Những bộ phim truyền hình đình đám tròn 10 tuổi trong năm 2020
Những bộ phim đình đám ra mắt năm 2010 chính thức bước sang tuổi thứ 10 trong năm nay. Đây là những bộ phim được đánh giá khá cao trong năm 2010 khi nhận được về những phản hồi vô cùng tích cực từ khán giả.
Nửa đầu năm 2020 đã trôi qua, đánh dấu nửa năm hoạt động sôi nổi ở lĩnh vực điện ảnh và truyền hình xứ củ sâm. Nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng xuất hiện gây bão không chỉ trong nước mà còn cả châu Á như “ Thế giới hôn nhân”, “Tầng lớp Itaewon”, “Hạ cánh nơi anh”…
Năm 2020 cũng chính thức đánh dấu hàng loạt các bộ phim truyền hình đình đám bước sang tuổi thứ 10. Dù đã trải qua một thập kỉ nhưng các tác phẩm này vẫn luôn được khán giả nhắc tới như những tác phẩm tiêu biểu. Cùng điểm qua các bộ phim truyền hình ăn khách cách đây 10 năm nhé!
“God of study” – KBS2
Drama học đường nổi tiếng chính thức được phát sóng trên đài KBS2 vào năm 2010, cùng sự tham gia của dàn diễn viên trẻ gồm có “em trai quốc dân” Yoo Seung Ho, Go Ah Sung, Lee Huyn Woo, Ji Yeon và Lee Chan Ho. Bộ phim nhanh chóng gây sốt khắp Hàn Quốc bởi đây là bộ phim truyền hình đầu tiên ở Hàn Quốc thực hiện thể loại phim học tập. Với cốt truyện hấp dẫn cùng dàn diễn viên trẻ nhưng đầy tài năng, bộ phim nhanh chóng thu về những thành công đáng kể, nhận được những phản hồi vô cùng tích cực từ cộng đồng yêu phim Hàn.
“ Dong Yi” – MBC
Dong Yi là bộ phim cổ trang ăn khách vào năm 2010 và trở thành một trong những bộ phim truyền hình được quan tâm nhất trong thời điểm bấy giờ. Bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật được sản xuất bởi Lee Byung Hoon, nhà sản xuất của bộ phim đình đám “Nàng Dae Jang Geum”. Dong Yi được xem như một trong những bộ phim cổ trang hay nhất trong lịch sử phim truyền hình Hàn Quốc.
“Barker King, Kim Tak Goo” – KB2
Vua bánh mì được xem là bộ phim cực kì thành công trong năm 2010 khi chạm tới mức rating vô cùng cao 50,9%. Bộ phim xoay quanh cuộc đời Kim Tak Goo do Yoon Shi Yoon thủ vai. Tác phẩm được công chúng Hàn đánh giá cao vì nội dung mang tính nhân văn, tôn vinh nghề làm bánh và cổ vũ, ủng hộ các bạn trẻ theo đuổi đam mê, khát vọng của bản thân. Tại lễ trao giải KBS Drama Awards 2010, bộ phim thu về sáu giải thưởng lớn, góp phần đưa danh tiếng của dàn diễn viên trong phim trở nên phổ biến tại Hàn Quốc và châu Á.
“My girlfriend is a Gumiho” – SBS
Bộ phim nói về tình cảm giữa người và hồ ly chín đuôi, là một bộ phim hài tình cảm do Lee Seung Gi và Shin Min Ah thủ vai chính. Bộ phim nhanh chóng gây bão không chỉ tại Hàn Quốc mà lan rộng ra toàn châu Á, nhờ cốt truyện độc đáo cùng lối diễn xuất tự nhiên và hài hước của hai diễn viên chính. Mặc dù là một bộ phim vui nhộn nhưng vẫn không thiếu các phân cảnh khiến khán giả phải rơi lệ vì cảm xúc tuyệt vời mà bộ phim mang lại.
“Secret Garden” – SBS
Không phải tự nhiên mà bộ phim được xếp vào hàng phim truyền hình kinh điển của Hàn Quốc, tạo nên một làn sóng lớn trên toàn châu Á và thu về những thành công lớn. “Secret Garden” đã đem đến danh tiếng không hề nhỏ cho các diễn viên trong bộ phim có thể kể đến như Huyn Bin, Ha Ji Won, Yoo In Na… Năm 2010, tác phẩm đạt được số rating cao ngất ngưỡng cùng với hàng loạt các giải thưởng danh giá tại Hàn Quốc, đặc biệt đã đem về cho nam diễn viên Huyn Bin giải thưởng danh giá Daesang đầu tiên trong sự nghiệp. Đến bây giờ, “Secret Garden” vẫn được xem là một trong những tác phẩm truyền hình kinh điển không thể thay thế của Hàn Quốc.
