Những bộ phim phá nát tiểu thuyết kinh điển Trung Quốc
“ Tây du ký lạ truyện – Kiếp nạn 82″, “Tân Hồng lâu mộng”, “ Tam quốc 2010″… là những bộ phim khiến nhiều khán giả bất bình vì đánh mất tinh thần của nguyên tác văn học nổi tiếng.
Tây du ký, Hồng lâu mộng, Tam quốc diễn nghĩa và Phong thần diễn nghĩa là bốn bộ tiểu thuyết kinh điển nổi tiếng Trung Quốc, nhiều lần được đưa lên màn ảnh. Hầu hết nhà sản xuất khi chuyển thể các tác phẩm đó thành phim đều cố gắng bám sát, tôn trọng nguyên tác. Song, vẫn có một số bản phim “xào nấu”, cải biên quá đà, làm mất đi tinh thần của những cuốn tiếu thuyết nói trên.
Tây du ký lạ truyện – Kiếp nạn 82
Câu chuyện bốn thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh đã bị biến tấu và “tân trang” quá lố ở bộ phim Tây du ký lạ truyện – Kiếp nạn 82 (tựa gốc: Journey to the west: surprise). Kết quả, tác phẩm gây tranh cãi dữ dội trong cộng đồng người hâm mộ. Với những ai yêu mến danh tác của Ngô Thừa Ân, họ không thể tiếp nhận nổi hình ảnh kỳ dị của các nhân vật.
Tôn Ngộ Không – “linh hồn” của tiểu thuyết gây sốc với tạo hình lai Tây, đầu tóc uốn xoăn, nhuộm vàng, da trắng bóc ở Tây du ký lạ truyện – Kiếp nạn 82. Thế võ kỳ quặc cùng những màn thách đấu có một không hai như đánh nhau bằng sầu riêng của Tề Thiên Đại Thánh và các sư đệ cũng khiến khán giả choáng váng.
Tây du ký lạ truyện – Kiếp nạn 82 gây tranh cãi vì hình ảnh khác lạ, kỳ dị của bốn thầy trò Đường Tăng.
Không chỉ Tôn Ngộ Không, tạo hình của Đường Tăng, Trư Bát Giới, Sa Tăng cũng gây tranh cãi. Trư Bát Giới có vẻ điển trai hơn so với miêu tả của Ngô Thừa Ân. Còn Đường Tăng và Sa Tăng thì lại có vẻ nhí nhố, thiếu nghiêm túc, khác xa nguyên tác văn học.
Nhiều khán giả khó tính “ném đá” Tây du ký lạ truyện – Kiếp nạn 82 thậm tệ vì phá nát một trong tứ đại danh tác của Trung Quốc, biến cuốn tiểu thuyết kinh điển thành trò cười thương mại . Tuy nhiên, một số người xem có cái nhìn thoáng hơn, không quá xét nét tới tính nghệ thuật lại tỏ ra thích thú với sự hài hước, mới lạ ở bộ phim nói trên.
Tân Hồng lâu mộng ra mắt khán giả vào năm 2010, quy tụ dàn sao trẻ như Dương Dương, Tưởng Mộng Tiệp, Lý Thấm, Triệu Lệ Dĩnh, Dương Mịch… Ưu điểm của loạt phim có lẽ chỉ dừng lại ở nhan sắc diễn viên. Nếu đặt lên bàn cân so sánh với nguyên tác văn học, Tân Hồng lâu mộng chưa truyền tải trọn vẹn tinh thần của cuốn tiểu thuyết kinh điển.
Lâm Đại Ngọc phiên bản 2010 bị cho là không mang dáng dấp, khí chất của nhân vật trong nguyên tác.
Phim vấp phải nhiều ý kiến chê bai từ người hâm mộ khó tính của danh tác Hồng lâu mộng về diễn xuất, tạo hình nhân vật. Để thấy rõ lối diễn thiếu chiều sâu của dàn sao, một số khán giả đã so sánh cử chỉ của nữ diễn viên Tưởng Mộng Tiệp cùng tiền bối Trần Hiểu Húc khi cùng vào vai Lâm Đại Ngọc. Nếu như Trần Hiểu Húc lột tả sinh động vẻ thư thái, yêu kiều của mỹ nhân họ Lâm thì Tưởng Mộng Tiệp lại có phần phô và đơ cứng.
