Những “áo trắng” hết lòng vì bệnh nhân
20 thầy thuốc trẻ tiêu biểu đã vinh dự nhận giải thưởng Phạm Ngọc Thạch lần 3 do Thành đoàn TP.HCM trao tặng vào tối 26/2.
Họ là những bạn trẻ vẫn hằng ngày tìm kiếm, mở rộng kiến thức chuyên môn để có thêm những cách giúp bệnh nhân chiến thắng bệnh tật, vượt qua lưỡi hái tử thần…
Trăn trở vì người bệnh
“Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ ngành y”
Sáng 26/2, các thầy thuốc trẻ được trao giải thưởng Phạm Ngọc Thạch năm 2013 đã dâng hoa báo công tại tượng đài Bác, sau đó tham dự chương trình “Thắp sáng ước mơ ngành y” tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Chiều cùng ngày, đoàn đến viếng mộ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tại nghĩa trang Lạc Cảnh. Thành đoàn TP.HCM vinh danh 20 gương thầy thuốc trẻ nhận giải thưởng Phạm Ngọc Thạch vào tối cùng ngày tại Nhà văn hóa Thanh niên.
Chọn nghề y như một lẽ tự nhiên bởi từ nhỏ Nguyễn Thị Thảo Sương đã nuôi dưỡng đam mê trở thành “bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo”. Về công tác tại khoa hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Thống Nhất sau khi tốt nghiệp ĐH Y dược TP.HCM, cô bác sĩ trẻ đã nhập cuộc cùng đồng nghiệp, thực hiện nghiên cứu tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện tại khoa.
Với những dữ liệu được theo dõi, phân tích trong giai đoạn 2004-2012, Sương cùng đồng nghiệp đưa ra phác đồ điều trị kháng sinh đúng, giúp cải thiện tình hình sử dụng kháng sinh tràn lan. Nhờ đó tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện được cải thiện đáng kể.
Dù mới bốn năm tuổi nghề nhưng Sương luôn trăn trở tìm cách phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn. Việc giảm chi phí cho người bệnh được cô quan tâm khi tìm kiếm cách điều trị mới. Sương đã cùng đồng nghiệp thực hiện đề tài nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân nhiễm Candida huyết tại khoa hồi sức tích cực và chống độc. Phác đồ điều trị thích hợp với Fluconazole được nhóm đề xuất đã đem lại nhiều lợi ích trong điều trị bệnh nhân khi bị nhiễm Candida huyết.
“Nếu bác sĩ nghĩ ngay đến việc điều trị sớm bằng Fluconazole mà không đợi đến khi có kết quả xét nghiệm (có thể năm ngày sau) mới điều trị, thì bệnh nhân mau hồi phục lại đỡ tốn kém hơn. Vì đa số bệnh nhân của khoa hồi sức tích cực và chống độc đều có bệnh cảnh rất nặng, chi phí điều trị mỗi ngày 3-5 triệu đồng!” – Sương cho biết.
Video đang HOT
Cùng trăn trở từ thực tế chuyên môn, bác sĩ Trương Anh Mậu (Bệnh viện Nhi Đồng 2) đã có những lần phải lặng người khi không thể giúp bệnh nhi mắc bệnh u bạch mạch ở vị trí hiểm nghèo. Thông thường khi gặp những bệnh nhi mắc chứng bệnh này, việc xử lý đều nghiêng về giải phẫu. Nhiều lần vào mạng y khoa thế giới tìm kiếm cách điều trị của những nước tiên tiến, cộng với những trao đổi với các đồng nghiệp đầu ngành nước ngoài đến hỗ trợ bệnh viện, anh đã cùng nhóm thực hiện đề tài đưa ra phương pháp điều trị bằng tiêm chất gây xơ Bleomycine. “Chữa trị bằng phương pháp này giúp bệnh nhi bớt đau đớn khi phải giải phẫu, lại giảm chi phí cho gia đình, vì chỉ cần tiêm thuốc xong bệnh nhi về, không phải nằm viện”- bác sĩ Mậu cho hay.
Đây là lần thứ hai bác sĩ Mậu vinh dự được xét trao giải thưởng Phạm Ngọc Thạch nhờ có nhiều sáng kiến, ứng dụng mới trong chuyên môn. Bác sĩ Mậu chia sẻ: “Thấy bức xúc từ thực tế công việc và luôn tâm niệm phải giúp bệnh nhi nhiều hơn, tôi cùng đồng nghiệp luôn tìm kiếm những phương pháp điều trị mới mà thế giới từng ứng dụng để làm tốt hơn công việc một bác sĩ”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo Sương chăm sóc và theo dõi bệnh nhân đang điều trị tại khoa hồi sức tích cực-chống độc Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM – Ảnh: Minh Đức
Vì cuộc sống tươi đẹp
Dù lịch trực có dày đặc hay sau những đêm mệt nhoài với bệnh nhân, nhưng hầu hết những chuyến tình nguyện khám chữa bệnh cho bà con vùng sâu vùng xa đều không vắng mặt cô bác sĩ Thảo Sương. “Bệnh của bà con đôi khi do sinh hoạt, ăn uống, mình tư vấn giúp bà con biết cách chăm sóc sức khỏe mới là chính yếu. Mỗi lần đến với bà con mình được nhiều thứ lắm, nhiều người còn xin số điện thoại lâu lâu gọi hỏi thăm và xin tư vấn sức khỏe luôn”- Sương bày tỏ. Những chuyến đi đều để lại trong lòng thầy thuốc trẻ sự trăn trở trước những khó khăn của bà con vùng xa. “Có những chuyến cũng vét sạch túi để giúp những hoàn cảnh quá ngặt nghèo”- Sương nói.
Không chỉ có mặt trên từng cây số với các chuyến tình nguyện khám chữa bệnh miễn phí cho bà con vùng sâu vùng xa, bác sĩ Nguyễn Duy Long (bí thư Đoàn Bệnh viện Nhi Đồng 1) còn cùng đồng nghiệp nghiên cứu, đưa ra nhiều sáng kiến nhằm giảm tải ở bệnh viện, nâng cao việc chăm sóc sức khỏe bệnh nhi. Đoàn thanh niên Bệnh viện Nhi Đồng 1 còn phối hợp với các trường đại học có chuyên ngành xã hội hình thành đội ngũ công tác xã hội trong bệnh viện, giúp đỡ bệnh nhi và cả thân nhân bệnh nhi.
Đội công tác xã hội này luôn có mặt ở các khoa bệnh nặng như khoa bỏng để giúp các bệnh nhi vui chơi, quên đi nỗi đau thể xác. Những buổi trò chuyện, tư vấn của các sinh viên chuyên ngành tâm lý, xã hội cũng giúp thân nhân bệnh nhi vơi đi muộn phiền…
Còn bác sĩ Quách Hoàng Ân, Bệnh viện Hùng Vương, lại góp chút công sức vào việc thực hiện các buổi tư vấn sức khỏe sinh sản cho bạn trẻ. Với vai trò là bí thư Đoàn bệnh viện, anh đã cùng các thầy thuốc trẻ tham gia cùng Đoàn Sở Y tế TP thực hiện chương trình “Bác sĩ học đường”, tổ chức tư vấn cho học sinh sinh viên 15 trường THPT và đại học ở TP.HCM, góp phần nâng cao kiến thức sức khỏe sinh sản nhằm làm giảm tỉ lệ nạo phá thai trong lứa tuổi áo trắng.
Với trái tim yêu thương, hết lòng vì người bệnh, đội ngũ thầy thuốc trẻ vẫn miệt mài học hỏi, rèn luyện chuyên môn, nâng cao y đức để xứng đáng với danh hiệu cao quý “lương y như từ mẫu”.
Theo 24h
Người y sĩ trại giam chạy đua với thời gian
Đen sạm, nhỏ thó, gầy gò, nhỏ nhẹ, hiền lành, y sĩ Nguyễn Quang Ánh, cán bộ y tế ở trại giam Thủ Đức (huyện Hàm Tân, Bình Thuận), khiến người đối diện không nghĩ anh làm nghề y.
Một con người hiền lành như thế mà cuộc đời lại quá nhiều trắc trở: năm 2004, ngay sau khi biết tin anh và mình cùng nhiễm HIV, vợ y sĩ Ánh đã tự tử, để lại con gái mới 26 ngày tuổi.
Bi kịch đời người
Chuyến ra Bắc lần này với anh Ánh một phần là tham dự lễ tôn vinh thầy thuốc ưu tú, mà anh là một trong bốn đại diện của cả nước, một phần quan trọng nữa là thăm con gái cực kỳ đáng yêu học lớp 3 đang sống cùng ông bà nội và đại gia đình ở thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Tiếng là "ở ngay Hà Nội" nhưng với anh Ánh vẫn là một kỳ công, bởi thông thường cả năm anh mới có dịp ra Bắc thăm con một lần, lương đại úy đâu có nhiều, mà cô bé ngày càng lớn, càng đáng yêu và nhớ bố.
Chín năm trước, năm 2004, y sĩ Ánh khi ấy 30 tuổi, đang công tác tại trại giam Thủ Đức, có vợ là cô giáo vừa sinh con gái đầu lòng. Anh chị đều có công việc, có nghề nghiệp, tuổi tác cũng không còn trẻ nữa nên thật náo nức khi lên chức làm cha mẹ. Vậy mà sét đánh ngang tai ngay sau khi vợ anh sinh con: chị nhiễm HIV, xét nghiệm máu anh cũng nhiễm HIV. Anh Ánh vào ngành công an từ năm 1995 khi mới 21 tuổi, đi học Trường cao đẳng Y Bình Thuận rồi ra công tác rất nghiêm túc, vậy mà lại nhiễm HIV! Lần lại quá khứ, anh cũng không nhớ mình nhiễm bệnh khi nào, chỉ chắc rằng có thể do tai nạn trong một ca cấp cứu cho phạm nhân, cũng là bệnh nhân nhiễm HIV trong trại giam.
Năm 2004, hiểu biết về bệnh HIV còn chưa kỹ lưỡng như bây giờ, người ta chỉ biết đây là căn bệnh thế kỷ, chỉ biết mắc là cầm chắc cái chết, thêm nghề giáo vốn giàu tự trọng, ngại điều tiếng nên vợ anh Ánh nghĩ quẩn. Chị tự tử ngay khi con gái vừa mới sinh.
Y sĩ Nguyễn Quang Ánh (trái) trên sân khấu buổi tôn vinh "Sự hi sinh thầm lặng" tại Hà Nội ngày 25/2 - Ảnh: Trần Minh
"Lúc đó tôi đang ốm, phải đi bệnh viện, vợ mất, con gái còn sơ sinh, người nhà tạm gửi cháu lên Trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em Tam Bình, TP.HCM. Ban đầu chỉ là gửi tạm, nhưng rồi cháu đã ở trung tâm ấy tới hai năm như một trẻ mồ côi. Đều đặn mỗi tuần tôi lên thăm. Lúc ấy dù chưa biết đi nhưng cháu đã biết quấn bố, nhớ bố. Khi cháu 2 tuổi, tôi phải gửi cháu về cho ông bà vì một thân một mình vừa đi làm vừa đi học, không thể chăm lo được cho bé, nhưng không thể để cháu ở Tam Bình được nữa vì sợ cháu không được hưởng không khí gia đình" - anh Ánh nói.
Hãy tưởng tượng tình cảnh y sĩ Ánh khi đó: mỗi tuần anh đều vượt hơn 100km đường từ Hàm Tân, Bình Thuận đến TP.HCM thăm con, rồi hôm sau lại trở về Bình Thuận. Thấm thoắt đã bảy năm, giờ cháu đã học lớp 3, học rất giỏi và rất ngoan. Mỗi ngày, cháu đều gọi điện thoại cho bố chỉ để hỏi bố có khỏe không. Với mọi người khỏe mạnh, câu hỏi khỏe không chỉ là lời chào hỏi xã giao, nhưng với anh Ánh đó là điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Sau mỗi giờ làm việc, anh đều tích cực rèn luyện thể lực, uống thuốc ARV đều đặn, sống điều độ, dù vậy thời gian gần đây anh đã phải vào viện cấp cứu hai lần. "Tôi như đang thi chạy với thời gian. Chỉ ước ao sao được khỏe mạnh chờ con gái lớn thêm" - anh Ánh nói.
