Những ‘bóng hồng’ lặng lẽ giúp đồng đội lập chiến công
Trong số các đơn vị nghiệp vụ của lực lượng Công an, công việc của cán bộ bộ phận quản lý hồ sơ khá âm thầm, lặng lẽ. Do đặc thù công việc nên phần lớn cán bộ, chiến sỹ công tác tại bộ phận này đều là nữ. Một ngày đầu tháng 3/2015, PV Báo CAND đã đến tìm hiểu công việc của những “bóng hồng” tại Phòng Hồ sơ, Công an tỉnh Quảng Ninh.
Đơn vị hiện có 22 cán bộ, chiến sỹ, trong đó có 13 cán bộ nữ. Trung bình, đơn vị tiếp nhận khoảng 100.000 tờ khai, thẻ căn cước công dân/năm. Trong đó, mỗi cán bộ, chiến sỹ phải tra cứu khoảng 100 hồ sơ/ngày phục vụ cho các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương đấu tranh phòng, chống tội phạm. Các nữ cán bộ, chiến sỹ của đơn vị đã quen với việc làm thêm giờ, ngoài giờ, đột xuất.
Trong năm 2014, Hội Phụ nữ Phòng Hồ sơ triển khai 2 công trình gồm: điện tử hóa tàng thư CMND (Trước đây, công việc này làm thủ công, mất nhiều thời gian, công sức. Với ứng dụng khoa học công nghệ mới, năm 2014, các nữ cán bộ, chiến sỹ của đơn vị quét gần 2 triệu tờ khai làm chứng minh); công trình kết nối tàng thư căn cước can phạm, căn cước công dân.
Với những tờ khai cũ, nát, các nữ cán bộ lại cẩn thận dán, phục chế lại để máy tính có thể quét được nội dung. Ứng dụng này phát huy hiệu quả, phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Tháng 10/2014, thực hiện công tác cải cách hành chính trong lực lượng CAND; nâng cao hiệu quả công tác tra cứu, khai thác thông tin nghiệp vụ; đáp ứng như cầu điều tra, xử lý tội phạm và các yêu cầu khác của các cơ quan, tổ chức, công dân, Hội Phụ nữ Phòng Hồ sơ, Công an tỉnh Quảng Ninh đăng ký công trình “Phụ nữ tiếp nhận tra cứu yêu cầu nghiệp vụ”.
Nhận thức tầm quan trọng của việc tiếp nhận, tra cứu yêu cầu nghiệp vụ trong công tác Công an, phục vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và công tác cải cách hành chính trong lực lượng CAND, Hội Phụ nữ Phòng Hồ sơ tham mưu cho lãnh đạo đơn vị trực tiếp nhận, trả lời yêu cầu tra cứu và chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai đến toàn thể hội viên.
Tham mưu cho lãnh đạo thành lập bộ phận “một cửa” tại một phòng riêng, trang bị đầy đủ thiết bị cần thiết để thực hiện công tác tiếp nhận, tra cứu trả lời theo đúng quy trình, quy định của ngành và quy định của pháp luật, phân công cán bộ hội viên trực tiếp giải quyết tiếp nhận, trả lời yêu cầu tra cứu tại bộ phận “một cửa”. Xây dựng quy chế, quy trình thực hiện công tác tiếp nhận và tra cứu đảm bảo đơn giản hóa các thủ tục hành chính, loại bỏ các thủ tục rườm rà, chồng chéo.
Video đang HOT
Nữ cán bộ Phòng Hồ sơ Công an tỉnh Quảng Ninh đang tra cứu thông tin.
Cán bộ trinh sát, điều tra viên, cán bộ, chiến sỹ đến thực hiện yêu cầu tra cứu chỉ phải thông qua một đầu mối duy nhất, thay vì phải đến tất cả các đội nghiệp vụ như trước, giảm thời gian tra cứu, giảm phiền hà, nâng cao hiệu quả công tác. Tổ chức tiếp nhận yêu cầu tra cứu từ mọi nguồn; cung cấp, trao đổi, xử lý thông tin phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhu cầu chính đáng của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của đơn vị và các quy định của ngành, liên ngành, của pháp luật.
Cán bộ, hội viên được phân công thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận “một cửa” chấp hành nghiêm quy trình về công tác tiếp nhận, tra cứu, trả lời yêu cầu thông tin nghiệp vụ, đảm bảo chính xác, nhanh chóng không để lọt đối tượng phạm tội; chú ý phát hiện tội phạm hình sự nguy hiểm, đối tượng truy nã, giả mạo lai lịch, che giấu tung tích nhằm trốn tranh điều tra, xử lý của các cơ quan pháp luật.
