Những bộ phim độc lập là điểm sáng của điện ảnh Việt Nam
Nếu thế hệ đầu của phim độc lập gây ấn tượng bởi giá trị nghệ thuật, thì thế hệ kế cận đã bắt đầu khởi sắc ở mặt doanh thu.
Nền phim ảnh Việt Nam đã và đang có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều năm gần đây. Từ lối tư duy tiệm cận khu vực, các nhà làm phim đã cho ra đời các thước phim khiến khán giả mãn nhãn và thăng hoa cảm xúc, đồng thời thu về khối doanh thu khổng lồ.
Bên cạnh sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh Việt, dòng phim độc lập – với những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân và kinh phí sản xuất thấp – đã bắt đầu có những đại diện sáng chói. Trong suốt hơn một thập kỷ qua, khi phim độc lập bắt đầu được quan tâm hơn tại thị trường nội địa, khán giả đã được thưởng thức các tác phẩm tiêu biểu nào?
Bi, Đừng Sợ (2010)
Là phim đầu tay của đạo diễn Phan Đăng Di, nhưng Bi, Đừng Sợ đã tạo nên tiếng vang trên trường quốc tế. Phim giành được nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim nước ngoài mà điển hình là Cannes (Pháp), Stockholm (Thụy Điển). Không khí trầm mặc, ngột ngạt được phủ khắp bộ phim như một thông điệp về nỗi cô đơn và khát khao trong cuộc sống người lớn. Bi, Đừng Sợ mang dáng dấp của Chơi Vơi bởi đạo diễn Phan Đăng Di từng đảm nhiệm biên kịch cho tác phẩm đi trước.
Phim sử dụng nhiều phép ẩn dụ, đặc biệt là chi tiết đá lạnh – đóng vai trò và ý nghĩa khác nhau đối với từng nhân vật. Bi, Đừng Sợ không có nhiều thoại, mà ngược lại kể chuyện bằng nhiều cảnh quay đẹp, trần trụi, tạo dấu ấn thị giác mạnh mẽ. Có thể nói, Bi, Đừng Sợ là dự án nổi bật nhất trong thời kỳ đầu của phim độc lập Việt Nam. Được biết, phim cũng đã xin nhiều nguồn tài trợ trong và ngoài nước để thực hiện.
Đập Cánh Giữa Không Trung (2014)
Đập Cánh Giữa Không Trung là tác phẩm đậm chất phụ nữ của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, từng thắng giải thưởng Feodora – được trao bởi Hiệp hội nhà phê bình Châu Âu-Địa Trung Hải tại Liên hoan phim Venice. Phim mang tới những góc nhìn ám ảnh về tuổi vị thành niên, giữa những bi kịch và tranh đấu về tình dục, tình yêu.
Đập Cánh Giữa Không Trung được đánh giá cao bởi các cảnh quay giàu thẩm mỹ, nên thơ và cuốn hút. Người xem như được đắm mình vào một trải nghiệm điện ảnh mơ màng nhưng không kém phần day dứt. Phim cũng đánh dấu sự chuyển biến của Thùy Anh – vốn được biết tới bởi vai nữ sinh trong Bộ Tứ 10A8 – nay lại vào vai cô học trò có thai ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, ca sĩ Thanh Duy cũng để lại ấn tượng sâu đậm trong vai người bạn LGBT. Giống như nhiều phim độc lập tại Việt Nam trước đó, Đập Cánh Giữa Không Trung có nhiều cảnh nóng bạo liệt.
Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng (2014)
Dù không phải là phim điện ảnh, nhưng Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng là tác phẩm hiếm hoi tạo nên cơn sốt phòng vé thuộc thể loại phim tài liệu độc lập. Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đã đưa cuộc sống phiêu dạt của những con người thuộc gánh hát lô tô lên màn ảnh, với nhân vật trung tâm là chị Phụng và chị Hằng. Phim đã khơi gợi sự đồng cảm sâu sắc với những người phụ nữ được sinh ra trong hình hài nam giới, khao khát sống thật luôn thường trực, nhưng mượn âm nhạc và tiếng cười để quên đi. Trong cộng đồng đó, những người hát lô tô trân quý, đoàn kết và tương hỗ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh.
Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng có một phân cảnh vô cùng chân thật. Đó là khi hội chợ bị đốt cháy bởi trai làng, tất cả hoảng loạn cứu gánh hát khỏi lửa thiêu rực cháy. Chính tay đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đã ghi lại hình ảnh này, lẫn những cảm xúc có thật của chị và gánh hát. Nữ đạo diễn nhận được sự tin tưởng lớn của những người chuyển giới và giả gái, vì thế, thước phim của chị vô cùng đời thường, sống động.
Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè (2018)
So với các tác phẩm độc lập khác, Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè là một bộ phim khá dễ xem. Được quay tại Nhật Bản, bộ phim đã thành công trong việc truyền đạt văn hóa đất nước mặt trời mọc tới công chúng Việt Nam. Vẻ đẹp thiên nhiên của nước bạn chạm tới khán giả nước nhà trong những hình ảnh nguyên sơ, giàu sức sống. Hơn nữa, được tôn lên nhờ các bản nhạc indie nhẹ nhàng, lắng đọng.
Mở đầu bằng đề tài tình yêu, nhưng Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè lại dẫn người xem tới câu chuyện về gia đình. Dẫu kịch bản còn nhiều hạn chế, nhưng phim xứng đáng dành được lời ngợi khen cho một đội ngũ phim độc lập giàu triển vọng, nghiêm túc với công cuộc sáng tạo nghệ thuật. Phim cũng mở ra nhiều cơ hội diễn xuất cho nữ chính Phương Anh Đào.
Video đang HOT
Thưa Mẹ Con Đi (2019)
Khai thác đề tài đồng tính, Thưa Mẹ Con Đi là một trong số ít những bộ phim Việt không chọn đi theo cách làm quá. Mọi tình tiết, lời thoại, cảnh sắc trong phim đều hiện lên nhẹ nhàng, dung dị mà dạt dào cảm xúc. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã khéo léo kể về chuyện đưa bạn trai về ra mắt của Nâu (Lãnh Thanh), để từ đó lồng ghép thông điệp sâu lắng về tình cảm gia đình. Khung cảnh đượm hồn quê hiện lên đầy mơ màng, nên thơ, trên nền nhạc acoustic mộc mạc, lắm lúc lại khiến người xem mỉm cười vì những tình huống dí dỏm, tự nhiên.
Cái hay của Thưa Mẹ Con Đi là để tiết tấu phim diễn ra bình thản, nhưng vẫn có thể lấy nước mắt người xem, thay vì trường đoạn bi lụy, chua xót thường thấy ở phim Việt cùng đề tài. Cũng vì thế mà nhiều khán giả nhận xét chưa thật sự đã khi xem phim. Nhưng đó mới chính là giá trị nghệ thuật, nội dung của tác phẩm điện ảnh đầu tay đến từ Trịnh Đình Lê Minh.
Ròm (2019)
Trước khi chính thức được phép chiếu tại Việt Nam, Ròm từng được biết đến bởi giải thưởng New Currents tại Liên hoan phim Busan, Hàn Quốc. Sau thời gian lùm xùm vì lệnh cấm sóng, xử phạt, cuối cùng Ròm cũng được đến với khán giả yêu điện ảnh nội địa.
Bộ phim tái hiện đời sống trong một khu chung cư mê số đề, với tâm điểm là những cậu bé kiếm tiền nhờ phục vụ cho lớp người nghiện trò đen đỏ. Những góc máy nghiêng độc lạ của Ròm đã thể hiện thành công cảnh đời nghiêng ngả, chông chênh, vô định của nhiều số phận Sài thành. Càng về sau, phim càng ghi điểm bởi các phân cảnh rượt đuổi mãn nhãn. Mỗi khung hình, đặc biệt là góc cận của Ròm đều được chăm chút tỉ mỉ để đạt tới độ tiệm hoàn mỹ. Tuy nhiên, chẳng biết vì khâu kiểm duyệt hay không mà phiên bản Ròm tại Việt Nam vẫn gây tiếc nuối vì mạch phim còn thiếu sự liên kết, đồng điệu. Ròm là phim độc lập thành công tại nước nhà khi đạt doanh thu hơn 64 tỷ đồng.
Phim indie - khái niệm liên tục bị nhầm lẫn là phim cho người nghèo và "xịt" doanh thu
Dòng phim độc lập (indie) khi được tiếp cận với khán giả đại chúng lại trở nên khó nhận diện, dẫn đến một số hiểu lầm rằng phim indie là phim về người nghèo và doanh thu thấp.
Sài Gòn Trong Cơn Mưa ra rạp đồng nghĩa với việc một đại diện nữa của dòng phim indie được đến với khán giả đại chúng sau những tác phẩm như Ròm, Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè, ... Tới đây, một số khán giả lại đang cho rằng những tựa phim chứa nội dung khá tách biệt khỏi nhu cầu thị trường, xu hướng (nhìn chung là khó xem) được phân loại là phim độc lập với lý do chúng đều là: Phim về người nghèo, phim flop doanh thu. Khái niệm này có đúng hay chưa?
