Những bộ phim về giáo viên hay nhất của điện ảnh thế giới
Nghề giáo luôn được coi là nghề cao quý nhất và đã không ít lần được đưa lên màn ảnh với những thước phim cảm động và chân thực.
Một giáo viên tốt là người có thể truyền cảm hứng để tạo nên những sự khác biệt cho học sinh của mình, hướng dẫn và giúp đỡ họ tại một số thời điểm rất quan trọng trong cuộc sống của những người trẻ tuổi này. Nhưng công việc này không hề đơn giản khi giữa giáo viên và học sinh luôn có những xung đột, mâu thuẫn vì khoảng cách tuổi tác giữa hai thế hệ dẫn đến những khác biệt trong suy nghĩ. Bằng tình yêu thương cũng như sự động viên và khuyến khích, họ đã khiến những học sinh của mình phải thay đổi cách nhìn và tin vào những giá trị tích cực của bản thân. Chính điều đó đã truyền cảm hứng cho các nhà làm phim Hollywood để đưa lên màn ảnh những bộ phim cảm động và đầy tính nhân văn.
Dưới đây là những bộ phim về giáo viên đáng xem nhất của điện ảnh thế giới:
The miracle worker (1962)
The miracle worker là một câu chuyện hấp dẫn nói về cuộc chiến vượt qua những trở ngại tưởng như không thể và cuộc đấu tranh để có thể giao tiếp giữa cô giáo Annie Sullivan ( Anne Bancroft) và cô bé Helen Keller ( Patty Duke). Ngay từ khi còn bé, Helen Keller đã bị mù, câm và điếc do mắc bệnh ban đỏ. Bị niêm phong với thế giới bên ngoài, Helen không thể giao tiếp với ai và điều đó đã dẫn đến tính khí thất thường của cô bé. Helen thường không kiểm soát được cơn giận dữ của mình và trút thịnh nộ vào những người xung quanh. Quá sợ hãi và tuyệt vọng, cha mẹ của Helen đã tìm sự giúp đỡ của viện Perkins, nơi dành cho những học sinh bị mù. Annie Sullivan, một cựu học sinh ở đây đã được gửi đến làm gia sư cho cô bé. Bằng tình yêu và sự kiên trì của mình, cô giáo Annie giải phóng Helen khỏi nhà tù của bóng tối và sự im lăng, dạy cho cô bé biết cách giao tiếp và hiểu được thế giới bên ngoài.
The miracle worker là bộ phim được làm từ năm 1962 của đạo diễn Arthur Penn, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của William Gibson. Với cốt truyện hấp dẫn và cảm động cùng diễn xuất tuyệt vời của hai nữ diễn viên Anne Bancroft và Patty Duke, bộ phim đã chiếm được tình cảm của các khán giả thời bấy giờ. The miracle worker đã nhận được 5 đề cử Oscar, giành được hai giải thưởng là Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho Anne Bancroft và Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Patty Duke.
Stand and deliver (1988)
Stand and deliver là bộ phim được sản xuất vào năm 1988, dựa trên câu chuyện có thật về giáo viên dạy toán Jaime Escalante ở một trường trung học. Luôn phải đối mặt với những học sinh ngỗ nghịch và phá phách nhưng Jaime (Erward James Olmos) dần dần nhận ra những tiềm năng chưa được khai phá ở bọn trẻ và tìm cách thay đổi môi trường văn hóa để chúng đạt được những kết quả xuất sắc trong học tập. Các học sinh bắt đầu tham gia lớp học mùa hè về toán học với Jaime, mặc cho những giáo viên khác trong trường hoài nghi về khả năng của họ. Nhờ Jaime mà cả lớp đã vượt qua kỳ thi AP Calculus nhưng nhiều người đã nghi ngờ kết quả này là gian lận. Jaime đã đứng lên bảo vệ các học trò của mình và đòi tổ chức thi lại để chứng minh học sinh của ông trung thực. Các học sinh trong lớp cuối cùng cũng thành công khi vượt qua kỳ thi lại và xua tan những định kiến bấy lâu về họ.
