Những bài học cay đắng của quân đội TQ trong Chiến tranh biên giới 1979
37 năm sau cuộc chiến tranh mà quân đội Trung Quốc gây ra trên biên giới Việt – Trung, nhiều bài học đã được rút ra. Chính dư luận Trung Quốc đã thừa nhận sai lầm trong chiến lược và yếu kém trong tác chiến của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (gọi tắt là QGPND).
Bản đồ mô tả các hướng tấn công của quân Trung Quốc.
Theo truyền thống của QGPND, tất cả các binh sĩ tham gia vào cuộc xung đột đã được lệnh phải viết tóm lược kinh nghiệm chiến đấu của họ.
Nhìn lại cuộc chiến, bộ chỉ huy QGPND cũng thấy những mâu thuẫn nội tại. Dù huyênh hoang tuyên bố sai sự thật rằng Trung Quốc “đã giành chiến thắng” nhưng họ cũng phải thừa nhận cái giá quá đắt mà QGPND đã phải trả.
Trong quan điểm của bộ chỉ huy QGPND, ở một chừng mực nào đó cần có đánh giá phần nào khách quan về những yếu kém của QGPND. Tuy nhiên, họ lại e ngại khuynh hướng đánh giá quá cao khả năng và hiệu năng chiến đấu của quân đội Việt Nam.
Cùng chiều hướng đó, nên niềm tự hào dân tộc và định kiến văn hóa của họ chắc chắn sẽ ngăn cản họ đưa ra những kết luận thẳng thắn về kinh nghiệm của QGPND trong chiến tranh.
Những kinh nghiệm đó có thể được tổng hợp thành sáu chủ đề sau:
Một trong những châm ngôn truyền thống của QGPND là “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Cuộc chiến Việt - Trung năm 1979 cho thấy, QGPND quan tâm rất ít đến binh pháp và chiến thuật của QĐND Việt Nam trước khi họ tấn công Việt Nam.
Kết quả là, quân đội Trung Quốc đánh giá thấp khả năng chiến đấu của các đối thủ của mình. Có thể từ chỗ lo sợ vì đã tung hô quá nhiều danh tiếng của quân đội Việt Nam, nên tài liệu quân đội QGPND đã kết luận rằng lực lượng chính quy của kẻ địch thiếu kiên trì trong tiến công và phòng ngự và có rất ít các chiến dịch hiệp đồng. Nhưng lại thừa nhận rằng chiến thuật kiểu du kích, công binh và dân quân tự vệ của Việt Nam đã thành công đáng kinh ngạc trong việc kìm chân quân Trung Quốc, giảm thế cân bằng khi họ lo tìm kiếm những trận đánh quyết định với quân chính quy của QĐND Việt Nam trong một cuộc chiến hạn chế.
Một sĩ quan Mỹ khi tổng kết kinh nghiệm của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã ghi nhận rằng, không thể “để xâm nhập, vòng sườn, hoặc bao vây” vị trí cố thủ của quân đội Việt Nam “mà không bị thương vong rất nặng”.
Chiến thuật của QGPND đã xua bộ binh tấn công xáp lá cà vào vị trí đối phương, bất chấp tử vong cao đã giải thích tại sao Trung Quốc dám khẳng định rằng quân đội Việt Nam không có khả năng trong phòng thủ bảo vệ vị trí của họ.
Những khó khăn bất ngờ trong tác chiến đã khiến người Trung Quốc rút ra bài học thứ hai từ cuộc xung đột liên quan đến tình báo và lập kế hoạch.
Tù binh Trung Quốc tại Cao Bằng. Ảnh tư liệu
Thiếu thốn thông tin từ lâu về một đồng minh truyền thống đã là một thách thức lớn cho việc lập kế hoạch chiến tranh và kế hoạch tác chiến của Trung Quốc. Các đánh giá về địa lý và địa hình của miền Bắc Việt Nam của QGPND thường dựa trên các bản đồ và thông tin địa lý đã lỗi thời, trong khi khả năng trinh sát chiến trường lại bị hạn chế.
Một trong những sai lầm lớn của quân đội Trung Quốc là đánh giá sai số lượng lực lượng dân quân rất lớn trong dự đoán về sức mạnh quân sự Việt Nam.
Kinh nghiệm của QGPND cho thấy, dân quân Việt thể hiện sức đề kháng không hề nao núng và thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ vào quân xâm lược không kém bộ đội chính quy QĐND Việt Nam.
Lúc đầu các nhà kế hoạch quân sự của QGPND tin rằng, họ đã tập hợp được một lực lượng vũ trang vượt trội với tỷ lệ 8:1 để tấn công quân Việt Nam. Nhưng chỉ tính riêng tại khu vực Cao Bằng đã có 40.000 cho đến 50.000 dân quân khiến tỷ lệ lực lượng Trung Quốc chỉ còn hơn Việt Nam là 2:1.
Trong suốt chiến dịch, QGPND không bao giờ cho thấy khả năng đè bẹp đối phương bằng mức vượt trội về quân số.
Cuộc chiến tranh này còn cho thấy sự khó khăn như thế nào khi thực hiện các chiến dịch quân sự ở nước ngoài nếu dân chúng địa phương được huy động vào việc kháng cự.
Bài học thứ ba là về khả năng chiến đấu của QGPND vì đây là lần đầu tiên Trung Quốc áp dụng tác chiến phối hợp với nhiều binh chủng gồm xe tăng, đại bác, bộ binh cùng với một lực lượng không quân và hải quân yểm trợ. Lạc hậu trong binh pháp và chiến thuật khiến quân đội Trung Quốc không thể phối hợp một cách bài bản trong tác chiến.
Trong khi đó ở Bắc Kinh, sự ràng buộc chính trị và tư duy quân sự lạc hậu đã bác bỏ phương án yểm trợ tác chiến của không quân. Các lực lượng mặt đất cũng cho thấy sự thiếu đồng bộ giữa bộ binh, xe tăng và các đơn vị pháo binh để có thể triển khai việc phối hợp tác chiến sao cho hiệu quả.
Một ví dụ rõ ràng là bộ binh đã không bao giờ được huấn luyện kiến thức đầy đủ về phương án tấn công phối hợp với các đơn vị xe tăng. Lính bộ binh, những người bị buộc bằng dây thừng vào tháp pháo xe tăng để khỏi ngã khi hành quân đã bị mắc kẹt khi bị bắn hạ. Mặt khác, các đơn vị xe tăng thường phải chiến đấu không có bộ binh tháp tùng và thiếu liên lạc trực tiếp giữa hai bên nên đã phải chịu nhiều thiệt hại và tổn thất khôn lường.
Kinh nghiệm của cuộc chiến tranh 1979 đã dạy cho QGPND bài học giá trị về kỹ năng phối hợp tác chiến đa binh chủng.
Bài học thứ tư là về hiệu năng chỉ huy và điều khiển mà phần lớn bắt nguồn từ truyền thống và văn hóa của QGPND. Mối quan hệ cá nhân giữa sĩ quan chỉ huy và chiến sĩ, vốn đã được vun trồng trong quá khứ, vẫn tạo nhiều rắc rối trong hàng ngũ QGPND.
Khi mà mối quan hệ giữa các cá nhân trở nên quan trọng hơn cả điều lệnh thì chẳng ngạc nhiên khi biết rằng các chỉ huy của Quân khu Quảng Châu sau này thừa nhận rằng họ cảm thấy khó chịu khi chỉ huy quân sĩ được chuyển từ Quân khu Vũ Hán và Thành Đô đến trong thời gian phục vụ chiến dịch.
Video đang HOT
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nghe nhiều cấp dưới phàn nàn về phong cách chỉ huy của họ Hứa (Hứa Thế Hữu) vì trước đó ông ta chưa từng chỉ huy họ. QGPND còn gặp khó khăn do nhiều sĩ quan chưa có kinh nghiệm trận mạc.
