Những bại tướng dưới tay Võ Nguyên Giáp (1)
Henri Navarre từng được ca ngợi như một danh tướng có thể “uốn nắn lại tình hình Đông Dương…”. Nhưng khi Điện Biên Phủ thất thủ trước quân đội Việt Minh, danh tiếng của vị tướng này cũng tan thành mây khói.
LTS: Trong suốt cuộc trường chinh giành lại độc lập của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20, chủ nghĩa thực dân Pháp, đế quốc Mỹ với đội quân hiện đại và mạnh nhất thế giới đã phải gục ngã dưới chân những người lính nông dân “chân dép lốp” do Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Những cái tên gắn liền với thất bại này, đáng nói, đều là những vị tướng giỏi và đã có khá nhiều chiến công trước khi sang Việt Nam như Henri Eugène Navarre, Des Castries, William Westmoreland… và những đạo quân “được trang bị đến tận răng”.
Để tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhân dịp này Infonet xin giới thiệu đến độc giả chân dung của một số “bại tướng” khi phải đối đầu với “Napoleon đỏ”.
Bài 1: Henri Navarre
Henri Eugène Navarre (31/7/1898-26/9/1983) là một tướng quân đội Pháp từng tham gia chiến đấu trong Chiến tranh thế giới I, Chiến tranh thế giới II và là Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Henri Navarre sinh trưởng trong một gia đình nhiều đời làm Chưởng lý quan tòa và luật sư vùng Normandie, Pháp. Khi tham gia quân đội Pháp Navarre từng phục vụ ở Đội kỵ binh Saint Germain số 16, chỉ huy đội kỵ binh Maroc số 3. Trong Thế chiến lần thứ II, Navarre chỉ huy sư đoàn Constantine ở Algeria (Bắc Phi). Khi sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, Navarre là tướng 4 sao, Tổng tham mưu trưởng lục quân khối Bắc Đại Tây Dương (NATO). Báo chí nước ngoài từng ca ngợi Navarre như một danh tướng có thể “uốn nắn lại tình hình Đông Dương…”
Ngày 07/5/1953, Tướng Henri Navarre được cử sang làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Trong lúc quân đội Pháp ngày càng lún sâu và bế tắc và thất bại ở Tây Bắc và Thượng Lào (1952, 1953), khi nhận chức, vị tướng quân đội Pháp đã tuyên bố đầy tự tin: “Bây giờ chúng ta có thể nhìn thấy rõ chiến thắng (ở Việt Nam) giống như nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm”.
Navarre quyết định chọn Điện Biên Phủ là căn cứ điểm phòng ngự chiến lược, mạnh nhất Đông Dương khi đó, với ý đồ chặn đường tiếp tế của Việt Minh đi qua Lào đồng thời thực hiện chiến lược tập trung dồn lực lượng theo kiểu “con nhím” khiến kẻ thù khi tấn công sẽ bị tiêu hao sinh lực và thất bại. Navarre tính toán rằng để chiếm lại tuyến đường tiếp tế này, Tướng Giáp sẽ phải tiến hành một cuộc tấn công qui mô lớn vào Điện Biên Phủ, tổ chức chiến tranh kiểu truyền thống và khi đó quân đội Pháp sẽ có lợi thế.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh quân đội đồng thời là Chỉ huy trưởng mặt trận đã lãnh đạo quân đội Việt Nam đối đầu với kế hoạch Navarre.
Tướng Navarre tự tin nhận định rằng quân đội Việt Nam sẽ không thể vận chuyển các vũ khí hạng nặng vào chiến đấu với quân đội Pháp, nhưng ông ta không ngờ, quân đội giải phóng nhân dân Việt Nam đã dùng sức người để kéo pháo 150 mm và pháo cao xạ 37 mm qua nhiều đèo cao suối sâu để tiến vào trận địa. Các chiến sĩ Việt Nam cũng dùng sức người để đào chiến hào, tạo thành “chiếc thòng lọng siết cổ” quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ.
Video đang HOT
Khi Navarre nhận ra mình đang bị mắc kẹt, ông ta liền kêu gọi sự giúp đỡ. Mỹ, quốc gia viện trợ gần 400 triệu USD để Pháp thực hiện kế hoạch Navarre, đề xuất sử dụng một số vũ khí hạt nhân chiến thuật để chống lại Việt Minh, nhưng đề xuất này không bao giờ được thực sự cân nhắc. Mỹ còn đề xuất không kích để tiêu diệt quân đội Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ khi đó Dwight D. Eisenhower từ chối can thiệp trừ phi Anh và các đồng minh khác đồng ý. Nhưng Thủ tướng Anh Churchill cũng từ chối can thiệp và muốn chờ đợi kết quả của các cuộc thương lượng hòa bình ở Geneva, Thụy Sĩ.
Với trận quyết chiến chiến lược tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (từ 13/3 đến 7/5/1954), kế hoạch Navarre bị phá sản hoàn toàn và cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi.
Theo các nhà phân tích, một trong những lí do khiến Navarre thất bại ở Điện Biên Phủ nói riêng và Việt Nam nói chung là do vị tướng này không có các mục tiêu chiến lược rõ ràng. Khi đó, mục tiêu của Navarre không phải là tiêu diệt kẻ thù trên chiến trường mà chỉ cần một kết quả có lợi cho các cuộc đàm phán ngoại giao.
“Theo những chỉ thị mà ông ấy nhận được, mục tiêu là nhằm tạo ra kết quả về quân sự giúp chính phủ Pháp thương lượng một giải pháp cứu vãn danh dự và chấp nhận được về vấn đề Đông Dương. Ông ấy (Navarre) phải chỉ cho Việt Minh thấy rằng họ không thể giành chiến thắng bằng vũ lực và cuối cùng sẽ phải thương lượng”. Đến năm 1953, Paris hiểu rằng một chiến thắng bằng con đường quân sự ở Đông Dương là điều không thể. Do đó, mục tiêu của Pháp là tạo cơ sở cho các cuộc thương lượng và dàn xếp chính trị dựa trên kết quả tốt trên chiến trường.
Trong khi đó, quân đội Việt Nam dưới sự lãnh đạo c ủa Tướng Giáp lại có các mục tiêu rất rõ ràng và nhất quán. Về chiến lược, Việt Minh muốn giành chiến thắng áp đảo về quân sự để buộc người Pháp phải thương lượng. Về chiến thuật tác chiến, Tướng Giáp có kế hoạch dồn quân vào một số điểm nhất định ở Điện Biên và giành chiến thắng dựa vào pháo và quân số vượt trội.
Tự tin quá mức và đánh giá thấp năng lực của Việt Minh cũng là một nhân tố dẫn tới thất bại của Navarre.
“Rõ ràng là lực lượng chỉ huy của chúng ta đã tự tin quá mức về quân đội của mình và sự vượt trội về vũ khí”, Tướng Pháp Georges Catroux viết trong cuốn hồi ký của ông.
Năm 1956, Navarre nghỉ hưu và xuất bản cuốn sách “Đông Dương hấp hối” đổ lỗi thất bại của ông này ở Đông Dương cho bản chất hệ thống chính trị, trí thức, chính trị gia, nhà báo và các nhà hoạt động chủ nghĩa cộng sản của Pháp.
Theo Infonet
Tướng Giáp - thiên tài quân sự khiến phương Tây phải cúi mình
Thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời đã khiến truyền thông thế giới không khỏi tiếc thương với sự kính trọng cao nhất. Trong đó hãng thông tấn Pháp AFP khẳng định Tướng Giáp chính là "thiên tài quân sự, người khiến phương Tây cúi mình".
Ngay trong phần đầu bài viết, tác giả Catherine Barton đã khẳng định: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người qua đời ngày thứ Sáu 4/10, được xem như một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất lịch sử và là kiến trúc sư của những chiến thắng gây chấn động trên chiến trường của Việt Nam trước Pháp và Mỹ".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
"Đứng thứ hai chỉ sau cố lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh với tư cách nhân vật được tôn kính nhất tại Việt Nam thời hiện đại, bài học về quân sự đầu tiên của cựu giáo viên lịch sử đến từ một bài viết trong bách khoa thư cũ về cơ chế hoạt động của lựu đạn cầm tay", bài báo viết tiếp.
Tác giả còn không khỏi thán phục khi biết rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, con trai của một học giả nghèo, từ những bài học đầu tiên đó đã trưởng thành để "đánh bại những ông chủ thuộc địa của Việt Nam vào năm 1954 tại Điện Biên Phủ, trận chiến đã chấm dứt sự cai trị của người Pháp ở Đông Dương".
Gọi Đại tướng Giáp là "người cha sáng lập của Quân đội nhân dân Việt Nam", bài viết khẳng định chiến thuật chiến tranh du kích của Tướng Giáp đã "truyền cảm hứng cho phong trào chống thuộc địa khắp thế giới", và ông một lần nữa "đã lãnh đạo các đội quân tới chiến thắng với sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn ngày 30/4/1975".
"Khi tôi còn nhỏ, tôi đã có một giấc mơ rằng một ngày tôi sẽ thấy đất nước mình tự do và thông nhất", Tướng Giáp hồi tưởng trong một buổi phỏng vấn với kênh PBS của Mỹ. "Hôm nay giấc mơ của tôi đã thành hiện thực".