Một số ý kiến của khán giả về khái niệm "phim indie"
Phim indie là gì? Đó là những phim như thế nào?
Theo định nghĩa nghệ thuật, indie là viết tắt của từ independent (độc lập). Có thể thấy là những tác phẩm phim ảnh khi được sản xuất mà không phụ thuộc vào ràng buộc nào sẽ được gọi là phim độc lập. Những ràng buộc ở đây là về mặt doanh thu, tiếng vang, những tên tuổi phòng vé... Một phim không còn được coi là độc lập khi nó chịu sự ảnh hưởng bởi sức ép đồng tiền hoặc những yêu cầu từ nhà đầu tư.
Năm 2008, Tilda Swinton - nữ diễn viên khá nổi tiếng ở Hollywood và Anh, đã chia sẻ định nghĩa của mình về phim độc lập trên trang The Guardian như sau: " Với tôi, độc lập nghĩa là tự do. Phim độc lập nghĩa là người làm phim có thể tự do nói lên những thông điệp họ muốn. Đó không nhất thiết là hành trình dễ dàng và cũng chẳng ai đưa tiền cho bạn làm điều đó. Phim độc lập có nghĩa là khó khăn, có nghĩa là bạn phải vật lộn mỗi ngày nhưng cũng có nghĩa là bạn làm phim mà không có ai thao túng phía sau cả".
Minh hoạ về sự khác biệt giữa nhà làm phim indie và đại chúng
Theo định nghĩa của trang BBC , thì một phim độc lập là những sản phẩm của những nhóm, tổ chức nhỏ - không nằm trong khuôn khổ của các studio, hãng phim có kinh phí lớn. Những phim thuộc nhóm này không đi theo đường hướng làm ăn hay chạy theo xu hướng thị trường. Không những vậy, phim độc lập còn cho thấy rằng họ dũng cảm chạm tới những chủ đề đa dạng, gai góc hơn một số tác phẩm đại chúng.
Viện Phim Việt Nam định nghĩa phim độc lập như sau: "Phim độc lập là những bộ phim do các tổ chức nhỏ, cá nhân tự tìm nguồn vốn để sản xuất, những tác phẩm điện ảnh thuộc dòng phim độc lập được làm ra trước hết để thể hiện cá tính nghệ thuật, sự tìm tòi trong ngôn ngữ điện ảnh của nhà làm phim và được sản xuất với kinh phí không lớn. Trên thế giới, dòng phim độc lập được phát triển mạnh mẽ ở nhiều nền điện ảnh như: Mỹ, các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines... Từ dòng phim này, nhiều tác phẩm xuất sắc đã ra đời và nhiều tài năng điện ảnh trẻ đã được phát hiện. Phim độc lập tuy xuất hiện đã lâu trên bản đồ điện ảnh thế giới nhưng ở Việt Nam nó vẫn còn là một khái niệm khá mới. Những năm gần đây, phim độc lập ở nước ta bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn khi một số bộ phim của các đạo diễn trẻ để lại ấn tượng đối với người xem và có được những thành công nhất định tại các Liên hoan phim quốc tế".
Sài Gòn Trong Cơn Mưa được xét là một phim độc lập vì được sản xuất bởi một ekip làm phim trẻ, không phụ thuộc vào studio sản xuất lớn nào
Rõ ràng, khái niệm phim độc lập được đưa ra nhằm phân biệt với khái niệm phim đại chúng. Phim indie được sản xuất nhằm thể hiện cá tính nghệ thuật riêng của người làm nghề, những tìm tòi sáng tạo trong cách kể chuyện. Đặc biệt là những chủ đề ít tín đồ nào thuộc phe "đại chúng" muốn khai phá.
Chủ đề phim độc lập: Có phải chỉ quẩn quanh chữ "Nghèo"?
Có vẻ như nhiều dự án phim độc lập tập trung khai thác những mảnh đời khó khăn của nhân vật như: Bi Đừng Sợ (2010) , Đập Cánh Giữa Không Trung (2014) và Ròm (2020) vô tình đã tạo ra một hiểu lầm. Đó là phim độc lập phải nói về sự nghèo khổ. Nhưng thực tế thế giới chứng minh điều ngược lại. Từ những phim độc lập tiêu biểu, đạt được thành công từ nước ngoài như: The Blair Witch Project (1999) , Winter's Bone (2010) , Whiplash (2014) . .. có thể thấy phim độc lập có thể khai thác những chủ đề cực kỳ đa dạng. The Blair Witch Project nói về một cuộc cắm trại liều lĩnh, Whiplash kể về câu chuyện của một tay trống, còn Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè lại tái hiện trải nghiệm đi tìm cha ở tận nước Nhật Bản xa xôi.
