Nhóm đầu tư liên quan Chủ tịch Nam A Bank thoái toàn bộ cổ phần khỏi Eximbank
Nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch Nam A Bank xác nhận đã và đang thực hiện thoái vốn khỏi Eximbank.
Nhóm đầu tư liên quan Chủ tịch Nam A Bank thoái toàn bộ cổ phần khỏi Eximbank
Sáng 22/4, nguồn tin xác nhận, nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đang thực hiện tiến trình thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).
Nhóm nhà đầu tư này đã chuyển nhượng 8% và đang “rục rịch” bán nốt 7% còn lại để sớm hoàn tất việc thoái vốn khỏi Eximbank. Lý giải việc phải thực hiện 2 lần thoái vốn, đại diện nhóm nhà đầu tư này cho biết là do giá trị giao dịch quá lớn nên không thể thực hiện cùng một lúc.
Được biết, phần vốn này được nhóm nhà đầu tư cổ phiếu Eximbank liên quan đến ông Nguyễn Quốc Toàn mua lại cổ phần của ông Trầm Bê từ năm 2014. Thế nhưng, qua 5 năm đầu tư cũng là ngần ấy thời gian Eximbank xảy ra những “lục đục” khiến nhóm đầu tư này chán nản, quyết định thoái vốn và nhường chỗ cho nhà đầu tư mới.
Việc thoái toàn bộ phần vốn khỏi Eximbank cho thấy ông Nguyễn Quốc Toàn đang tập trung xử lý những khúc mắc trong nội bộ gia đình. Đồng thời, dốc toàn lực để cho Nam A Bank phát triển, nhất là nhà băng này đang tiến hành các bước để tiến hành niêm yết trên sàn chứng khoán.
Theo tính toán, nếu việc thoá vốn hoàn tất, nhóm cổ đông này không chỉ có lãi đến 30% (giá cổ phiếu EIB thời điểm năm 2014 chỉ quanh vùng 13.000 đồng, còn hiện tại là hơn 17.000 đồng) mà còn có thể tập trung vào đầu tư và xây dựng Nam A Bank.
Trước đó, tại Đại hội cổ đông 2019, nhà băng này đã dự kiến chia cổ tức lên đến 16% cũng như thông qua hàng loạt nội dung quan trọng khác như kế hoạch phát triển mạng lưới, kế hoạch niêm yết lên sàn Hose và tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng.
Video đang HOT
Nhà băng này cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2019 với lợi nhuận trước thuế được ghi nhận hơn 300 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ và hoàn thành 1/3 kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Theo Dân Trí
Sóng ngầm Eximbank: Dấu vết Nam Á và cuộc chiến quyền lực
Nhóm nhà đầu tư ngân hàng Nam A Bank đã tỏ rõ ý định thoái lui khỏi Eximbank sau nhiều năm nhòm ngó.
Hàng chục triệu cổ phiếu tương ứng với hàng nghìn tỷ đồng cổ phiếu Eximbank được các đại gia bí ẩn sang tay cho nhau trong các giao dịch thỏa thuận lẫn khớp lệnh nhằm mục tiêu kiểm soát cuộc họp Đại hội cổ đông, quyết định vấn đề nhân sự cấp cao vào cuối tháng 4 này.
Biến động ngầm mua bán
Thông tin mới đây cho biết, nhóm nhà đầu tư liên quan đến Ngân hàng TMCP Nam Á chuẩn bị hoàn tất thoái vốn khỏi Eximbank. Nguồn tin tại Nam A Bank xác nhận các đợt thoái vốn đã diễn ra từ năm ngoái đến nay, vì có giá trị lớn và phải "được giá" mới bán.
Trên sàn chứng khoán, các giao dịch cổ phiếu Eximbank diễn ra liên tục kể từ cuối năm ngoái, trở thành tâm điểm trên trường với những phiên giao dịch thỏa thuận "ngầm" và cả khớp lệnh trên sàn diễn ra rất sôi nổi.
Vào đầu tháng 4, các phiên giao dịch đột biến xuất hiện, mỗi phiên ước khoảng 40-60 triệu cổ phiếu, tương đương với tổng giá trị gần nghìn tỷ đồng được mua bán trong "chớp mắt".
Giao dịch cổ phiếu Eximbank bất thường từ đầu tháng 4.
Còn tính từ đầu tháng 4 đến nay, đã có đến 211 triệu cổ phiếu EIB sang tay (tương đương hơn 17% cổ phần của EIB). Còn riêng trong vòng 1 tháng (tháng 3 đến tháng 4), có khoảng 20 triệu cổ phiếu (tương đương gần 1,6% cổ phần ngân hàng) giao dịch thỏa thuận.
Thống kê cho thấy tính từ đầu năm đến thời điểm hiện tại, đã có 440 triệu cổ phiếu (chiếm 35,77%) Eximbank giao dịch thành công trên sàn, trong khi con số cả năm 2018 là 655 triệu, năm 2017 chỉ có 327 triệu.
Ngoài cuộc chơi của những đại gia, các nhà đầu tư cá nhân cũng rỉ tai nhau về Eximbank trong thời gian qua. Tính từ đầu năm, giá cổ phiếu EIB tăng 22%, hiện ở mức 17.150 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý, bà Lương Thị Cẩm Tú, Thành viên HĐQT của Eximbank, hồi tháng 8 năm ngoái cũng đã mua vào 13,8 triệu cổ phiếu (hơn 1,12% cổ phần). Trước khi về Eximbank, bà Tú giữ vị trí Tổng Giám đốc Ngân hàng Nam Á, nhưng trước đó nữa, bà Tú công tác tại Sacombank, do đó được đồn đại là đại diện cho nhóm Tập đoàn Thành Thành Công, "chủ cũ" của ngân hàng Sacombank.
Tranh chấp tại Eximbank
Các kỳ đại hội cổ đông trước đây của Eximbank nhiều lần vỡ trận vì cổ đông không đồng lòng.
Nhóm cổ đông Nam A Bank, trong đó nổi lên tên tuổi ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT và là con trai cả bà Tư Hường là đại diện, đã đầu tư vào Eximbank từ năm 2014 sau khi mua lại cổ phần của ông Trầm Bê.
Tuy nhiên, liên tiếp qua các mùa đại hội cổ đông từ 2015-2016, nhóm nhà đầu tư này thất bại trong việc đưa đại diện của mình vào HĐQT của Eximbank. Đến năm 2016, bà Cẩm Tú, cựu Tổng Giám đốc Nam A Bank, đã chính thức được bầu là thành viên HĐQT Eximbank.
Sau những toan tính M&A không thành công, nguồn tin trong Nam A Bank cho hay hiện ngân hàng này chỉ tập trung vào chuyện niêm yết trên sàn chứng khoán và gọi thêm vốn ngoại. Trong khi đó, việc rút lui của nhóm cổ đông Nam A Bank cũng đồng thời giúp con trai của nhà sáng lập Tập đoàn Hoàn Cầu tập trung xử lý những vụ việc trong gia đình mới dấy lên gần đây.
Vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank đang gây tranh cãi.
Tuy nhiên, nếu như Nam A Bank tỏ ý định thoái lui thì những mâu thuẫn và tranh chấp tại Eximbank vẫn chưa dứt.
Cuối tháng 3 vừa qua, nhà băng này công bố quyết định bổ nhiệm bà Tú vào vị trí Chủ tịch HĐQT thay cho ông Lê Minh Quốc bị bãi nhiệm. Tuy nhiên ngay sau đó, ông Quốc đã phản ứng, cho rằng quyết định trên không có tính pháp lý.
Theo ông Quốc, từ đại hội cổ đông thường niên tháng 4 năm ngoái, một nhóm thành viên HĐQT luôn gây khó khăn cho ông trong công tác điều hành.
Eximbank sau đó đã phát đi thông cáo phủ nhận cáo buộc trên của ông Lê Minh Quốc và khẳng định, việc HĐQT Eximbank tổ chức phiên họp ngày 22/3 để bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú là theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và theo điều lệ Eximbank. TAND TP.HCM có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là tạm dừng thực hiện Nghị quyết bổ nhiệm và bãi nhiệm. Nhưng sau đó Eximbank tiếp tục khẳng định cáo buộc là vô căn cứ và đề nghị hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Diễn biến này cho thấy dường như cuộc "tranh đấu" quyền lực tại Eximbank vẫn chưa chấm dứt, chỉ chuyển từ nhóm nhà đầu tư này sang nhóm nhà đầu tư khác. Ngày 26/4 tới, Eximbank sẽ tổ chức Đại hội cổ đông và vấn đề nhân sự cấp cao tiếp tục trở thành mối quan tâm lớn.
Dũng Nguyễn
Theo vietnamnet.vn
Ai đang 'gom' cổ phiếu Eximbank? Cổ phiếu EIB của Eximbank bất ngờ dẫn đầu nhóm ngân hàng với mức tăng gần 30% cùng với những giao dịch "sang tay" có giá trị lớn, vậy ai đang "gom" cổ phiếu này? Sau những ngày giao dịch ảm đạm kéo dài cả năm 2018, kể từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều cổ phiếu ngân hàng lớn đã có sự...