Bên cạnh các tác phẩm kể trên, 2010 còn mang đến sự thành công của rất nhiều các tác phẩm truyền hình khác, đánh dấu một năm khởi sắc của làng phim truyền hình Hàn Quốc. Năm 2020, các bộ phim truyền hình đình đám cùng nhau bước sang tuổi thứ 10 nhưng các bộ phim truyền hình năm 2010 vẫn luôn được khán giả nhớ tới và công nhận là một trong những tác phẩm truyền hình ấn tượng nhất màn ảnh nhỏ Hàn Quốc.
Soi 5 điểm giống nhau thú vị giữa 'Tầng lớp Itaewon' và 'Vua bánh mì' đình đám một thời
Siêu phẩm đầu năm 2020 "Itaewon Class" và bom tấn một thời "Vua bánh mì" không ngờ lại có phần giống nhau đến lạ. Cũng chính những điểm tương đồng này đã tạo nên sức hút khó cưỡng cho cả hai tác phẩm đình đám. Hãy cùng điểm qua 5 trong số đó nhé!
Hình hiệu đầu phim "Vua bánh mì".
Poster phim "Vua bánh mì" cách đây mười năm.
Vua bánh mì (tên quốc tế: King of Baking, Kim Tak Goo) ra mắt vào năm 2010, kể về cuộc đời của cậu bé Kim Tak Goo từ khi được sinh ra, trải qua những năm tháng tuổi thơ cơ cực đến khi trưởng thành và gặt hái thành công trong sự nghiệp của mình. Xoay quanh cuộc sống Tak Goo là những tranh đấu quyền lực giữa hai vị phu nhân của Chủ tịch Goo Il Jong, một trong hai bà là Kim Mi Sun, mẹ ruột của Tak Goo. Anh chàng đầu bếp bánh mì nam chính cũng gặp nhiều trắc trở trên con đường đi đến đích vì thân phận con riêng của chủ tịch. Xuyên suốt những sóng gió đó, nghề làm bánh mì gia truyền của họ Goo được khắc họa vô cùng sinh động và chân thật.
Poster phim "Tầng lớp Itaewon".
Tầng lớp Itaewon (tên quốc tế: Itaewon Class) ra mắt vào năm 2020. Bộ phim theo chân nam chính Park Sae Ro Yi, một chàng trai phải nằm gai nếm mật để chạm tay đến ước mơ cả đời của mình. Từ một cậu học sinh phải ngồi tù vì bị kẻ giàu có chèn ép, Park Sae Ro Yi đã trở thành một anh thanh niên mạnh mẽ, sống có hoài bão và lí tưởng. Anh chàng quyết định phải dõng dạc đứng dậy làm lại cuộc đời và bắt những tên phản diện của xã hội năm xưa phải chịu trách nhiệm cho tội ác của chính họ.
Hai bộ phim tuy có thời điểm ra mắt chênh nhau đến mười năm nhưng lại vô tình sở hữu nhiều điểm chung thú vị. Có lẽ vì những điểm chung này mà cả Vua bánh mì lẫn Tầng lớp Itaewon đều nhận được sự tán tụng và yêu mến của khán giả ở phần cốt truyện.
1. Nam chính là con trong gia đình đơn chiếc và được trui rèn một nhân cách tử tế
Chân dung chàng trai đầu hạt dẻ Park Sae Ro Yi.
Cha của Park Sae Ro Yi là người có ảnh hưởng đặc biệt lớn đến lí tưởng sống của cuộc đời anh.
Cả Kim Tak Gu (Yoon Shi Yoon) và Park Sae Ro Yi (Park Seo Joon), nam chính của hai bộ phim đình đám Vua bánh mì và Tầng lớp Itaewon từ nhỏ đều có tuổi thơ cơ cực, sống cùng ba hoặc mẹ.
Park Sae Ro Yi thì lớn lên trong vòng tay của người cha Park Sung Yeol ( Son Hyun Joo), là một nhân viên ở công ty thực phẩm Jangga. Khi ông mất, ông đã để lại cho Park Sae Ro Yi những "di sản" quý giá mà sau này làm nên thương hiệu của chính cậu như kĩ năng nấu nướng thượng thừa hay lý tưởng sống ngay thẳng không khuất phục trước cường quyền.
Tak Gu (cậu bé ở giữa) thời thơ ấu.
Kim Tak Gu từ nhỏ đã sống trong túng thiếu, không có nổi tiền để mua bánh mì.