Lâm Đại Ngọc phiên bản 2010 bị cho là quá khỏe khoắn, không có vẻ liễu yếu đào tơ, mong manh như Lâm Đại Ngọc trong tiểu thuyết. Tạo hình, trang phục, kiểu tóc và lối trang điểm của các nhân vật ở T ân Hồng lâu mộng cũng có phần lệch lạc so với những gì mà Tào Tuyết Cần miêu tả trong nguyên tác văn học.
Không chỉ thiếu tôn trọng yếu tố niên đại, cách hóa trang cho diễn viên còn tỏ ra phù hợp với sân khấu kịch hơn là phim truyền hình. Do đó, người xem khó lòng phân biệt được từng nhân vật khi theo dõi.
Video đang HOT
Khán giả nhận xét trang phục của Tân Hồng lâu mộng có phần lệch pha so với yếu tố niên đại được nhắc tới trong nguyên tác văn học.
Ngoài ra, âm nhạc cũng là một điểm trừ lớn của Tân Hồng lâu mộng. Phần nhạc lồng ghép vào các cảnh quay bị chê là sáo rỗng, mang lại cảm giác âm u, ghê rợn như Liêu trai chí dị, chứ không phải là sự bi thương ai oán như tinh thần của tiểu thuyết gốc.
Tam quốc 2010
Bộ phim Tam quốc lên sóng vào năm 2010, có sự tham gia của dàn sao thực lực như Trần Kiến Bân, Nghê Đại Hồng, Lục Nghị, Nhiếp Viễn, Trần Hảo… Được đánh gia cao về diễn xuất nhưng tác phẩm khiến một số người hâm mộ tiểu thuyết kinh điển Tam quốc diễn nghĩa lấn cấn vì nhiều tình tiết cải biên không thỏa đáng.
Đầu tiên, chi tiết quan trọng như màn kết nghĩa vườn đào giữa Lưu Bị – Quan Vũ – Trương Phi được dàn dựng một cách qua loa trong vỏn vẹn 10 giây. Nguyên tác văn học và bản phim Tam quốc diễn nghĩa trước đây rất chú trọng vào sự kiện này. Lấy bối cảnh Khởi nghĩa Khăn Vàng, bốn bề khói lửa, Lưu – Quan – Trương quen biết nhau qua chiến loạn, họ kết nghĩa anh em dưới gốc đào đang nở hoa. Trong khi đó, Tam quốc bản 2010 lại hoàn toàn bỏ qua cuộc Khởi nghĩa Khăn Vàng.
Tam quốc (2010) có nhiều chi tiết cải biên không thỏa đáng.
Giải thích về sự lựa chọn gây tranh cãi trên, đạo diễn Cao Hy Hy cho biết ông làm như vậy là để tránh né một số sự kiện lịch sử chưa được phân định rõ ràng về quan niệm, giá trị. Ông chỉ muốn giữ lại tinh thần của việc Lưu – Quan – Trương kết nghĩa, trên giữ xã tắc, dưới bảo vệ dân. Quan trọng là truyền đạt được tinh thần đó, còn thời gian dài hay ngắn không quan trọng.
Tiếp theo, Tam anh chiến Lã Bố là một tình tiết mang tính kinh điển trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa. Ở nguyên tác, chứng kiến hai tướng Quan, Trương mãi không hạ được Lã Bố, Lưu Bị nhảy vào, Lã Bố mới bại trận bỏ chạy.
Đến phim Tam quốc, sự kiện này đã bị biến thành Trương Phi đánh Lã Bố trước nhưng không thắng được. Quan Vũ nhảy vào giúp sức, cục diện thay đổi, suýt chém Lã Bố ngã ngựa. Lưu Bị thấy thế quất ngựa xông vào, giúp chặn cho Lã Bố thoát một đòn chí mạng. Một số khán giả gọi đùa rằng đây là màn “Tam anh thả Lã Bố”.
Phim được đánh giá cao về diễn xuất của dàn sao thực lực, nhưng phần nào mất điểm vì một vài tình tiết được thêm thắt, khác xa so với nguyên tác.