Stand and deliver chứa đựng một thông điệp ý nghĩa dành cho các nhà giáo: đó là phải luôn tin tưởng vào những học sinh của mình và giúp đỡ họ trở thành những học sinh xuất sắc bằng chính nhiệt huyết của bản thân.
Lean on me (1989)
Năm 1987, trường trung học Eastside ở Paterson, New Jersey đang dần trở nên mục nát với những băng đảng bạo lực trong trường, không những đánh nhau mà học sinh còn đánh cả thầy cô giáo và buôn bán ma túy. Các cơ quan nhà nước đã quyết định đóng cửa trường học nếu 75% học sinh không vượt qua bài kiểm tra kỹ năng cơ bản. Trước tình hình này, Joe Clark (Morgan Freeman) đã được mời về làm hiệu trưởng ngôi trường mà ông đã từng làm giáo viên cách đây 20 năm. Bằng tinh thần sắt đá và biện pháp kỷ luật cứng rắn, Joe Clark đã khiển trách toàn bộ giáo viên trong trường vì cho rằng họ chính là nguyên nhân khiến tình hình trở nên như vậy. Ông cũng thẳng tay đuổi hàng trăm học sinh tham gia buôn bán ma túy và gây rối. Điều này đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều học sinh và phụ huynh nhưng chính những biện pháp này đã dần dần làm thay đổi diện mạo của ngôi trường.
Lean on me là bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về thầy hiệu trưởng Joe Clark của trường trung học Eastside. Năm 2008, ông đã xuất hiện trên trang bìa tạp chí Time với những khen ngợi về cách giáo dục tuy gây nhiều tranh cãi nhưng lại góp phần cải thiện và mang lại một diện mạo mới cho ngôi trường tưởng như không còn gì để cứu vãn.
Dead Poets Society (1989)
Video đang HOT
Dead Poets Society là bộ phim kể về một giáo viên dạy tiếng Anh, người đã truyền cảm hứng cho các học sinh thông qua cách giảng dạy của mình về thơ ca. Neil Perry, Todd Anderson, Knox Overstreet, Charlie Dalton là những chàng trai theo học Học viện Welton, một nơi mà các học sinh luôn bị bó buộc bởi các quy tắc và sự áp đặt. Một ngày nọ, giáo viên tiếng Anh John Keating (Robin Williams) được nhận vào đây. Với tư tưởng cấp tiến, những bài học của John không hề đi theo bất cứ khuôn mẫu nào của học viện này. Ông cho phép học sinh gọi mình là thuyền trưởng vì quan niệm rằng người giáo viên cũng giống như thuyền trưởng của một con tàu, giúp học sinh khám phá những điều mới mẻ bên ngoài cuộc sống. Ông cũng giúp cho các học sinh của mình cảm nhận được những khía cạnh khác nhau của các bài thơ với cách học mới mẻ. Không những thế John còn cho phép học sinh đứng lên bàn làm việc của mình để có thể giúp chúng nhìn thế giới theo một cách khác. Các chàng trai trong lớp quyết định thành lập câu lạc bộ văn học mang tên Dead Poets Society và nhờ nó mà có quyết tâm theo đuổi ước mơ cũng như nói lên suy nghĩ của mình.
Sau khi ra mắt, bộ phim đã nhận được rất nhiều đánh giá tích cực của các nhà phê bình. Dead Poets Society được đánh giá là bộ phim giáo viên nổi tiếng nhất của mọi thời đại và John Keating cũng trở thành vai diễn được coi là xuất sắc nhất trong sự nghiệp của nam diễn viên Robin Williams.
Music of the heart (1999)
Music of the heart là bộ phim được làm dựa trên câu chuyện có thật về một giáo viên, người đã nỗ lực đem đến cho những trẻ em kém may mắn những khát vọng trong cuộc sống thông qua âm nhạc. Câu chuyện bắt đầu khi Roberta Guaspari (Meryl Streep) rơi vào cuộc khủng hoảng tinh thần và có ý định tự tử vì bị chồng bỏ rơi. Với sự động viên của mẹ mình, cô đã quyết tâm làm lại cuộc đời. Qua sự giới thiệu của một người bạn, Roberta đã xin vào dạy nhạc ở một trường trung học ở Đông Harlem để có tiền trang trải cuộc sống. Mặc dù là một nghệ sĩ violin tài giỏi nhưng cô lại không có kinh nghiệm trong giảng dạy. Không chỉ ban giám hiệu mà các phụ huynh cũng như học sinh đều cảm thấy nghi ngờ về lớp học âm nhạc của Roberta khi đó là một điều quá xa xỉ đối với những đứa trẻ lớn lên trong nghèo khó. Với quyết tâm và tình thương dành cho lũ trẻ, cô đã truyền cảm hứng cho chúng và khiến buổi hòa nhạc của các học sinh trong trường dần dần thu hút được sự chú ý của công chúng. 10 năm sau, bỗng nhiên ngân sách dành cho trường bị cắt và Roberta bị mất việc. Không bỏ cuộc, cô đã đứng lên kêu gọi sự hỗ trợ của các phụ huynh và giáo viên để tổ chức một buổi hòa nhạc nhằm quyên góp tiền để chương trình có thể tiếp tục.
Thành công của bộ phim phải kể đến diễn xuất tuyệt vời của nữ diễn viên Meryl Streep trong vai Roberta Guaspari. Với vai diễn này bà đã nhận được đề cử Oscar và Quả cầu vàng cho hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
Freedom Writers (2007)
Erin Gruwell (Hilary Swank) là giáo viên mới ra trường, xin vào dạy Anh văn tại trường trung học Wilson. Nhưng quả là một thử thách không nhỏ đối với Erin khi lớp học của cô bao gồm những học sinh cá biệt với những cuộc chiến băng đảng liên tục diễn ra trong lớp. Những học sinh này tự thành lập những nhóm chủng tộc trong lớp, bao gồm châu Á, da đen và Mỹ La Tinh. Erin dần nhận ra không chỉ căm ghét lẫn nhau mà những học sinh này còn rất ghét cô vì cô là người da trắng. Một ngày nọ, Erin mang đến lớp một cuốn sổ, cô muốn các học sinh của mình mỗi ngày đều phải viết vào cuốn sổ này để có thể thấu hiểu và sẻ chia với những tâm sự mà chúng vẫn luôn giấu kín. Những đứa trẻ bắt đầu cởi mở hơn và chia sẻ về hoàn cảnh cũng như suy nghĩ của chúng thông qua quyển nhật ký: đứa thì bị chính bố mẹ của mình ngược đãi, đứa thì bị đuổi ra khỏi nhà, đứa thì tận mắt chứng kiến bạn mình bị giết chết…Để có tiền mua sách và đưa các học sinh của mình tham gia những hoạt động ngoại khóa, Erin đã làm công việc bán thời gian vào buổi tối. Không những thế cô còn vấp phải sự khinh miệt của các đồng nghiệp vì cách giáo dục không chính thống của mình.
Freedom Writers được làm dựa trên cuốn sách Freedom Writers Diary của giáo viên Erin Gruwell. Nó đã lấy đi rất nhiều nước mắt của người xem bởi câu chuyện xúc động với thông điệp ý nghĩa về cách giáo dục học sinh trong nhà trường và sự phân biệt chủng tộc trong xã hội Mỹ thời bấy giờ. Không những được đón nhận bởi các khán giả và những nhà phê bình, bộ phim còn mang về doanh thu phòng vé hơn 43 triệu đô.