Mặc dù nhiều sĩ quan có cấp bậc cao hơn và có thâm niên chiến đấu đã được cử đến để chỉ huy các đơn vị cấp thấp hơn để giúp đỡ chấp hành mệnh lệnh, nhưng khả năng tác chiến của QGPND vẫn thất bại vì các sĩ quan cấp thấp vẫn còn thiếu khả năng quyết đoán độc lập và phối hợp tác chiến trong những thời điểm quyết định.
Tuy nhiên, cuộc chiến 1979 với Việt Nam đã khai sinh ra một thế hệ mới các cán bộ quân đội Trung Quốc có kinh nghiệm chiến trường, và nhiều người trong số họ hiện nay đang phục vụ tại các vị trí cao cấp của QGPND.
QGPND thiếu một hệ thống và cơ cấu cung cấp hậu cần hiện đại để hỗ trợ cho những chiến dịch quân sự đòi hỏi di chuyển nhanh và ở vùng xa xôi. Các số liệu thống kê cho thấy, trung bình mỗi ngày tiêu thụ đạn dược và nhiên liệu là 700 tấn cho mỗi loại.
Lính Trung Quốc bị bắt làm tù binh.
Hoạt động hậu cần là một lĩnh vực lớn để QGPND rút ra bài học. Vì không có đầy đủ dự trữ và phương tiện giao thông vận tải, khiến cả Quân khu Quảng Châu và Côn Minh đã phải đặt dưới cùng một hệ thống cung cấp, mà hệ thống đó chẳng bao giờ hoạt động thông suốt và hiệu quả.
Một số lượng đáng kể các nguồn cung cấp bị mất hoặc là do quản lý kém hay bị Việt Nam phá hoại. Khi lực lượng của họ tiến sâu hơn vào lãnh thổ Việt Nam, để bảo vệ mình, các sĩ quan hậu cần đã phải rất khó khăn để giữ liên lạc không bị trệch hướng với đại quân.
QGPND đã kết luận rằng, cần thiết phải tạo ra bộ chỉ huy về giao thông vận tải để đối phó với các vấn đề mà bộ đội của họ đã phải đối mặt trong chiến dịch.
Kinh nghiệm này có vẻ vẫn còn giá trị cho Trung Quốc đến tận hôm nay khi cựu phó chỉ huy của Đại học Quốc phòng QGPND Trung Quốc phát biểu tại một hội nghị chuyên đề về “kiểm soát truyền thông” vào năm 2002.
Bài học cuối cùng là làm thế nào để có thể diễn giải một học thuyết cũ về chiến tranh nhân dân vào các cuộc xung đột diễn ra bên ngoài biên giới Trung Quốc. Một trong những nguyên tắc của học thuyết chiến tranh nhân dân của Trung Quốc là việc huy động dân thường để hỗ trợ cho chiến tranh.
Những kinh nghiệm chiến tranh 1979 đã chỉ ra rằng, hầu như không thể đưa một lực lượng khổng lồ QGPND hoạt động ở nước ngoài mà không có sự ủng hộ chiến tranh của nhân dân trong nước.
Bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh đã đánh thức lòng yêu nước của công chúng và lòng tự hào về người lính Trung Quốc. Biểu hiện mạnh mẽ của lòng yêu nước đã giúp QGPND nhận được hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động từ người dân sống tại hai tỉnh biên giới.
Tại riêng tỉnh Quảng Tây, hơn 215.000 cư dân địa phương đã được huy động để làm người vận chuyển, nhân viên bảo vệ và khuân vác để hỗ trợ tiền tuyến, và hơn 26.000 dân quân từ khu vực biên giới đã thực sự tham gia vào các hoạt động chiến đấu trực tiếp.
