“Nhóm Viettel” dậy sóng, cổ phiếu “ăn bằng lần” trong nửa đầu năm 2019
VGI, CTR là 2 mã cổ phiếu thuộc “họ Viettel” đã tăng gấp đôi so với đầu năm 2019 trong khi 2 mã còn lại là VTK, VTP đều ghi nhận mức tăng hàng chục %.
Ảnh minh họa.
Trong báo cáo chiến lược thị trường nửa cuối năm 2019 của CTCK Vietcombank (VCBS), công ty chứng khoán này đã đưa ra nhận định cơ hội đầu tư chủ yếu sẽ ở 4 nhóm doanh nghiệp, trong đó đề cập đến những doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. “Nhóm các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế mũi nhọn với nguồn lực và tầm nhìn kinh doanh dài hạn được kỳ vọng sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới”, báo cáo cho biết.
Theo đó, VCBS đã chỉ ra nhóm các doanh nghiệp thuộc tập đoàn Viettel và nhóm các công ty trong hệ sinh thái Vingroup…
Hiện có 4 doanh nghiệp thuộc nhóm Viettel đều giao dịch trên sàn UpCOM là Viettel Global (mã VGI), Viettel Post (mã VTP), Công trình Viettel (mã CTR) và Tư vấn thiết kế Viettel (mã VTK). Thống kê từ đầu năm tới nay, các cổ phiếu “họ Viettel” đều ghi nhận mức tăng trưởng hàng chục phần trăm, thậm chí tăng gấp đôi. Bên cạnh những yếu tố về hoạt động kinh doanh, việc các doanh nghiệp “họ Viettel” có cơ cấu cổ đông khá cô đặc cũng là yếu tố giúp cổ phiếu dễ dàng tăng giá.
Với Viettel Global, đơn vị phụ trách hoạt động đầu tư viễn thông quốc tế của Tập đoàn Viettel được coi là doanh nghiệp nòng cốt trong chiến lược toàn cầu hóa của Viettel. Viettel Global đang vận hành kinh doanh 10 thị trường quốc tế (Bitel vẫn do Viettel Global vận hành nhưng do Tập đoàn Viettel sở hữu theo quy định của Chính phủ Peru. Đây là thị trường có trình độ phát triển kinh tế cao nhất của Viettel Global với GDP bình quân đầu người cao hơn gấp 3 lần Việt Nam).
Do đang trong quá trình mở rộng thị trường nên những năm qua Viettel Global thường xuyên thua lỗ. Tính tới hết năm 2018, lỗ lũy kế Viettel Global lên tới hơn 5.000 tỷ đồng.
Số liệu kết quả kinh doanh quý I/2019 của Viettel Global cho thấy, lợi nhuận trước thuế quý I đạt xấp xỉ 166 tỷ đồng, gấp 12 lần so với kết quả 13,9 tỷ đồng của cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của Viettel Global kể từ quý II/2017.
Với diễn biến kể trên, cổ phiếu VGI đã có cú bứt phá ngoạn mục trong nửa đầu năm 2019. Kết thúc phiên giao dịch 24/7, thị giá VGI đạt 29.980 đồng/cổ phiếu, tăng gấp hơn 2 lần so với đầu năm.
Cùng với sự tăng trưởng của ngành viễn thông trong và ngoài nước, các đơn vị thành viên của Viettel như Công trình Viettel (CTR) và Tư vấn thiết kế Viettel (VTK) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 được công bố, CTR đạt doanh thu gần 4.300 tỷ đồng, tăng 32%; Lợi nhuận sau thuế 148,5 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước đó. Quý I/2019, CTR đạt lợi nhuận sau thuế 37,4 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2018.
Video đang HOT
Hiện tại, CTR đã xây dựng được hệ thống hạ tầng mạng lưới viễn thông trong nước của Tập đoàn Viettel rộng khắp với hơn 50.000 trạm phát sóng, hơn 140.000 km cáp quang, đến 100% các huyện, hầu hết các xã trong cả nước, vùng đảo Trường Sa, và nhiều thị trường nước ngoài trên khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/7, CTR đóng cửa tăng 8,1% so với phiên trước đó, đạt mức 40.000 đồng/cổ phiếu, tăng gấp 2 lần so với mức giá hồi đầu năm 2019.
Tương tự, VTK dù mới lên sàn UpCOM vào cuối năm 2018 nhưng cũng là doanh nghiệp giàu tiềm năng khi nắm giữ vị thế số 1 Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông và là đơn vị tư vấn thiết kế hàng đầu tại các thị trường nước ngoài mà Viettel đầu tư như Lào, Campuchia, Mozambique, Cameroon, Haiti, Peru.
Trong năm 2017, Tư vấn Thiết kế Viettel đạt doanh thu gần 91 tỷ đồng, tăng 12%; Lợi nhuận sau thuế 18,4 tỷ đồng, tăng 3% so với năm trước đó. 9 tháng đầu năm 2018, công ty tiếp tục ghi nhận doanh thu gần 60 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 13,6 tỷ đồng. Hàng năm, Tư vấn Thiết kế Viettel chi trả cổ tức bằng tiền khá cao, từ 15-20%.
