Nhục nhã vì làm rể nhà giàu
Miếng ngon của nhà giàu không dễ nuốt. Tôi luôn phải nhìn ánh mắt của bố mẹ vợ để liệu đường sống. Mặc dù, tôi cưới em hoàn toàn vì tình yêu chứ không phải để đào mỏ.
Tôi và Ngọc yêu nhau được 4 năm. Bố mẹ cô ấy phản đối tình yêu của chúng tôi gay gắt vì không môn đăng hộ đối.
Nhà tôi ở quê nghèo. Bố mẹ tôi làm nông nghiệp “dãi nắng dầm mưa” lo cho 2 anh em học đại học. Do tiền trợ cấp của gia đình eo hẹp nên tôi đã đi làm thêm đủ nghề để kiếm sống và có tiền trang trải học hành.
Nhưng số tôi không may mắn lắm. Tốt nghiệp đại học với khả năng nói tiếng Anh khá tốt nhưng tôi phải nhảy việc thường xuyên vì đồng lương quá “bèo”.
Lại nói về tình yêu của tôi với Ngọc. Cô ấy đã yêu tôi ngay từ năm đầu tiên đại học. Mặc dù, có nhiều chàng trai Hà thành “xin chết” nhưng cô ấy đều chối từ. Ngọc nói: “Em không thích kiểu con trai công tử bột”. Có lẽ, tôi đi làm thêm nhiều và có chí phấn đấu nên Ngọc “kết”.
Video đang HOT
Trái tim tôi cũng rộn ràng vì Ngọc. Dù là con gái nhà giàu nhưng Ngọc rất giản dị, ngoan ngoãn và chăm chỉ. Bố mẹ Ngọc thì đánh tiếng giới thiệu cho cô ấy những chàng trai “danh gia vọng tộc”. Song Ngọc một lòng yêu và muốn sống trọn đời bên tôi. Cô ấy nói với bố mẹ sẽ ở vậy suốt đời nếu họ không đồng ý tôi là con rể.
Tôi có lòng tự trọng của một thằng đàn ông nhà nghèo. Tôi cũng muốn cố gắng đi làm để gom góp tiền mua được căn nhà tập thể rồi mới cưới vợ nhưng Ngọc thì thường xuyên giục vì sợ quá tuổi “lỡ thì”. Thương người yêu, tôi đã cùng em bước lên xe hoa ở tuổi 27. Ban đầu, vợ chồng tôi thuê một căn phòng ở gần chỗ Ngọc làm để ở riêng.
Vợ tôi vốn là con gái một trong gia đình giàu có. Sống trong điều kiện chật hẹp, khổ sở, cô ấy buồn lắm. Nhưng yêu tôi, Ngọc chẳng hề than thở một lời vì sợ chồng tủi thân. Nhìn vợ ngượng ngùng gắp từng miếng thức ăn đạm bạc mà lòng tôi xót.
Khi con gái vừa đi lấy chồng được hơn một tháng, mẹ Ngọc liên tục kêu ốm gọi chúng tôi sang. Thực tình bà chẳng có bệnh gì. Có lẽ chỉ là tâm bệnh. Mẹ vợ nói: “Hai ông bà già sống cô đơn bệnh tật khổ quá. Các con dọn về nhà sống đi”. Tôi miễn cưỡng về nhà vợ sống kiếp ở rể.
Bố mẹ vợ coi tôi như người dưng, chẳng khác nào ô sin trong nhà. Mẹ vợ thì không từ bỏ cơ hội nào để nói đểu hay lườm nguýt tôi. Bà luôn cho tôi là thằng đàn ông bám váy vợ.
Tôi cũng luôn đóng đủ tiền sinh hoạt phí hàng tháng của 2 vợ chồng cho mẹ vợ. Có lẽ, vì lương tôi thấp hơn vợ nên tôi bị mẹ vợ coi thường. Mẹ vợ bắt tôi phải giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa và nấu cơm cho cả gia đình. Tôi chẳng còn chút thời gian nào cho giao tiếp xã hội. Vì thế mà công việc của tôi cứ lẹt đẹt, không tiến nổi.
Một hôm, anh bạn đồng nghiệp qua nhà tôi chơi. Mẹ vợ nhanh nhảu kể xấu con rể. Nào là vừa nghèo, vừa lười, lương thấp chẳng đủ tiêu… Hôm sau, anh bạn đi kể khắp cơ quan khiến tôi chẳng có cái hố nào mà chui xuống.
Trong bữa ăn, Ngọc mà gắp cho tôi một miếng là bố vợ nhảy lên nói đểu: “Con rể sướng thế!”. Ngọc mua cho tôi chiếc áo mới, mẹ vợ lại càu nhàu: “Con rể ăn diện vô lối”. Hình như ông bà cứ phải đay nghiến tôi thậm tệ mới thấy hả hê.
Hôm qua, có bà cô vợ đến chơi. Mẹ vợ tôi chì chiết con rể: “Cái ngữ thằng rể nhà này thích chui gầm chạn rồi. Dù nói xuôi nói ngược thế nào, nó cũng cố bám riết lấy cái nhà này, ra ngoài thì có cạp đất mà ăn thôi”. Nói rồi hai bà cười phá lên thích chí.
Tôi buồn rầu kể mọi chuyện với vợ và yêu cầu ra ở riêng. Vợ tôi khóc lóc năn nỉ: “Xin anh đừng làm khó em. Bố mẹ chỉ có mình em là con. Dù bố mẹ có nói thế nào, chúng ta là phận con vẫn phải nhẫn nhịn. Chỉ cần em hiểu anh là được”.
Nhưng tôi là thằng đàn ông, có thể chịu khổ chứ không chịu nhục được. Tôi kiên quyết bắt vợ dọn đồ dần để chọn ngày đẹp rồi lại ra ở riêng.
Sáng qua, Ngọc gọi điện cho tôi báo tin mừng. Chúng tôi sắp lên chức bố mẹ. Vợ chồng tôi vui mừng lắm. Cô ấy cũng nài nỉ tôi vì đứa con trong bụng mà ở lại nhà ông bà ngoại. Bố mẹ vợ cũng được vui cửa vui nhà khi có cháu bế bồng.
Tôi vừa thương vợ con mình và cũng muốn được báo hiếu ông bà ngoại. Nhưng bố mẹ vợ vốn chẳng ưa tôi. Nếu cứ nghe lời vợ ở rể tiếp, không biết tôi có chịu đựng nổi sự khinh thường của ông bà dành cho mình không? Tôi phải làm gì?
Theo VNE