Những bộ phim Việt “cất cánh” từ trang sách
Từ lâu điện ảnh Việt Nam đã có duyên với các tác phẩm văn học. Và kết quả của cuộc kết đôi ấy là những tác phẩm thành công trên màn ảnh rộng.
Kịch bản là yếu tố đầu tiên quyết định thành công của một bộ phim. Thấu hiểu điều đó, nhiều đạo diễn đã lấy chất liệu từ những truyện ngắn, tiểu thuyết để xây dựng nên kịch bản. Gần đây, bộ phim Cánh đồng bất tận được dư luận quân tâm chủ yếu nhờ tiếng vang của nguyên tác văn học.
Không ít nhà văn đã bén duyên điện ảnh bằng cách chuyển thể tác phẩm văn học thành kịch bản phim, biến truyện ngắn, tiểu thuyết trở thành những “bộ phim trên giấy”. Nhờ đó tác phẩm cũng nổi tiếng hơn. Dưới đây là một số bộ phim Việt đã toả sáng từ những trang sách văn học.
Chị Tư Hậu (1963)
Chị Tư Hậu được chuyển thể từ tiểu thuyết Một chuyện chép ở bệnh viện của nhà văn Anh Đức. Nhà văn cũng là người chấp bút cho kịch bản phim. Phim được đạo diễn Phạm Kỳ Nam thực hiện. Đây là một trong những tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Chị Tư Hậu do NSND Trà Giang đảm nhận
Trong phim, nhân vật chính – chị Tư Hậu do NSND Trà Giang đảm nhận. Đây là vai diễn để đời của Trà Giang. Đôi mắt biết nói, gương mặt đẹp giàu biểu cảm, diễn xuất giản dị mà tinh tế… “chị Tư Hậu” của Trà Giang đã trở thành hình ảnh tiêu biểu cho người phụ nữ Nam bộ thời kháng chiến – giàu vị tha, chịu đựng nhiều mất mát, quật cường anh dũng.
Phần hình ảnh trong phim được thực hiện bởi nhà quay phim Nguyễn Khánh Dư. Nhiều trường đoạn đã trở thành kinh điển. Tiêu biểu là trường đoạn chị Tư Hậu lao ra biển tự tử. Bãi biển trống vắng, tiếng sóng vỗ ầm ào. Những bước chân mạnh mẽ, nét mặt uất ức của chị Tư Hậu. Tiếng khóc xé lòng của đứa con thơ… Tất cả được đặc tả bằng những góc máy nhiều xúc cảm.
Thành công của phim nằm ở tính đồng bộ qua diễn xuất của Trà Giang, tạo hình của Nguyễn Khánh Dư,và giá trị văn học của tiểu thuyết, trong đó đạo diễn Phạm Kỳ Nam là người nhạc trưởng. Phim đã giành giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần II (1973).
Làng Vũ Đại ngày ấy (1982)
Làng Vũ Đại ngày ấy được chuyển thể từ ba tác phẩm: Lão Hạc, Chí Phèo, Sống mòn của nhà văn Nam Cao. Đây là một sáng tạo của các nhà làm phim, đặt ba nhân vật điển hình là lão Hạc, Chí Phèo, ông giáo Thứ vào cùng một không gian nghệ thuật là làng Vũ Đại.
Chí Phèo hung hăng, Thị Nở nhấm nhẳng bên bát cháo hành
Nếu Nam Cao đã xây dựng nên những hình tượng văn học bất tử thì các vai diễn trong Làng Vũ Đại ngày ấy cũng để lại những dấu ấn khó quên. Đạo diễn Phạm văn Khoa đã chọn lựa được những diễn viên đích đáng cho các vai diễn chủ chốt: diễn viên Bùi Cường trong vai Chí Phèo, diễn viên Đức Lưu trong vai Thị Nở, nhà văn Kim Lân trong vai lão Hạc…
Người xem được gặp một Chí Phèo hung hăng, Thị Nở nhấm nhẳng, Bá Kiến độc ác, lão Hạc khổ sở, cùng cực, và một giáo Thứ – người thanh niên sống có lý tưởng. Làng Vũ Đại như là một xã hội thu nhỏ với đủ các thành phần, tầng lớp nhân dân, phản ánh hiện thực đời sống vào những năm tháng chiến tranh.
