Nhức nhối nạn ‘cát tặc’ ở huyện Krông Bông, Đắk Lắk
Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Krông Bông (Đắk Lắk) luôn nhức nhối nạn “cát tặc” khi hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán cát trái phép diễn biến ngày càng phức tạp.
Chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng liên tục triển khai nhiều đợt truy bắt nhưng vẫn chưa xử lý triệt để tình trạng này.
Thực tế đó khiến các đối tượng khai thác cát trái phép ngày càng lộng hành và không ngừng “ rút ruột” lòng sông; đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền địa phương và sự chung tay của các lực lượng để đẩy lùi “cát tặc”.
Nhiều phương tiện khai thác cát chưa được đăng ký, đăng kiểm ngang nhiên hoạt động khai thác trên sông Krông Nô, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN
Khó truy bắt, xử lý
Xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông là một trong những “điểm nóng” về khai thác cát trái phép. Dù chính quyền địa phương nắm được phương thức, thủ đoạn của “cát tặc” nhưng việc truy bắt, xử lý gặp nhiều khó khăn.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN vào giữa tháng 7/2024, một khu vực bờ sông Krông Ana, đoạn qua thôn 5, xã Khuê Ngọc Điền đã trở thành “bãi tập kết cát” của các đối tượng khai thác trái phép. Theo tìm hiểu, đây là khu vực các đối tượng khai thác trái phép tập kết cát lên bờ sông, sau đó vận chuyển đi tiêu thụ.
Ông Hồ Văn Lịch, Chủ tịch UBND xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông cho biết: Đoạn sông chạy qua địa bàn dài gần 7 km, trữ lượng cát khá lớn và hiện chưa có công ty nào được cấp phép khai thác. Trong những năm qua, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn xảy ra và khó khăn trong việc ngăn chặn, xử lý. Đối với hoạt động khai thác cát trái phép và “bãi tập kết” của “cát tặc” trên địa bàn thôn 5, địa phương đều nắm được, tuy nhiên lực lượng của xã rất khó khăn trong việc bắt quả tang hoạt động khai thác trái phép, cũng như thu giữ tang vật và xử lý đối tượng vi phạm.
Lý giải về tình trạng trên, ông Hồ Văn Lịch cho hay: Thủ đoạn của các đối tượng khai thác trái phép là lợi dụng lúc trời mưa, đêm khuya, các ngày lễ…, sử dụng phương tiện tự chế là thuyền, bè nhỏ để di chuyển, khi bị phát hiện lực lượng chức năng, người lạ… thường cắt dây phương tiện tháo chạy hoặc bỏ lại phương tiện để tẩu thoát. Trong khi đó, đoạn sông khá dài, địa bàn rộng, đi lại khó khăn, các lực lượng của xã không đủ phương tiện, nghiệp vụ truy đuổi trên đường sông. Đây cũng là những nguyên nhân khiến tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra “âm ỉ” trong thời gian dài nhưng khó ngăn chặn.
Ngoài ra, nhiều năm trước đây một bộ phận dân trên địa bàn xã sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác cát. Thời gian gần đây, giá cát xây dựng tăng cao, một số người dân không có việc làm ổn định cũng bất chấp quy định của pháp luật, tổ chức khai thác cát trái phép trên sông để bán cho những hộ có nhu cầu xây dựng.
Theo ông Hồ Văn Lịch, để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, quản lý tài nguyên khoáng sản hiệu quả, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp như tuần tra, mật phục, bắt và xử phạt vi phạm hành chính; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, ký cam kết đối với người dân để không tiếp tay, không khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, vẫn có những đối tượng bất chấp quy định pháp luật để khai thác khoáng sản trái phép trên sông, thậm chí có đối tượng vi phạm nhiều lần.
Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long cho biết: Huyện có hơn 80 km đường sông, hiện có gần 23 km được cấp phép cho 3 đơn vị khai thác. Thực tế cho thấy, hơn 10 năm qua khu vực nào được cấp phép khai thác cho các doanh nghiệp thì khu vực đó sẽ giảm thiểu được tình trạng “cát tặc”. Những khu vực còn lại thì tình hình khai thác khoáng sản trái phép diễn ra rất phức tạp.
“Chúng tôi cũng tiến hành nhiều biện pháp để phát hiện, truy bắt, xử lý khai thác khoáng sản trái phép. Đặc biệt, địa phương đã thành lập các đội chuyên ngành tổ chức mật phục các bến sông nhưng các đối tượng khai thác trái phép dùng rất nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng như bố trí canh phòng, khi có sự xuất hiện của lực lượng chức năng, người lạ thì lập tức tẩu thoát. Khi lực lượng chức năng rút lui lại tổ chức khai thác rầm rộ vào thời điểm nửa đêm, gần sáng, các ngày lễ…”, ông Lê Văn Long cho hay.
Video đang HOT
Đẩy lùi “cát tặc” trên dòng sông
Tình trạng khai thác cát trái phép không chỉ gây “nhức nhối” ở xã Khuê Ngọc Điền mà còn diễn ra ở các xã Hòa Phong, Hòa Lễ, Cư Kty… của huyện Krông Bông. Điều này không chỉ làm thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản mà còn gây bức xúc trong dư luận, người dân mong sớm được ngăn chặn, xử lý dứt điểm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Theo thống kê, năm 2023, trên địa bàn huyện Krông Bông, lực lượng chức năng phát hiện 8 vụ, 9 đối tượng khai thác, vận chuyển cát trái phép, xử lý vi phạm hành chính trên 200 triệu đồng. Trong quý I năm 2024 tiếp tục có 5 vụ, 9 đối tượng khai thác, tàng trữ vận chuyển cát trái phép bị phát hiện.
Trước tình trạng “cát tặc” lộng hành, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công an huyện Krông Bông tổ chức truy bắt, xử lý nhiều vụ việc khai thác cát trái phép trên địa bàn. Gần đây nhất là hai vụ việc bị phát hiện trong cùng khoảng 0 giờ 25 phút ngày 7/6/2024, đều trên địa bàn xã Khuê Ngọc Điền.
Vụ thứ nhất, Công an tỉnh Đắk Lắk bắt quả tang đối tượng L.T.T (sinh năm 1974, trú thôn 5, xã Khuê Ngọc Điền) cùng tang vật là 1 bè hút cát, 1 xe múc, 2 xe ben, 90m3 cát trên xe và cát ở “bãi tập kết” thôn 5. Vụ thứ hai, Công an huyện Krông Bông phối hợp với Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện và bắt quả tang đối tượng P.V.T (sinh 1974, trú thôn 5, xã Khuê Ngọc Điền) thu giữ 1 thuyền hút cát, 1 xe múc, 2 xe ben, khoảng 400m3 cát.
Từ các vụ việc trên có thể thấy, hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông diễn ra “nhộn nhịp” khi cùng một thời điểm lực lượng chức năng bắt quả tang các đối tượng vi phạm cùng nhiều phương tiện như thuyền, bè, xe múc, xe ben… tham gia hoạt động khai thác trái phép.
Theo UBND huyện Krông Bông, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện, UBND huyện đã giao các phòng, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm để bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn huyện.
Trong đó, Công an huyện tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng các phương tiện vận chuyển hàng hóa (khoáng sản) vượt tải trọng, không rõ nguồn gốc; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng việc xây dựng công trình để lấy tài nguyên khoáng sản sử dụng cho mục địch khác không đúng quy định của pháp luật. Công an huyện tham mưu UBND huyện có văn bản để nghị Công an tỉnh Đắk Lắk xem xét, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường thủy xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên sông Krông Ana để kịp thời phát hiện xử lý các phương tiện vi phạm quy định.
Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND huyện thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên môi trường, khoáng sản; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các xã, thị trấn xử lý các trường hợp vị phạm theo thẩm quyền. Phòng báo cáo UBND huyện xem xét kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan khi để xảy ra vi phạm mà chậm xử lý hoặc không xứ lý đứt điểm. Phòng xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra tình hình quản lý nhà nước hoạt động khoáng sản của UBND cấp xã, đặc biệt ở những địa phương thường xuyên xảy tình trạng hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, trước tình trạng khai thác cát trái phép, UBND huyện đã liên tục chỉ đạo các đơn vị liên quan, nhất là lực lượng Công an và chính quyền các địa phương quyết liệt vào cuộc, xử lý, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi “cát tặc” trên các dòng sông. Đến nay, tình trạng khai thác cát trái phép đã phần nào “hạ nhiệt”. Tuy nhiên về lâu dài, bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, huyện kiến nghị tỉnh Đắk Lắk tổ chức khảo sát, đấu thầu, cấp phép khai thác cho các doanh nghiệp ở những vị trí phù hợp trên các dòng sông để khai thác khoáng sản hiệu quả, đúng quy định, từ đó giảm thiểu tình trạng khai thác cát trái phép tại địa phương.
Vụ người dân phản đối khai thác cát ở Đắk Lắk: Cần đảm bảo quyền lợi của nhân dân, doanh nghiệp
Theo UBND huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk), thời gian gần đây, một số hộ dân trên địa bàn xã Hòa Phong, huyện Krông Bông liên tiếp tập trung phản đối việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Ngọc Hùng Đắk Lắk khai thác cát trên sông Krông Bông vì lo ngại sẽ gây sạt lở bờ sông khu vực đang sinh sống, canh tác.
Dù chính quyền đã nhiều lần tuyên truyền, đối thoại nhưng người dân vẫn chưa đồng tình. Do đó, UBND huyện đang quyết liệt vào cuộc để giải quyết vụ việc, bảo đảm quyền lợi của nhân dân và doanh nghiệp, tránh hình thành "điểm nóng" về an ninh trật tự trên địa bàn.
Ông Lê Văn Long (thứ hai, từ trái qua), Chủ tịch UBND huyện Krông Bông thị sát khu vực khai thác cát của Công ty TNHH xây dựng Ngọc Hùng nhằm giải quyết vụ việc.
Nỗi lo của dân
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Ngọc Hùng Đắk Lắk (Công ty Ngọc Hùng) được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp Giấy phép số 71/GP-UBND ngày 15/8/2016, cho phép khai thác cát lòng sông Krông Bông ở 3 khu vực, tổng chiều dài là 15,94 km, thời gian khai thác 14 năm 6 tháng.
Vị trí khai thác cách bờ sông tối thiểu 4 m; chiều sâu khai thác tối đa là 2,1 m; thời gian hoạt động từ 7 giờ đến 17 giờ (không tính thời gian vận chuyển); đoạn sông cấm khai thác, tàu có thể vận chuyển. Công ty đã ký hợp đồng thuê đất để sử dụng làm bãi tập kết cát tại thôn 2, xã Hòa Phong.
Theo UBND huyện Krông Bông, dù Công ty Ngọc Hùng được cấp phép từ năm 2016 nhưng do hồ sơ chưa đầy đủ nên đến ngày 10/4/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2984/UBND-NNMT cho phép công ty hoạt động khai thác cát (đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật). Theo hồ sơ, công ty được phép sử dụng 4 tàu hoặc bè để tiến hành khai thác. Từ tháng 4/2024, công ty chỉ mới sử dụng một tàu khai thác để hoạt động.
Người dân xã Hòa Phong, huyện Krông Bông lo ngại việc khai thác cát của Công ty TNHH xây dựng Ngọc Hùng sẽ gây sạt lở, ảnh hưởng đến nhà ở và đất canh tác ven sông Krông Bông.
Tuy nhiên, khi Công ty Ngọc Hùng tiến hành khai thác cát, người dân thôn 1, 2 (xã Hòa Phong) đã liên tiếp phản đối, cản trở hoạt động vận chuyển cát của doanh nghiệp.
Cụ thể, trong các ngày 26/4, 7/5, 28/5/2024, một bộ phận người dân đã tập trung cản trở hoạt động vận chuyển cát của Công ty Ngọc Hùng. Đỉnh điểm, ngày 29/5/2024 tại bãi tập kết cát của đơn vị (thôn 2, xã Hòa Phong) có khoảng 11 người vận chuyển vật liệu xây dựng, đào hố chôn 2 trụ bê tông trên đường vào bãi tập kết cát để không cho xe vận chuyển cát ra vào.
Bà Mai Thị Huệ (thôn 2, xã Hòa Phong) cho biết, những năm gần đây, thiên tai đã gây ra tình trạng sạt lở núi và sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xã Hòa Phong. Trước tình hình đó, người dân lo ngại khi Công ty Ngọc Hùng khai thác cát sẽ khiến bờ sông sạt lở, nhất là khu vực người dân đang sinh sống và canh tác. Vì vậy, người dân nơi đây đã phản đối việc khai thác của công ty này. Mọi người mong muốn, các cấp có thẩm quyền xem xét lại khu vực khai thác, tập kết cát của Công ty Ngọc Hùng, đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân thôn 1, 2 (xã Hòa Phong).
Máy móc thiết bị của Công ty TNHH xây dựng Ngọc Hùng Đắk Lắk tạm dừng hoạt động khai thác trong thời gian giải quyết vụ việc.
Ngày 1/7/2024, 54 hộ dân của thôn 1, 2 (xã Hòa Phòng) gửi đơn kiến nghị đến UBND xã Hòa Phong đề nghị di dời bãi tập kết và địa điểm khai thác cát ra khỏi khu vực hai thôn; đồng thời mong muốn, các cấp chính quyền trong thời gian giải quyết đơn kiến nghị không cho bất kỳ phương tiện nào khai thác, vận chuyển cát.
Cần cấp bách giải quyết vụ việc
Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Nguyễn Nguyên Đồng, những năm gần đây, trên địa bàn xã xảy ra hiện tượng sạt lở bờ sông, sạt lở đồi núi do bão, lũ gây ra. Vì vậy, khi Công ty Ngọc Hùng đủ điều kiện và khai thác cát trên địa bàn, người dân lo lắng và ngăn cản hoạt động của doanh nghiệp; thậm chí có hành vi không đúng quy định của pháp luật. Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ các quy định của pháp luật khi kiến nghị, đề xuất các vấn đề chưa đồng thuận, tránh tình trạng tập trung đông người, vi phạm pháp luật trong thời gian tới.
"Đối với những kiến nghị của người dân, đề nghị các sở, ngành có thẩm quyền sớm đánh giá lại tác động môi trường với việc khai thác, tập kết cát của Công ty Ngọc Hùng thời điểm hiện tại; sớm trả lời chính thức để người dân yên tâm sinh sống, sản xuất và doanh nghiệp cũng được khai thác khoáng sản đúng quy định" - ông Nguyễn Nguyên Đồng nhấn mạnh.
Bãi tập kết cát của Công ty TNHH xây dựng Ngọc Hùng Đắk Lắk tại thôn 2, xã Hòa Phong.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, khi Công ty Ngọc Hùng tiến hành hoạt động khai thác, một số hộ dân ở thôn 1, 2 (xã Hòa Phong) đã tụ tập đông người, cản trở hoạt vận chuyển cát của doanh nghiệp. Nhận thấy việc làm của người dân xuất phát từ việc chưa hiểu biết đầy đủ các quy định của pháp luật trong khai thác khoáng sản, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn cung cấp thông tin liên quan đến việc cấp phép và hoạt động khai thác của Công ty Ngọc Hùng.
Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn không đồng tình; thậm chí xây dựng hai trụ bê tông tại bãi tập kết cát để ngăn không cho xe công ty di chuyển.
Đối với các nội dung kiến nghị của người dân (di dời bãi tập kết và dừng khai thác cát của Công ty Ngọc Hùng), UBND huyện đã giao UBND xã Hòa Phong phối hợp với các đơn vị chuyên môn khảo sát khu vực phù hợp để bổ sung quy hoạch sử dụng đất, tham mưa điều chỉnh địa điểm tập kết cát phù hợp. Tuy nhiên do trình tự thủ tục kéo dài nên cần sự đồng thuận của người dân. Việc dừng khai thác cát của Công ty không thuộc thẩm quyền của huyện. Do đó, huyện đã hướng dẫn người dân làm thủ tục kiến nghị cơ quan cấp phép là UBND tỉnh, tiếp nhận và xử lý theo thẩm quyền.
Chủ tịch UBND huyện Krông Bông nhấn mạnh, để hài hòa quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, tránh phát sinh "điểm nóng" về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, song song với công tác tuyên truyền cho người dân, UBND huyện đề nghị, công ty tạm dừng hoạt động khai thác trong thời gian giải quyết vụ việc và đã được công ty thực hiện. Đối với những cá nhân vẫn lợi dụng vấn đề này để kích động, tụ tập đông người, có hành vi vi phạm pháp luật, UBND huyện, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thi công kè chống sạt lở bờ sông tại khu dân cư thôn 1, xã Hòa Phong (Krông Bông, Đắk Lắk).
UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn công khai toàn bộ hồ sơ, khu vực được cấp phép khai thác, khu vực cấm khai thác, hoạt động khai thác cát của Công ty Ngọc Hùng... để người dân nắm bắt. Từ đó, tham gia giám sát hoạt động của doanh nghiệp, phát hiện, trình báo hành vi vi phạm nếu có để chính quyền địa phương xử lý kịp thời. Huyện đã bố trí hơn 17 tỷ đồng để thi công kè chống sạt lở khu dân cư ven sông ở xã Hòa Phong. Đây là những khu vực bị sạt lở do thiên tai trong những năm vừa qua khiến người dân lo lắng.
Theo UBND huyện Krông Bông, hiện hai trụ bê tông người dân chôn trên đường vào bãi tập kết cát của công ty đã được tháo dỡ.
Người dân không còn tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự nhưng vẫn không thống nhất việc Công ty khai thác cát và sử dụng bãi tập kết cát tại thôn 1, 2 (xã Hòa Phong).
Do đó, để giải quyết dứt điểm vụ việc, UBND huyện đề nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với chính quyền địa phương đánh giá, khảo sát lại phạm vi tác động, diễn biến dòng chảy, bồi lắng, xói lở lòng, bờ, bãi sông khu vực thôn 1, 2 (xã Hòa Phong) nói riêng, khu vực Công ty Ngọc Hùng khai thác nói chung; điều kiện sử dụng bến bãi tập kết theo đúng quy định của pháp luật hiện hành nhằm giải quyết thỏa đáng các kiến nghị của nhân dân trước khi công ty đi vào hoạt động.
Việc người dân tụ tập đông người để phản đối, cản trở hoạt động của công ty tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự; thậm chí xảy ra xung đột giữa người dân và doanh nghiệp. Các biện pháp của chính quyền địa phương là quyết liệt, tích cực nhưng khó dứt điểm vụ việc.
Do đó, UBND tỉnh, các sở, ngành đủ thẩm quyền cần cấp bách vào cuộc, giải quyết triệt để vụ việc trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân và doanh nghiệp.
'Khoáng tặc' lộng hành vùng giáp ranh: Khai thác hàng chục héc ta, chính quyền không biết? Không chỉ nhiều đồi đất bị 'xẻ thịt' cả ngày lẫn đêm, những ngày ghi nhận tại thôn Suối Bang, nhóm PV Báo Thanh Niên còn phát hiện không ít 'mỏ' cát lậu với diện tích hàng chục héc ta cũng bị trộm, ước tính hàng triệu mét khối cát. "Mỏ" cát lậu tràn ngập thôn suối bang Trong nhiều ngày tìm hiểu...