Một tình tiết cải biên khác so với nguyên tác ở Tam quốc là việc Lã Bố gây ra một trận gió tanh mưa máu ở Tào phủ. Ở tập 2, Tào Tháo âm mưu giết Đổng Trác nhưng kế hoạch bị bại lộ, đành phải bỏ trốn. Đổng Trác nổi giận, sai Lã Bố sát hại toàn bộ người của Tào phủ. Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, khi Tào Tháo bỏ trốn, ông không có gia quyến ở kinh thành.
Phong thần bảng truyền kỳ, Phong thần diễn nghĩa
Phong thần diễn nghĩa là bộ tiểu thuyết được hai tác giả Hứa Trọng Lâm và Lục Tây Ninh viết lại trên cơ sở cuốn Vũ Vương phạt Trụ bình thoại. Nội dung xoay quanh việc suy vong của nhà Thương và sự nổi lên của nhà Chu, lồng vào đó là vô số thần thoại, truyền thuyết Trung Hoa, bao gồm thần, tiên, yêu quái, tôn giáo.
Giống như Tây du ký và Tam quốc diễn nghĩa, Phong thần diễn nghĩa cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều bản phim ra đời. Bên cạnh những tác phẩm chất lượng, tôn trọng nguyên tác, vẫn có một số bộ phim bị coi là thảm họa, điển hình là Phong thần bảng truyền kỳ và Phong thần diễn nghĩa.
Phong thần bảng truyền kỳ là phim điện ảnh Hong Kong ra rạp vào năm 2016, sở hữu dàn sao “khủng” gồm Lý Liên Kiệt, Phạm Băng Băng, Angelababy, Huỳnh Hiểu Minh… Được đầu tư kinh phí lên tới 350 triệu NDT, nhưng ấn tượng mà tác phẩm mang đến cho khán giả lại chỉ như một nồi lẩu thập cẩm. Ngoài phần hình ảnh vướng nghi án đạo nhái, xào nấu từ các siêu phẩm Hollywood, Phong thần bảng truyền kỳ còn bị phê phán vì những chi tiết cải biên lố bịch.
Phong thần bảng truyền kỳ bị đánh giá là một nồi lẩu thập kỷ vì nhiều tình tiết vay mượn, xào nấu vô lý.
Na Tra là người được phái xuống giúp đỡ Khương Tử Nha trong cuộc chiến chống lại yêu hồ Đát Kỷ. Trong phim, nhân vật này chào đời từ một tiếng sét ở mỏm đá, gợi liên tưởng đến sự ra đời của Tôn Ngộ Không. Mới chào đời, tiểu Na Tra hô một tiếng gọi được vòng Càn Khôn, hai tiếng có Phong Hỏa Luân tới, vài ngày sau một mình náo loạn Đông Hải long cung. Chưa hết, nhân vật này còn có khả năng một giây biến thành 6 tay.
Tạo hình của các nhân vật chính có phần lệch lạc so với tiểu thuyết Phong thần diễn nghĩa. Hồ ly Đát Kỷ có 9 đuôi như 9 con rắn hổ mang. Thái Ất Chân Nhân từ thượng tiên hiền lành, được miêu tả là mặc trang phục trắng, râu tóc bạc phơ ở nguyên tác lại biến thành một nữ thượng tiên mặc đồ đen u ám trong bản phim.
Phong thần diễn nghĩa (2019) gây khó chịu khi thêm thắt tình tay tư phản cảm, đi ngược lại tinh thần của tiểu thuyết.
Giống như Phong thần bảng truyền kỳ, Phong thần diễn nghĩa (2019) cũng biến tấu, thêm thắt nhiều chi tiết phản cảm, đi ngược lại tinh thần của tiểu thuyết. Bộ phim dựng nên mối quan hệ tay tư giữa Đát Kỷ – Dương Tiễn – Hồ Yêu – Trụ Vương. Đặc biệt, Đát Kỷ còn là thanh mai trúc mã, lớn lên bên cạnh Dương Tiễn. Nhiều khán giả phản đối khi câu chuyện quen thuộc với văn hóa đại chúng Trung Quốc bị biến tướng theo hướng khó có thể chấp nhận.