Mỗi người chỉ sống một lần
Đi cùng với y sĩ Nguyễn Quang Ánh ra Hà Nội lần này có đại úy Phạm Văn Thọ, đồng nghiệp của anh Ánh ở trại giam Thủ Đức. Anh Thọ và anh Ánh quen nhau năm 1995 khi cả hai rời quê gia nhập ngành công an, rồi cùng đi học Trường cao đẳng Y Bình Thuận, cùng về làm việc ở trại giam Thủ Đức đến bây giờ. Gần 20 năm là đồng nghiệp, anh Thọ cứ khen nức nở về anh Nguyễn Quang Ánh: "Cuộc đời trắc trở nhưng tôi khâm phục anh Ánh vì nghị lực của anh ấy. Khi vợ mất, anh Ánh đang học thêm trung học cảnh sát nhân dân. Năm 2010, anh ấy tốt nghiệp ĐH Luật, rồi đi học thêm về chẩn đoán hình ảnh trong khi vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp phát thuốc, khám bệnh tại trại giam Thủ Đức. Việc anh Ánh có mặt ở đây hôm nay đã nói nhiều hơn tất cả những gì tôi muốn nói".
Theo anh Ánh, trại giam Thủ Đức hiện đang có trên 8.000 phạm nhân, khoảng 10% trong số này nhiễm HIV, 2% nhiễm lao, ngoài ra còn các bệnh lây khác như viêm gan siêu vi. Cả trại có trên 20 cán bộ y tế. So với đồng nghiệp ở các bệnh viện, các anh chỉ được bảo hộ bằng khẩu trang y tế và găng tay, còn thuốc men, các trang thiết bị chẩn đoán, xét nghiệm sinh hóa... thiếu thốn nhiều. Nhưng những người thầy thuốc mang hai màu áo như các anh ngoài khám bệnh, chữa bệnh như những người thầy thuốc khác còn phải làm thêm nhiều nhiệm vụ như quản lý con người, chăm nom về tâm tư, nguyện vọng của phạm nhân.
"Xã hội" trong trại giam có đầu gấu, đại bàng, kẻ giết người, luôn có những ca cấp cứu do đánh nhau, tai nạn, chống đối, gây rối. "Tôi luôn tâm niệm phạm nhân dù phạm tội nhưng họ đang phải trả giá bằng hình phạt tù, còn trên phương diện con người, nhất là khi đau ốm, họ phải được chăm lo. Tôi cũng là một bệnh nhân nên càng chia sẻ được với họ nhiều điều. Mỗi người chỉ được sống một lần, đến một lúc nào đó tôi cũng phải chia tay mọi người và điều tôi mong muốn là để lại những kỷ niệm đẹp" - anh Ánh tâm tình.
Khi bài viết này đến tay bạn đọc, anh Ánh đang có những ngày bình yên ở Chúc Sơn bên cạnh con gái, trong gia đình tứ đại đồng đường của mình. Anh vừa có một kỷ niệm đẹp: được tôn vinh nhân ngày thầy thuốc. Và ba năm qua anh cũng đang sống trong những ngày vui vì đã có thêm một người phụ nữ, người ấy không nhiễm HIV, vốn là bạn học của anh ở Trường cao đẳng Y Bình Thuận, đã dũng cảm cùng chia sẻ với anh những lúc buồn đau cũng như những giờ phút hạnh phúc trong cuộc đời.
Theo 24h
Chúc mừng Bệnh viện CATP nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam Nhân kỷ niệm 58 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2013), chiều nay 26-2, Thiếu tướng Lưu Quang Hợi - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã đến chúc mừng, tặng quà Bệnh viện Công an thành phố. Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Thiếu tướng Lưu Quang Hợi chúc mừng,...