Video đang HOT
Phim đã được gửi đi Liên hoan phim quốc tế Hawaii. Ngoài Làng Vũ Đại ngày ấy, đạo diễn Phạm Văn Khoa còn dàn dựng bộ phim Chị Dậu, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ngô Tất Tố. Bộ phim đã đạt giải thưởng Lớn tại liên hoan phim Nantes (Pháp). Năm 2007, ông được nhận giải thưởng Nhà nước với 3 tác phẩm: Lửa trung tuyến, Chị Dậu, Làng Vũ Đại ngày ấy.
Thương nhớ đồng quê (1995)
Thương nhớ đồng quê lấy cảm hứng từ hai truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp (Thương nhớ đồng quê, Những bài học nông thôn). Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một “hiện tượng” trong giới văn học thập niên 80 – 90 và rất có duyên với điện ảnh. Nhiều tác phẩm của ông đã được dựng thành phim (Tướng về hưu, Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê).
So với nguyên tác, bộ phim có nhiều thay đổi, đặc biệt là sáng tạo mối quan hệ của các nhân vật chính Nhâm – Quyên – Ngữ. Phim phản ánh tâm hồn của người nông dân Việt Nam trước những đổi thay của thời đại.
Thương nhớ đồng quê được đài NHK (Nhật Bản) tài trợ toàn bộ kinh phí và kĩ thuật làm phim. Khi ra mắt, phim đã gây được xúc động mạnh mẽ, đặc biệt là đối với khán giả Việt kiều. Diễn viên Tạ Ngọc Bảo (vai Nhâm), nghệ sĩ quan họ Thuý Hường (vai chị Ngữ) đã có một khởi đầu ấn tượng ngay trong lần đầu “chạm ngõ” điện ảnh.
Nghệ sĩ quan họ Thuý Hường
Bộ phim đã giành được khá nhiều giải thưởng và lời khen của đồng nghiệp quốc tế. Các giải thưởng chính: Giải đạo diễn xuất sắc nhất (Liên hoan phim Việt Nam 1996), Giải khán giả (Liên hoan phim Nantes 1996), Giải Kodak (Liên hoan phim Châu Á – Thái Bình Dương 1996)…
Sau bộ phim này, đạo diễn Đặng Nhật Minh còn có thêm Hà Nội màu đông năm 46 (dựa trên tác phẩm Luỹ hoa của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng) và Mùa ổi (chuyển thể từ một truyện ngắn của chính tác giả).
Diễn viên Bùi Bài Bình
Mê Thảo thời vang bóng (2003)
Đưa tác phẩm của Nguyễn Tuân lên màn ảnh rộng là điều rất khó bởi văn ông không dễ đọc và cũng không dễ lĩnh hội tư tưởng nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân. Nhưng đạo diễn Việt Linh đã làm được điều đó với Mê Thảo thời vang bóng. Bộ phim được chuyển thể từ truyện Chùa Đàn – nằm trong mạch sáng tác “Vang bóng một thời” trước cách mạng 1945.
Mê Thảo thời vang bóng được đánh giá cao ở ngôn ngữ điện ảnh, cảnh quay đẹp. Những hình ảnh ấn tượng trong phim là cảnh cô Cam rửa giỏ trên sông, cảnh thả đèn trời… Phim cũng là tư liệu tham khảo có giá trị về những phong tục sinh hoạt Bắc Bộ thời kỳ trước, đặc biệt là lĩnh vực ca trù.
Đây là một bộ phim ám ảnh bởi chất “liêu trai” sẵn có trong tác phẩm và những thủ pháp điện ảnh ấn tượng. Diễn xuất trong phim cũng góp phần làm nên cái mơ hồ, kỳ ảo. Khán giả đã từng quen biết Dũng Nhi qua những vai thầy giáo, trí thức hiền lành sẽ bất ngờ với sự hoá thân vào nhân vật Nguyễn – một chủ đất và cũng là người tri âm với nghệ thuật. Đơn Dương – người đã đóng nhiều thể loại – cũng diễn khá “ngọt” vai Tam – một nghệ sĩ ca trù mang trên mình án ngộ sát.
Diễn viên Đơn Dương
Mê Thảo thời xa vắng không thành công với các giải thưởng trong nước nhưng lại được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Phim đã tham gia nhiều liên hoan phim, trình chiếu tại hàng chục rạp chiếu bóng. Năm 2003, phim giành giải Bông vàng Vàng – giải thưởng cao quý tại liên hoan phim Bergamo (Ý).