Theo Trithuctre
10 phim không thể bỏ qua trong đời
Dù ra mắt khán giả cách đây đã lâu, nhưng các bộ phim trong danh sách này vẫn giữ nguyên sự mới mẻ và những thông điệp ý nghĩa.
Breakfast at Tiffany's (1961)
Có lẽ nhiều khán giả sẽ "choáng" khi biết bộ phim với nhiều tình tiết gây sốc này cũ tới mức nào. Trên phim, Audrey Hepburn đảm nhiệm một nhân vật... gái gọi, cô nàng hay ngủ nude, bị bắt giữ vì có mối liên hệ với đường dây buôn ma túy, đi tới câu lạc bộ vũ thoát y, và tận hưởng cuộc sống hoang dã của tuổi trẻ với những bữa tiệc.
Đặc biệt hơn, những trang phục của Audrey Hepburn trong bộ phim này đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ và trở thành một biểu tượng thời trang của thế giới.
Rear Window (1954)
Nếu thích các phim kinh dị, bạn chắc chắn không thể bỏ qua Rear Window của đạo diễn Afred Hitchcock, với Jimmy Stewart trong vai một thợ chụp ảnh bị kẹt trong căn hộ của mình vì gãy chân. Tại đây, anh chàng có dịp phát hiện và khai phá sở thích mới của mình: rình mò những hàng xóm trong chung cư.
Như khán giả có thể tưởng tượng ra, chàng thợ ảnh đã tận mắt chứng kiến đủ chuyện kinh dị, đáng sợ, bí ẩn trong chung cư của mình. Ngoài ra, bộ phim cũng hấp dẫn vì người ta cứ phải băn khoăn xem chuyện gì sẽ xảy ra giữa anh thợ ảnh và bạn gái - do Grace Kelly thủ vai.
Singin' in the Rain (1952)
Bộ phim có sự tham gia của ngôi sao phim hài Gene Kelly trong vai Don Lockwood, một người nổi danh nhờ các vai hành động hoặc lãng mạn trong phim câm chỉ nhờ khuôn mặt điển trai và đầy biểu cảm của mình.
Hãy thử xem bộ phim một lần, chắc chắn bạn sẽ được cười và nhịp theo giai điệu của phim từ khi bắt đầu cho tới lúc kết thúc.
The Graduate (1967)
Trong bộ phim này, chàng trai trẻ mới tốt nghiệp (Dustin Hoffman) cảm thấy cuộc sống của minh trở nên không mục đích kể từ khi học xong ĐH. Sau đó, anh lại thấy mình đã rơi vào vòng tay của người phụ nữ là bạn hàng của bố - bà Robinson (Anne Bancroft).
Điều thú vị là, trong lúc đang say đắm với tình yêu, chàng trai lại phát hiện ra mình thích con gái của bà Robinson hơn - nàng Elaine. Ngoài chuyện tình tay ba, bộ phim này trở nên đáng xem hơn nhờ nhạc phim tuyệt hay - sản phẩm của bộ đôi Simon và Garfunkel.
Casablanca (1942)
Đây là bộ phim kinh điển được đánh giá là một trong những phim hay nhất mọi thời đại. Phim có bối cảnh là Thế chiến 2, khi Rick Blaine (Humphrey Bogart), chủ một quán bar ở Casablanca rơi vào một tình huống cũng rất kinh điển: tình tay ba.
Khi Rick phải vật lộn với những cảm xúc của mình dành cho Ilsa (Ingrid Bergman), băn khoăn giữa việc giúp cô nàng và chồng chạy trốn khỏi những kẻ Đức Quốc xã, Rick đã tự nguyện đẩy bản thân vào tình cảnh ngặt nghèo mà anh chàng không bao giờ ngờ tới. Bộ phim rất lãng mạn và cũng rất bất ngờ.