Hướng dẫn một cán bộ biết nhiều việc, đảm bảo quá trình tra cứu xuyên suốt không chỉ trong giờ hành chính, mà tra cứu 24/24h phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Qua 5 tháng triển khai, đơn vị tiếp nhận 6.849 yêu cầu tra cứu, trong đó phục vụ đấu tranh phòng chống tội phạm 2.284 vụ, phục vụ công tác bảo vệ nội bộ 3.203 trường hợp, cung cấp thông tin phục vụ xác minh phục vụ xác minh lý lịch tư pháp 1.362 trường hợp,…
Qua công tác khai thác, tra cứu hồ sơ, các nữ cán bộ chiến sỹ của đơn vị đã phát hiện nhiều trường hợp trùng tên, tuổi, năm sinh… giả mạo thông tin cá nhân, giúp Công an các địa phương kịp thời ngăn chặn đối tượng phạm tội lẩn trốn. Ghi nhận những thành tích trên, nhiều năm liền, Phòng Hồ sơ được Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh khen thưởng, đạt danh hiệu Đơn vị thi đua, nhiều cá nhân được khen thưởng đột xuất. Đáng chú ý, năm 2014, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh trao tặng Phòng Hồ sơ danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”.
Theo Công An Nhân Dân
Đánh án bằng cả niềm say mê, nhiệt huyết
Luôn khiến người đối diện khi tiếp xúc cảm thấy năng lượng của chị thật tràn đầy; niềm say mê, tận tụy với công việc không bao giờ vơi bớt mà ngày càng được nhân lên gấp bội sau những chuyên án - đó là Đại úy Vũ Thị Hoàng Yến, Phó Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm về môi trường trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và thương mại (Đội 4), Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội.
Đại úy Vũ Thị Hoàng Yến. (giữa)
Chị là 1 trong 10 gương mặt trẻ Công an Thủ đô xuất sắc, tiêu biểu năm 2013; 1 trong 60 cán bộ Công an Hà Nội được Chủ tịch UBND TP Hà Nội công nhận là "Người tốt việc tốt Thủ đô" năm 2014 nhưng phần thưởng lớn hơn cả dành cho Đại úy Vũ Thị Hoàng Yến có lẽ là sự tin tưởng, yêu quý của đồng đội mỗi khi nhắc đến chị.
Từng là trinh sát của Đội Điều tra hình sự, tội phạm về ma túy của Công an quận Hoàng Mai, rồi chuyển sang trinh sát môi trường thuộc Đội 6, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và bây giờ là Phó Đội trưởng Đội 4, những phẩm chất của một nữ trinh sát nhanh nhẹn, quả cảm, mưu trí dường như hội tụ hết trong chị. Chị kể: Gia đình mình không ai theo ngành Công an. Thế nhưng, ngay từ lúc nhỏ, hình ảnh của những nữ Cảnh sát khu vực được dân tin yêu tại tổ dân phố nơi chị sinh sống đã hun đúc ước mơ trở thành nữ chiến sỹ Công an của chị. Lớn lên, chị thi đỗ Trung cấp Cảnh sát nhân dân, rồi tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân năm 2003. Được học và làm công việc đúng với mơ ước nên chị dồn hết tâm huyết của mình cho các chuyên án. Chị tâm niệm, khi đã xác minh nguồn tin nào thì phải xác minh đến tận cùng, phá án phải bằng tất cả sức lực và trí tuệ của mình. Chị nhớ lại, năm 2006, khi đang mang bầu con gái được khoảng 2-3 tháng, chị vẫn giấu đơn vị mặc áo giáp cùng đồng đội tham gia khám xét nhà đối tượng buôn bán ma túy tại huyện Lóng Luông, Sơn La. Chỉ có lòng say mê công việc mới đủ sức khiến đôi bàn chân, khối óc của chị không ngừng nghỉ ở bất kỳ thời điểm nào.
Cũng chính lòng say mê ấy đã giúp Đại úy Vũ Thị Hoàng Yến vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách trong công việc. Trút bỏ bộ quân phục, ăn bụi nằm bờ để phá án đối với chị là những hành động rất đỗi bình thường. Nói về chuyên án phát hiện đối tượng Hoàng Nghĩa Dũng, SN 1985, trú tại Nghệ An "chế" thực phẩm chức năng giả năm 2013, chị bảo thời điểm này, chị phải "sắm" nhiều vai diễn khác nhau để tiếp cận, điều tra. Nhằm gây khó khăn cho cơ quan chức năng, sau nhiều lần thay đổi địa điểm, đối tượng Dũng đã tìm đến khu vực bãi rác Thành Công, Hà Nội để tập kết hàng hóa. Hơn ai hết, Đại úy Yến hiểu rõ, bãi rác Thành Công là một điểm "nóng" liên quan đến an ninh trật tự của thành phố. Tìm hiểu, nắm kỹ địa bàn, đến từng bờ tường, bụi cây để xác minh tận cùng vụ việc nên chỉ ít lâu sau đối tượng Hoàng Nghĩa Dũng, trú tại Nam Đàn, Nghệ An đã bị chị Yến và đồng đội làm rõ hành vi sản xuất thực phẩm chức năng giả.
Đại úy Vũ Thị Hoàng Yến.
Công tác trong lực lượng Công an, bên cạnh những "yếu thế" so với đấng mày râu thì những nữ chiến sỹ Cảnh sát như Đại úy Vũ Thị Hoàng Yến lại có những lợi thế nhất định. Chị Yến kể: "Đừng tưởng cứ nghĩ đến đấu tranh, truy bắt tội phạm là chỉ sử dụng cơ bắp, vũ lực. Lợi thế của người phụ nữ chính là sự mềm dẻo, dễ dàng tiếp cận cũng như nắm bắt được tâm lý của người khác". Chính yếu tố này đã dẫn đến thành công cho chị trong không ít chuyên án, trong đó có chuyên án bắt giữ ông trùm buôn hổ Nguyễn Đức Hòa, một đối tượng chuyên thực hiện các vụ buôn bán hổ xuyên quốc gia từ Lào về Việt Nam sau đó chuyển đi các tỉnh. Để phá án, chị đã phải cùng đồng đội tại Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thường xuyên di chuyển đến địa bàn các tỉnh để nắm bắt di biến động của đối tượng trong nhiều tháng trời. Thời cơ đến là lúc hắn đang vận chuyển hổ qua địa bàn huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Khi bị bắt quả tang, hắn đã "bỏ của" chạy lấy người, ẩn nấp tại một cánh đồng mía rộng bạt ngàn hòng thoát thân. Làm sao để truy bắt được hắn? Câu hỏi đặt ra trong đầu Đại úy Yến. Một ý tưởng nhanh chóng lóe lên trong đầu chị. Bằng sự mềm dẻo, nhẹ nhàng, chị đã vận động bà con nhân dân tại khu vực này cùng tham gia truy bắt đối tượng. Nhìn hình ảnh của một nữ Cảnh sát không quản vất vả, mồ hôi, công sức truy đuổi đối tượng, bà con ai cũng cảm thấy khâm phục nên không không ai bảo ai, tất cả cùng sắn tay áo, kết hợp với lực lượng Công an. Cuối cùng, đối tượng đã bị nhân dân bắt giữ và giao nộp cho Công an.
Tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân năm 2003, đến nay, đã hơn 10 năm trong nghề, bên cạnh công việc, tài sản lớn nhất của chị chính là cô con gái bé nhỏ đáng yêu và một người chồng luôn hiểu, cảm thông cho nỗi vất vả của nghề trinh sát. Là người phụ nữ, lại công tác trong lực lượng Công an, chắc chắn phải chịu những thiệt thòi và hy sinh nhất định. Đúng vậy! Nhiều hôm gia đình đang quây quần chuẩn bị ăn cơm tối thì nhận được điện thoại. Nghe xong, chị đứng dậy, thay quần áo, chỉ kịp dặn chồng cho con ăn và hướng dẫn con học bài rồi lên đường. Những hôm gia đình có việc cũng vậy, chị cùng mọi người hì hục cỗ bàn, khi anh em tề tựu đông đủ, chị lại có việc đột xuất, phải nói khéo để mọi người thông cảm. Do công việc bận rộn, thời gian ở bên chồng, con không nhiều nên chị tranh thủ những lúc rảnh rỗi để quan tâm đến gia đình, dạy dỗ con cái. Bởi chị tâm niệm, muốn hoàn thành tốt việc xã hội thì trước hết, người phụ nữ phải xây dựng được tổ ấm của mình. Chẳng thế mà, khi rời cơ quan, trút bỏ bộ quân phục cũng là lúc Đại úy Vũ Thị Hoàng Yến trở về với đúng nghĩa của bà nội trợ trong gia đình. Là phụ nữ ai cũng mong muốn được làm đẹp, được đi siêu thị, mua sắm... nhưng với chị, việc nhà, việc cơ quan đã chiếm gần hết thời gian.
Nhân ngày 20/10, chúng tôi chúc Đại úy Vũ Thị Hoàng Yến nói riêng, các nữ chiến sỹ lực lượng Công an nói chung luôn mạnh khỏe, hạnh phúc trong gia đình, vững vàng trên mặt trận đấu tranh với các loại tội phạm. Các chị thực sự là những bông hoa đẹp, vẫn ngày ngày lặng lẽ tỏa ngát hương thơm, bảo vệ sự bình yên của cuộc sống.
Theo Công An Nhân Dân
Nữ Thiếu tá ham học và những chuyên án có yếu tố nước ngoài Họ là những nữ trinh sát xuất sắc của Công an TP Hà Nội trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm xâm hại môi trường. Trong cuộc chiến đấu đó, với bản lĩnh, trí tuệ sắc bén và cả sự mẫn cảm của người phụ nữ, các chị đã cùng đồng đội phát hiện, điều tra...