Cũng như Park Sae Ro Yi, Kim Tak Gu trước năm mười hai tuổi luôn sống với mẹ của mình là Kim Mi Sun (Jun Mi Sun), nhân tình của chủ tịch tập đoàn thực phẩm Geo Seong. Khi mang thai và bị cưỡng ép phải bỏ đứa con của mình, bà Mi Sun đã quyết định bỏ trốn để sinh và chăm sóc Tak Gu ở một vùng quê hẻo lánh. Dù khi đó hoàn cảnh của hai mẹ con vô cùng khó khăn và túng thiếu, nhưng bà đã nuôi dạy Tak Gu trở thành một con người mạnh mẽ, chính trực và nghĩa khí, từ đó giúp cậu nhận được tình yêu thương và sự tôn trọng ở mọi nơi cậu đặt chân đến.
Sau đó, khi được cha ruột rước về sống chung với dòng họ Gu, dù không có người mẹ thân yêu bên cạnh, Tak Gu vẫn từng bước chinh phục người bà khó tính và người cha lạnh lùng của mình bằng nhân cách sáng trong và tấm lòng nhân hậu của mình. Cha của Tak Gu cũng là người thầy vỡ lòng của cậu trong nghề làm bánh. Ông đã truyền dạy cho Tak Gu những kĩ năng mà đến sau này đã trở nên vô cùng hữu ích trên con đường sự nghiệp của cậu.
2. Có mối tình đầu là người bạn thanh mai trúc mã
Một điểm tương đồng thú vị nữa giữa hai nam chính: cả hai đều có người yêu đầu là bạn thanh mai trúc mã đã gắn bó với họ trong một thời gian dài. Trong khi, Shin Yoo Kyung (Kim Yoo Jin), bạn tiểu học của Tak Gu, phải sống cùng người cha say sỉn suốt ngày đánh cô thì Oh Soo Ah (Kwon Nara) của Tầng lớp Itaewon lớn lên trong một cô nhi viện nơi cha của Park Sae Ro Yi thường làm công tác thiện nguyện.
Cả Tak Gu-Yoo Kyung và Ro Yi-Soo Ah đều đã từng thất lạc nhau trong một thời gian dài và sau đó tìm lại được nhau. Trong Vua bánh mì, Tak Gu bỏ học và sống cuộc sống lang bạt để tìm kiếm người mẹ đã mất tích, còn Yoo Kyung sau khi tố cáo người cha bạo hành mình, đã được đưa vào cô nhi viện từ đó thất lạc nhau. Và rồi sau mười hai năm, họ tình cờ gặp lại ở ga tàu điện ngầm.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, ở Tầng lớp Itaewon, sau khi cha mất vì tai nạn xe và bản thân bị hại phải ngồi tù ba năm rồi được tại ngoại, Park Sae Ro Yi chỉ chạm mặt chóng vánh mối tình đầu thời trung học đúng một lần rồi đi tàu viễn dương tận bảy năm đằng đẵng. Khi Park Sae Ro Yi mở quán nhậu Danbam đối đầu với công ti của Soo Ah, "thanh mai" mới gặp lại "trúc mã".
Đối với Soo Ah, cha của Park Sae Ro Yi là ân nhân của cuộc đời cô.
Sau cái chết của ông, Soo Ah quyết định vào Jangga để tìm kiếm bằng chứng lật đổ cha con nhà họ Jang.
Còn Shin Yu Kyung quyết định rời xa Kim Tak Gu để cưới Gu Ma Jun, một người cô không có tình cảm.
Không chỉ có vậy, cả hai nhân vật nữ Shin Yoo Kyung và Oh Soo Ah đều vào làm cho công ty của kẻ thù với mục đích tìm ra sự thật và lật đổ âm mưu của họ. Oh Soo Ah trở thành cố vấn đắc lực, đạt được sự tín nhiệm tuyệt đối của Chủ tịch tập đoàn Jangga, Jang Dae Hee (Yoo Jae Myung), người đã hại gia đình của Park Sae Ro Yi phải nhà tan cửa nát, nhằm thu thập các bằng chứng để lật đổ ông. Trong khi đó Shin Yoo Kyung sau khi nhiều lần phải chịu sự làm nhục và chèn ép của bà chủ tập đoàn Geo Seong, Seo In Sook (Jun In Hwa), cô quyết định dấn thân con đường báo thù khi vào làm ở tập đoàn Geo Seong và cưới con trai ruột của bà chủ là Gu Ma Jun ( Joo Won).
3. Chọn đề tài liên quan đến ngành kinh doanh ẩm thực
"Itaewon Class" nói về việc Start-up trong ngành công nghiệp thực phẩm của những người trẻ.
Điểm tương đồng thú vị kế tiếp giữa hai bộ phim nằm ở việc lựa chọn chủ đề.
Tầng lớp Itaewon nổi đình nổi đám thời gian gần đây không chỉ là câu chuyện trả thù cho cha của Park Sae Ro Yi mà còn tập trung khai thác về vấn đề s tart-up trong ngành công nghiệp thực phẩm. Park Sae Ro Yi muốn lật đổ vị trí số một trong ngành ẩm thực của tập đoàn Jangga cũng như vị trí đứng đầu tập đoàn của Jang Dae Hee.
Anh bắt đầu từ một quán nhậu nhỏ ở Itaewon, một trong những khu phố sầm uất nhất tại Seoul, từng bước vượt qua khó khăn, thành lập nên IC. Cùng với các cộng sự, Park Sae Ro Yi nỗ lực tìm chỗ đứng trên sàn đấu ẩm thực. Để rồi sau đó, mọi nỗ lực đều được đền đáp khi IC trở thành một trong những tập đoàn đứng đầu ở lĩnh vực này. Không những thế, Park Sae Ro Yi còn thay thế cả kẻ thù của mình, trở thành người đứng đầu Jangga.
Trong khi đó "Vua bánh mì" nói về nghề làm bánh mì.
Bộ phim Vua bánh mì cũng không kém cạnh "đàn em", khi có câu chuyện xoay quanh nghề làm bánh mì của Kim Tak Gu, cậu bé được sinh ra với khứu giác thiên phú, nhưng lại từ bỏ vị trí thừa kế tập đoàn sản xuất bánh mì để đi kiếm người mẹ thất lạc của mình. Nhưng sau hơn mười năm sống chật vật với mất mát, hận thù, cậu đã tìm lại được niềm đam mê làm bánh năm xưa và kiên trì theo đuổi ước mơ trở thành một thợ làm bánh mì tài giỏi được mọi người công nhận.
Từ một chàng trai chỉ biết đánh đấm, chỉ học tới tiểu học, cậu phải nỗ lực tìm hiểu mọi thứ từ con số 0. Sau khi thành công ở lĩnh vực làm bánh, cậu tiếp tục học cách để điều hành công ty. Với tinh thần ham học hỏi và sự nhẫn nại vốn có, Tak Gu từ một chàng trai chân ướt chân ráo mới học nghề đã từng bước chinh phục tất cả nhân viên, vực dậy tập đoàn Geo Seong vốn dĩ đã trên bờ sụp đổ.
4. Chân tướng một vụ thảm án bị chôn vùi
Điểm làm nên thành công cho hầu hết những bộ phim Hàn đình đám đó là những sự thật bị che giấu. Sau đó, chính chúng sẽ chi phối cuộc đời bất kì ai nắm giữa chìa khóa mở ra chân tướng. Chúng ta sẽ thấy yếu tố này xuất hiện trong cả hai bộ phim được đề cập trong bài viết.
Cụ thể, trong cả Vua bánh mì và Tầng lớp Itaewon đều xảy ra án mạng và sự thật bị kẻ xấu chôn vùi suốt nhiều năm trời. Nếu như với Itaewon Class, đó là vụ tai nạn xe đã cướp đi sinh mạng của cha nam chính, thì trong Vua bánh mì, mọi thứ lại có phần gây ám ảnh hơn vì cái chết mập mờ trong mưa mà nạn nhân là bà nội của Tak Gu.
Xét về chi tiết, sự tương đồng giữa hai tác phẩm sẽ càng khiến người xem ngạc nhiên hơn nữa khi cả cha của Sae Ro Yi và bà của Tak Gu đều bị bỏ mặc tới chết.
Ông Park Sung Yeol, cha của Sae Ro Yi hoàn toàn có thể sống sót nếu như Jang Geun Won (Ahn Bo Hyun), người đã gây ra vụ tai nạn, có đủ can đảm gọi điện cho lực lượng hỗ trợ tới giúp. Nhưng cuối cùng, hắn chỉ hèn nhát mà cầu cứu người cha quyền lực giúp mình che giấu sự thật để không phải ngồi sau song sắt. Điều này đã khiến Park Sae Ro Yi vĩnh viễn mất đi người anh thương yêu nhất.
Jang Geun Won - một con người hèn nhát đến đáng thương.