Vân Hương
Theo 2sao
Dư luận cãi nhau "ỏm tỏi" về "Cánh Đồng Bất Tận"
Có được doanh số bán vé khá cao, nhưng bộ phim "Cánh Đồng Bất Tận" đã tạo ra khá nhiều luồng dư luận khen chê khác nhau.
Một bộ phim nhanh chóng tạo dư luận!
Chưa hề công chiếu, nhưng với trailer "đỏ mắt" của bộ phim Cánh đồng bất tận, khán giả lẫn các nhà phê bình đều háo hức đón chờ một bộ phim nghệ thuật "thoát xác" mang tầm giá trị lớn. Cùng với những bật mí của các sao trong phim, đặc biệt là Tăng Thanh Hà, bộ phim càng lúc càng tạo nhiều thích thú. "Cánh đồng bất tận đẹp lắm, tôi đã xem trailer và một vài cảnh quay, bạn xem đi, những cánh đồng được quay đẹp như tranh vẽ, nó gợi nhiều cảm xúc lắm. Tôi nghĩ, chắc người ta sẽ khóc nhiều khi xem bộ phim này đấy" - một lời nhận xét đầy màu sắc của Tăng Thanh Hà.
Ngay sau ngày đầu tiên công chiếu, bộ phim đã thu về 2,3 tỉ đồng - một con số đáng kinh ngạc cho một bộ phim nghệ thuật từ trước đến nay. Những tràng pháo tay không dứt, những giọt nước mắt, những tiếng khóc nghẹn ngào của khán giả khi phim kết thúc đã góp phần khẳng định giá trị của bộ phim. Như lời diễn viên Trần Bảo Sơn đã nói: "Đây là một bộ phim rất thành công, rất xúc động. Mọi thứ đã khắc họa được cuộc sống và con người sông nước. Ấn tượng nhất là vai cô bé Nương, rất nhẹ nhàng, tinh tế. Anh xin giữ những cảm xúc còn lại ở trong lòng."
Tuy nhiên không hẳn khán giả nào cũng ... đổ lệ, nhiều người đã xem phim và tỏ ra rất thất vọng, đặc biệt đối với những người yêu quý tác phẩm văn học, mong chờ sự bứt phá rằng bộ phim sẽ hay hơn cả tác phẩm văn học.
Các chuyên gia phê bình nói gì?
Đương nhiên, việc so sánh giữa nguyên tác và bộ phim là điều tất yếu. Nhưng đứng ở góc nhìn điện ảnh, thì đối với các nhà phê bình tên tuổi, bộ phim đã không thể dựng nổi những ngôn ngữ điện ảnh mà truyện ngắn xây dựng nên. Từ một tác phẩm ăm ắp ngôn ngữ điện ảnh, bộ phim được chuyển thể một cách gượng ép và rơi vãi rất nhiều khung hình điện ảnh.
Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, chồng của diễn viên Hồng Ánh đã "đập tan" giá trị của bộ phim bằng cách nói ví von ý nghĩa: "Photoshop" Cánh đồng bất tận của tác giả Nguyễn Ngọc Tư. "Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình rất lúng túng khi xử lý góc nhìn của bộ phim. [...] Đáng tiếc, anh đã quá lệ thuộc vào lời thoại của tác phẩm văn học. [...] Chính vì không hiểu (hay không dám hiểu) giá trị nhân văn chính của tác phẩm văn học, trong việc xây dựng tính cách nhân vật, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã đánh mất đi cái đẹp sâu sắc tiềm ẩn trong tính cách của mỗi một số phận trong Cánh đồng bất tận, và điều đó khiến cho dàn diễn viên nổi tiếng của anh có những vai diễn đáng thất vọng nhất trong bộ phim này."
Cảm nhận này cũng không khác với nhà văn Hồ Trung Tú. Ông cho rằng bộ phim đã không thể tận dụng được ngôn ngữ đặc trưng của điện ảnh, bỏ phí lợi thế của ngôn ngữ điện ảnh. Phim có quá nhiều hạt sạn đến ... mẻ răng. "Câu chuyện được kể vội vàng, như cố cho xong chuyện, lấy lời thoại thay cho vô số tình huống cần mô tả bằng hình ảnh. Các đạo diễn Việt Nam hãy khăn gói đi học trở lại ở những trung tâm điện ảnh lớn của thế giới trước khi nuôi hy vọng về chuyện mang phim đi dự thi."
