Những bộ phim hay về tình mẫu tử cho ngày 8/3
“Juno”, “The Blind Side”, hay “Mamma Mia!” là những lựa chọn tuyệt vời để bạn theo dõi cùng mẹ trong ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
Steel Magnolias (1989): Những “đoá hoa mộc lan thép” bắt rễ từ góc yếu đuối nhất trong tâm hồn người phụ nữ, từ nỗi lo sợ thường nhật về quá khứ nguy hiểm của người chồng, cho tới chuyện tình mẹ con có thể bị chia cắt bởi bệnh tật. Steel Magnolias không chỉ dừng lại ở việc khắc hoạ hình ảnh những người phụ nữ kiên cường, biết làm chủ cuộc sống, mà còn tôn vinh tình mẫu tử cũng như hình ảnh của phái đẹp.
Terminator 2: Judgment Day (1991): Là một tựa phim hành động, nhưng tình mẫu tử mà nhân vật nữ chính Sarah Connor (Linda Halminton) dành cho cậu con trai John Connor là một điểm sáng của bộ phim. Xuất hiện với vai trò là một cô gái trẻ yếu đuối bị trí tuệ nhân tạo Skynet săn đuổi ở phần I, sang đến Terminator 2, khán giả được chứng kiến nhân vật cứng cáp và trưởng thành hơn khi cô sẵn sàng cầm súng bảo vệ con mình trước gã người máy chất lỏng T-1000.
Stepmom (1995): Tình mẫu tử như một sợi dây tình cảm xuyên suốt bộ phim Stepmom, kết nối hai người đàn bà xa lạ mà tưởng như số phận sẽ khiến họ đối đầu nhau trong suốt quãng đời còn lại. Đó là hai bà mẹ với hai cách sống, hai tính cách khác nhau, nhưng cùng chung một tình yêu thương vô bờ bến dành cho những đứa trẻ. Điểm chung ấy khiến Jackie và Isabel dần dần có cái nhìn thiện cảm hơn về đối phương, tạo ra một câu chuyện cảm động và giàu tính nhân văn.
Anywhere But Here (1999): Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mona Simpson, phim là chuyến đi đầy hoài bão từ thị trấn nhỏ lên khu Beverly Hills phồn hoa của Adele August (Susan Sarandon) và cô con gái lớn Ann August (Natalie Portman). Nhiều bà mẹ sẽ bắt gặp hình bóng bản thân trong Adele, một người vật lộn với cuộc sống mưu sinh, cùng nỗi lo toan thường trực về sự trưởng thành nằm ngoài tầm kiểm soát của cô con gái đang ở tuổi dậy thì.
Video đang HOT
Juno (2007): Khác với các tác phẩm cùng đề tài “teen mom” hoặc mang thai ngoài ý muốn, nữ diễn viên đồng tính Ellen Page trong vai Juno đem tới một hình ảnh bà mẹ có một không hai trong lịch sử điện ảnh: trẻ trung, thông minh, hài hước và tràn ngập sự sống. Dù phải đứng trước không ít lựa chọn khó khăn, Juno vẫn vượt qua tất cả và trở nên trưởng thành hơn sau quá trình mang nặng đẻ đau kéo dài 9 tháng 10 ngày. Phim thắng giải Kịch bản gốc xuất sắc và nhận đề cử Phim truyện xuất sắc tại Oscar năm 2008.
Mamma Mia! (2008): Trong bộ phim lấy nền là các ca khúc kinh điển của ABBA, cô gái Sophie (Amanda Seyfried) mới lớn luôn tò mò về người cha mà mẹ Donna (Meryl Streep) chưa bao giờ nhắc tới. Khi Sophie chuẩn bị kết hôn, đây chính là cơ hội để cô gái có thể tìm ra lời giải đáp cho thắc mắc suốt bấy lâu nay. Tình mẫu tử giữa Sophie và Donna đặc biệt được thể hiện qua trường đoạn ca khúc Slipping Through My Fingers, khi cả hai có cơ hội giãi bày tâm sự trước khi sự kiện trọng đại diễn ra.