The Blair Witch Project
Whiplash
Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè
Cách chọn cho nhân vật một số phận cơ hàn chỉ là một chủ đề rộng và có nhiều cách để khai thác, chứ không phải là nội dung bắt buộc cho dòng phim indie. Nếu có câu chuyện tốt và cách khai thác phù hợp thì một nhà làm phim có thể thoả sức sáng tạo. Đơn cử như Người Vợ Ba (2019) chọn miêu tả về số phận người phụ nữ thời phong kiến trong một nhà bá hộ giàu có chứ không hề có ai nghèo.
Gia đình trong Người Vợ Ba không hề nghèo
Phim độc lập là phim doanh thu "xịt"?
Thật ra doanh thu thấp là một rủi ro, một khả năng mà các nhà làm phim độc lập thường phải đối mặt khi phát hành, chứ không phải là định nghĩa của dòng phim indie. Ròm đạt gần 55 tỷ đồng chỉ sau 10 ngày công chiếu nhưng phim vẫn xác định thuộc dòng độc lập. Ở mặt trận quốc tế, dự án kinh dị Paranormal Activity hiện đang nắm giữ kỷ lục phim "lời" nhất mọi thời đại với mức thu gấp 13.000 lần kinh phí bỏ ra (đó là tính dựa trên kinh phí khi dự án vẫn còn là phim độc lập trước khi được "thầu lại" bởi Paramount Pictures).
Paranormal Activity là một trường hợp phim độc lập đặc biệt vì kiếm được doanh thu khủng 193 triệu đô nhờ quá trình marketing của "chủ mới" Paramount Pictures
Ròm cũng thu về quá ổn so với kinh phí ước tính đã bỏ ra, đồng thời giữa lúc thị trường vốn đang chịu sức ép của dịch bệnh
Rõ ràng vẫn có những phim độc lập thu về doanh thu rất khủng dù lý do đằng sau có là gì. Điều này chứng tỏ hai điều. Một là con số doanh thu không xác định phim nào là độc lập, phim nào là thị trường. Thứ hai, dòng phim độc lập không nhất thiết phải cắn răng chấp nhận số phận "xịt ngóm" nếu biết cách làm cho tốt. Paranormal Activity , dù có "bén duyên" với Paramount hay không, vẫn là một tựa phim kinh dị chỉn chu, độc đáo ở thời điểm nó ra mắt, nhất là chỉ với kinh phí gốc vỏn vẹn 15.000 đô.
Giải oan cho phim indie: Vì sao mang tiếng là "khó nuốt" và doanh thu dễ "xịt ngóm"?
Một điều khiến phim indie thường mang tiếng là khó xem và dễ "xịt" là vì nội dung phim đòi hỏi khá nhiều ở khán giả. Nghĩa là phim độc lập không chọn thể hiện cốt truyện theo cách của những sản phẩm đại chúng. Nếu những phim thị trường như loạt phim Gái Già Lắm Chiêu hay Hai Phượng (2019)chọn nhóm khán giả số đông, họ dĩ nhiên sẽ phải thể hiện sao cho ai xem cũng hiểu và tranh thủ ghi điểm ở phần nhìn, phần nhạc, chủ trương "đánh nhanh thắng nhanh".
Gái Già Lắm Chiêu chọn phục vụ khán giả đại chúng và dĩ nhiên mang về doanh thu và độ nhận diện cao
Nhưng phim độc lập chọn đi theo hướng khác. Để có thể hiểu trọn vẹn từ ngóc ngách của một phim độc lập, người xem phải có trải nghiệm đồng điệu với đạo diễn. Lấy ví dụ Sài Gòn Trong Cơn Mưa , nếu bạn chưa bao giờ đặt chân đến Sài thành hoặc chẳng có khái niệm gì về nó, xem phim xong bạn có thể sẽ chẳng cảm nhận được gì. Nhóm khán giả muốn xem phim độc lập, trước khi ra rạp đã phải có một điểm chung gì đó với phim. Hoặc ít nhất là họ phải trang bị sẵn một vài thông tin định hướng, tham khảo từ trước. Chính vì vậy mà lượng người xem thực sự có tương tác, hứng thú với dòng phim độc lập thấp hơn khán giả đại chúng, vì nhu cầu giải trí vẫn cao hơn và khán giả có quyền tìm đến một "liều thuốc giải" tức thời vào dịp cuối tuần. Điều này dẫn đến chuyện phần lớn các phim độc lập đạt doanh thu không mấy ấn tượng. Xét riêng thị trường Việt, nhìn vào top 5 phim ăn khách nhất mọi thời đại thì không có bất kì phim độc lập nào.
Nếu chưa lượn vòng quanh phố phường Sài Gòn và nếm trải không khí, có lẽ bạn sẽ không đồng cảm được với Sài Gòn Trong Cơn Mưa
Dù gì đi nữa, phim độc lập vẫn đại diện cho sự dấn thân của giới làm phim trẻ, đồng thời mang đến trải nghiệm điện ảnh lạ vị cho công chúng
Việc các nhà làm phim độc lập từ chối đi theo lối mòn làm phim, mang đến cho khán giả một lợi ích đó là làm giàu trải nghiệm điện ảnh cho người xem. Vì các đạo diễn, biên kịch phim độc lập luôn tìm đến một cách thể hiện ngôn ngữ điện ảnh thật mới lạ, đặc biệt. Dành Cho Tháng 6 (2012) của đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Tuấn là một trải nghiệm về những câu chuyện thanh thuần tuổi trẻ. Người Vợ Ba lại ẩn chứa những góc máy đầy nghệ thuật và ẩn dụ. Cánh phụ nữ trong Người Vợ Ba , ai nấy đều ý nhị và đậm đà ý tứ từ cái liếc mắt, nhịp thở.
Phim Dành Cho Tháng 6
Dĩ nhiên chúng ta không quy chụp cứ phim độc lập là sẽ "auto" hay, vì phim đại chúng cũng không thiếu các tác phẩm gọn gàng, chất lượng. Thế nhưng, phần lớn phim độc lập không có những chi tiết kịch bản bày biện tới mức hiển nhiên hay những cao trào chạm nóc, mà đòi hỏi người xem sự kiên nhẫn, cởi mở trong trải nghiệm hơn mức bình thường để cảm thụ nhiều nhất có thể thông điệp và sự cài cắm của đạo diễn. Phim độc lập chứa đầy những tâm sự không nói nên lời của riêng đạo diễn hay biên kịch, và họ dùng "đứa con" ấy của mình để tìm kiếm những tâm hồn đồng điệu dù có thể hiếm và ít.
Tạm kết
Hiện nay, những định kiến về dòng phim indie như "phim về người nghèo", "phim xịt" hay "phim indie auto thắng giải" vẫn còn nhiều. Thế nhưng, phim indie thì cũng có "phim this, phim that", có hay thì cũng có không hay. Phim đại chúng, thị trường cũng vậy. Nhưng phim indie thông thường không đặt nặng doanh thu, tức là ekip vẫn muốn phim thắng đấy, nhưng sức cạnh tranh phòng vé sẽ không phải là áp lực khiến họ đau đầu, suy tư hay kìm hãm bản thân mỗi ngày. Thế nhưng, thành công tương đối của Ròm về mặt doanh thu cho thấy những chuyển biến tích cực. Một số nhà làm phim đã chịu thể hiện tác phẩm của mình sao cho dễ xem hơn, thế nhưng không vì thế mà đánh mất "cái tôi" của mình trong tác phẩm. Bên cạnh đó, khán giả cũng đang dần cởi mở hơn với những tác phẩm điện ảnh độc lập mới. Sự yêu thích, ủng hộ của công chúng đang giúp các nhà làm phim độc lập mạnh dạn đưa tác phẩm ra rạp bên cạnh các bom tấn, siêu phẩm phòng vé khác. Trong tương lai, có khả năng phim độc lập sẽ trở thành một dòng chảy mạnh mẽ, phát triển song hành với phim đại chúng và người được lợi không ai khác, chính là khán giả.
Vì sao phim độc lập khó thành công ở Việt Nam? Phim độc lập vốn đã xuất hiện từ lâu tại Việt Nam và đạt không ít thành tựu, thế nhưng mức độ thành công trên thị trường phim thì vẫn còn hạn chế. Phim độc lập từ lâu đã tồn tại trong dòng chảy điện ảnh Việt, thế nhưng sự thành công cũng như độ nhận diện của dòng phim này trên thị...