QGPND vào thời điểm đó chỉ có một hệ thống cung cấp vá víu đòi hỏi các đơn vị phải tự túc hệ thống cung cấp trên chiến trường theo kiểu “hậu cần bán lẻ”. Chính quyền địa phương đã làm mọi việc dễ dàng cho binh lính bằng cách đơn giản hóa thủ tục, giúp họ nhận được đầy đủ vật chất và thực phẩm tươi trong thời gian ngắn nhất có thể.
Kinh nghiệm này đã thuyết phục bộ chỉ huy QGPND rằng huy động chính quyền địa phương và dân chúng để hỗ trợ cho một cuộc chiến tranh vẫn là chìa khóa cho chiến thắng.
Những bài học mà Trung Quốc đã rút ra được từ cuộc chiến 1979 với Việt Nam có thể thiếu toàn diện và khó mà khách quan vì QGPND không đánh giá sự thành công về chiến dịch quân sự của họ trên cơ sở kết quả tác chiến mà là trên cơ sở các tác động của cuộc xung đột đến tình hình chung.
Chịu ảnh hưởng sâu sắc lời dạy của Mao là chiến tranh về cơ bản là một vụ kinh doanh chính trị, miễn là Trung Quốc cho là họ đã thành công trong việc đạt được mục tiêu quân sự và chiến lược đề ra, còn các vấn đề gây ra từ thất bại của chiến thuật chỉ là thứ yếu.
Đây cũng là lý do tại sao các bài học đó đã có những khác biệt đáng kể so với các nghiên cứu của phương Tây, nơi mà nhiều thông tin tương đối khả tín, mặc dầu đôi khi vẫn thấy xuất hiện đây đó một chút thái quá do lạm dụng các nguồn tin hạn chế để kết luận về một vấn đề cực kỳ phức tạp.
Các nghiên cứu của QGPND nhìn nhận rằng cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976) đã tạo bất lợi và hủy hoại những truyền thống tốt đẹp của QGPND, và kết quả là, các lực lượng của Trung Quốc thực hành tác chiến tồi tệ trong chiến tranh.
Những bài học rút ra của QGPND đã tập trung nhiều vào cấp độ chiến thuật của chiến tranh với sự nhấn mạnh vào chỉ huy và kiểm soát, phối hợp tác chiến giữa các đơn vị, cơ cấu lực lượng và vũ khí hơn là chiến lược và triết lý mang tính học thuyết.
Trong quá trình đánh giá kinh nghiệm chiến tranh 1979, QGPND có vẻ như không tìm cách che đậy hoặc bỏ qua thiếu sót về các hạn chế của họ vào thời điểm đó, tuy nhiên họ đã mắc sai lầm khi không đề cập đến những khiếm khuyết trong tư duy quân sự và binh pháp truyền thống.
Xe tăng Trung Quốc bị quân đội Việt Nam bắn cháy.
Các nghiên cứu của phương Tây đã so sánh những bài học mà QGPND đã rút ra từ cuộc chiến Việt – Trung 1979 với việc đánh giá lại vào năm 1985 của ban lãnh đạo Trung Quốc về bản chất của chiến tranh hiện đại và các mối đe dọa đang rình rập Trung Quốc cộng với những nỗ lực tiếp theo để cải tiến và chuyên nghiệp hóa QGPND trong suốt những năm 1980.
Bài học Việt Nam đối với QGPND và những cuộc giao tranh vẫn liên tục xảy ra trên biên giới Trung – Việt trong những năm 1980 đã giúp cho cho ban lãnh đạo Trung Quốc phải thực hiện những cuộc chuyển đổi chiến lược từ việc nhấn mạnh đến sự chuẩn bị cho chiến tranh tổng hợp đến việc chuẩn bị cho chiến tranh cục bộ và chiến tranh hạn chế theo xu hướng của thời gian.
Trong quá trình chuyển đổi QGPND thành một lực lượng hiện đại vào những năm 1980, có rất ít những nỗ lực được thực hiện nhằm sửa chữa thiếu sót về tư duy quân sự, đó là thái độ luôn luôn coi nhẹ vai trò của của không quân.
Kết quả là, nếu có điều gì còn chưa trung thực trong việc rút kinh nghiệm của QGPND thì đó chính là bài học về ưu thế trên không hoặc yểm trợ không quân.
Tài liệu của QGPND vẫn cho rằng việc hạn chế khả năng của lực lượng không quân Trung Quốc là lý do chính khiến không quân Việt Nam không tham gia vào xung đột.
Nguyên soái Diệp Kiếm Anh (Ye Jianying) thậm chí còn nhận xét một cách lố bịch rằng hoạt động giả vờ của không quân Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại Việt Nam là một “đòn nghi binh khéo léo trong tác chiến không quân”.
Nhận xét đó rõ ràng cho thấy vẫn còn sai lầm trong giới lãnh đạo Trung Quốc khi họ tiếp tục đánh giá chưa cao vai trò quan trọng của không quân trong chiến tranh hiện đại.
Tuy nhiên, tổng kết các kinh nghiệm của QGPND trong cuộc chiến 1979 với Việt Nam đã cung cấp một cái nhìn hữu ích về việc giới lãnh đạo Trung Quốc trong việc tiếp cận vấn đề chiến tranh và chiến lược như thế nào.
Cái nhìn này cũng phù hợp với những phát hiện nằm trong các công trình nghiên cứu gần đây.
Trước tiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thảo luận và tính toán thời điểm và như thế nào khi sử dụng sức mạnh quân sự, nhưng đã không ngần ngại quyết định khởi chiến khi họ cho rằng lợi ích quốc gia của Trung Quốc đang bị hăm doạ hoặc lâm nguy.
Thứ hai, QGPND thể hiện quyết tâm giành và giữ thế chủ động tác chiến bằng việc triển khai quân số vượt trội (chiến thuật biển người).
Thứ ba, ý thức về chiến thắng quân sự của Trung Quốc đặt nhiều hơn vào việc đánh giá kết quả địa chính trị khi đem so với phê phán về hiệu năng tác chiến trên chiến trường.
Kể từ sau cuộc chiến 1979 với Việt Nam, QGPND đã tiến hành sửa đổi sâu rộng trong học thuyết quốc phòng, chỉ huy và điều khiển, chiến thuật tác chiến, và cơ cấu lực lượng, trong khi các hoạt động quân sự thế giới cũng đã chuyển đổi đáng kể từ cuộc chiến năm 1979.
Ngày nay, không ai nghĩ rằng các lực lượng vũ trang của Trung Quốc sẽ lặp lại những gì họ đã làm trong chiến tranh biên giới với Việt Nam.
Từ góc độ lịch sử, những nét đặc thù của người Trung Quốc đã bộc lộ trong cuộc chiến 1979 với Việt Nam có thể vẫn còn có giá trị trong các giáo trình của học viện quân sự của Trung Quốc cũng như đối với những người hằng quan tâm đến phương pháp sử dụng sức mạnh quân sự của người Trung Quốc, không chỉ trong quá khứ mà cả với hiện tại và trong tương lai.
P.V
Nguồn:
Thời đại mới
Tội ác của lính Trung Quốc ở biên giới Việt - Trung năm 1979
Những từ ngữ trên tấm bia ghi nhớ tội ác còn sót lại ở Tổng Chúp là không đủ, và không bao giờ là đủ để diễn tả hết sự bạo tàn của quân xâm lược Trung Quốc.
Kỳ 1: Nỗi đau 37 năm
Trong lịch sử chiến tranh của Việt Nam thế kỷ XX, chúng ta vẫn thường hay nhắc đến vụ thảm sát Mỹ Lai do quân đội Mỹ thực hiện năm 1968. Nhưng, có một vụ thảm sát ít biết đến, cũng man rợ không kém, do quân đội bành trướng Bắc Kinh gây ra với nhân dân Việt Nam tháng 3/1979 tại Tổng Chúp, TP. Cao Bằng.
9/3/1979, 43 phụ nữ, mà phần lớn là phụ nữ, trẻ em ở thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng, đã bị giết hại một cách dã man bởi những tên lính Trung Quốc khi chúng đang trên đường rút quân về nước. Tất cả thi thể sau đó đều bị quẳng xuống một cái giếng cổ.
Chúng đua nhau thi thố những thủ đoạn giết người vô cùng man rợ chẳng khác gì bọn bạo chúa thời Trung Cổ.
Cao Bằng bị tàn phá trong cuộc chiến 1979. Ảnh tư liệu
Tù binh Trung Quốc tại Cao Bằng. Ảnh tư liệu
Những ngày đầu tháng 2/2016, tôi đi dọc miền biên viễn Cao Bằng, Lạng Sơn, những nơi mà cách đây 37 năm, "tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới". Đến Tổng Chúp, thật không ngờ địa điểm diễn ra vụ thảm sát bi thương này đã gần như bị quên lãng.
Đó là một khu vực rậm rạp cây cối, không có đường vào, phải băng qua 2 con suối cùng vô số lau lách. Cái giếng năm xưa nơi vùi lấp 43 sinh mạng vô tội cũng không còn dấu vết. Nghe bảo, người ta đã vùi lấp nó khá lâu rồi. Hỏi xung quanh, cũng chẳng mấy ai còn nhớ đến.
Lũy tre già quanh giếng nước đã từng "chứng kiến" cuộc thảm sát năm 1979 đã còng xuống, không biết vì nỗi đau quá lớn hay vì tuổi tác. Chỗ giếng nước vùi lấp 43 sinh mạng giờ là đám cỏ xanh rì. Cỏ ở đó dường như xanh hơn. Và trên cỏ, có 1 nén hương cùng 3 quả cam đã héo, ai đó thắp lên để tưởng nhớ những linh hồn xấu số.
Nhìn quang cảnh, tôi không thể hình dung được rằng, tại vị trí này 37 năm trước, phần lớn vợ con của các cán bộ trại lợn Đức Chính, cách đó tầm 2km đang trên đường sơ tán thì bị lính Trung Quốc dồn về đây, sát hại từng người rồi quẳng hết xác xuống giếng.
Bia thảm sát Tổng Chúp
Dấu tích còn sót lại chỉ duy nhất một tấm bia ghi dòng chữ: "Vụ thảm sát tại Tổng Chúp, xã Hưng Đạo huyện Hòa An. Quân Trung Quốc xâm lược dùng cọc tre, búa bổ củi đập chết 43 phụ nữ và trẻ em quăng xuống giếng nước".
Có lẽ, những từ ngữ trên tấm bia không đủ, và không bao giờ là đủ để diễn tả hết sự bạo tàn của quân xâm lược Trung Quốc vào thời điểm ấy. Tấm bia cũng không đủ chỗ để có thể miêu tả hết những cảm xúc phẫn nộ, uất ức của người dân nơi đây, khi họ trở về và chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng.
Với những người đã từng trải qua những thời khắc kinh hoàng đó, thì ký ức của vụ thảm sát năm ấy vẫn còn in hằn trong tâm trí của họ như vừa mới ngày hôm qua.
Nhà bà Lương Thị Bắc ngay sát biên giới ở Hà Quảng. Bà cho biết, ngày 17/2/1979, lúc quân Trung Quốc tràn qua biên giới Việt Nam, bà theo gia đình chạy loạn về Tổng Chúp. Lúc đầu cứ tưởng là chúng không thể đánh đến TP. Cao Bằng, nhưng cũng chỉ được 1 tuần, bà Bắc lại tiếp tục chạy loạn. Và một phép màu đã giúp bà thoát chết, không bị quân Trung Quốc bắt giữ và hành quyết.
Bà Lương Thị Bắc
Bà Bắc bảo, lúc quân Trung Quốc rút hết về nước, những ai còn sống sót liền trở về thu dọn những gì còn sót lại sau trận càn quét. Họ khát nước, tìm ra cái giếng cổ cũ thấy đã bị lấp, liền báo lên xã.
Lúc đầu, dân quân cứ tưởng cái giếng đó là nơi chôn giấu thuốc nổ, nhưng sau mới phát hiện có đầy xác người. Lúc vớt lên, tất cả mọi người đều bàng hoàng khi xác chết đều là phụ nữ và trẻ em, mà phần lớn là những người làm việc trong trại lợn Đức Chính cách đó tầm 2km. Trên đường đi sơ tán, họ đã rơi vào tay quân Trung Quốc.
Ông Nguyễn Văn Sắc nhà sát ngay trại lợn, năm nay gần 60 tuổi, là một trong những người trực tiếp chứng kiến cảnh chúng khênh những thi hài vô tội quăng xuống giếng.
Ông Sắc vốn là lính pháo binh của Lữ đoàn 675, đóng tại cầu Tài Hồ Sìn trong chiến tranh biên giới 1979. Khi quân Trung Quốc rút, đơn vị của ông chuyển về đóng quân tại Tổng Chúp, về sau ông cũng chọn mảnh đấy ấy làm nơi sinh sống của mình.
Nhắc lại ký ức 37 năm trước, ông Sắc chua xót: "Kiểm tra tất cả xác chết, không một ai bị bắn, mà toàn bộ bị đập vỡ đầu chết hết".
Đau xót nhất là gia đình ông Ất trưởng trại lợn, cả nhà 3 người đều bị giết sạch trong ngày 9/3, mà vợ ông thì đang mang bầu đứa con thứ 2 gần đến ngày sinh nở. Ông Ất không chạy, mà ở lại bảo vệ người vợ của mình. Quân Trung Quốc lùng sục bắt được, chúng không tha bất cứ một ai, kể cả vợ ông.
Ông Nguyễn Văn Sắc: "Tất cả nạn nhân đều bị đập vỡ đầu mà chết"
Các nạn nhân đều bị quân Trung Quốc lấy khăn bịt mắt, 2 tay buộc chéo đằng sau, sọ bị móp hẳn vào bởi những cú đánh tàn nhẫn. Có người thì bị hàng chục vết đâm bởi những lưỡi lê sắc nhọn vào cơ thể.
Lúc thu gom, người ta còn tìm thấy một chiếc gậy tre dính đầy máu, cong queo. Quân Trung Quốc đã dùng chiếc gậy này đánh đập từng người cho đến chết. Có lẽ, những tên đồ tể đã chọn những cách hành quyết dã man nhất, một phần là để tiết kiệm đạn dược, phần khác là khủng bố tinh thần của những người còn sống sót.
Trong vụ hành quyết đó, chỉ có 1 người phụ nữ trung tuổi là chạy thoát được. Lúc quân Trung Quốc gom mọi người lại bên bụi tre, nhân lúc chúng đang tập trung giết từng người một, bà đánh liều lao xuống dòng suối nước chảy xiết, rồi cứ thế chạy thục mạng. Chúng bắn theo cả loạt đạn nhưng không trúng.
Về sau, hàng năm, cứ đến ngày 9/3 bà đều đến thắp hương trước tấm bia 1 nén hương như lời tưởng niệm. Chúng tôi tìm thông tin về người đàn bà đó, thì nghe đâu bà mới mất cách đây ít năm.
Tôi tự hỏi, tại sao một sự kiện bi thương như thế mà không có nổi một lối đi vào, một cái bàn thờ để thắp hương?
(Còn tiếp)
Lê Hồng
Nguồn:
VTC news
Trung Quốc cảnh báo về nguy cơ chiến tranh biên giới Quân đội Trung Quốc hôm nay cảnh báo về những mối nguy hiểm đang gia tăng xung quanh biên giới của quốc gia này, trong đó có cả các vùng nước tranh chấp tại Hoa Đông và Biển Đông. Binh sĩ quân đội Trung Quốc hôm 21/2 tuần tra tại khu vực biên giới với Nga thuộc thị trấn Hắc Hà, tỉnh Hắc...