The Blind Side (2009): Mang đề tài thể thao, nhưng thông điệp của The Blind Side mang đậm tình thương, mà nổi bật hơn cả là tình mẫu tử mà Leigh Anne Tuohy dành cho cậu con trai nuôi Michael Oher. Tình yêu thương của nhà Tuohy giúp lấp đầy những khoảng trống trong trái tim bất hạnh của Oher, đồng thời khơi gợi khả năng thể thao tiềm tàng bên trong cậu. Vai người mẹ Leigh Anne Tuohy đem về cho Sandra Bullock tượng vàng Oscar ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Oscar 2010.
The Kids Are Alright (2010): Khi những đứa trẻ của một cặp đồng tính nữ tìm thấy “người cha” đã hiến tinh trùng thì cũng là lúc gia đình này rơi vào những tình huống dở khóc dở cười. Quy tụ dàn diễn viên tài năng gồm Julianne Moore, Annette Bening, Mark Ruffalo, Mia Wasikowska và Josh Hutcherson, The Kids Are Alright là một tác phẩm nhẹ nhàng nhưng khá sâu sắc về đề tài tình mẫu tử nói riêng, cũng như tình cảm gia đình nói chung. Phim nhận 4 đề cử Oscar và thắng giải Phim hài hoặc ca vũ nhạc xuất sắc tại Quả cầu vàng năm 2011.
Theo Zing
10 robot giàu cảm xúc nhất trên màn ảnh
Dù mang vẻ bề ngoài khô khan, những người máy này đem tới cho khán giả không ít cảm xúc trong phim chúng xuất hiện.
C-3PO và R2-D2 trong loạt Star Wars: C-3PO và R2-D2 là cặp robot kinh điển trong lịch sử điện ảnh thế giới khi gắn liền với loạt phim khoa học viễn tưởng Chiến tranh giữa các vì sao suốt gần bốn thập kỷ. Đây đều là những robot trung thành, vào sinh ra tử cùng nhân vật chính Luke Skywalker trong hành trình giải cứu dải ngân hà.Từ ngoại hình đến tính cách của cả hai đều trái ngược: C-3PO vốn là một robot cấp cao, mang dáng vẻ con người, thông minh đến độ kiêu căng; trong khi đó, R2-D2 nhỏ con hơn và thích đùa bỡn. Sự tương phản này đem tới không ít tình huống hài hước cho loạt phim.
T-800 trong Terminator 2: Judgment Day:Ở phần hai của Kẻ hủy diệt, người máy T-800 được giao nhiệm vụ trở về quá khứ để cứu lấy mẹ con nhà Connor. Nhân vật do siêu sao hành động Arnold Schwarzenegger thủ vai theo đó có một cuộc chiến đầy cam go với "người máy chất lỏng" T-1000. Suốt cả phim, T-800 hết mình bảo vệ cậu bé John Connor hệt như một người cha, dù mặt không biểu lộ chút cảm xúc nào. Giây phút T-800 bình thản tạm biệt cậu bé trước khi bộ phim khép lại đến giờ vẫn là khoảnh khắc xúc động nhất của cả loạt phim Terminator.
Andrew Martin trong Bicentennial Man:Chàng người máy trong Bicentennial Man không khác gì hình bóng của diễn viên hài bạc mệnh Robin Williams. Hành trình cảm xúc của Andrew, suy cho cùng, là vòng đời của một con người. Xuất thân chỉ là một cỗ máy quản gia, cậu bắt đầu phát triển những xúc cảm nhẹ nhàng với cô chủ như chàng thiếu niên mới lớn. Ở giai đoạn sau, Andrew nảy sinh khát khao được làm người; để rồi nhận được cái kết viên mãn: thanh thản qua đời bên cạnh người mình yêu ở tuổi 200, và được cả thế giới thừa nhận là một con người.
David trong A.I. Artificial Intelligence: Cậu bé người máy David là nhân vật được đạo diễn Steven Spielberg "đo ni đóng giày" cho diễn viên nhí Haley Joel Osment. Để nhập vai, Osment từng phải hạn chế chớp mắt, học cách thực hiện những động tác sao cho giống một người máy. Trên màn ảnh, David sở hữu suy nghĩ như một đứa trẻ, được mua về để bà chủ Monica có thể nguôi ngoai nỗi đau khi con trai mắc bệnh hiểm nghèo. Tại căn nhà của Monica, David luôn coi bà là người mẹ thực sự và tình cảm giữa cả hai thậm chí kéo dài qua đến hai thiên niên kỷ.
WALL-E trong WALL-E:Trong tương lai giả định, thế giới bị ô nhiễm nặng đến mức loài người phải bỏ lên tàu vũ trụ để sinh sống. Trên trái đất chỉ còn lại duy nhất chú robot WALL-E với nhiệm vụ thu gom rác. Cuộc sống tẻ nhạt kéo dài tưởng như vô tận của WALL-E bỗng nhiên bị đảo lộn khi cậu gặp và phải lòng EVE - một robot cao cấp được con người phái về. Tình cảm của cả hai không cần đến lời thoại, thể hiện chỉ qua những cử chỉ giao tiếp đơn giản. Chính điều này giúp cho bộ phim WALL-E gây xúc động mạnh và trở nên vô cùng đáng nhớ.
Atom trong Real Steel: Vốn là một robot bị bỏ lại tại bãi rác, Atom được cậu bé Max mang về và biến thành đấu sĩ. Max không đối xử với Atom như những người chủ khác mà xem chú robot này như bạn thân. Không có sức mạnh vượt trội, nhưng Atom sở hữu năng lực đặc biệt: sao chép cử động của con người. Một trong những khoảnh khắc xúc động nhất phim là khi Atom bắt chước cử động của Charlie Kenton - cha của Max, ở trận đấu quyết định. Tại thời khắc đó, Atom dường như vượt qua ranh giới của một cỗ máy vô tri vô giác và trở thành hiện thân tình cảm Charlie dành cho con trai.
Samantha trong Her: Bộ phim Her của đạo diễn Spike Jonze đưa người xem đi tới một cung bậc cảm xúc hoàn toàn mới mẻ: tình yêu giữa con người và trí tuệ nhân tạo, cụ thể là một hệ điều hành. Chán nản và thất vọng trong cuộc sống, nhà văn Theodore mua một hệ điều hành có trí thông minh về để bầu bạn với mình, chọn giới tính nữ và đặt tên cho nó là Samantha. Theodore và Samantha nhanh chóng trở thành tri kỷ, rồi từ tình bạn bỗng chốc biến thành tình yêu. Qua giọng nói của mỹ nhân Scarlett Johansson, Samantha trở thành một nhân vật có nội tâm phức tạp, biết quan tâm, lắng nghe, biết hờn ghen, giận dỗi, sở hữu đủ mọi cảm xúc hỉ nộ ái ố như con người.
Baymax trong Big Hero 6: Gây ấn tượng mạnh bởi vẻ ngoài to béo vụng về nhưng tính tình thân thiện, Baymax là chú robot được yêu mến nhất trên màn ảnh trong năm 2014. Không chỉ là một người máy chữa bệnh, Baymax mang trong mình cả tâm hồn của người sáng chế Tadashi thông qua tấm thẻ nhớ màu xanh do anh chế tạo. Tình thương yêu không vụ lợi của Baymax dành cho Hiro cũng chính là hình ảnh phản chiếu tình cảm mà Tadashi quá cố muốn gửi gắm tới em trai. Không chỉ có những khoảnh khắc hài hước, Baymax còn khiến không ít khán giả rơi lệ trong cảnh cậu hy sinh với câu hỏi: "Bạn đã hài lòng với sự chăm sóc của tôi chưa?"
Chappie trong Chappie: Đây là nhân vật chính trong tác phẩm mới nhất của Neill Blomkamp, đạo diễn người Nam Phi từng gây tiếng vang với bộ phim District 9. Vốn là một robot thử nghiệm có tư duy, Chappie dần dần từng bước học hỏi và phát triển trí tuệ khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Hành trình của Chappie gây thú vị cho người xem bởi nó phản ánh chân thực quá trình học hỏi, sáng tạo của một đứa trẻ từ những điều nhỏ nhặt nhất. Chappie sẽ khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 6/3.
Theo Zing
10 bộ phim hay để thưởng thức trong dịp Tết nguyên đán Có lẽ không nhiều người muốn chọn một bộ phim quá nặng nề để tạm biệt năm cũ, đón chào năm mới. Zing.vn chọn ra mười bộ phim để thưởng thức trong kỳ nghỉ lễ kéo dài năm nay. Raiders of the Lost Ark (1981): Trong thập niên 1980, Steven Spielberg cùng George Lucas cùng nhau sáng tạo ra một trong những nhân...