BHD phản pháo!
Cô Ngô Thị Bích Hiền - giám đốc sản xuất phim - người sáng tác bài Ông mặt trời óng ánh của chúng mình thì chính thức gửi thư phản pháo lại nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, cho rằng khi phê bình sắc sảo, thông minh mà thiếu cái tâm của một người thưởng thức nghệ thuật là một điều cần suy nghĩ. Tiếng nói này cũng nhằm thẳng vào các nhà phê bình đứng trong phe thất vọng.
"Hãy đánh giá tác phẩm bằng chính nó mà đừng đem những tiêu chuẩn ở ngoài tác phẩm ra so sánh. Truyện và phim là hai tác phẩm hoàn toàn độc lập. Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư quá đa chiều, đa nghĩa. Mỗi chi tiết nhỏ đã là cả câu chuyện để nói. Với thời lượng hơn 100 phút, anh Sơn chắc chắn phải hiểu là đạo diễn chỉ có thể chọn một tứ để chuyển tải. Mỗi người đều cảm nhận Cánh đồng bất tận theo cách riêng của mình. Tôi tự hỏi tại sao những người nước ngoài như đạo diễn Philippe Noyce, những người đại diện của Liên hoan phim Cannes Ông Christian Juene, của Liên hoan phim Venece ông M.Muller đều thấy sự cố gắng và phát triển của điện ảnh Việt Nam, chỉ anh Sơn là không thấy. "
Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình thì đã quá mệt mỏi với dư luận: "Nhiều người đã từng phê phán tôi. Nhưng sau khi họ làm phim, họ quay lại chia sẻ, phải thừa nhận là làm phim bao giờ cũng khó khăn hơn việc bình luận phim, nó có quá nhiều yếu tố tác động và không phải những gì mình nghĩ thì khi thể hiện lên phim cũng sẽ hiệu quả. Vì thế tôi mới nói, có lẽ nếu mọi người bớt soi mói hơn, thì sẽ cảm nhận được nhiều hơn. Còn soi mói, bạn sẽ không thể nhìn thấy sự tinh tế mà chẳng cảm nhận được gì."
Chính bởi những nhận xét chồng chéo như thế nên cứ hỏi thẳng tác giả tác phẩm phải chăng là điều hay nhất ? Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư thì từ chối không bình luận gì thêm về bộ phim ngoài một câu: "Cũng được."
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư áo trắng, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình ngoài cùng bên phải
Cũng chính bởi những cảm xúc đối lập như thế, nên có lẽ bộ phim vẫn còn những tranh luận đến... bất tận. Bất luận cái nào hay cái nào đúng, bộ phim vẫn luôn trong tình trạng cháy vé dù đã ở suất chiếu muộn nhất. Bộ phim đã đoạt doanh thu rất lớn, đã được mong chờ rất nhiều, đã gặt hái nức nở rất nhiều lời khen, cũng như hứng trọn những lời phê bình gay gắt nhất. Thế nhưng, để đạt được tầm của những bộ phim kinh điển về sông nước của Việt Nam thì có lẽ Cánh đồng bất tận còn cần nhiều hơn những gì đã thể hiện.
Dẫu biết rằng tác phẩm điện ảnh là của đạo diễn, còn tác phẩm văn học là của nhà văn, thì sự so sánh vẫn luôn là cần thiết, mang lại nhiều góc nhìn sắc bén, đáng học hỏi. Xin mượn lời nhạc sĩ Quốc Trung, người làm nhạc cho phim Cánh đồng bất tận để kết bài: "Mọi người đều có những đánh giá và nhận đinh riêng nhưng tôi nghĩ chúng ta đều phải tôn trọng tác giả và nhà phê bình. Nhà phê bình đúng nghĩa thì không bao giờ làm hài lòng tác giả. Quan trọng là tác phẩm hay bài phê hướng đến đối tượng nào."
Theo PLTP
Chí Phèo - Thị Nở tân thời Đố bạn biết, lần đầu tiên Chí Phèo gặp "em Nở" thì chàng ta sẽ cưa cẩm thế nào? Chí Phèo: - Chỉ mới gặp em thôi mà anh ngỡ như đã quen nhau từ kiếp trước! Thị Nở: - Ô, thật thế hả anh (mắt chớp chớp, đá lông nheo). Chí Phèo: - Uh, Xa em vài giây thôi mà ngỡ đã...