Nhờ thành thạo thao tác trên internet, nông dân kiếm nhiều tiền hơn
Từ năm 2017 đến nay, Hội ND tỉnh Nam Định đã xây dựng 42 câu lạc bộ (CLB) nông dân với internet trực tuyến và ngoại tuyến. Các CLB này đã trở thành cầu nối thông tin, giúp hàng nghìn hội viên, nông dân Nam Định tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, nâng cao thu nhập.
Nhiều điểm sáng
Một trong những CLB hoạt động đạt hiệu quả cao là CLB nông dân với internet của Hội ND xã Phương Định, huyện Trực Ninh, Nam Định. Từ ngày thành lập đến nay, 15 thành viên của CLB đã không ngừng học tập, nâng cao kỹ năng sử dụng internet trong tìm kiếm thông tin các loại về sản xuất, chăn nuôi cho hội viên, nông dân.
Ông Đỗ Văn Sâm (thứ 2 từ phải) thành viên CLB nông dân với internet Phương Định 1 chia sẻ kinh nghiệm trồng lan với các hội viên nông dân xã Phương Định. Ảnh: TH
Ông Đỗ Văn Sâm (ở thôn Phương Định 1) là một trong những hộ nông dân áp dụng có hiệu quả các kiến thức truy cập từ internet vào sản xuất. Ông Sâm chia sẻ: “Cách đây 3 năm, tôi – một nông dân chân lấm tay bùn, chưa biết đến máy tính là gì, internet lại càng không biết. Nhiều lúc thấy các cháu thanh niên nói với nhau về tin tức tận đâu đâu, cũng chỉ biết là họ đọc trên điện thoại. Đến năm 2017, được Hội ND tỉnh Nam Định chọn là 1 trong 15 thành viên tham gia CLB nông dân với internet Phương Định 1 tôi rất phấn khởi. Trong các buổi sinh hoạt, dưới sự hướng dẫn của giảng viên và cán bộ hội, tôi đã biết cách sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, biết cách khai thác những thông tin hữu ích từ mạng internet”.
Theo đó, với niềm đam mê trồng hoa lan từ lâu, ông Sâm đã tìm vào các trang mạng để tra cứu thông tin về kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa lan. Qua đó, ứng dụng vào thực tiễn gia đình bằng cách phát triển mô hình trồng lan trên diện tích gần 200m2; trang bị hệ thống tưới phun sương tự động.
“Từ trồng và bán hoa lan, gia đình tôi có thu nhập trên 600 triệu đồng/năm. Không chỉ bán hàng theo cách truyền thống, tôi còn đăng bán trên internet thông qua hệ thống mạng xã hội như Facebook, Zalo… Khách hàng của tôi đến từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước” – ông Sâm phấn khởi khoe.
Tương tự, CLB nông dân với internet xã Trung Thành, huyện Vụ Bản được thành lập từ tháng 1/2018 với 15 thành viên nòng cốt. Các thành viên sinh hoạt định kỳ hàng tháng tại nhà văn hóa trung tâm xã để trao đổi kinh nghiệm sử dụng mạng internet và kinh nghiệm sản xuất chăn nuôi, trồng trọt của hộ gia đình mình. Hầu hết các thành viên trong CLB đều tự trang bị cho mình máy vi tính.
Trong các buổi sinh hoạt định kỳ, Ban chủ nhiệm CLB tiếp tục sử dụng các nội dung đã được tích hợp sẵn của cán bộ Ban Tuyên huấn Hội ND tỉnh trình bày về hướng dẫn các hội viên sử dụng thành thạo bàn phím máy tính và đưa ra một số ví dụ điển hình của người nông dân khi áp dụng internet vào trồng trọt.
Từ những kinh nghiệm thực tế cùng kiến thức khoa học sản xuất, giá cả thị trường vật tư, nông sản được chia sẻ từ mạng internet, người dân xã Trung Thành đã và đang áp dụng vào sản xuất, kinh doanh thực tế, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập ổn định. Ngay cả những chính sách của Đảng, Nhà nước về sản xuất nông nghiệp cũng nhanh chóng được bà con nhân rộng.
Video đang HOT
Nhân rộng mô hình hay
Ông Nguyễn Thanh Long – Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Nam Định cho biết: “Nam Định là 1 trong 9 tỉnh trên cả nước được tham gia Dự án: “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet cho cán bộ, hội viên nông dân Hội ND Việt Nam. Trong thời gian 3 năm (từ 2017-2019), các hoạt động của dự án được tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng và mang lại hiệu quả thiết thực”.
Cụ thể: Hội ND tỉnh Nam Định đã tổ chức 21 lớp tập huấn “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet” (trong đó: có 17 lớp trong khuôn khổ dự án, 4 lớp mở rộng) cho 525 cán bộ, hội viên nông dân tại 11 xã của 2 huyện Trực Ninh và Vụ Bản; thành lập 21 CLB nông dân với internet trực tuyến với sự tham gia của 525 thành viên; 21 CLB nông dân với internet ngoại tuyến với 335 thành viên.