West Side Story (1961)
Đây là một phim nhạc kịch rất được yêu mến, dựa trên câu chuyện tình yêu của Shakespeare: Romeo và Juliet. Trong trường hợp này, Romeo là chàng trai có tên Tony. Juliet là một cô gái trẻ có tên Maria, người có anh trai cũng trong nhóm Jet của Tony. Sau khi Tony và Maria gặp nhau và bắt đầu có mối quan hệ tình cảm bị ngăn cấm, hai thành viên nhóm Jet đã đánh nhau và gây ra án mạng trên đường phố New York.
Nếu đã biết trước về câu chuyện Romeo và Juliet, cái kết của bộ phim này cũng không khiến nhiều người ngạc nhiên. Tuy vậy, bộ phim vẫn rất hấp dẫn với các màn nhảy múa và ca hát.
It's a Wonderful Life (1946)
Dù bộ phim này kể về một người đàn ông đã sống cách đây rất lâu, đừng ngạc nhiên vì mức độ liên quan của bạn với câu chuyện này.
George Bailey là một người đàn ông có kế hoạch táo bạo: du lịch thế giới, học đại học đỉnh cao, sau đó dành toàn bộ thời gian đời mình để sống cuộc đời của một kiến trúc sư thành đạt. Nhưng tất nhiên, như mọi người đều biết, chẳng có gì trong cuộc đời này là diễn ra theo kế hoạch cả.
Sau khi phải từ bỏ ước mơ để giúp gia đình, bạn bè, Bailey lại ngập trong các khó khăn tài chính, trở nên buồn chán và băn khoăn không hiểu vì lý do gì mà mình lại được sinh ra.
Tất nhiên, đây là một bộ phim kinh điển, nên sẽ có thiên thần giúp đỡ anh chàng khỏi việc tự sát và cho anh thấy cuộc sống tươi đẹp tới mức nào.
The Sound of Music (1965)
Nếu chưa từng xem The Sound of Music, chắc chắn bạn đã bỏ lỡ một bộ phim tuyệt hay trong cuộc đời. Bộ phim kể về một cô nàng tên là Maria (Julie Andrews), một người từ bỏ tu viện kín của mình để trở thành cô giáo dạy kèm cho 7 đứa trẻ, con của một bà góa người Áo.
Khi Maria dành ngày càng nhiều thời gian hơn cho tụi trẻ, cô đã làm hơn cả trách nhiệm của một gia sư: mang tới niềm vui, âm nhạc và hạnh phúc tới cho căn nhà và người quản gia, làm trái tim anh chàng tan chảy dần dần.
Some Like It Hot (1959)
Bộ phim này có sự tham gia của cô đào Marilyn Monroe, Tony Curtis và Jack Lemmon. Trong phim, hai nam nhạc công đã phải chứng kiến vụ thảm sát vào ngày lễ Valentine. Để thoát khỏi những kẻ gangster, hai người này đã phải cải trang thành nữ và tham gia một ban nhạc nữ để tìm đường tới Florid.
Gone with the Wind (1939)
Có lẽ đây là phim kinh điển được rất yêu người yêu thích, và Rhett Butler cũng như Scarlett O'Hara đã trở thành những nhân vật biểu tượng cực kỳ quen thuộc. Ngoài câu chuyện rất hay, một điểm khác cần chú ý trước khi xem phim là: Gone with the Wind dài tới 3 tiếng, và không nên xem lướt qua nó một chút nào.
Nhiều khán giả cho rằng đây là bộ phim cần xem ít nhất một lần trong đời, để có thể hiểu được trọn vẹn bi kịch và những điều đẹp đẽ trên phim.
Theo Trí thức trẻ
Bi kịch "đóng khung" hình ảnh của sao Rất nhiều ngôi sao đình đám Hollywood bị "đóng khung" hình ảnh ở những dạng vai quen thuộc và luôn tìm cách để thoát ra. Một số người đã thành công, nhưng một số khác thì không... Jennifer Aniston Trước khi trở thành một ngôi sao, tỏa sáng trên những phim sitcom có tỉ lệ người xem cao nhất trong lịch sử truyền...