Nhóm dịch vụ y tế chưa tăng giá, giáo dục giảm, giúp hạ nhiệt CPI
Sáng 29/9, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết: Trong 9 tháng năm nay, nhóm dịch vụ y tế chưa tăng giá theo đúng lộ trình; giá dịch vụ giáo dục giảm 1,88% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí trong năm học 2021 – 2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 giúp chỉ số giá tiêu dùng ( CPI) hạ nhiệt.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê (ngoài cùng bên trái) thông tin về tình hình giá cả.
Theo bà Nguyễn Thu Oanh, tình hình lạm phát thế giới tiếp tục tăng cao, đặc biệt tại khu vực châu Âu và Mỹ. Trong tháng 8/2022, lạm phát của khu vực đồng Euro tăng lên mức cao kỷ lục 9,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát của Mỹ tăng 8,3%, tuy thấp hơn mức tăng 8,5% của tháng trước nhưng cao hơn kỳ vọng làm Cục Dự trữ Liên bang (FED) tiếp tục tăng lãi suất lần thứ 5 vào ngày 21/9/2022 để thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tại châu Á, lạm phát tháng 8/2022 của Thái Lan tăng 7,9%; Hàn Quốc tăng 5,7%; Indonesia tăng 4,7%; Nhật Bản tăng 3%; Trung Quốc tăng 2,5%. Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước có mức tăng lạm phát thấp so với mặt bằng chung khi CPI tháng 9/2022 tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước.
“Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng nhưng nhìn chung mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát”, bà Nguyễn Thu Oanh cho biết.
Theo TCTK, CPI bình quân 9 tháng năm nay tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước. Để chủ động ứng phó với áp lực lạm phát gia tăng, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời nhiều chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội. Các chính sách phù hợp cùng với sự quyết liệt, sát sao trong chỉ đạo, điều hành đã giúp giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.
Video đang HOT
Một số chính sách rất hiệu quả như: Giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động…
Tuy nhiên theo TCTK, trong tháng 9/2022, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào đã đẩy CPI tăng 0,4% so với tháng trước. So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%. CPI bình quân quý 3/2022 tăng 3,32% so với quý 3/2021. Bình quân 9 tháng năm 2022, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 1,88%.
Trong mức tăng 0,4% của CPI tháng 9/2022 so với tháng trước, 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Trong 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng nhóm giáo dục có mức tăng cao nhất với 5,84%, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 6,48% do thời gian miễn, giảm học phí trong đại dịch tại nhiều địa phương đã kết thúc.
Một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về việc quy định mức thu học phí, các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục từ năm học 2022 – 2023 trở đi tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn.
Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục ngoài công lập phải tự chủ về kinh phí điều chỉnh mức tăng học phí phù hợp với quy định. Bên cạnh đó, chuẩn bị vào năm học mới nên nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập tăng. Giá sách giáo khoa tăng 1,41%; giá vở, giấy viết các loại tăng 0,92%; bút viết các loại tăng 0,9% so với tháng trước.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,94% chủ yếu do giá thuê nhà thực tế tăng 8,16%; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,33%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,07%; giá dầu hỏa tăng 0,06%.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,18%, tác động CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,16% do giá nguyên phụ liệu sản xuất, chi phí nhân công và nhu cầu mua sắm chuẩn bị bước vào năm học mới tăng.
Theo bà Nguyễn Thu Oanh, một số nguyên nhân làm tăng CPI trong quý III/2022 là do: Giá xăng dầu trong nước bình quân quý III/2022 tăng 21,77% so với cùng kỳ năm trước với 25 đợt điều chỉnh (11 đợt giảm giá), giá các mặt hàng thực phẩm quý III/2022 tăng 2,33%, giá gas trong nước biến động theo giá thế giới…Một số nguyên nhân làm giảm CPI trong 9 tháng năm nay là: Giá dịch vụ giáo dục giảm; giá bưu chính viễn thông giảm 0,42% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại di động giảm.
Kết nối cơ sở hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế 2 nước Việt - Lào và khu vực
Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Việt Nam và Lào thiết lập quan hệ ngoại giao (05/09/1962 - 05/09-2022) và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào - Việt Nam (18/07/1977-18/07/2022), Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào, ông Khamjane Vongphosy đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Lào về kết quả hợp tác đầu tư giữa 2 nước cũng như cách thức để quan hệ thương mại và kinh tế song phương phát triển tương xứng với quan hệ chính trị.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Lào, ông Khamjane Vongphosy, tại cuộc trả lời phỏng vấn. Ảnh: Phạm Kiên/Phóng viên TTXVN tại Lào.
