Nhức óc bởi tiếng ồn
Không chỉ những người dân ở gần các quán nhậu có hát với nhau bị… điếc tai, rất nhiều cư dân TPHCM còn bị “tra tấn” bởi âm thanh đùng đùng từ các trung tâm điện máy, quán cà phê, cửa hàng thời trang, điện thoại di động…
Đối diện cổng KCN Vĩnh Lộc, trên tuyến đường dẫn vào UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân là một dãy 4 quán nhậu san sát nhau kéo dài gần 100 m. Mỗi ngày, khi đường phố lên đèn cũng là lúc cả 4 quán nhậu chuẩn bị “bữa tiệc” tiếng ồn cho khu phố.
Muốn ngủ phải nhét bông gòn vào tai
Khoảng 18 giờ hằng ngày, dàn nhạc của các quán nhậu này bắt đầu nổi lên, gọi mời thực khách mê hát đến quán. Âm thanh được điều chỉnh to dần, quán này át tiếng nhạc quán kia. Càng về đêm, khi thực khách đã ngấm men say, giọng ca cũng theo đó chuyển tông sang gào, hét. Các bài hát đủ thể loại, từ nhạc vàng, vọng cổ, nhạc trẻ đến rock… quyện vào nhau tạo nên một không gian âm thanh hỗn tạp, đinh tai nhức óc. Anh Đ.C.T, nhà gần “quần thể” quán nhậu hát với nhau trước UBND phường Bình Hưng Hòa B, cho biết gia đình anh chịu đựng tiếng ồn hằng đêm phát ra từ quán nhậu đã hơn 5 năm nay. Do làm ăn ở địa phương đã lâu, không thể rời bỏ nên phải cắn răng… nghe nhạc, chỉ đến khi sinh con, vợ chồng anh mới đi thuê một nhà trọ nơi khác để “lánh nạn” vào ban đêm. “Nói chung là… điếc luôn! Tivi nhà tôi chính hiệu của Nhật, có cáp nhưng chỉ xem hình thôi vì không đua được với dàn âm thanh bên ngoài quán nhậu”- anh T. than.
Nhà vợ chồng anh H.N.C ở kế bên cũng chung cảnh ngộ. Không có điều kiện đi thuê trọ chỗ, anh C. phải xây một phòng kín trong góc sau cùng căn nhà để vợ và con nhỏ lánh nạn. Anh C. ngán ngẩm: “Hằng ngày, gia đình tôi phải chờ sau 23, 24 giờ mới có thể đi ngủ. Bên đó cứ hát, nhảy suốt đêm. Khi có tiệc sinh nhật thì hát, nhảy cả ngày luôn. Tội nghiệp nhất là công nhân ở khu nhà trọ. Đi làm về mệt nhưng ồn quá không ngủ được, thường kéo nhau ra sân ngồi chờ quán tắt nhạc mới về phòng nghỉ ngơi. Họa may đêm nào công an phường ra nhắc nhở, họ mới nghỉ sớm nhưng hôm sau lại ầm ĩ như cũ”.
Cặp loa đặt trước trung tâm điện máy đối diện chợ Thái Bình – quận 1 luôn ầm ầm tiếng nhạc. Ảnh: Quý Lâm – Phạm Dũng
Cũng là “nạn nhân” của cụm quán nhậu này, chị T.T.H cho biết hễ quán nhậu mở nhạc là nhà chị ai nấy im như thóc, bởi nói chuyện thì cũng chẳng ai nghe được tiếng ai, mà hét to lên thì mệt. Bế đứa con 6 tháng tuổi, chị H. thở dài: “Mình chịu đựng quen rồi nhưng tội con lắm, nằm ngủ mà cứ giật mình thon thót, chẳng yên giấc”.
Từ 3 tháng nay, quán nhậu hát với nhau Huỳnh Mai nằm trên Quốc lộ 13 (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) mở nhạc ầm ĩ đến khuya khiến người dân nơi đây không đêm nào được ngủ sớm. Chị N.T.T có nhà cạnh quán này rầu rĩ: “Ồn quá, con tôi (7 tháng tuổi) quấy khóc suốt vì không ngủ được. Muốn ngủ thì phải nhét bông gòn vào tai để giảm âm thanh”. Chủ cửa hàng vật liệu xây dựng (nhà đối diện quán nhậu) cũng khổ sở cho biết: “Con tôi học lớp 2, tối về học bảng cửu chương mãi không thuộc vì bị chi phối bởi âm thanh lúc to lúc nhỏ từ quán nhậu”. Có mặt tại quán nhậu này, chúng tôi thấy bộ loa thùng công suất lớn hoạt động liên tục từ 17 giờ đến khi hết khách mới thôi. Nhiều vị khách nhảy múa quay cuồng, hát rống lên trong tiếng nhạc ầm ĩ, không hề biết đến những người xung quanh đang bị “tra tấn” bởi tần suất âm thanh quá khủng khiếp.
Video đang HOT
Cuộc đua của những bộ loa “khủng”
Không kể ngày hay đêm, những ai đi ngang qua vòng xoay ngã năm chợ Thái Bình (quận 1) đều phải nghe âm thanh chát chúa phát ra từ 4 cái loa “khủng” đặt ngay trước trung tâm điện máy nằm ở góc đường Nguyễn Trãi – Cống Quỳnh. Hay như cửa hàng bán điện thoại di động tại góc ngã tư đường Võ Văn Tần – Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), vào giờ cao điểm sáng – chiều, dàn loa được đưa ra bên ngoài vỉa hè để phát nhạc đinh tai nhức óc.
Ngã tư Bà Hạt-Nguyễn Tri Phương (phường 8 và phường 9, quận 10) có 2 quán cà phê Mây và Mai đối diện nhau, từ lúc chập tối đã đua nhau phát nhạc hết công suất. Nếu như quán cà phê Mây như một vũ trường thu nhỏ dội nhạc liên hồi và đèn pha quét từ trong ra ngoài thì quán cà phê Mai mở những bài hát nước ngoài với âm thanh chát chúa không hề thua kém.
Ồn ào và gây phiền toái không kém cho người đi đường cũng như người dân khu vực ngã ba đường Bắc Hải – Lý Thường Kiệt (phường 6, quận Tân Bình) là tổ hợp cà phê Supper Bike Motor Shop. Khai trương ngày 25-2, quán cà phê này là nơi hội tụ của các tín đồ mô tô “khủng” ở TPHCM và các tỉnh lân cận. Ngoài việc phục vụ cà phê, nước uống thì đây chính là không gian thư giãn khá đặc biệt của “hội những người mê mô tô” vì dập nhạc “không ngán ai”. Mặc kệ người dân bày tỏ sự khó chịu, quán vẫn mang 2 loa công suất lớn ra trưng phía trước rồi kết nối với hệ thống nhạc bên trong mở những loại nhạc “trời ơi đất hỡi”.
Tình trạng mở nhạc với công suất hết cỡ cũng diễn ra dọc con đường mua sắm Nguyễn Trãi (quận 5). Một người dân ở đây cho biết: “Từ lúc mở cửa cho đến khi đóng cửa, các cửa hàng quần áo ở đây không lúc nào im ắng. Ai cũng thấy việc này làm phiền người dân nhưng không biết phản ánh ở đâu và ai sẽ xử lý?”.
Các tuyến đường ở TPHCM ồn quá mức
Kết quả quan trắc môi trường mới nhất của Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM cho thấy 100% số liệu quan trắc về tiếng ồn từ tất cả các trạm quan trắc đều không đạt quy chuẩn cho phép, dao động từ 73 đến 86 dB. Tiếng ồn là một trong những tác nhân gây ô nhiễm trên các tuyến đường TPHCM. Thông tư 26/2010 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn do Bộ Tài nguyên – Môi trường ban hành quy định các khu vực đặc biệt như cơ sở y tế, nhà trẻ, trường học… tiếng ồn không được vượt quá 45 dB (từ 21 giờ đến 6 giờ hôm sau) và 55 dB (từ 6 giờ đến 21 giờ). Đối với khu vực bình thường, tiếng ồn chỉ cho phép từ 55 dB (từ 21 giờ đến 6 giờ hôm sau) đến 70 dB (từ 6 giờ đến 21 giờ).
Điều 12 Nghị định 117 về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quy định mức phạt có thể lên đến 100 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn. Các trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề…
T.Sương
Nói hoài cũng vậy! Ông Trương Công Trúc, tổ trưởng tổ dân phố 44, khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, cho biết người dân đã nhiều lần kiến nghị xử lý ô nhiễm tiếng ồn tại các quán nhậu lên phường, phản ánh trong các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND TP và cả đại biểu Quốc hội nhưng không có phản hồi. “Nói hoài cũng chán, không muốn nói nữa, chẳng giải quyết được gì” – ông Trúc thở dài. Còn bà T.K.Y (67 tuổi, ngụ đường Bà Hạt, phường 8, quận 10) bức xúc: “Dù người dân nhiều lần góp ý chủ quán cà phê nên mở nhạc vừa đủ nhưng họ vẫn phớt lờ nên… đành chịu. Có thấy thanh tra đô thị hay ngành chức năng nào nhắc nhở họ đâu?”. Một người dân khác sống ở giữa 2 quán cà phê Mây và Mai cám cảnh: “Tôi cũng là dân kinh doanh nhưng không thể chấp nhận được kiểu coi thường người khác của các chủ quán cà phê này. Nhưng biết làm gì hơn khi chính quyền địa phương làm lơ để họ thoải mái mở nhạc thu hút khách?”.
Theo NLD
QUÁN NHẬU TRÀN VỈA HÈ (*) Tệ nạn phát sinh
Nhiều vụ án cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, giết người... mà địa điểm xảy ra là ở những quán nhậu vỉa hè
Khu dân cư (KDC) Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh - TPHCMlà một trong những KDC mới với nhiều khu nhà sang trọng, đường sá thoáng mát. Thế nhưng, nhiều quán nhậu đặc sản dê núi, quán hải sản mọc lên ở những lô đất trống đã phá nát sự bình yên nơi đây.
Án mạng từ quán nhậu
Chị N.T.T.M (30 tuổi, ngụ đường số 8 KDC Trung Sơn) bức xúc: "Một KDC mới nhưng lại nhếch nhác những quán nhậu với hàng trăm thanh niên tụ tập mỗi đêm; không ít vụ ẩu đả, giết người đã xảy ra trong thời gian gần đây mà báo chí đã phản ánh".
Anh C.T.P (ngụ đường số 5 KDC Trung Sơn) cho biết thêm: "Chúng tôi rất lo sợ mỗi khi đi ngang những quán này bởi nếu có ẩu đả thì rất dễ "ăn" phải vỏ chai bia, gạch, đá và thậm chí cả dao. Chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương cần mạnh tay dẹp những quán nhậu vỉa hè ở KDC để người dân chúng tôi yên tâm sinh sống".
Vỉa hè tại khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, Bình Chánh - TPHCM bị chiếm dụng làm chỗ kinh doanh quán nhậu
Quả thật, thời gian qua, có nhiều vụ ẩu đả, đâm chém mà địa điểm xảy ra án mạng là các quán nhậu vỉa hè. Điển hình tối 20-5, tại quán nhậu vỉa hè ở góc đường số 9A và 10, thuộc KDC Trung Sơn, nhóm 4 thanh niên sau khi nhậu say đã dùng dao đâm chết anh Nguyễn Văn Đông (42 tuổi, chủ quán nhậu) do xích mích trong việc tính tiền nhậu.
Cách đây chưa lâu, vụ án mạng xảy ra lúc 23 giờ ngày 16-6 trước quán A Dìn (số 50 Nguyễn Văn Linh, phường Tân Thuận Tây, quận 7 - TPHCM) đã khiến anh V.M.T (25 tuổi, quê Vĩnh Long)tử vong. Theo các nhân chứng kể lại, anh T. đang ngồi cùng một số bạn nhậu ở vỉa hè trước quán A Dìn, bất ngờ một đối tượng xông đến dùng dao truy sát. Anh T. bỏ chạy, đối tượng đuổi theo đâm một nhát khiến anh ngã gục xuống. Lúc này một người đàn ông trên 40 tuổi và một cô gái chạy ra can ngăn cũng bị hung thủ đâm nhiều nhát trọng thương. Theo nhiều người, khả năng anh T. bị đâm nhầm.
Tuyến đường mẫu bị bôi xấu
Đáng nói là thời gian qua, TPHCM bỏ ra nhiều công sức để xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu hòng nỗ lực đem lại bộ mặt văn minh cho TP. Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, vỉa hè của nhiều tuyến đường mẫu của TP đang bị chiếm dụng làm quán nhậu, bãi giữ xe gây nhếch nhác bộ mặt đô thị. Dọc đường Nguyễn Chí Thanh nhiều quán nhậu, quán ốc, quán dê đặc sản hút khách từ lúc đỏ đèn đến khuya.
Một số tuyến đường mẫu khác tại trung tâm TP như Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Điện Biên Phủ... về đêm cũng nhộn nhịp với các quán ốc, quán dê, bò tơ. Không ít quán nhậu chiếm dụng vỉa hè để kê thêm bàn và giữ xe cho khách nhậu, khi lực lượng thanh tra phường đi ngang, nhân viên các quán nhậu nháo nhào thu dọn bàn vào bên trong, chờ ngành chức năng đi qua, khách lại vô tư cụng ly.
Trên địa bàn quận 5, các tuyến đường mẫu như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương cũng ì xèo ăn nhậu thâu đêm suốt sáng. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Huỳnh Thị Thảo, Chủ tịch UBND quận 5, nói: "Quận 5 đã nhiều lần chỉ đạo lãnh đạo phường phải nhắc nhở lực lượng thanh tra xây dựng phường thường xuyên ra quân, xử phạt những quán nhậu lấn chiếm lòng lề đường làm nơi kinh doanh.
Tuy nhiên, lực lượng chức năng phường, quận gặp không ít khó khăn trong khi làm nhiệm vụ bởi nhiều quán nhậu vừa phát hiện xe của thanh tra đi ngang là nhanh chóng dọn dẹp, sau đó lại bày biện như cũ. Qua phản ánh của Báo Người Lao Động, chúng tôi sẽ tích cực tăng cường kiểm tra, đôn đốc lãnh đạo phường mạnh tay xử lý những nơi chiếm dụng vỉa hè làm quán nhậu".
Trách nhiệm của ai?
Sau khi Báo Người Lao Động khởi đăng loạt bài "Quán nhậu tràn vỉa hè", rất nhiều ý kiến bạn đọc phản hồi, "điểm mặt" thêm nhiều quán nhậu chiếm vỉa hè, nhậu thâu đêm suốt sáng, gây ồn ào, mất trật tự an ninh và tỏ ra bức xúc trước sự tồn tại quá lâu của các quán nhậu mà không thấy chính quyền địa phương có hướng chấn chỉnh.
Hàng loạt quán nhậu được chỉ đích danh như quán G.B (khu dân cư Bình Phú, phường 11, quận 6), mỗi đêm phục vụ nhạc sống khiến người già không thể nghỉ ngơi, trẻ nhỏ không thể học bài, dù tổ dân phố góp ý nhiều lần nhưng tình trạng đâu vào đấy. Tương tự là các quán nhậu ở khu vực đường Mũi Tàu, đường Trần Hưng Đạo; quán B.D đường Nguyễn Tri Phương (phường 7, quận 5); quán ốc Nhi đường Trần Hưng Đạo (phường 5, quận 5) và hàng loạt quán nhậu trên đường Nguyễn Biểu (phường 1, phường 2, quận 5)... Tại quận 7 có quán lẩu dê nằm trên ngã tư Nguyễn Thị Thập - đường số 36, phường Tân Quy, khi khách vào là nhân viên quán dắt xe của khách chạy từ bên này sang bên kia đường bất chấp xe cộ qua lại đông đúc.
Ở phường 1, quận 8 đường Dương Bá Trạc, sau khi mở đường rộng ra thì quán nhậu mọc lên san sát, khi đêm đến họ bày bàn ghế ra tận lề đường và giữ xe dưới lòng đường. Phường 2, quận 8 thì có trục đường Tạ Quang Bửu từ Nguyễn Thị Tần đến Âu Dương Lân, bị chiếm lề đường để bán quán ốc...Vỉa hè đường Trường Sa, Hoàng Sa - dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Nhà nước bỏ kinh phí xây dựng hàng chục tỉ đồng, được chọn là tuyến đường điểm nhưng đêm xuống thì quán nhậu tràn hết vỉa hè.
Ngoài bức xúc, nhiều bạn đọc đề nghị phải làm rõ nguyên nhân sâu xa của việc tồn tại các quán nhậu, phải chăng có sự tiếp tay của địa phương? Bởi một quán nhậu mọc ngay vỉa hè, mặt tiền đường không thể nào "qua mắt" được chính quyền địa phương, ngoài lực lượng cảnh sát khu vực còn có thanh tra xây dựng và các trưởng khu phố... giám sát và đi thực tế thường xuyên thì tại sao khi người dân phản ánh nhiều lần, tình hình vẫn đâu vào đấy?
Theo NLD
Quán nhậu tràn vỉa hè: Nhức óc vì tiếng ồn Bị tiếng ồn làm cho đinh tai nhức óc; bị chiếm dụng sân chơi, lối đi; bị "tước đoạt" quyền được nghỉ ngơi sau một ngày lao động vất vả... Đó là nỗi khổ của người dân chẳng may sống gần quán nhậu vỉa hè Người dân cư xá Thanh Đa luôn bị "tra tấn" bởi tiếng ồn từ các quán nhậu. Ảnh:...