Ngay trong phiên sáng ngày 25/7 cổ phiếu VTK đã đóng trần tại mức giá 36.600 đồng/cổ phiếu, tăng 83% so với hồi đầu năm.
Cái tên đáng chú ý cuối cùng là Viettel Post (VTP). Trong năm 2018, Viettel Post ghi nhận doanh thu 4.923 tỷ đồng, tăng 22%; Lợi nhuận sau thuế 280 tỷ đồng, tăng 65% so với năm trước đó. Những năm gần đây, Viettel Post đẩy mạnh mảng chuyển phát nhanh và hướng đến là mảng kinh doanh chiến lược và điều này đã giúp biên lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện đáng kể.
Mới đây, VTP đã công bố bước chân vào 2 lĩnh vực đang phát triển nóng ở Việt Nam bao gồm thương mại điện tử và gọi xe công nghệ với 2 ứng dụng là Mygo và Vỏ Sò (voso.vn).
Trong báo cáo mới đây của VNDIRECT, nhóm chuyên gia của công ty chứng khoán này đánh giá tham gia vào hai lĩnh vực mới là ứng dụng gọi xe và thương mại điện tử chắc chắn sẽ đòi hỏi lượng đầu tư ban đầu rất lớn, qua đó ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán và kết quả kinh doanh của VTP.
“Hai mảng kinh doanh mới được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của VTP trong tương lai gần nhưng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận được dự báo sẽ sẽ chậm hơn do hệ quả của việc đầu tư lớn để giành thị phần”, VNDIRECT cho biết.
Trên sàn chứng khoán, VTP kết thúc phiên giao dịch ngày 22/7 giá 145.000 đồng/cổ phiếu, tăng 12% so với hồi đầu năm.
BẢO VY
Theo bizlive.vn
Viettel Global đặt mục tiêu đạt 46 triệu thuê bao, sáp nhập Viettel Overseas trong năm 2019
Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2019 của Viettel Global cho thấy cổ đông dành nhiều sự quan tâm đến hiệu quả hoạt động của tập đoàn này tại các thị trường quốc tế.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ngày 28/6/2019 vừa qua, Tổng công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - Mã CK: VGI) đã tổ chức thành công cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019.
Chiếm lĩnh vị thế top 3 thị trường Myanmar sau 8 tháng kinh doanh
Theo các báo cáo tại đại hội, năm 2018, Viettel Global đạt 25.082 tỷ đồng doanh thu thuần, (trong đó, doanh thu từ dịch vụ tăng hơn 400 tỷ đồng so với năm trước, đạt 15.500 tỷ đồng).
Lợi nhuận gộp của tập đoàn đạt hơn 5.300 tỷ đồng, tăng trưởng 19%, giúp nâng tỷ suất lợi nhuận gộp lên mức 31,5%. Đây là mức tỷ suất lợi nhuận cao nhất mà VGI đạt được trong 4 năm trở lại đây.
Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh hợp nhất của VGI trong năm 2018 ghi nhận khoản lỗ ròng 1.070,9 tỷ đồng sau khi ghi nhận khoản lỗ 1.940 tỷ đồng từ Công ty Mytel (là công ty liên kết mà VGI mới đầu tư tại thị trường Myanmar). Sau khi tính đến nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất, Hội đồng quản trị VGI đề xuất sẽ không thực hiện chia cổ tức cho năm 2018 và đã được cổ đông thông qua.
Theo tìm hiểu, khoản lỗ từ công ty liên kết của VGI chủ yếu đến từ thị trường Myanmar nhưng đổi lại, tập đoàn này đã nhanh chóng vươn lên trở thành nhà mạng top 3 tại thị trường này chỉ sau 8 tháng chính thức hoạt động.
Tính đến tháng 5/2019, nhà mạng Mytel của VGI đã đạt 5,5 triệu thuê bao, có hạ tầng chiếm 50% cơ sở hạ tầng cáp quang (7.000 trạm 2G/3G/4G và 30.000 km cáp quang), vượt trội hơn so với 3 nhà mạng viễn thông trước đó của Myanmar sử dụng hệ thống truyền dẫn viba.
Ban lãnh đạo VGI cho biết, do mới khai trương từ tháng 6/2018 nên doanh thu của Mytel chưa đủ bù chi phí, khoản lỗ đã được dự tính trước trong kế hoạch đầu tư.
Trong năm 2019, Mytel đặt mục tiêu đạt mốc 8 triệu thuê bao và kinh doanh có lãi, điều chỉnh định hướng kinh doanh đi vào chiều sâu, chuyển dịch số để tạo ra sức cạnh tranh mới.
Đối với thị trường châu Phi, trả lời câu hỏi của cổ đông về kết quả kinh doanh tại từng thị trường, đại diện VGI cho biết đã có thị trường Mozambique và Burundi đã có lãi, thị trường Cameroun chưa có lãi do chưa thống nhất với cổ đông địa phương về kế hoạch kinh doanh. Trong khi đó, tại thị trường Tanzania, doanh thu chưa đủ bù chi phí trong năm 2018 nhưng theo kế hoạch 2019, doanh thu sẽ bù được chi phí và tới năm 2020 sẽ bù được khấu hao.
