nói rằng chính người bịt miệng Kilgallen là người đã lấy và đốt tài liệu bằng chứng. Kilgallen đã bị giám sát quanh thời điểm chết do cô đã viết bài về lãnh tụ Cuba Fidel Castro và vụ ám sát Kennedy. Một người bạn thân của Kilgallen là Charles Simpson cho biết Kilgallen từng nói với anh ta: "Nếu họ biết những gì tôi biết về vụ ám sát, tôi sẽ mất mạng".
Kilgallen cũng bị coi là kẻ thù của Giám đốc FBI Edgar Hoover do cô phụ trách chuyên mục Voice of Broadway (Tiếng nói Broadway) của tờ New York Journal-America và có bài viết chỉ trích ông Hoover - người cho rằng Oswald hành động một mình. Theo ông Shaw, điều này khiến ông Hoover có động cơ để bịt miệng Kilgallen.
Năm 1959, Kilgallen là phóng viên duy nhất được phỏng vấn Jack Ruby - chủ quán bar ở Dallas đã bắn chết Oswald tại trụ sở cảnh sát Dallas. Về sau, cô tiết lộ lời khai của Ruby trước Ủy ban Warren (ủy ban điều tra vụ ám sát John Kennedy) trước khi lời khai được công bố chính thức nên đã chọc giận giới chức Mỹ.
Khi Kilgallen nghiên cứu vụ ám sát John Kennedy cho một nhà sách Random House, cô đã chuẩn bị một chuyến đi thứ hai tới New Orleans. Kilgallen định điều tra Marcello - người cô nghi là chủ mưu của vụ ám sát. Trước chuyến đi, cô nói với một người bạn rằng sẽ gặp một nguồn tin mà cô không biết nhưng họ sẽ trao cho cô thông tin về vụ án. Cô cũng nói với luật sư Mort Farber rằng mình sẽ "khám phá câu chuyện thật và phanh phui thông tin lớn nhất thế kỷ".
Tuy nhiên, cuốn sách về vụ ám sát Kennedy không bao giờ được xuất bản khi tác giả của nó chết chỉ vài ngày trước chuyến đi thứ hai tới New Orleans. Tác giả Shaw nói: "Những kẻ giết người đã thắng vì cô ấy đã bị khử và bị xóa khỏi hồ sơ lịch sử về vụ ám sát Kennedy".
Cái chết đầy nghi vấn
Khi xác Kilgallen bị phát hiện trong căn hộ ở Manhattan, cô đang ngồi trên giường, mặc áo choàng tắm. Tóc vẫn cài các phụ kiện hoa như tối hôm trước lúc xuất hiện trên chương trình trò chơi trên truyền hình. Một lọ thuốc ngủ rỗng không và một cốc nước được tìm thấy trên bàn đầu giường. Tuy nhiên, tác giả Shaw cho rằng đó chỉ là hiện trường tử vong được dàn dựng.
Bìa cuốn sách của tác giả Shaw.
Một thợ làm tóc của Kilgallen là Marc Sinclaire để ý rằng trước khi chết, Kilgallen đã mua một khẩu súng và thay đổi di chúc, đồng thời cho biết cô lo sợ cho mạng sống của mình và gia đình. Xác của Kilgallen được phát hiện trong phòng ngủ mà cô chưa bao giờ vào đó ngủ và cô cũng chưa bao giờ mặc bộ đồ tắm để đi ngủ.
Tuy nhiên, cảnh sát lúc bấy giờ cho biết không tìm được điều gì khả nghi về cái chết của Kilgallen, loại trừ khả năng tự tử và bị giết. Một cuộc khám nghiệm được thực hiện sau đó đưa ra kết luận rằng Kilgallen chết do ngộ độc thuốc an thần và ethanol cấp trong tình huống chưa được xác định. Điều đáng lưu ý là Kilgallen không có dấu hiệu nghiện rượu hay sử dụng thuốc trước khi chết.
Tác giả Shaw đã có được kết quả khám nghiệm tử thi Kilgallen chưa bao giờ được công bố trước đây. Kết quả cho thấy trong cơ thể Kilgallen còn có hai loại thuốc khác là tuinal và nembutal. Ba năm sau khi Kilgallen chết, hai nhà nghiên cứu chất độc tìm thấy hai loại thuốc này trong xét nghiệm nhưng không báo cáo cơ quan chức năng.
Xét nghiệm cũng cho thấy cốc nước trên bàn chứa cặn bột, cho thấy có ai đó đã mở viên nang thuốc và đổ thuốc vào cốc nước. Ông Shaw cũng phát hiện ra điều lạ là khám nghiệm tử thi được thực hiện ở Brooklyn trong khi Kilgallen chết ở Manhattan. Tiến sĩ Steven Goldner, người làm việc tại văn phòng khám nghiệm ở Brooklyn cho biết văn phòng bị giới côn đồ kiểm soát và chúng cố tình đưa xác Kilgallen tới Brooklyn để che giấu.
Người cuối cùng nhìn thấy Kilgallen còn sống là Katherine Stone. Cô cho biết đã nhìn thấy Kilgallen và một người đàn ông bí ẩn nói chuyện có vẻ nghiêm trọng tại khách sạn Regency ở New York. Người này là Ron Pataky, trẻ hơn Kilgallen 12 tuổi và tác giả Shaw cho rằng họ đang hẹn hò. Kilgallen lúc đó kết hôn với Richard Kollmar. Quan hệ của cô với Pataky đổ vỡ khi cô bắt đầu nghi ngờ anh này tiết lộ bằng chứng cô thu thập được về vụ ám sát.
Tác giả Shaw đã phân tích hai bài thơ do Pataky viết 40 năm sau cái chết của Kilgallen và cho rằng anh ta có liên quan tới cái chết. Hai bài thơ nói về "một người chết thì không thể nói gì" và "pha một ly nước độc". Dù vậy, Pataky khẳng định với tác giả Shaw rằng mình rất yêu Kilgallen và bác bỏ họ quan hệ ngoài luồng cũng như chuyện mình ở khách sạn Regency vào đêm trước khi Kilgallen chết.
Thông qua một loạt bằng chứng nói trên, tác giả Shaw hi vọng giới chức sẽ điều tra đầy đủ cái chết của Kilgallen. Trong bức thư gửi tới Văn phòng Luật sư quận Manhattan, ông cho rằng điều tra về cái chết của Kilgallen là trách nhiệm tư pháp và là một điều mà "pháp luật cần phải được thực thi!".
Theo Nhật Minh ( tổng hợp)
An ninh thế giới
Mỹ đổ lỗi cho Triều Tiên vì cái chết bí ẩn của nam sinh Giới chức Mỹ đã mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích Triều Tiên sau khi sinh viên Otto Warmbier tử vong không lâu sau khi được Bình Nhưỡng phóng thích trong tình trạng hôn mê, Bloomberg cho biết. Otto Warmbier khi bị Triều Tiên bắt giữ (Ảnh: Getty Theo Bloomberg, phát biểu vài giờ sau khi nam sinh viên Otto Warmbier qua đời tại...