Cốt truyện của Vua bánh mì càng thêm phần "khủng bố" người xem khi bà Hong (Jung Hye Sun), bà nội của Tak Gu, bị chính con dâu của mình và người thư kí thân thiết được gia đình nhận nuôi từ nhỏ, bỏ mặc tới chết dưới cơn mưa lạnh giá. Trong đêm mưa, bà Hong tình cờ nghe được bí mật kinh hoàng rằng con dâu có tư tình với người thư kí thân cận. Thậm chí, đứa cháu trai chính thức của nhà họ Gu cũng là kết quả của mối quan hệ bất chính này. Để bí mật tày trời không bị phanh phui, đôi gian phu dâm phụ đã không cứu bà Hong khi bà ngã và hôn mê ngoài vườn.
Bà Hong nằm bất tỉnh dưới cơn mưa đến bình minh.
Dù sau đó đã được phát hiện và đưa tới bệnh viện, nhưng vì bà đã dầm mưa trong thời gian dài nên cuối cùng, lão phu nhân của họ Gu đã rời đi trong sự bi phẫn và tiếc nuối không thể tiết lộ sự thật.
5. Nam chính không chọn thanh mai trúc mã mà chọn người đồng hành cùng mình thuở hàn vi
Điểm giống nhau cuối cùng giữa cả hai phim đó chính là cả hai chàng nam chính đều chọn người con gái đã cùng họ gắn bó trên con đường thực hiện ước mơ đầy gian nan.
Trong Vua bánh mì, mặc dù ban đầu tình cảm của Tak Gu dành cho Yu Kyung cực kì sâu đậm, nhưng khi cô quyết định cưới Gu Ma Jun, anh hoàn toàn buông tay và chúc phúc cho cô có cuộc sống hạnh phúc.
Jang Mi Sun - cô gái luôn ở bên Tak Gu những lúc anh đau khổ nhất.
Sau đó, anh đã nhận ra mình đã dần cảm động bởi sự chân thành của cô thợ làm bánh đáng yêu Jang Mi Sun (Lee Young Ah), người đã luôn ở bên giúp đỡ và ủng hộ các quyết định của anh. Một lí do nữa khiến Tak Gu phải lòng cô nàng là vì Mi Sun có rất nhiều điểm giống với người mẹ ruột của anh.
Còn chuyện tình của chàng trai đầu hạt dẻ Park Sae Ro Yi và nữ thiên tài Jo Yi Seo (Kim Da Mi) trong Tầng lớp Itaewon thì đã quá quen thuộc với khán giả xem đài thời gian gần đây. Park Sae Ro Yi ban đầu đã đơn phương nữ phụ Oh Soo Ah tận mười năm cho đến khi có sự xuất hiện của cô nàng Yi Seo thông minh, quyết đoán lại có phần hơi "dị".
Đây là "mối tình đầu" mười năm của Park Sae Ro Yi.
Còn đây là nàng Jo Yi Seo đa tài đa nghệ với một tình yêu to lớn dành cho "ông chủ" Park.
Yi Seo đã đến làm khuấy động cuộc sống vốn dĩ chỉ có một màu tang thương của anh, từng bước dùng tình cảm chân thành khiến Sae Ro Yi cảm động, kề vai sát cánh cùng anh chiến đấu trên con đường trả thù. Thành công của Sae Ro Yi không thể không kể đến công sức to lớn của cô. Cô đã giúp anh biến một quán nhậu nhỏ không ai biết đến ở Itaewon trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu trong ngành ẩm thực.
Nụ hôn đầu bị cướp mà Sae Ro Yi không hề hay biết.
Cuối cùng, Park Sae Ro Yi đã nhận ra tình cảm thật của mình đối với Yi Seo.
Những sự tương đồng giữa Itaewon Class và bộ phim đình đám cách đây mười năm Vua bánh mì đã lí giải phần nào sự nổi tiếng nhanh chóng trong thời gian vừa qua của tác phẩm này. Kế thừa những yếu tố hấp dẫn từ "đàn anh hơn mười tuổi", đồng thời vẫn tạo được bản sắc cho riêng mình, không ngạc nhiên khi Tầng lớp Itaewon là một trong những "bom tấn" màn ảnh nhỏ đáng xem nhất đầu năm 2020 này.
Trailer phim "Tầng lớp Itaewon".
Nguyệt Vy
20 phim Hàn có rating cao nhất từ năm 2000 đến nay: Có đến 2 phim của Song Hye Kyo! Dưới đây là 20 bộ phim truyền hình công cộng được yêu thích nhất kể từ năm 2000 đến thời điểm hiện tại! "Trái tim mùa thu". Cho đến thời điểm hiện tại, các bộ phim truyền hình được phát sóng trên đài cáp như tvN, JTBC, OCN thường ăn khách với dàn sao đình đám, và là một trong những chủ đề...