Những bức ảnh giàu sử liệu
Nước Pháp là một quốc gia có đóng góp cho nhân loại nhiều thành tựu trên lĩnh vực nhiếp ảnh – điện ảnh. Sáng chế ra những thiết bị và quy trình để “biến một khoảng khắc thành mãi mãi”, tức là “chụp ảnh”, thường gắn với tên tuổi của Daguerre và thời điểm năm 1831…
Rồi cùng với cả thế giới, chủ yếu là Châu Âu, việc say mê với kỹ thuật chụp ảnh và sự ra đời của công nghệ và nghệ thuật nhiếp ảnh đã tạo nên một trào lưu, có lúc thành những “cơn dịch” vác máy đi chụp rồi in ra hàng ngàn, vạn bản dưới hình thức những tấm bưu thiếp thoả mãn nhu cầu ngồi tại nhà có thể nhìn thấy cả thế giới. Vào thời điểm thú vui phiêu lưu đến những vùng đất mới gắn với công cuộc chinh phục và mở mang thuộc địa thì nhiếp ảnh trở thành một công cụ lợi hại.
Ở Việt Nam, người Pháp tiến hành cuộc chinh phục từ giữa thế kỷ XIX. Bức ảnh đầu tiên còn lưu giữ được cho đến nay có thể còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng bộ ảnh quý nhất và xưa nhất được chụp và còn lưu giữ được một cách có hệ thống và giá trị tư liệu được khẳng định là hàng trăm tấm ảnh của bác sĩ quân y Charles Édouard Hocquard đi theo các đạo quân viễn chinh tại Bắc Kỳ vào khoảng năm 1884 để rồi trở thành phần minh hoạ rất sinh động cho một cuốn bút ký (Một chiến dịch ở Bắc Kỳ/ Une campagne au Tonkin) được xuất bản lần đầu năm 1892 tại Paris mà đến nay vẫn có giá trị sử liệu.
Càng về sau việc dùng ảnh chụp càng phổ biến, đã có những đơn vị hay cơ quan chuyên trách việc chụp ảnh và quay phim; những tư nhân sử dụng máy ảnh ghi hình để kinh doanh (như in bưu ảnh) hay để làm kỷ niệm ngày một nhiều tạo nên những nguồn tư liệu bằng hình quý báu phản ảnh nhiều lĩnh vực trong đời sống của nước ta trên nhiều vùng miền.
Gần đây, đã xuất hiện nhiều nhà sưu tập tiến hành các cuộc lùng tìm trong các lưu trữ, thư viện hay trong các gia sản của các tư nhân nguồn tư liệu quý này… Nhiều cuộc triển lãm hay nhiều ấn phẩm đã được công bố khai thác nét đẹp và những tấm ảnh chụp có ưu thế hơn hẳn việc dùng câu chữ mô tả các sự việc, hiện vật hay cảnh quan của quá khứ…
Cách đây ít lâu, chúng ta được biết đến kho ảnh màu vĩ đại (được gọi là Thư khố Hành tinh – Archive de Planète) của Albert Kahn chụp tại nhiều quốc gia trong đó có phần chụp về Việt Nam vào thời điểm những năm cuối thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX (1915 – 1919).
Vào thời điểm này, một bộ sưu tập ảnh trắng đen được chụp trong 2 năm xác định là 1895 – 1896 đang được công bố tại Thư viện Quốc gia Việt Nam tại Hà Nội. Bộ sưu tập này nằm trong các album gia đình của một người Pháp có mặt tại Việt Nam vào 2 năm 1895 – 1896 để lại.
Chủ nhân và cũng có thể là tác giả của những tấm ảnh này có tên là Armand Rousseau, nguyên là Toàn quyền Đông Dương trong thời gian chụp những tấm ảnh này. Tiểu sử cho biết: Armand Rousseau sinh ngày 24.8.1835 tại Tréflez, Finistère, Pháp. Tốt nghiệp trường Bách khoa và ngày nay người ta còn biết đến ông là kỹ sư đã tham gia xây dựng cây cầu nổi tiếng tại thành phố Brest đến nay vẫn tồn tại.
Tham gia hoạt động chính trị, ông thuộc phái Cộng hoà để trở thành nghị sĩ, đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng vùng này trong 12 năm và là người có công trong việc phát triển hệ thống đường sắt tại đây. Có lẽ vì những đặc điểm nghề nghiệp như vậy nên Armand Rousseau đã được Chính phủ Pháp cử sang làm Toàn quyền Đông Dương bắt đầu từ tháng 2.1895.
Đó là thời điểm cuộc Khai thác Thuộc địa lần thứ Nhất đang chuẩn bị được khởi động, và cũng là thời điểm chính quyền Pháp ở thuộc địa quan tâm củng cố vùng thượng du phía Bắc tiếp giáp vùng biên giới với nhà Thanh (Trung Quốc) cũng như triển khai một số hoạt động kinh tế như khai thác mỏ, làm đường xe hoả, xây dựng cầu cống…
Tuy nhiên, công việc của ông Đông Dương rất ngắn ngủi. Ngày 10.12.1896 Armand Rousseau đột ngột qua đời và ông được đưa về chôn cất tại quê nhà. Trong 4 tập album gia đình còn lưu giữ, chứa đựng khoảng ba trăm tấm ảnh chất lượng còn rõ và được ghi chú rất ngắn gọn như để cho riêng chủ nhân.
Người xem nhận ra các tấm ảnh của ông thực hiện trong thời gian ở Đông Dương gắn với các địa danh như Hà Nội, Hạ Long, Hải Phòng, Tuyên Quang, Huế, Tourane (Đà Nẵng), Nha Trang, Phan Thiết, Sài Gòn – Chợ Lớn, Mỹ Tho, Biên Hoà, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu/ Cap Saint Jacques…
Và những lĩnh vực đời sống khá phong phú được phản ánh trong các tấm ảnh phần nào cho thấy những hoạt động của Toàn quyền A.Rousseau trong thời gian ngắn ngủi ở Việt Nam và trở thành một nguồn sử liệu quý báu để nhận diện nước Việt Nam vào những năm cuối cùng của thế kỷ XIX (1895 – 1896).
Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ giữa hai quốc gia trong “Năm Việt Nam – Pháp 2014″, một cuộc trưng bày một phần trong bộ sưu tập ảnh này sẽ được tổ chức tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (từ 20 đến 23.5.2014) với sự phối hợp của Tạp chí “Xưa&Nay” của Hội Sử học Việt Nam, Tổ chức đại diện cộng đồng thành phố quê hương của chủ nhân (Brest Métropole Océane Communauté Urbaine) và Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Xin trân trọng giới thiệu một vài trong số gần ba trăm tấm ảnh của Armand Rousseau.
Video đang HOT
Đền Quán Thánh trong ngày khánh thành sau đợt trùng tu vào năm 1986.
Tháp Rùa rất rõ có tượng “Bà đầm xoè” đặt trên nóc.
Các điểm “trạm” trên đường cái quan được biến thành công trình phòng thủ cướp và thú dữ.
Chợ Đồng Xuân nhìn từ sông vào phố.
Voi biểu diễn trong ngày hội cùng các diễn viên để voi giả đạp lên người.
Thành Tuyên Quang. Các điểm “trạm” trên đường cái quan được biến thành công trình phòng thủ cướp và thú dữ.
Phố Hàng Trống, khách đến Hotel Hà Nội bằng xe tay và bằng cả… voi (của Tổng đốc).
Phố Hàng Mắm (Hà Nội) với những đoàn phu gánh mắm từ bến thuyền ngoài sông Hồng vào phố.
Armand Rousseau chính là viên toàn quyền đã thực hiện việc tổ chức phá thành Hà Nội, do vậy đây là một trong những hình ảnh cuối cùng trước khi bị phá.
Theo Laodong
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trái tim thầy trò ở Ukraine
Trường Phổ thông chuyên số 251 đã trở thành một điểm sáng của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Ukraine- Việt Nam.
Kỷ niệm lần thứ 124 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức ở khắp nơi cả trong nước Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong cộng đồng người Việt lẫn bạn bè quốc tế.
Ở Thủ đô Kiev của đất nước Ukraine đang đầy biến động có một trường phổ thông mang tên Hồ Chí Minh. Bất chấp những khó khăn bởi diễn biến chính trị gần đây, hoạt động kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được thầy trò Nhà trường rất trân trọng.
Phòng truyền thống của nhà trường lưu giữ và trưng bày hàng trăm hiện vật và ảnh liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh
Gọi điện cho bà Hiệu trưởng Larisa Shulga tôi được biết, một cuộc hội thảo và mít tinh lớn đúng ngày 19/5 sẽ được tổ chức tại trường với sự tham dự của các cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine và những người bạn Ukraine của nhân dân Việt Nam.
Tiếc là thời gian và công việc ở Nga bận rộn, chúng tôi không thể sang Ukraine tham dự được, nhưng từng tới thăm trường vào đúng dịp Tết cổ truyền Giáp Ngọ, từng chứng kiến những tình cảm mà thầy trò Nhà trường dành cho Việt Nam, cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi biết lễ kỷ niệm Sinh nhật Người sẽ là một hoạt động lớn, rất trang trọng ở đây.
Phòng truyền thống của nhà trường
Trường phổ thông chuyên số 251 được thành lập vào ngày mùng 2/9/1985, đúng dịp kỷ niệm lần thứ 40 Ngày Quốc khánh của Việt Nam. Khi đó, Ban Giám hiệu Nhà trường đã hiểu rằng, sẽ bắt đầu một hành trình thiết lập quan hệ với Việt Nam.
Vào tháng 1/1992, nhân dịp có chuyến thăm Ukraine của một đoàn đại biểu từ thành phố Hồ Chí Minh và tới thăm trường, Nhà trường quyết định lấy tên Hồ Chí Minh đặt cho trường học và nhận được sự ủng hộ to lớn của cộng đồng Việt Nam tại Thủ đô Kiev nói riêng và Ukraine nói chung. Mọi người đều ý thực được là việc này sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Ukraine với Việt Nam.
Bà Ekaterina Nhikolaievna, phụ trách bảo tàng Hữu nghị Ukraine - Việt Nam trường Hồ Chí Minh
Không chỉ mang tên Hồ Chí Minh, trường đã nhanh chóng xây dựng một Nhà bảo tàng "Hữu nghị Ukraine - Việt Nam" với khá nhiều hiện vật, tư liệu quý mà một phần đáng kể trong số đó dành cho chủ đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bà Ekaterina Nhikolaievna, phụ trách bảo tàng Hữu nghị Ukraine - Việt Nam trường Hồ Chí Minh cho biết: "Nhiều đoàn đại biểu của Hội Hữu nghị Việt Nam - Ukraine đã sang thăm trường chúng tôi. Chủ tịch Trần Đức Lương cũng đã từng tới thăm trường khi ông thăm Ukraine và chúng tôi rất vui mừng có cuộc gặp ông vào dịp đó. Nhiều nghệ sỹ, nhà khoa học và cả nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam là Phạm Tuân cũng đã tới thăm trường. Tại bảo tàng của chúng tôi có lưu giữ rất nhiều hiện vật quý, có cả những giấy tờ của các nhân vật nổi tiếng với chữ ký của Hồ Chí Minh, có ảnh Hồ Chí Minh khi Người thăm Ukraine."
Ngày chúng tôi tới thăm trường, gặp đúng lúc có một nhóm các em học sinh Việt Nam và Ukraine đang trong giờ học về Việt Nam ngay trong Bảo tàng này. Một em học sinh lớp lớn đã chuẩn bị trước một bài hướng dẫn để kể cho các bạn về những thông tin liên quan đến vị Lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, người bạn thân thiết của bạn bè Quốc tế mà Trường mang tên: Hồ Chí Minh.
Batan, một học sinh lớp 3, người Ukraine
Batan, một học sinh lớp 3, người Ukraine đã nhiều lần vào đây đọc sách và tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh nên cậu biết khá nhiều về Người. Cậu nói về một nét tính cách của Hồ Chí Minh mà bản thân cậu cũng rất thích thú: "Hồ Chí Minh rất yêu thương trẻ em và nhân dân mình, còn trẻ em thì rất âu yếm gọi Người là "Bác Hồ".
Trường chuyên 251 mang tên Hồ Chí Minh hiện có hơn 700 học sinh, trong số đó có khoảng 40 học sinh là con em người Việt hoặc gia đình Ukraine - Việt. Các em học sinh Việt Nam học rất tốt và thường đạt được những thành tích rất cao trong các hoạt động của trường như thi học sinh giỏi... Theo đánh giá của các giáo viên, các em đều là những học sinh ham học hỏi và rất thân thiện với mọi người. Chính đây cũng là điều khiến trường có nhiều gắn bó với Việt Nam.
Những học sinh người Việt hiện theo học tại trường và học rất giỏi
Bà Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, trường luôn tận dụng mọi cơ hội để tổ chức cho các em những lễ hội, cả của Việt Nam và cả của Ukraine, nhất là dịp đón Năm mới, đón Tết Việt Nam, Tết Trung thu... Trong những dịp đó các em VN trình diễn văn nghệ, trình diễn những trò vui cổ truyền của VN và các bạn Ukraine thì có những tiết mục độc đáo của mình ... tất cả cùng hòa chung niềm vui hội nhập.
Nhiều lễ hội tổ chức tại trường còn thu hút sự tham gia của cả cựu học sinh của trường và cả nhiều người dân địa phương. Điều đó giúp cho nhiều người biết về những truyền thống đắc sắc của Việt Nam. Trường cũng phối hợp rất chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam trong nhiều hoạt động, giới thiệu nhiều thông tin về Việt Nam để các em Việt Nam cũng như Ukraine quan tâm có thể hiểu thêm.
Hiệu trưởng trường Hồ Chí Minh, bà Larisa Shulga
Bà Hiệu trưởng Larisa Shulga rất lạc quan về triển vọng tốt đẹp của sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục mà từ hoạt động của trường, nhiều mối quan hệ đã được thiết lập. Bà cho biết: "Chúng tôi đã có mối quan hệ hợp tác với trường phổ thông Hà Nội - Amstecdam bằng việc ký kết Hiệp định hợp tác vào năm ngoái. Tôi cũng mới trao đổi với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam là chúng tôi có thể sẽ thiết lập mối quan hệ với một trường phổ thông ở thành phố Vinh. Tôi nghĩ rằng, những hoạt động này sẽ thúc đẩy tốt hơn mối quan hệ giữa các trường phổ thông của hai nước chúng ta".
Và như vậy, từ tình cảm với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy tên Người đặt cho trường, giờ đây, Trường Phổ thông chuyên số 251 của Ukraine đã trở thành một điểm sáng của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Ukraine - Việt Nam./.
Theo Điệp Anh
VOV
Điện Biên Phủ khiến 2 danh tướng Pháp mâu thuẫn đến cuối đời Một trong những nguyên nhân thất bại của quân viễn chinh Pháp được cho là sự "xung khắc" trong giới chóp bu của đội quân này. Tướng Navarre. Không phải ngẫu nhiên mà trong bộ hồ sơ về Ủy ban Điều tra trận Điện Biên Phủ đang lưu giữ tại Bộ Quốc phòng Pháp có riêng một phần với tựa đề "Bất đồng...