Nguyên Hạnh
Giải mật Thủy Hử, nhận diện hảo hán: Bí ẩn cái chết của Tiều Cái
Cái chết của trại chủ Tiều Cái phải chăng ẩn tàng một âm mưu tránh quyền đoạt vị. Ai là kẻ chủ mưu ám hại Thác Tháp Thiên Vương? Mũi tên độc đoạt mạng trại chủ Lương Sơn không phải do Sử Văn Cung bắn.
Độc giả Việt Nam có lẽ vẫn còn xa lạ với thể loại giải mật các tác phẩm cổ điển. Nhưng ở Trung Quốc, giải mật đã thành một trào lưu từ lâu, và liên tục phát triển cho đến tận nay. Các tác phẩm văn học cổ điển nổi tiếng như Tây Du Ký, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng, Phong Thần diễn nghĩa... đều có hàng trăm người tham gia giải mật.
Giải mật là gì? Nói một cách đơn giản, đó là đi tìm những ẩn ý của tác giả cài vào trong tác phẩm của mình. Nghĩa là từ các mật ngữ, các tình tiết được che giấu kín đáo có chủ ý của tác giả, người giải mật tìm kiếm, xâu chuỗi lại với nhau trong một chủ đề. Từ đó, họ đưa ra một giả thuyết phù hợp với những gì mình tìm ra và cuối cùng là xác quyết tính hợp lý của giả thuyết đó.
Cho nên giải mật là một quá trình bất tận giải các câu đố mà tiền nhân để lại. Giải mật không phải tôn vinh hay bài xích các nhân vật, các cố sự, mà là tìm ra ý nghĩa đích thực của những tình tiết trong tác phẩm. Với một kết quả mà người giải mật đưa ra, sẽ có bạn đọc vỗ đùi khen hay, nhưng cũng sẽ có nhiều độc giả không đồng tình, có thể vì giả thuyết chưa đủ độ thuyết phục, hoặc đơn giả là vì kết quả đó không đúng như ấn tượng mà nhân vật đã ăn sâu vào đầu óc của người đọc.
Tranh Thủy Hử của Kimiya Masago.
Thủy Hử của Thi Nại Am, một trong Tứ Đại Kỳ Thư của văn học cổ điển Trung Quốc, là câu chuyện của 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc. Nhưng có thực tác giả Thi Nại Am muốn xây dựng họ thành những anh hùng hay không? Hay đây là câu chuyện của vợ lừa chồng, chồng lừa vợ, anh phản em, em phản anh, thầy dối trò, trò dối thầy?
KỲ I: Bí ẩn cái chết của Tiều Cái
Thủy Hử viết khá rõ ràng về cái chết của Tiều Cái. Trại chủ Lương Sơn dẫn quân đi đánh Tăng đầu thị, gặp phục binh nên thua chạy. Trên đường đào tẩu, Tiều Cái trúng phải độc tiễn của Sử Văn Cung. Về đến trại, Thác Tháp Thiên Vương ốm liệt giường liệt chiếu rồi chết. Bàn về cái chết của Tiều Cái, ai nấy đều cho rằng Tống Giang thấy chết mà không cứu, chỉ chăm cầu cúng, giải hạn, cúng sao, cúng vong chứ không đưa đi... cấp cứu: "Tống Giang ngồi luôn trước giường Tiều Cái mà khóc than rất là thảm thiết, các vị đầu lĩnh cũng đều ở đó mà hầu hạ trông nom."
Rốt cuộc Tống Giang chỉ thuận nước đẩy thuyền, tiện tay dắt dê hay có sự tình ẩn giấu đằng sau? Thủy Hử đã để lại một số manh mối để thấy rằng chính Tống Giang mới là kẻ chủ mưu và người bắn lén Tiều Cái không phải Sử Văn Cung.
Tiều Cái di ngôn lại cho Tống Giang. Ảnh: Phim Thủy Hử.
Ai chủ mưu hại Tiều Cái?
Trước tiên hãy nói về trại chủ đời thứ nhất của Lương Sơn, đó là Bạch y tú sỹ Vương Luân. Cái chết của Vương Luân do Lâm Xung ra tay dưới sự thúc đẩy của Tiều Cái. Khi bảy anh em tới xin nhập bọn, sau tiệc tiếp phong, Ngô Dụng bàn với Tiều Cái: "Nếu quả hắn có bụng lưu chúng ta ở đây, thì bây giờ đã định vị thứ rồi mới phải. Việc ấy dẫu đến Đỗ Thiên, Tống Vạn cũng xin tùy theo đáp ứng chứ không hiểu được thâm ý của Vương Luân, duy có một anh chàng Lâm Xung là ngày trước đã làm qua Giáo Đầu ở kinh sư cũng đã hơi hiểu việc, nay bất đắc dĩ phải ngồi vào bậc ghế thứ tư, thì trong lòng vẫn hậm hực bất bình, xem như cách nói chuyện với bác buổi sáng thì đủ biết. Tôi xem anh ta thực là có ý trở mặt với Vương Luân; để tôi thuyết cho mấy câu, khắc là họ tính ngay lập tức."
Tới khi Lâm Xung tóm lấy Vương Luân định đâm thì "đoạn rồi Nguyễn Tiểu Nhị ngăn giữ Đỗ Thiên, Nguyễn Tiểu Ngũ ngăn giữ Tống Vạn, Nguyễn Tiểu Thất ngăn giữ Chu Quý, làm cho bọn lâu la ở dưới đều ngây người đờ mắt mà sợ hãi kinh hồn."
Có thể nói Lâm Xung là cánh tay, nhưng Tiều Cái mới là trí não của âm mưu lật đổ. Rốt lại Tiều Cái trở thành trại chủ đời thứ hai. Rồi cũng là nhân quả báo ứng, cái chết của trại chủ Tiều Cái sao có thể dễ dàng do người ngoài thực hiện. Hẳn nhiên là do trại chủ đời ba Tống Giang bày mưu và một vị anh em dưới trướng Tiều Cái đã ra tay hạ thủ.
Tại sao Tống Giang phải lấy mạng Tiều Cái? Xin thưa bởi họ có mâu thuẫn không thể hóa giải. Tiều Cái là trại chủ, chủ trương lên núi làm cướp, dưới tay là một đám đại đầu lĩnh rách giời rơi xuống như Lưu Đường, Nguyễn Thị Tam Kiệt, và một tay kiệt hiệt Lâm Xung nặng lòng thù oán với triều đình. Chủ trương của Tiều Cái là uống bát tửu to, ăn miếng thịt lớn, vui lòng khoái ý mà tiêu dao tháng ngày.
Ngược lại, Tống Giang đang ngồi ghế thứ hai, vốn là viên tiểu lại, Tống Giang không nặng lòng phản nghịch, phe cánh của gã cũng một dạng đại loại như Hô Duyên Chước, Hoa Vinh, Từ Ninh,... là các cựu quan tướng triều đình, vì thua trận hoặc bị ép buộc tới mức phải bỏ lên núi, nên tất cả đều có tư tưởng mong được chiêu an. Hễ Tiều Cái còn thì giấc mộng chiêu an của Tống Giang khó lòng thực hiện được.
Mâu thuẫn của Tiều - Tống có thể kể ra cụ thể ở mấy sự tình sau:
a. Hồi 41, sau sự kiện cướp pháp trường ở Dương Châu, Tống Giang lên Lương Sơn rồi muốn về đón cả nhà lên núi, Tiều Cái không đồng ý. Nhưng sau khi Tống Giang về, nhận được ba cuốn thiên thư từ Cửu thiên huyền nữ, thì không hề thấy chàng ta chia sẻ gì cho ông trại chủ mà chỉ đem ra bàn luận với Ngô Dụng. Đây có thể nói là một dạng khoét vách tường, tức tìm cách lôi kéo người của Tiều Cái.
b. Cũng từ sự kiện này, một đại đầu lĩnh thế hệ đầu của Lương Sơn Bạc đã nhìn ra manh mối. Đó là Nhập Vân Long Công Tôn Thắng. Tuy Công Tôn Thắng nằm trong nhóm bảy hào kiệt cướp sinh thần của Sái Thái sư, được Tống Giang cứu mạng, nhưng sự thực thì ơn ấy của Tống đối với Công Tôn không dày như với Ngô Dụng, Lưu Đường, Tam Nguyễn. Độc giả chắc còn nhớ Tiều Cái và Công Tôn Thắng dẫu được báo trước, nhưng do phải ở lại giải quyết sự vụ Tiều gia trang nên trốn không kịp. Nên người mà Công Tôn chịu ân sâu tha mạng phải là Chu Đồng. Anh chàng đạo sĩ này nhìn ra manh mối mâu thuẫn Tiều Cái - Tống Giang, liền thác cớ còn mẹ già nên trốn về, suýt nữa thì Nhập vân nhất khứ bất phục phản.
c. Mâu thuẫn trở nên rõ rệt khi ở hồi 46, Bệnh Quan Sách Dương Hùng, Biện Mệnh Tam Lang Thạch Tú, lên núi xin nhập bọn. Bấy giờ Tiều Cái từ chối vì hai gã trộm gà này không đáng mặt hảo hán. Tuy nhiên Tống Giang giữa chốn đông người công nhiên bác bỏ ý Tiều Cái, được Ngô Dụng và số đông tán thành "Các đầu lĩnh cùng ra sức khuyên can. Bấy giờ Tiều Cái mới thư tâm mà tha cho Dương Hùng, Thạch Tú." Thậm chí việc đánh Chúc gia trang cũng do Tống Giang tự ý cắt đặt. Đọc đến đây ta thấy Tiều Cái trở nên cô độc lạc lõng hơn bao giờ hết ngay tại Tụ Nghĩa sảnh.
d. Hồi 57, đánh Thanh Châu, Tiều Cái muốn tìm cách vãn hồi sự tình nên muốn tự cầm quân. Tống Giang liền thẳng cánh bác bỏ: "Ca ca là ông chủ sơn trại, không thể một ngày rời bỏ ngay được. Vả chăng việc này là của tôi, người ta xa muôn dặm tới đây nếu tôi không đi, thì sao cho người ta an tâm, Vậy xin ca ca để mặc cho tiểu đệ cùng mấy anh em đi cho được việc..." Ta thấy Tống Giang nhấn mạnh việc anh em tới là vì Tống Giang chứ không phải vì trại chủ Tiều Cái.
e. Vụ Đoàn Cảnh Trụ hiến ngựa. Tác giả một lần nữa nói tới việc con Chiếu dạ ngọc sư tử là để hiến cho ngài phó trại Tống Công Minh chứ không phải dành cho ông trại chủ Tiều Bảo Chính. Tới đây thì Tiều Cái không còn cách nào khác, phải khăng khăng tự dẫn binh đi đánh rồi.
Và đó cũng là cơ hội để Tống Giang ra tay.
Đời sau có người cho rằng ba chữ Tăng đầu (tăng - zng) cận âm với Tranh đầu (tranh - zhng) ám chỉ việc tranh ngôi đầu, và tên của Tăng Thị Ngũ Hổ lần lượt là Tăng Mật, Tăng Đồ, Tăng Sách, Tăng Khôi, Tăng Thăng, không biết vô tình hữu hữu ý ghép lại là "mật đồ sách khôi thăng" - Bí mật mưu đồ đoạt ngôi đầu.
Tác giả Thi Nại Am đã thòng một câu rất giá trị: "Khi Tiều Cái đi rồi, Tống Giang liền quay về sơn trại, sai Đới Tung xuống núi đi theo, để thăm dò tình thế." Rốt lại ai sẽ là người bắn mũi độc tiễn theo lệnh Tống Giang?
Theo doanhnghiepvn.vn
Những nhan sắc trường tồn cùng năm tháng trên màn ảnh Hoa Ngữ Giới giải trí Hoa Ngữ từ xưa đến nay luôn sở hữu những nhan sắc 'sắc nước hương trời', họ đã làm xao xuyến biết bao thế hệ khán giả với những vai diễn khó quên. 1. Lâm Thanh Hà Lâm Thanh Hà sinh năm 1954, cô được xem là "biểu tượng sắc đẹp" thống trị màn ảnh Hồng Kông và Đài Loan...