Theo Bộ trưởng Khamjane Vongphosy, Việt Nam hiện là 1 trong 3 nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Lào với 417 dự án có tổng giá trị đầu tư lên tới 4,3 tỷ USD. Nhiều dự án của các doanh nghiệp Việt được đầu tư ở vùng sâu, vùng xa. Bộ trưởng đánh giá Việt Nam hỗ trợ Lào nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp, thúc đẩy hợp tác - đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm sản xuất hàng hóa nông sản sạch và bền vững. Hiện nay, Chính phủ Lào đã thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế Việt Nam sang hợp tác, kinh doanh tại Lào trong lĩnh vực nông nghiệp thân thiện với môi trường, nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, trong đó có dự án phát triển nông nghiệp hỗn hợp của Công ty Hoàng Anh Attapeu, dự án nuôi bò tại tỉnh Xiengkhuang và nhiều dự án khác mang lại kết quả rất tốt.
Trong lĩnh vực khai thác năng lượng và mỏ, trên cơ sở thỏa thuận của 2 chính phủ, các dự án được triển khai trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam đều được thực hiện theo luật pháp của Lào, trong đó có một số dự án nổi bật như Xekamane 1, Xekamane Xansay và Xekamane 3, các dự án này đã có đóng góp đáng kể cho ngân sách của chính phủ Lào. Các dự án mỏ đều được thực hiện theo hợp đồng mà đã ký kết và đạt được tiến độ tương đối tốt.
Chính phủ Lào cũng có chính sách khuyến khích nhằm thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ. Trong những năm qua đã có một số dự án đầu tư vào lĩnh vực này như dự án Sân golf Long Thành; dự án đầu tư của Tập đoàn Viettel tại Lào; Khách sạn Viengchan Plaza; Khách sạn Mường Thanh; Khách sạn Crown Plaza và các dự án thuộc lĩnh vực ngân hàng như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Sacombank... Các dự án nói trên có ý nghĩa rất quan trọng về kinh tế - xã hội và chính trị, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế xã hội và trong công tác xóa đói giảm nghèo của nhân dân các dân tộc Lào.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào, ông Khamjane Vongphosy nhấn mạnh Chính phủ Lào hiện đang triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm lần thứ 9, trong đó tập trung vào việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng kết nối với Việt Nam nhằm đem lại lợi ích tối đa về mặt kinh tế - xã hội cho người dân của cả 2 nước, tiếp tục góp phần làm cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào ngày càng phát triển vững chắc cả về chiều rộng và chiều sâu. Lào có chiến lược phát triển đất nước từ 1 quốc gia không có biển trở thành một quốc gia kết nối khu vực, trong đó có các dự án như Cảng Vũng Áng, Dự án đường sắt Lào - Việt Nam, Cảng cạn Thanaleng và khu Logistic thủ đô Viêng Chăn.
Đối với dự án Cảng Vũng Áng, Chính phủ Việt Nam đã đồng ý cho phép Lào sử dụng Cảng Vũng Áng để Lào có đường ra biển và tiếp cận thị trường quốc tế, đây là tấm lòng, là tình đoàn kết hữu nghị của Việt Nam dành cho Lào. Trên cơ sở này, Chính phủ Lào đã vạch ra chiến lược sẽ xây dựng Cảng Vũng Áng thành cảng quốc tế, cảng nước sâu có thể đón tàu 100.000 tấn ra vào cảng, tạo cơ sở phục vụ trung chuyển hàng hóa đa dạng nhằm hỗ trợ phát triển công nghiệp, nông nghiệp, khai khoáng và dịch vụ logistics. Điều quan trọng nhất đây là điều kiện để khai thác tiềm năng thế mạnh để Lào có thể vận chuyển hàng hóa của mình sang các nước thứ 3 với chi phí thấp hơn so với vận tải đường bộ, điều sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Lào trên thị trường quốc tế, đồng thời cũng giúp việc nhập khẩu hàng hóa, vật tư, thiết bị phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế của Lào thuận lợi hơn. Khi đi vào hoạt động, Cảng Vũng Áng sẽ có vị trí đặc vị trí đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ kinh tế của CHDCND Lào trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa vì đây là nơi tiếp cận dịch vụ vận tải đường biển gần nhất so với các cảng ở các nước láng giềng.
