Những bất cập trong các ứng dụng chống dịch
Việt Nam có ít nhất bốn nền tảng khai báo y tế, truy vết khiến người dân bối rối mỗi khi cung cấp thông tin cho chính quyền.
Diệp Kim Chi, sống ở Hà Nội vừa có chuyến công tác tại TP HCM. Để hạn chế tiếp xúc đông người, chị làm thủ tục check in trực tuyến, khai báo y tế và chụp màn hình QR code trước khi ra sân bay.
“Bình thường mình vẫn khai báo y tế và quét mã QR để ra vào cơ quan bằng ứng dụng NCOVI. Nhưng khi ra sân bay, mã QR từ ứng dụng này không được chấp nhận do trên đây không có khung điền thông tin về số chuyến bay, số ghế. Nhân viên sân bay hướng dẫn mình khai báo theo đường link của bộ Y tế. Mình phải mất năm phút để điền lại các thông tin cá nhân theo yêu cầu”, Kim Chi kể.
Tính đến 17h ngày 1/6, Bluezone đã thu hút 35,24 triệu lượt tải, tuy nhiên, để công nghệ phát huy tối đa khả năng truy vết, phải có ít nhất 60% người dùng trong cộng đồng cùng mở ứng dụng.
Chi không phải trường hợp duy nhất gặp rắc rối với việc khai báo y tế. Nhiều người không có smartphone buộc phải khai báo bằng giấy. Còn những người lớn tuổi gặp khó khi thao tác trên di động. Đây từng là một trong những lý do khiến sân bay bị ùn tắc. Những người chủ động hạn chế tiếp xúc đông người như Chi bị kẹt lại cùng đám đông, vì có nhiều ứng dụng khai báo y tế nhưng dữ liệu không được lưu thông và đồng nhất thông tin cần cung cấp.
Chưa hết, ngay khi đến TP HCM, Chi tiếp tục được yêu cầu tải về ứng dụng Bluezone để hỗ trợ truy vết trong bối cảnh dịch bệnh ở thành phố đang diễn biến phức tạp. Trước đó ở Hà Nội, cô đã cài ứng dụng này, nhưng như nhiều người xung quanh, cô đã gỡ ứng dụng từ tháng trước do tốn pin và tình hình dịch bệnh đã tạm lắng.
“Tôi phải dùng ba nền tảng để phục vụ việc khai báo y tế, hỗ trợ truy vết. Cá nhân tôi ủng hộ việc dùng công nghệ để chống dịch nhưng công nghệ cũng cần đơn giản để mọi người đều có thể dùng được chứ không nên quá phức tạp. Hoàn toàn có thể tích hợp ba ứng dụng này vào một để người dân khỏi nhầm lẫn”, Chi nói.
Hiện nay, việc khai báo y tế có thể được thực hiện trên bốn nền tảng: Vietnam Health Declaration, NCOVI, Bluezone và trang web tokhaiyte.vn. Nếu tính cả việc khai báo bằng giấy, người Việt đang có 5 cách khai báo y tế.
Video đang HOT
Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Tin học hóa, bộ Thông tin Truyền thông cho biết, sở dĩ có nhiều ứng dụng cùng chức năng đang hoạt động cùng lúc vì diễn biến của dịch bệnh quá nhanh và bất ngờ. “Các cơ quan, doanh nghiệp tham gia chống dịch phải phát triển một ứng dụng trong 24 giờ. Để đáp ứng kịp nhu cầu truy vết, mỗi đơn vị được phân công phát triển một nền tảng, có nền tảng dùng cho khai báo nhập cảnh, nền tảng khai báo trong cộng đồng, nền tảng truy vết…”, ông Công Anh chia sẻ.
Có ba bất cập lớn với các hình thức khai báo y tế hiện nay.
Đầu tiên, việc khai báo y tế bằng giấy đem lại hiệu quả thấp nhất vì mất thời gian, bất tiện, trong khi hiệu quả truy vết không cao, dữ liệu không được số hóa, hệ thống và liên thông với các nền tảng khác.
Bất cập thứ hai đến từ các ứng dụng khai báo trực tuyến. Ban đầu dữ liệu từ các nền tảng tản mát, không liên thông với nhau. Theo đại diện Cục Tin học hóa, việc các dữ liệu không được quản lý tập trung, dẫn đến phân mảnh, gây khó khi cần triển khai các giải pháp tổng thể. Chẳng hạn, Bluezone có dữ liệu tiếp xúc gần, trong khi Vietnam Health Declaration có dữ liệu từ những người nhập cảnh. “Khi triển khai các giải pháp cần liên thông, chẳng hạn quét QR Code, hay thống nhất dữ liệu trong tờ khai y tế, chúng tôi không kết nối được dữ liệu của một người dùng trên các ứng dụng khác nhau”, ông nói.
Để giải quyết vấn đề dữ liệu phân tán, từ 28/5, Bộ TT & TT cho biết: “Tất cả dữ liệu khai báo y tế điện tử từ các hệ thống do Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 chỉ đạo triển khai, đều liên thông và tập trung tại hệ thống do Bộ Y tế quản lý. Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ xây dựng và vận hành”. Đơn vị này cũng đã thiết kế xong mô hình đồng bộ dữ liệu tổng thể giữa các ứng dụng. Sắp tới, các ứng dụng sẽ được nâng cấp để phục vụ thay đổi này.
Bất cập thứ ba đến từ lượng người sử dụng Bluezone. Việc truy vết những người có tiếp xúc gần thông qua ứng dụng Bluezone đang là một trong những mũi nhọn công nghệ trong bối cảnh ca nhiễm cộng đồng lây lan nhanh. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của đại học Oxford, phải có trên 60% dân số trưởng thành cài đặt, ứng dụng truy vết mới đạt hiệu quả kiểm dịch. Trên thực tế, số lượng người dùng Bluezone ở Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng. “Lượng người dùng tại Việt Nam hiện đạt khoảng 30%. Nếu nâng con số này lên 50%, ứng dụng sẽ phát huy hiệu quả và nếu lượng người dùng đạt khoảng 60% dân số, chúng ta có thể trở lại cuộc sống như bình thường”, chuyên gia công nghệ của Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ.
Lý giải về lượng người cài ứng dụng Bluezone tại Việt Nam vẫn còn thấp, Xuân Vinh, một chuyên gia bảo mật tại một công ty công nghệ tại TP HCM, cho rằng, trước đây người dùng vẫn hoài nghi về tính minh bạch của ứng dụng. Đội ngũ phát triển phải mất thời gian để thuyết phục người dùng. Khi mọi thứ đã rõ ràng, việc sử dụng lại vướng phải trở ngại từ phía người dùng. “Không phải ai ở Việt Nam cũng có smartphone để cài ứng dụng. Nhiều người lớn tuổi không biết cách thao tác, sử dụng phần mềm. Thậm chí nhiều người cài để đối phó vì trên thực tế, việc bật Bluetooth liên tục khá tốn pin và gây nóng máy”, anh nói.
Để đạt được lượng người dùng lý tưởng, cơ quan chức năng còn đề xuất xử phạt người không cài ứng dụng Bluezone khi đến nơi công cộng. Tuy nhiên, việc này đang gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng vì không có khung quy định rõ ràng. “Vấn đề mọi người lo lắng là ai sẽ được quyền kiểm tra điện thoại của công dân. Đây không chỉ là tài sản cá nhân hay giấy tờ đơn thuần, mà là nơi lưu trữ nhiều dữ liệu riêng tư. Nếu không may những thông tin này bị phát tán ra ngoài, ai sẽ là người chịu trách nhiệm. Ngoài ra, những người không muốn dùng hoặc không có điều kiện dùng smartphone sẽ bị xử lý thế nào?”, Quang Thuần, nhân viên văn phòng tại quận Phú Nhuận, TP HCM, thắc mắc.
Ngoài ra, những người làm về bảo mật và an toàn thông tin đặc biệt lo ngại việc tập trung dữ liệu về một hệ thống sẽ như “bỏ hết trứng vào một giỏ”. Nếu không có những biện pháp bảo vệ cẩn trọng, đây sẽ là “miếng mồi ngon” của tin tặc. Cam kết về độ an toàn của dữ liệu, đại diện bộ TT & TT khẳng định dữ liệu của người dùng tập trung về sẽ được xoá sau một tháng lưu trữ. Ngoài ra, dữ liệu cũng được đảm bảo an ninh tối đa bởi cục an toàn thông tin, bộ quốc phòng và các công ty bảo mật hàng đầu Việt Nam.
Tỷ lệ người cài ứng dụng Bluezone của Bắc Ninh đã đạt trên 41% dân số
Tính đến 17h ngày 30/5, tỉnh Bắc Ninh đã có 565.616 lượt tải và cài đặt ứng dụng Bluezone, chiếm hơn 41% dân số và vươn từ vị trí thứ 4 tại thời điểm chiều 26/5 lên xếp thứ 2 trong 63 tỉnh, thành.
Bluezone là ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần người nhiễm, nghi nghiễm Covid-19 đã được Bộ Y tế và Bộ TT&TT cho ra mắt từ ngày 18/4/2020. Bluezone sử dụng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp để ghi nhận các tiếp xúc gần giữa các smartphone cùng cài đặt và sử dụng ứng dụng. Ứng dụng này hiện cũng cho phép người dân khai báo y tế toàn dân, ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng, gửi bản tin thông báo đến người dân.
Trong hướng dẫn sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mới ban hành ngày 29/5, Bộ Y tế đề nghị, người dân có smartphone cần cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế để khai báo y tế điện tử và sinh mã QR.
"Khi đến nơi công cộng, tập trung đông người phải cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone và bật chế độ Bluetooth. Người thuộc diện cách ly y tế hoặc giám sát y tế sau cách ly có smartphone phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế VHD và ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần", hướng dẫn của Bộ Y tế nêu.
Ngày 30/5, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục kêu gọi người dân cài Bluezone để chung tay đồng lòng chống dịch. (Ảnh: Trọng Đạt)
Bắc Ninh là một trong những địa phương đang có tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Cùng với Bắc Giang, Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, Bắc Ninh cũng là 1 trong 5 địa phương có số ca mắc cao hơn cả, với các trường hợp mắc mới hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần F1 đã được cách ly từ trước hoặc trong khu vực đã phong tỏa.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 29/5 về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho biết, tỉnh đã tập trung chỉ đạo ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch Covid-19 từ công tác xét nghiệm, cài đặt phần mềm Bluzone, khai báo y tế điện tử toàn dân (đã đạt 70% dân số); tạo lập QR Code của doanh nghiệp cập nhật lên hệ thống an toàn Covid-19 (antoancovid.vn), lập tổ phân tích thông tin để truy vết, đánh giá, dự báo những khu vực có nguy cơ cao...
Thực tế, hơn 1 tuần gần đây, song song với việc yêu cầu khai báo y tế điện tử toàn dân, chính quyền tỉnh Bắc Ninh cũng đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, yêu cầu và hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Không chỉ gửi nhắn tin SMS yêu cầu các thuê bao di động trên địa bàn tỉnh cài đặt Bluezone và hướng dẫn người thân cùng cài đặt ứng dụng để khai báo y tế và ghi nhận tiếp xúc gần, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Ninh còn đề nghị Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng gọi điện cho những thuê bao có dùng smartphone nhưng chưa cài Bluezone để tuyên truyền, hướng dẫn họ cách cài đặt.
Hệ thống truyền thanh của các xã, phường, thị trấn tại Bắc Ninh đã phát file âm thanh tuyên truyền cài đặt ứng dụng Bluezone để bảo vệ bản thân và cộng đồng phòng chống dịch bệnh Covid-19 do Cục Thông tin cơ sở, Bộ TT&TT chuẩn bị.
Mười địa phương đang dẫn đầu cả nước về tỷ lệ người cài đặt ứng dụng Bluezone trên dân số.
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, tính đến ngày 17h00 ngày 30/5, trên cả nước đã có 34,07 triệu lượt tải và cài đặt ứng dụng Bluezone, tăng hơn 3,5 triệu lượt so với ngày 28/4. Trong đó, số lượng người dân đã cung cấp số điện thoại cho các cơ quan chức năng phục vụ công tác chống dịch Covid-19 là 21,06 triệu, tăng hơn 1,46 triệu so với ngày 28/4.
Riêng với Bắc Ninh, số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ người dân tải và cài đặt ứng dụng Bluezone trên dân số của tỉnh đã tăng từ 30,02% tại thời điểm ngày 9/5 lên chiếm 37,86% dân số vào ngày 27/5 và tỷ lệ này là 41,32% vào chiều ngày 30/5.
Cùng ngày 30/5, tài khoản Zalo Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Ninh đã tiếp tục kêu gọi người dân cài Bluezone để chung tay đồng lòng chống dịch.
Tỉnh Bắc Ninh cho biết, mặc dù tỷ lệ cài đặt ứng dụng Bluezone của Bắc Ninh tăng cao song con số này vẫn thấp so với yêu cầu đặt ra. Bluezone chỉ có thể phát huy hết khả năng và đạt mức cảnh báo Sars-CoV-2 tối ưu khi có khoảng 60% dân số của tỉnh ứng dụng.
"Do đó, để đạt được mục tiêu đề ra và góp sức đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, tỉnh Bắc Ninh yêu cầu người dân nêu cao hơn nữa tinh thần "chống dịch như chống giặc", hãy chung tay đồng lòng chống dịch bằng cách cài đặt ứng dụng Bluezone vào điện thoại của mình và người thân", tài khoản Zalo chính quyền điện tử tỉnh Bắc Ninh thông tin.
Người dân đã có thể khai báo y tế trực tuyến qua ứng dụng Bluezone Ngoài việc có thể phản ánh thông tin đến cơ quan chức năng về các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm Covid-19, hiện trên ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone, người dân cũng đã có thể thực hiện việc khai báo y tế trực tuyến. . Khai báo y tế được hiểu là việc người dân cung cấp thông tin...