Kết thúc dự án, tổng số hội viên nông dân biết sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet tại các xã thực hiện dự án tăng lên 1.248 hội viên (vượt mục tiêu dự án đề ra). Nhiều hội viên biết sử dụng máy tính và truy cập internet để tìm kiếm, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nông sản phát triển.
Điển hình như hội viên Vũ Trung Trực (CLB Trung Đông 2, huyện Trực Ninh) tiêu biểu trong việc tích tụ ruộng đất trồng lúa lai cho công ty Cường Tân, thực hiện thành công mô hình máy cấy lúa theo công nghệ mới; hội viên Đỗ Văn Sâm (CLB Phương Định 1, huyện Trực Ninh) với mô hình trồng hoa lan cùng hệ thống tưới nước phun sương tự động trên điện thoại thông minh.
Trong quá trình thực hiện dự án, Ban quản lý dự án tỉnh đã chọn cử 4 thành viên CLB tiêu biểu đi học tập, nghiên cứu các mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh Lâm Đồng và Vĩnh Phúc. Hội ND tỉnh tổ chức hội thi “Nông dân với internet” năm 2019 với 17 đội đăng ký tham gia đến từ các CLB được thành lập trong khuôn khổ dự án.
Theo Danviet
Chuyện "những cột mốc sống" vươn khơi xuyên tết thu "lộc biển"
Những ngày Tết Canh Tý 2020, trong khi mọi người, mọi nhà sum họp, đoàn viên bên gia đình thì rất nhiều ngư dân miền Trung vẫn bám biển vươn khơi. Họ chấp nhận xa gia đình những ngày này không chỉ bởi giá hải sản những ngày đầu năm tăng cao mà vì họ không muốn vùng biên của Tổ quốc bị "lơi lỏng" dù chỉ một ngày.
Ăn tết trên biển
Những ngày cận Tết Canh Tý tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) hàng trăm tàu thuyền của các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Huế, Phú Yên... về neo đậu. Trong khi đó vẫn có rất nhiều tàu thuyền đang hối hả nhập nhu yếu phẩm để thực hiện chuyến ra khơi đánh bắt xuyên tết.
Ngư dân Võ Thế Dư bên con tàu sơn mới, hối hả chuẩn bị cho chuyển biển xuyên Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
"Hơn mười năm nay rồi, trong khi các tàu thuyền đã neo đậu để cho thuyền viên về ăn tết thì 2 tàu của gia đình tôi lại chuẩn bị cho chuyến biển mới xuất hành sát tết. Đi chuyến đánh bắt xuyên tết này, năm nào gia đình tôi và anh em thuyền viên đều có thu nhập tăng lên gấp 2 - 3 lần so với ngày thường bởi giá hải sản sau tết tăng rất cao" - thuyền trưởng Nguyễn Văn Khôi (trú huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) cho hay.
Đang neo đậu tàu tại âu thuyền Thọ Quang, ngư dân Phạm Hừng (trú huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) cho biết, tàu của ông vừa cập cảng Thọ Quang để bán hải sản sau chuyến đi hơn 15 ngày trên biển Hoàng Sa. Chuyến biển này vào bờ, tàu của ông Hừng không có lãi bao nhiêu, bởi lý do có rất nhiều tàu của miền Trung cập cảng bán hàng để nghỉ tết.
"Mấy chuyến biển gần đây, thu nhập của tôi và thuyền viên không được tốt. Bởi vậy tất cả đồng lòng đi chuyến biển Hoàng Sa xuyên tết này" - ông Hừng cho hay.
Chuyến biển sát tết mang nhiều hy vọng này, ngư dân Hừng đã chuẩn bị 600 cây đá cùng hàng chục tấn nguyên liệu khác với chi phí lên đến cả trăm triệu đồng. "Năm nay, sát tết tổn phí thấp hơn mọi năm nên tôi sẵn sàng chi tiền bồi dưỡng cho thuyền viên cao gấp 2-3 lần ngày thường. Phần lớn tàu thuyền cũng đã nghỉ nhưng thuyền viên vẫn đi với mình nên phải động viên để họ làm việc" - ông Hừng nói.
Tại âu thuyền Thọ Quang, những ngày sát tết có rất nhiều phụ nữ ở Quảng Ngãi, Quảng Nam có mặt, làm cho không khí nơi này đầm ấm vui vẻ lạ thường. Hỏi ra mới biết, đây là những người vợ của các chủ tàu, họ tỉ mẩn với từng nhu yếu phẩm dành chồng và thuyền viên đi trên tàu như bánh chưng xanh, hạt dưa, mứt tết, bia... để đón tết đủ đầy trên biển cả.
Chị Nguyễn Thị Hoa - vợ chủ tàu Nguyễn Văn Khôi nói: "Chỉ cầu cho chuyến biển này mưa thuận gió hòa cho đáng cái công xa vợ con ngày tết của chồng em và các chú đi trên tàu".
Những con tàu đánh bắt trên biển của ngư dân miền Trung ngày Tết Canh Tý sẽ quây quần bên nhau cùng chúc mừng năm mới. