‘Khoáng tặc’ lộng hành vùng giáp ranh: Khai thác hàng chục héc ta, chính quyền không biết?
Không chỉ nhiều đồi đất bị ‘xẻ thịt’ cả ngày lẫn đêm, những ngày ghi nhận tại thôn Suối Bang, nhóm PV Báo Thanh Niên còn phát hiện không ít ‘mỏ’ cát lậu với diện tích hàng chục héc ta cũng bị trộm, ước tính hàng triệu mét khối cát.
“Mỏ” cát lậu tràn ngập thôn suối bang
Trong nhiều ngày tìm hiểu nạn khai thác khoáng sản trái phép tại thôn Suối Bang (xã Thắng Hải, H.Hàm Tân, Bình Thuận), nhóm PV phát hiện “mỏ” cát lậu nằm tràn ngập nhiều nơi. Có nhiều “mỏ” cát đã bị khai thác trái phép từ hơn 10 năm để lại những hố sâu, rộng hàng chục ngàn mét vuông; cũng có khu vực đất đang bị khai thác lén lút với diện tích vài ngàn mét vuông.
Vết bánh xe cuốc tại khu đất bị khai thác cát trái phép với diện tích hàng chục héc ta. Ảnh Thanh Niên
Từ đường đất hướng cầu Mã Tiền đi đến khu vực núi Mây Tàu, giữa tháng 8.2023, nhóm PV theo con đường mòn, len lỏi qua cánh rừng tràm, thì phát hiện khu đất trống đã bị khai thác và một ao nước. Người dân cho hay khu đất này vừa ngừng khai thác vài tháng nay. Đến những ngày giữa tháng 8, nhóm “cát tặc” quay lại đắp một ao nổi, chuẩn bị hút cát trộm. Ngày 20.8, khi nhóm PV trở lại hiện trường thì phát hiện ao nổi này đã đầy tràn cát. Tại đây, có hệ thống ống nhựa cùng 2 máy bơm hút và tuyển rửa cát đưa lên ao nổi. Xung quanh bãi tuyển rửa cát là chằng chịt chai nhựa, dây võng do nhóm “cát tặc” và người cảnh giới để lại.
Qua phản ánh của PV Báo Thanh Niên, chiều 20.8, UBND H.Hàm Tân đã chỉ đạo UBND xã Thắng Hải vào hiện trường. UBND xã Thắng Hải đã lập biên bản ghi nhận thời điểm kiểm tra không phát hiện khai thác, nhưng phương tiện vẫn còn. Tại hiện trường (chưa xác định được chủ đất) có dấu vết vận chuyển khoáng sản ra bên ngoài. Ông Lê Đức, Chủ tịch UBND xã Thắng Hải, đã lập biên bản tạm giữ 2 máy bơm hút cát, các ống nhựa, ống bạc màu xanh…
Một khu đất diện tích hàng chục ngàn mét vuông ở thôn Suối Bang bị “băm nát” để lấy cát. Ảnh Thanh Niên
Cách “mỏ” cát lậu này 200 m, hướng đi vào chốt lâm trường Suối Dứa có khu đất rộng khoảng 1 ha cũng đã bị khai thác cát từ lâu, hiện tại trở thành ao nước sâu từ 2 – 4 m. Tiếp tục đi bộ xuyên qua đám cây tràm thêm vài trăm mét thì đến một khu đất rộng hàng chục ngàn mét vuông khác cũng bị khai thác lấy cát. Hiện khu đất này đã trồng tràm. Ra lại đường đất hướng về núi Mây Tàu, nhóm PV tiếp cận một khu đất khác rộng vài héc ta cũng bị khai thác cát trước đó. Quan sát hiện trường, nơi đây vẫn còn in hằn dấu bánh xe cuốc, cho thấy nhóm “cát tặc” mới quay lại “mỏ” cát này để khai thác.
Khai thác đến đâu, trồng keo đến đó
Video đang HOT
Những ngày thâm nhập các điểm khai thác lậu trên địa bàn thôn Suối Bang, xã Thắng Hải, nhóm PV Báo Thanh Niên phát hiện chiêu trò rất tinh vi của nhóm “cát tặc”. Sau quá trình dài khai thác lậu, để qua mặt lực lượng chức năng, những người này “giấu hiện trường” bằng cách trồng cây keo (tràm) để phủ kín lớp bề mặt. Khoảng 1 năm sau, khi những cây keo này lớn dần thì nhóm “cát tặc” quay lại tiếp tục khai thác vị trí khác.
Cát thành phẩm khai thác trái phép chưa được vận chuyển ra ngoài. Ảnh Thanh Niên
Nhiều ngày khảo sát, chúng tôi ghi nhận có trên 5 “mỏ” khai thác cát lậu ở thôn Suối Bang với diện tích hàng chục héc ta đất bị “rút ruột” đã được trồng tràm. Các “mỏ” cát này nằm dọc theo tuyến đường chính từ cầu Mã Tiền đến bãi tập kết, rửa cát ở sông Đu Đủ. “Người lạ không ai đến được những nơi khai thác cát lậu vì họ có cảnh giới rất nhiều. Thấy người lạ là những người cảnh giới bám đuổi theo rồi tiếp cận hỏi chuyện. Nếu nghi ngờ lực lượng chức năng hóa trang để kiểm tra là tất cả hoạt động khai thác cát trái phép lập tức dừng lại hết. Họ khai thác cát xoay tua ở các mỏ, nơi này khai thác vài tháng rồi đến nơi khác. Gần cả chục mỏ cát lậu được họ thay tua liên tục nên việc thay đổi địa điểm tránh được sự phát hiện của lực lượng chức năng”, một người dân làm nông nghiệp ở thôn Suối Bang nói về chiêu trò trộm khoáng sản của nhóm “cát tặc”.
Ngày 12.9, PV Báo Thanh Niên phối hợp với UBND xã Thắng Hải (H.Hàm Tân), do ông Phan Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND xã dẫn đầu, đến tận các “mỏ” khai thác cát lậu. Trước khi trở thành Phó chủ tịch UBND xã Thắng Hải, ông Sơn là Trưởng công an xã này nên đối với địa bàn thôn Suối Bang, ông “nắm rõ trong lòng bàn tay”. Thế nhưng, ông Sơn tỏ ra bất ngờ vì những vị trí “cát tặc” khai thác khoáng sản mà nhóm PV dẫn đi. Ông Sơn gần như không biết hoạt động khai thác khoáng sản trái phép rầm rộ tại đây. Cả một buổi sáng, ông Sơn cùng cán bộ địa chính và Công an xã Thắng Hải chỉ biết được 1 điểm khai thác cát lậu đã ngừng hoạt động (“mỏ” cát này Báo Thanh Niên từng phản ánh trước đó). Ông Sơn cho biết, năm 2018, địa phương phát hiện nơi này đang khai thác khoảng 300 m 3 cát và đã lập biên bản xử lý.
Một “mỏ” cát bị khai thác có độ sâu hơn 3 m ở thôn Suối Bang. Ảnh Thanh Niên
Nhóm PV Thanh Niên tiếp tục cùng đoàn kiểm tra đến khu đất rộng khoảng 10 ha (theo ông Sơn là đất lâm trường giao cho người dân trồng keo – PV) nằm gần bãi tập kết khoáng sản của Công ty TNHH đầu tư SX-TM-DV Tín Thành ở cạnh sông Đu Đủ thuộc xã Hòa Hiệp (H.Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu).
Từ những dấu vết gàu múc của xe cuốc còn in rõ trên mặt đất, PV đặt vấn đề có hay không nơi đây đã bị khai thác khoáng sản trái phép, sau đó trồng keo nhằm qua mặt lực lượng chức năng? Ông Sơn khẳng định trước đó địa điểm này đã được trồng tràm và vừa được thu hoạch, tiếp tục trồng đợt mới. Hiện trạng san hạ có thể do chủ đất muốn diện tích trồng keo được bằng phẳng, dễ canh tác nên đưa xe vào cào xới cho bằng phẳng. Địa phương cũng chưa nhận được phản ánh về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại đây.
PV hỏi về những đống phôi cát nằm gần khu vực trồng keo thì ông Sơn giải thích đây là cát được đưa từ nơi khác về, nhưng cụ thể đưa về từ đâu thì cần kiểm tra xác minh lại. Đối với việc giữa khu đất này có con đường kiên cố cho xe ben chạy vận chuyển cát, ông Sơn cho biết người dân làm đường để vào rẫy, còn người làm đường thì xã không nắm được thông tin.
Máy bơm hút cát tại một “mỏ” cát lậu ở thôn Suối Bang. Ảnh Thanh Niên
Khi PV cung cấp tư liệu, hình ảnh cho đoàn kiểm tra về điểm khai thác khoáng sản lậu khác cũng với hình thức trồng keo nhằm qua mặt lực lượng chức năng, ông Sơn cho hay không xác định được địa điểm này. Nhóm PV sau đó đưa ông Sơn đến tận “mỏ” cát lậu này. Tại đây, đoàn công tác ghi nhận hiện trạng khai thác còn nham nhở, độ sâu khai thác khoảng 3 m với trữ lượng hàng chục ngàn mét khối cát. Vẫn chiêu trò cũ, nhóm “cát tặc” đã trồng keo non sau khi khai thác và vị trí múc trộm cát còn mới, chưa kịp trồng keo. Nhìn dấu bánh xe cuốc, vết của gàu múc đất còn in tại hiện trường thì ông Sơn mới thừa nhận “mỏ” cát lậu này vừa ngưng hoạt động không lâu nên dấu vết bánh xe vẫn còn…
Siêu lợi nhuận khiến cát tặc... khó trị
Theo ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, hoạt động khai thác, kinh doanh cát trái phép hiện được đánh giá là siêu lợi nhuận, kinh phí đầu tư không nhiều, vì vậy các đối tượng khai thác cát trái phép dùng mọi thủ đoạn để đối phó với các lực lượng chức năng.
Việc khai thác cát trái phép diễn ra phức tạp
Vào lúc 23h ngày 30/7/2023, Trạm Cảnh sát đường thủy Long Hưng, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện một ghe gỗ số hiệu LA-065.28 do ông Võ Thành Vinh (SN 1990) quê tỉnh Tiền Giang vận chuyển khoảng 28m 3 cát trong khoang thuyền. Ông Vinh không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc số cát đang vận chuyển.
Trước đó, rạng sáng 28/7/2023, lực lượng Cảnh sát đường thủy, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã phát hiện phương tiện ghe vỏ gỗ số hiệu TG 13822 (chưa rõ công suất, trọng tải) do ông Võ Hoàng Nhanh (SN 1974, quê tỉnh Tiền Giang) điều khiển vận chuyển khoảng 30m 3 cát tại km 13, tuyến sông Đồng Nai thuộc địa bàn xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch. Ông Nhanh cũng chưa xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc số cát, không xuất trình được giấy tờ chứng nhận phương tiện, chứng nhận chuyên môn điều khiển phương tiện...
Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang các đối tượng khai thác cát trái phép.
Đồng Nai và các tỉnh lân cận đang trong giai đoạn phát triển mạnh về hạ tầng giao thông, đô thị và công nghiệp, trong đó có các dự án rất lớn như sân bay Long Thành và các đô thị vệ tinh, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4... Từ đó, phát sinh nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng rất lớn, đặc biệt là nhu cầu về cát, sỏi, đá xây dựng, đất san lấp.
Sông Đồng Nai với đoạn chính chảy qua địa phận tỉnh Đồng Nai có chiều dài khoảng 85km và sông La Ngà, một trong những phụ lưu quan trọng của sông Đồng Nai, ngoài việc thuận lợi cho lưu thông phương tiện thủy nội địa, còn mang lại một lượng tài nguyên khoáng sản trữ lượng lớn là cát chất lượng rất tốt.
Tuy nhiên, quá trình khai thác cát một cách ồ ạt đã nảy sinh nhiều hệ lụy, gây suy thoái môi trường sống, mất ổn định về an ninh trật tự. Thủ đoạn khai thác lậu tinh vi, hoạt động vào ban đêm, bố trí cảnh giới để né tránh tuần tra, rút "lù", đánh chìm ghe bơm hút cát khi bị phát hiện...
Giai đoạn 2019-2022, Công an tỉnh Đồng Nai đã phát hiện, xử lý tổng số 590 vụ/638 cá nhân, 12 tổ chức vi phạm pháp luật về các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ khoảng sản trái phép; xử phạt vi phạm hành chính trên 5,5 tỷ đồng, buộc nộp lại số tiền tương đương giá trị tang vật, phương tiện bị tịch thu trên 10,7 tỷ đồng; tịch thu 76 ghe gỗ gắn thiết bị bơm hút và số lượng lớn tang vật vi phạm.