"Tài năng của tướng Giáp với tư cách một nhà chiến lược đã đưa ông lên ngang hàng với những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại như Công tước Wellington, Ulysses S. Grant và tướng Douglas MacArthur", bài viết dẫn nhận định của nhà báo Mỹ Stanley Karnow.
Nhưng tác giả còn tỏ ra khâm phục hơn nữa khi khẳng định: "Nhưng không giống như họ, ông có được những thành công của mình nhờ thiên tài bẩm sinh hơn là thông qua đào tạo bài bản".
Từ lớp học tới chiến trường
Điểm lại chặng đường trước khi đến với binh nghiệp của đại tướng Võ Nguyên Giáp, tác giả cho biết đại tướng sinh ngày 25/8/1911 tại một ngôi làng ở tỉnh Quảng Bình, miền Trung Việt Nam.
Thông thạo tiếng Pháp, ông đã học kinh tế chính trị tại Hà Nội trước khi dạy lịch sử và văn học và làm việc với tư cách một phóng viên.
Trở thành thành viên của Đảng cộng sản Đông Dương, năm 1939 ông đã sang Trung Quốc, nơi ông gặp gỡ Hồ Chí Minh, người đã vạch đường về một cuộc cách mạng trong suốt hàng thập niên lưu đày.
"Vợ của Tướng Giáp, người ở lại quê nhà khi đó với đứa con mới sinh, đã hi sinh trong một nhà tù của Pháp. Sự kiện này đã thôi thúc nhiệt huyết chống thuộc địa của Tướng Giáp", tác giả nhận định.
Năm 1941, ông trở về Việt Nam cùng với Hồ Chí Minh tại vùng rừng núi phía Bắc Việt Nam để huấn luyện các chiến sỹ nông dân cách mạng và đồng sáng lập ra Việt Minh.
"Chiến thuật quân sự du kích của Tướng Giáp - vốn nhấn mạnh sự cần thiết của việc được ủng hộ bởi nhân dân và giá trị của những đợt tấn công và rút lui chớp nhoáng, cũng như tinh thần sẵn sàng chiến đấu trường kỳ - đã đánh bại cả quân đội Pháp và Mỹ", bài viết nhấn mạnh.
Tác giả cũng trích dẫn một nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một cuốn hồi ký rằng: "Chiến tranh du kích là chiến tranh của khối quần chúng đông đảo, đứng lên chống lại một đội quân hiếu chiến hùng mạnh được đào tạo bài bản và trang bị đầy đủ. Mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi ngôi làng là một pháo đài".
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lập ra chính phủ Việt Nam đầu tiên ngày 2/9/1945 và Tướng Giáp trở thành Bộ trưởng nội vụ, tư lệnh quân đội và sau đó là Bộ trưởng quốc phòng.
Nhưng nhà cách mạng này đã bị buộc phải rút lui vào rừng khi quân đội pháp tái áp đặt sự cai trị thuộc địa sau Thế chiến II, mở màn cho cuộc chiến kéo dài 9 năm, kết thúc tại Điện Biên Phủ.
"Đó là thất bại lớn đầu tiên của phương Tây", bài báo trích lời Đại tướng phát biểu sau cuộc chiến. "Nó đã làm lung lay nền móng của chủ nghĩa thuộc địa và kêu gọi mọi người chiến đấu vì độc lập - đó là sự khởi đầu của sự khai hóa quốc tế".
Nhấn mạnh vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư cách tư lệnh quân đội trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, tác giả khẳng định việc chính quyền Sài Gòn sụp đổ ngày 30/4/1975 đã khiến danh tiếng của Tướng Giáp trên trường quốc tế "gần chạm mức thần thoại".
Ông được xem như nhà chiến lược bậc thầy và đã cổ vũ cho các phong trào giành độc lập khắp mọi nơi. Để minh chứng cho điều này, tác giả đã dẫn lại lời của Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki năm 2007 khẳng định: "Khi chúng tôi trưởng thành trong cuộc chiến của mình, Tướng Giáp là một trong những anh hùng dân tộc của chúng tôi".
Sau chiến tranh và kể cả khi đã rời xa chính trường năm 1991, "vị thế của Tướng Giáp với tư cách anh hùng quân đội vĩ đại nhất Việt Nam đương thời" khiến tiếng nói của ông vẫn rất được chú ý.
Theo Dantri
Báo quốc tế tiếp tục tỏ lòng ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp Hàng chục ngàn người dân Việt Nam đã đến xếp hàng trước cửa căn nhà số 30 Hoàng Diệu ở thủ đô Hà Nội để viếng Người anh hùng huyền thoại của dân tộc - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tờ People's Daily - một trong những tờ báo chính thống hàng đầu của Trung Quốc đã đưa tin như vậy. Đại tướng...