Song song với việc phát triển Cảng biển Vũng Áng, Chính phủ 2 nước Lào - Việt Nam đã đồng ý xây dựng tuyến đường sắt từ Vũng Áng đến Thakhek, tỉnh Khammuan, Trung Lào và kết nối với thủ đô Viêng Chăn. Điều này sẽ kéo theo sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng trong vận chuyển hành khách, hàng hóa và giúp phát triển hệ thống logistics hiệu quả cao, góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho 2 nước trong việc giảm chi phí và thời gian vận chuyển; thúc đẩy phát triển nông nghiệp, khoáng sản, công nghiệp, thương mại và dịch vụ logistics; giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân và tăng tổng sản phẩm quốc nội. Nếu các dự án nói trên hoàn thành, sẽ giúp hiện thực hóa Kế hoạch Phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây chạy dọc theo hành lang kinh tế từ Cảng Vũng Áng/tỉnh Hà Tĩnh/Việt Nam đến tỉnh Khammuan/Trung Lào để kết nối với tỉnh Phanom và các tỉnh Đông Bắc của Thái Lan. Dọc theo hành lang này sẽ phát triển công nghiệp, nông nghiệp, khoáng sản và các dịch vụ khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội cho các nước trong khu vực.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào Khamjane Vongphosy cũng cho rằng mặc dù quan hệ thương mại Lào - Việt Nam có sự tăng trưởng hằng năm, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam đứng hàng đầu trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài tại Lào, nhưng căn cứ vào yêu cầu hợp tác trong điều kiện mới, 2 bên phải tiếp tục quan tâm để cải thiện và nâng cấp quan hệ trong lĩnh vực thương mại và đầu tư để phù hợp với quan hệ song phương trong hợp tác chính trị.
Cửa khẩu Lao Bảo thuộc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) là cửa khẩu biên giới tiêu biểu, kiểu mẫu trên tuyến biên giới Việt - Lào. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN
Trên cơ sở tinh thần hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện, Chính phủ 2 nước đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy thương mại - đầu tư theo hướng bài bản hơn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã nhiều lần tổ chức trao đổi, gặp gỡ nhằm thu hút các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư vào Lào. Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ 2 nước cũng đã tổ chức gặp mặt các doanh nhân Việt Nam và Lào để lắng nghe và tạo cơ hội để các doanh nhân Việt Nam đã đầu tư vào Lào báo cáo tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nêu rõ những thuận lợi, khó khăn và kiến nghị liên quan đến hoạt động kinh doanh của họ tại Lào để có chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có thể hoạt động bình thường và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Lào.
Theo Bộ trưởng Khamjane Vongphosy, qua buổi gặp gỡ trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp 2 bên có thể thấy rằng để khai thác tiềm năng thế mạnh của 2 bên, nhằm tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa 2 nước đi vào thực chất, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng, mong ước của lãnh đạo cấp cao 2 nước, 2 nước phải tập trung vào các vấn đề sau: (1) Phải tích cực tập trung cải thiện môi trường kinh doanh giữa 2 nước Lào - Việt Nam ngày càng khởi sắc hơn, xây dựng các chính sách khuyến khích, thuận lợi, giảm bớt các thủ tục, thời gian và chi phí không cần thiết trong hoạt động kinh doanh của các ngành liên quan được kịp thời, thông thoáng, minh bạch và hiệu quả; (2) Thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực tài chính, chuyên môn kỹ thuật, ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch, sử dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu; Khuyến khích nhân dân khu vực dọc biên giới trao đổi sản xuất kinh doanh nhiều sản phẩm hơn; (3) Tiếp tục giải quyết kịp thời và hợp lý những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư của Lào tại Việt Nam và Việt Nam tại Lào.
Để tiếp tục thúc đẩy truyền thống quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa 2 nước ngày càng phát triển, nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào và Ủy ban Hợp tác Lào - Việt Nam, Bộ trưởng Khamjane Vongphosy đã kêu gọi các doanh nghiệp 2 nước hiểu biết sâu sắc và hiểu rõ tính chất đặc biệt của sự đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trong thời gian qua, qua đó cùng nhau gìn giữ và phát huy quan hệ này sao cho vừa đáp ứng được nhu cầu hợp tác giữa 2 nước trong bối cảnh tình hình mới, vừa bảo đảm lợi ích của nhân dân 2 nước, cũng như của các doanh nghiệp 2 nước nhằm đưa quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam mãi mãi trường tồn với thời gian.
Kỳ vọng giá xăng dầu giảm, 'hạ nhiệt' chỉ số giá tiêu dùng Việc giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) kéo theo giảm giá xăng dầu trên 3.000 đồng/lít vừa qua được kỳ vọng sẽ góp phần giảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Người dân mua xăng tại một điểm kinh doanh xăng, dầu ở Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN Nhiều doanh nghiệp rất phấn khởi khi giá xăng, dầu giảm, bởi đây không...