Tại TP Hồ Chí Minh, lúc 2h20 ngày 21/5/2023, Tổ công tác Đồn Biên phòng Long Hòa tuần tra, kiểm soát trên vùng biển Cần Giờ phát hiện phương tiện vỏ sắt, mang số HD 9988, đang hành trình hướng từ biển vào TP Hồ Chí Minh, nên yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra. Vũ Tuấn Chung (sinh năm 1982, hộ khẩu thường trú huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) là thuyền trưởng, đã không xuất trình được các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc về số cát khoảng 100 m 3 có trên phương tiện.
Trước đó, vào lúc 1h sáng 20/5/2023, Tổ công tác Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Nhà Rồng tuần tra phát hiện một số phương tiện đang hút cát trái phép dưới sông Đồng Nai, khu vực giáp ranh giữa xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và phường Long Trường, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Các đối tượng trên ghe tải đã tháo chạy theo nhiều hướng vào các rạch không tên của tỉnh Đồng Nai trốn thoát. Truy đuổi, Tổ tuần tra đã bắt giữ một ghe tải LA 01618, công suất 15CV, tải trọng 10 tấn, do Lê Văn Phượng (sinh năm 1981, ngụ tỉnh Đồng Nai) điều khiển, trên ghe tải có 2m 3 cát sông nước ngọt. Ông Phượng không xuất trình được hóa đơn chứng từ của số cát có trên ghe...
Thủ đoạn rất manh động và tinh vi
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh cho biết từ năm 2019 đến 9 tháng năm 2022 đã bắt và xử lý hơn 300 trường hợp khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát không rõ nguồn gốc hợp pháp, xử phạt vi phạm hành chính khoảng 6 tỷ đồng, tịch thu hơn 200 phương tiện và khoảng 40.000 m 3 cát.
Tại Tiền Giang, ông Giang Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết từ đầu năm đến nay (tháng 7/2023), lực lượng chức năng tỉnh đã tổ chức hơn 600 cuộc kiểm tra, phát hiện và xử lý 208 vụ/369 đối tượng khai thác cát trái phép, vận chuyển khoáng sản không hóa đơn, chứng từ, phạt gần 18 tỷ đồng, tịch thu 12 phương tiện, hàng ngàn mét khối cát san lấp. Trong đó, số vụ xử lý trên biển Cần Giờ và vùng giáp ranh biển Cần Giờ là 62 vụ/42 đối tượng với tổng số tiền xử phạt gần 1,6 tỷ đồng.
Giai đoạn 2019 - 2022, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã kiểm tra xử phạt 54 trường hợp vận chuyển, mua bán khai thác cát sỏi lòng sông trái phép, tịch thu 23.887 m 3 cát nhiễm mặn, xử phạt hành chính hơn 900 triệu đồng...
Thượng tá Phạm Văn Thắng, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ BĐBP TP Hồ Chí Minh cho biết, các đối tượng thường khai thác cát từ 21h hôm trước đến 4h hôm sau, chọn những vùng biển xa bờ 6-10 hải lý, giáp ranh giữa TP Hồ Chí Minh với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang, Bến Tre nên rất khó truy bắt...
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, việc thiếu, chậm đầu tư các hệ thống giám sát tự động (AIS) đã hạn chế khả năng phát hiện sớm các hoạt động khai thác cát trái phép trên biển...
Theo ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, các sở, ngành chức năng TP Hồ Chí Minh cần phải tiếp tục rà soát những quy định pháp luật còn hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với thực tế để tham mưu thành phố kiến nghị Trung ương sửa đổi các quy định pháp luật.
Đồng thời, Công an các đơn vị cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Sở Kế hoạch - Đầu tư, Cục Thuế, Sở TN&MT thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình hoạt động và việc kê khai nộp thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp và việc xuất hóa đơn giá trị gia tăng của doanh nghiệp liên quan đến việc cung cấp cát san lấp, cát xây dựng cho các dự án, công trình xây dựng, bến bãi kinh doanh cát trên địa bàn thành phố... Đó là những biện pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống khai thác cát trái phép.
Vụ khai thác cát vượt trữ lượng ở An Giang: Bắt thêm 1 bị can Sau thời gian điều tra mở rộng vụ khai thác cát vượt trữ lượng tại mỏ cát ở An Giang, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam thêm bị can Phạm Quốc Văn. Ngày 1.9, thông tin từ Bộ Công an cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt...