Những cách bắt tay trên thế giới
Nếu người Philippines nắm chặt tay người đối diện khi bắt tay chào hỏi thì người Hàn Quốc lại thực hiện nghi thức này khá nhẹ nhàng.
1. Brazil
Đối với người Brazil, một cái bắt tay ấm chặt, kéo dài cùng ánh mắt nhìn thẳng vào người đối diện là cách chào đón lịch thiệp. Riêng với phụ nữ, bạn có thể hôn nhẹ lên hai má và hãy lặp lại hành động này khi rời đi.
2. Trung Quốc
Người Trung Quốc vốn được biết là rất tôn trọng người lớn tuổi. Khi bắt tay với một người lớn tuổi hơn, bạn nên giữ tay họ một hai giây, ôm nhẹ, người hơi cúi xuống và tránh nhìn trực tiếp vào người đối diện.
3. Philippines
Khi bắt tay với người Phillippines, bạn nên nhìn thẳng vào mắt họ, đồng thời giữ đầu và người thẳng. Đôi khi, bạn có thể ôm nhẹ vào họ.
Video đang HOT
4. Australia
Ở xứ sở kangaroo, nếu bạn là một phụ nữ và người đối diện là đàn ông, hãy chủ động đưa tay cho họ bắt. Thông thường, phụ nữ không bắt tay với nhau. Khi đàn ông bắt tay với nhau, hãy nắm rồi lắc tay và thả ra nhanh chóng. Tuyệt đối không được dùng cả hai tay để bắt.
5. Pháp
Người Pháp không quan trọng việc gặp bạn lần đầu tiên hay nhiều lần trước đó, bởi họ sẵn sàng chào đón và niềm nở bắt tay một cách nhanh gọn và nhẹ nhàng. Nếu đã thân thiết, bạn có thể hôn nhẹ lên hai má sau khi bắt tay với một người phụ nữ.
6. Nga
Ngoài các mối quan hệ kinh doanh, thương mại, người Nga không bắt tay với người khác giới trong giao tiếp đời thường. Họ cho rằng đó là một hành động thiếu lịch sự. Thay vào đó, đàn ông sẽ hôn nhẹ lên mu bàn tay của phụ nữ.
7. Thổ Nhĩ Kỳ
Khác với các nước khác trên thế giới, người Thổ Nhĩ Kỳ khi bắt tay thường không lắc tay người đối diện mà giữ tay họ trong tay mình một lúc. Thời gian giữ tay lâu càng thể hiện tình hữu nghị giữa hai người càng thắm thiết.
8. Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, người có địa vị cao sẽ chủ động bắt tay trước với cái nắm tay nhẹ nhàng. Khi bắt tay với họ, tuyệt đối không cho bàn tay còn lại trong túi áo hoặc túi quần.
9. Maroc
Ở Maroc, người cùng giới có thể bắt tay thoải mái với nhau với những cái bắt tay nhẹ nhàng. Đàn ông ở Maroc chỉ bắt tay phụ nữ khi được cho phép.
10. Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE)
Khi gặp nhiều người ở một nơi cùng một lúc, bạn nên tìm người lớn tuổi nhất hoặc nhỏ tuổi nhất để bắt tay. Sẽ là sự khởi đầu hoàn hảo nếu bạn chào hỏi họ bằng tên và mong muốn được giữa tay lâu hơn. Hãy để cho người UAE chủ động thả tay bạn khi họ muốn.
11. Kenya
Khi chào hỏi người lớn tuổi hoặc người có địa vị cao hơn, bạn phải nắm cổ tay phải của mình bằng tay trái rồi mới bắt tay người đối diện. Sau đó nói “Jambo” (Ông/Bà khỏe chứ ạ?). Tuyệt đối không được hỏi họ về công việc cũng như gia đình họ. Hãy để họ chủ động hỏi bạn và kể về mình.
12. Mexico
Người Mexico rất thích nhận được một cái bắt tay lâu hơn bình thường. Họ quan niệm rằng thời gian bắt tay càng lâu chứng tỏ người đối diện càng trân trọng và yêu quý họ bấy nhiêu. Nếu bạn là đàn ông, bạn có thể ôm chặt sau khi bắt tay. Phụ nữ thì có thể hôn nhẹ lên hai má của nhau.
13. Na Uy
Người Na Uy không quá chú trọng vào việc bạn là ai, già hay trẻ, địa vị cao hay thấp, họ luôn chào đón và bắt tay với tất cả với mọi người. Nếu đã biết tên người đối diện, bạn có thể chào họ bằng tên trong khi bắt tay. Với người Na Uy, câu nói “Ông/Bà khỏe chứ ạ?” là một câu nói khách sáo, không hay được sử dụng.
14. Thái Lan
Khi muốn chào hỏi người Thái Lan, bạn tuyệt đối không giơ tay ra, vì họ không bắt tay. Cách chào hỏi truyền thống của họ là chắp hai tay trước ngực và cúi đầu nhẹ xuống. Nếu bạn là đàn ông, sau khi chào, hãy nói “Sawadee-krap”. Và nói “Sawadee-kah” nếu bạn là phụ nữ. Cả hai cụm từ này đều có nghĩa là “Xin chào”.
Theo iOne