Báo cáo tình hình sử dụng vốn điều lệ năm 2018 của VGI (Nguồn: Viettel Global)
Sáp nhập Viettel Overseas để giảm bớt lớp tru ng gian
Cũng tại đại hội, ban lãnh đạo VGI đã trình cổ đông thông qua một loạt các tờ trình liên quan đến kế hoạch kinh doanh năm 2019, thay đổi thành viên HĐQT và kế hoạch sáp nhập công ty Công ty TNHH Viettel Overseas (Viettel Overseas - viết tắt: VTO).
Theo đó, VGI đặt mục tiêu tăng trưởng khách hàng 10% so với năm 2018, đưa tổng số lượng khách hàng ở thị trường nước ngoài đạt 46 triệu thuê bao. Tổng doanh thu cũng được đặt mục tiêu tăng trưởng từ 15 - 20%. Trong đó, các thị trường Châu Phi, Châu Mỹ dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng đạt 2 con số; thị trường Châu Á dự kiến tăng trưởng tốt.
VGI cũng cho biết sẽ tạm dừng xúc tiến đầu tư tại các thị trường mới nhằm tập trung củng cố các thị trường hiện tại.
Về định hướng chiến lược và các kế hoạch trung hạn, VGI hiện đã xây dựng kế hoạch dài hạn cho 9/10 thị trường, với mục tiêu hoàn vốn 5 - 6 năm với thị trường châu Á, 8 - 10 năm với thị trường châu Mỹ, 12 - 13 năm với thị trường châu Phi.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, các cổ đông đã thông qua việc cho phép sáp nhập VTO vào VGI. Được biết, VTO được thành lập vào năm 2010, có quy mô vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Chủ tịch kiêm Giám đốc của công ty này là ông Đào Xuân Vũ.
Theo tìm hiểu, VTO cùng với Ngân hàng trung ương Haiti (BRH) và Công ty viễn thông Haiti (Teleco) thành lập nên Công ty National Telecom S.A (Công ty Natcom) để đầu tư dự án tại Haiti (Dự án hợp tác đầu tư mở rộng mạng viễn thông tại Haiti).
Ban đầu, VGI kỳ vọng sẽ huy động được nguồn vốn đầu tư từ bên thứ 3 thông qua Công ty Natcom song kết quả không như mong đợi.
"Vì trên thực tế toàn bộ vốn góp vào Natcom hiện nay vẫn bằng tiền mặt thông qua VTO và bán thiết bị trả chậm cho VTO để VTO góp vốn bằng thiết bị cho dự án đầu tư tại Haiti (Công ty Natcom) nên không huy động được vốn từ bên thứ 3" - VGI cho biết nguyên nhân trong tờ trình và nhận định việc tinh gọn bộ máy, sáp nhập công ty VTO giúp bớt đi lớp trung gian là hợp lý.
Một nội dung khác cũng đã được các cổ đông thông qua là việc bầu bổ sung, thay thế thành viên HĐQT VGI nhiệm kỳ 2018 - 2023.
Cụ thể, 2 thành viên HĐQT là ông Nguyễn Đình Chiến và ông Hoàng Văn Ngọc đã xin từ nhiệm với lý do sức khỏe không đảm bảo, chuyển công tác. Do đó, HĐQT đã đề nghị cổ đông bầu bổ sung bà Vũ Thị Mai (sinh năm 1980) và ông Phan Trường Sơn (sinh năm 1978) đảm nhiệm vị trí Thành viên HĐQT trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ HĐQT giai đoạn năm 2018 - 2023.
Bà Vũ Thị Mai gia nhập Viettel từ năm 2013, có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý nhân sự và trải qua nhiều chức vụ như: Phó Giám đốc Học viện Viettel, Phó Ban Tổ chức nhân lực Tập đoàn Viettel.
Trong khi đó, ông Phan Trường Sơn, có hơn 15 năm trong lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài. Ông Sơn gia nhập Viettel từ năm 2006 và trải qua nhiều chức vụ như: Giám đốc chi nhánh tỉnh của Viettel, Trưởng phòng chiến lược kinh doanh của Viettel Global, Phó TGĐ của Công ty Viettel Cambodia tại Campuchia và Phó TGĐ Công ty Star Telecom tại Lào./.
Theo viettimes.vn
Tháng 6, chứng khoán sẽ lạc quan hơn? Tháng 5 đã qua đi với diễn biến TTCK giảm điểm. Tháng 6, TTCK có nhiều điểm mới, kỳ vọng câu chuyện thị trường sẽ lạc quan hơn. Tháng 6, những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến TTCK Cuối tháng 5, chỉ số VN-Index giảm 19,76 điểm (-2,02%) so với tháng 4. áng chú ý, trong phiên cuối cùng của tháng (31/5), chỉ...