Những bằng chứng không thể chối cãi
Đâu là sự thật về những tuyên bố vô lý trong sách giáo khoa (SGK) của Trung Quốc về cái gọi là “chủ quyền biển Đông”? Các nhà nghiên cứu đã công bố nhiều bằng chứng xác đáng về những tuyên bố “không dưng mà có” này.
Tại cuộc họp báo diễn ra đầu tháng 6-2014 giới thiệu một số tư liệu Hán – Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông, PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán – Nôm) cho biết ông vừa sưu tầm được một cuốn SGK của Trung Quốc thể hiện rõ biên giới của nước này.
Chỉ đến đảo Hải Nam
Cụ thể, đây là cuốn SGK bậc tiểu học của Trung Hoa dân quốc (in năm 1912), trong mục địa đồ của cuốn sách này, biên giới Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, nghĩa là không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Sách do Bộ Giáo dục của Trung Hoa dân quốc phát hành nên có thể coi đây là sự thừa nhận chính thức của Trung Quốc rằng hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa không phải của họ” – ông Mạnh nói.
Ông Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu với báo chí bản đồ trong sách Khải Đồng thuyết ước thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ ngày 8-6, ông Trịnh Khắc Mạnh khẳng định cuốn SGK bậc tiểu học của Trung Hoa dân quốc mà ông sưu tầm được là bản chính, và cuốn sách này đã thể hiện việc biên giới Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam bằng cả chữ viết và bản đồ.
Đây là SGK nên cách thể hiện rất mạch lạc, bất cứ ai đọc và nhìn vào cũng hiểu ngay là người Trung Quốc từng nhận thức về biên giới của họ đến đâu. Hiện đang đi công tác ở miền Trung, vì vậy ông Mạnh dự kiến trong tuần tới khi về lại Hà Nội sẽ công bố rộng rãi bản chính cuốn sách này.
Ngoài cuốn SGK nêu trên, ông Trịnh Khắc Mạnh cũng xác nhận đã nghe thông tin về một cuốn SGK địa lý của Trung Quốc là “Trung Quốc địa lý học giáo khoa thư”, xuất bản năm 1906, viết “điểm cực nam của Trung Quốc là bờ biển Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu (Hải Nam) tại vĩ tuyến 18″.
Theo ông Mạnh, trong khi SGK của Trung Quốc thể hiện bản đồ nước này chỉ đến đảo Hải Nam, thì nhà nước phong kiến Việt Nam trước đây đã luôn quan tâm giáo dục ý thức coi trọng chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông cho các thế hệ người Việt Nam.
Trong các tài liệu Hán – Nôm, sách dạy học chữ Hán cho lớp đồng ấu (trẻ em) đã có những nội dung ghi chép về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông.
Ông Đào Trọng Thi (chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):
Đưa nội dung biển đảo vào sách giáo khoa nhiều môn học
Video đang HOT
Tôi ủng hộ việc đưa những nội dung cơ bản về biển, đảo Việt Nam vào SGK lịch sử. Trong bối cảnh hiện nay nên đưa những bài học về chủ quyền biển đảo, về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam vào trong giờ học lịch sử. Đó có thể là yếu tố tạo ra sự hấp dẫn. Nhưng không riêng gì môn sử, mà môn văn, môn địa lý và các môn khoa học tự nhiên cũng có thể đưa nội dung biển, đảo vào bài giảng, vào SGK.
Đơn cử, sách Khải Đồng thuyết ước do Phạm Phục Trai soạn, khắc in lần đầu năm Tân Tỵ (1881). Đây là SGK viết theo thể bốn chữ, dạy trẻ em các kiến thức về xã hội (nhân sự, niên hiệu nước Việt Nam qua các đời), thiên nhiên (thiên văn, địa lý), cách tu dưỡng bản thân… có hình vẽ Mặt trời, Mặt trăng, thân thể con người… Và đặc biệt là có vẽ Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
“Căn cứ vào các tư liệu Hán – Nôm, chúng ta có đủ bằng chứng có giá trị, chứng minh một cách thuyết phục về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông. Đây là những căn cứ vững chắc về lịch sử, về khoa học và về pháp lý” – ông Mạnh nói.
SGK trước năm 1948 chưa có “đường lưỡi bò”
GS.TSKH Vũ Minh Giang (phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết theo nghiên cứu của ông thì đến trước năm 1947-1948, tất cả SGK của Trung Quốc đều thể hiện rằng điểm cực nam của họ chỉ đến đảo Hải Nam, hoàn toàn không có “đường lưỡi bò” phi lý như SGK của họ thời gian gần đây.
Trước đó, sau cách mạng Tân Hợi (1911), chính quyền Trung Hoa dân quốc đã cho viết lại SGK của Trung Quốc và vẫn khẳng định bằng văn bản (chữ viết) rằng điểm cực nam của lãnh thổ Trung Hoa chỉ đến đảo Hải Nam.
“Cuốn SGK của Trung Quốc xuất bản năm 1912 mà nhà nghiên cứu Trịnh Khắc Mạnh vừa sưu tầm được là một trong những tài liệu chứng minh cho đến thời điểm đó Trung Quốc vẫn chưa đưa Hoàng Sa – Trường Sa vào trong các sách vở giảng dạy cho học sinh của họ như gần đây. Họ đã tự thêm đường lưỡi bò vào SGK bất chấp sự thật. Đây là việc làm hoàn toàn không có bất cứ căn cứ khoa học và pháp lý nào” – GS Vũ Minh Giang nói.
Theo GS Giang, các SGK của Trung Quốc thời kỳ trước chỉ vẽ biên giới nước này đến đảo Hải Nam là phù hợp với các tài liệu lịch sử khác của phía Trung Quốc. Tất cả các bản đồ trước năm 1947-1948 của Trung Quốc không có bộ bản đồ nào, kể cả của nước ngoài vẽ lẫn của Trung Quốc tự vẽ lại có Hoàng Sa (mà họ gọi là Tây Sa) và Trường Sa (mà họ gọi là Nam Sa) xuất hiện với tư cách là địa dư của Trung Quốc cả, mà đều khẳng định đến Hải Nam là hết.
Đơn cử như vừa qua các nhà nghiên cứu đã đề cập một sự kiện là hoàng đế Khang Hi (nhà Thanh) đã sử dụng giáo sĩ dòng Tên phương Tây đi khắp nơi đo đạc địa hình và vẽ bản đồ chính thức cương vực triều Thanh, công việc này tốn mất gần 10 năm và kết quả là việc đã xuất bản bản đồ cương vực Trung Quốc có tên là “Hoàng dư toàn lãm đồ” vào năm 1717. Theo bản đồ này, cương vực phía đông nam Trung Quốc chấm dứt ở đảo Hải Nam.
Việc làm đáng trân trọng
Thời gian qua, các nhà khoa học Việt Nam đã tìm khắp thế giới những bản đồ của các nhà hàng hải phương Tây vẽ khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc… cũng như nỗ lực chứng minh từ trước năm 1912, SGK của Trung Quốc chỉ miêu tả cương vực của Trung Quốc dừng lại ở đảo Hải Nam. Đây là việc làm đáng trân trọng, giúp người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế hiểu được cội nguồn chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa muộn nhất là từ thế kỷ 17.
Nhưng theo thông lệ của công pháp quốc tế, trong các vụ xử tranh chấp chủ quyền, bản đồ, SGK thường đã không được nhìn nhận như là một vật chứng pháp lý duy nhất để phán xét, mà chỉ được xem như là một loại tài liệu để củng cố thêm cho các văn bản có hiệu lực của nhà nước, hoặc các hiệp ước đã được ký kết.
Nhà nghiên cứu ĐINH KIM PHÚC
Theo Thanh Niên
Hoàng Sa nơi đầu sóng Kỳ 5: Say sóng
Hoàng Sa, nơi biển cả, nơi giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) của Trung Quốc đang hạ đặt trái phép, không chỉ có những trận rượt đuổi, đâm va, của tàu Trung Quốc với tàu Việt Nam; không chỉ có sự mưu trí dũng cảm của các lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam. Ở đó, còn có những câu chuyện đời thường, như một phần cuộc sống trong hành trình bảo vệ chủ quyền, lãnh hải.
Những câu chuyện đời thường dung dị cũng là một phần của hành trình bảo vệ chủ quyền, lãnh hải
Đêm đầu tiên lên tàu ra Hoàng Sa, phóng viên Nguyễn Văn Cường (báo Infornet) đã bị những con sóng Hoàng Sa khiến cho xây xẩm mày mặt.
Thấy cơm là ói
Chiều hôm sau tàu cảnh sát biển (CSB) 2013 tới Hoàng Sa để chuyển tiếp một số phóng viên sang tàu CSB 2016. Từ đó, là những ngày dài anh Cường vừa phải hoàn thành nhiệm vụ thông tin vừa phải đối chọi với những cơn sóng Hoàng Sa.
Những ngày trên tàu, anh Cường chỉ lên đài chỉ huy và boong tàu để ghi lại hình ảnh tàu CSB 2016 tiếp cận giàn khoan. Còn lại, toàn bộ thời gian anh Cường nằm "bẹp dí" trên giường để "chiến đấu" với những cơn say sóng.
"Trong người lúc nào cũng lâng lâng, mệt mỏi. Thậm chí có lúc lấy thông tin xong, tôi không đủ sức gọi điện về tòa soạn, phải xuống nằm một lát rồi mới thông tin được về nhà. Cơm không buồn ăn vì cứ nghe cơm là buồn ói", anh Cường nói.
Say sóng kinh khủng lắm. Lúc đó không muốn làm gì cả, chỉ muốn nằm thôi. Nhưng vì nhiệm vụ đi ca, có lúc 2 - 3 giờ sáng lên boong làm nhiệm vụ canh gác. Lúc đó chỉ biết ôm cột cờ để xem có tàu Trung Quốc nào áp sát tàu mình hay không
Cảnh sát biển Bùi Công Đức
Cái sự "không buồn ăn cơm" của anh Cường kéo dài 8 ngày liền, anh không thể ăn được hột cơm nào, thay vào đó là uống sữa, ăn lương khô và cháo do nhà bếp nấu. Cơn say sóng đáng sợ đến mức anh em phóng viên trên tàu phải đùa rằng: "Đồng chí Cường chú ý, đồng chí Cường chú ý, tàu 2016 đang đi trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đề nghị đồng chí tuân thủ chấp hành mỗi bữa ăn ít nhất một bát cơm giữ gìn sức khỏe để tiếp tục chiến đấu với tàu Trung Quốc".
Biển Hoàng Sa những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6 chưa có sóng lớn nhưng cũng đủ quật ngã những người lần đầu đi biển. Những ngày ở Hoàng Sa, chúng tôi nghe kể nhiều câu chuyện về việc say sóng của phóng viên, kể cả phóng viên nước ngoài.
Đó là nữ phóng viên của đài NHK (Nhật Bản) ra Hoàng Sa được ba ngày phải xin tàu về đất liền vì không chịu được sóng dữ.
Chiến sĩ trên tàu cảnh sát biển 4032 kể chuyện một phóng viên báo ngành, từng đi Trường Sa, nhưng 3 - 4 ngày ở Hoàng Sa, anh cũng phải nằm bẹp dí trên giường, không ngóc đầu lên được.
"Thấy anh này mệt quá, ở lại cũng không làm gì được lại có ý định xin về buộc chúng tôi phải tìm tàu cho về", thiếu tá Hoàng Quốc Đạt, Hải trưởng Hải đội 201 (Vùng Cảnh sát biển 2), nói.
Phóng viên Nguyễn Văn Cường ăn cháo ở tàu 2016
Cảnh sát biển cũng nôn nao
Say sóng không những là nỗi lo lắng thường trực của cánh nhà báo lần đầu tiên ra Hoàng Sa mà còn là lo lắng của chiến sĩ cảnh sát biển, nhất là những chiến sĩ trẻ.
Anh Bùi Công Đức - chiến sĩ trên tàu CSB 2016 - kể lại lần đầu tiên mình bị say sóng biển. Lần đó cuối năm 2013, mới lên tàu 2016, anh Đức bị say sóng nằm liệt giường tới hơn 10 ngày liền, không ăn uống được gì. Lần say sóng gần đây nhất là vào ngày 15.5 khi tàu 2016 nhận lệnh ra Hoàng Sa đẩy đuổi tàu Trung Quốc và giàn khoan Hải Dương-981. Ra tới nơi, anh Đức bị say sóng tới hơn một tuần liền.
"Say sóng kinh khủng lắm. Lúc đó không muốn làm gì cả, chỉ muốn nằm thôi. Nhưng vì nhiệm vụ đi ca, có lúc 2 - 3 giờ sáng lên boong làm nhiệm vụ canh gác. Lúc đó chỉ biết ôm cột cờ để xem có tàu Trung Quốc nào áp sát tàu mình hay không", anh Đức nói.
Thiếu úy Nguyễn Đức Hùng trên tàu CSB 2016 cho hay khi mới lên tàu đi biển không ít lần anh Hùng say sóng. Thậm chí có lúc tới 3 - 4 ngày anh Hùng không ăn uống được gì. Mới đây khi nhận nhiệm vụ xua đuổi giàn khoan Hải Dương-981, không ít lần anh Hùng cảm thấy nôn nao khi tàu chòng chành vì gặp sóng lớn ở Hoàng Sa.
Anh Hùng cho biết khi say sóng, người bị say chỉ muốn nằm bẹp xuống giường không muốn làm gì. Tuy nhiên với người kinh nghiệm đi biển, người say sóng không nên nằm vì rất dễ say mà thay vào đó lên boong tàu tìm chỗ nào đó thoáng đãng hít khí trời cho khỏe người.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm, người mới đi biển dễ bị say nên ăn nhiều bữa chứ không nên ăn no. Khi say không được bỏ ăn dễ ảnh hướng sức khỏe mà phải gắng ăn, ăn mỗi lần một ít cũng được.
"Phải ăn thì mới có sức khỏe. Thậm chí ăn vào rồi ói ra cũng tốt hơn không ăn gì", anh Hùng nói. Có như vậy, mới đủ sức khỏe để tiếp tục cuộc chống chọi, đấu tranh kéo dài để xua đuổi giàn khoan Hải Dương-981 đang hạ đặt trái phép.
(Còn tiếp)
Theo Thanh Niên
Vì sao Việt Nam nên khởi kiện Trung Quốc? Kỳ 3: Chuẩn bị chứng cứ và phản biện Có rất nhiều công việc cần phải chuẩn bị cho một vụ kiện nhưng có thể chia thành các phần chuẩn bị lớn. (1) Chuẩn bị chứng cứ và chiến lược tố tụng và sự phối hợp nhân sự trong đội ngũ tác chiến (task force); (2) Nghiên cứu đối phương và phản biện. Tàu hải cảnh Trung Quốc ở gần giàn khoan...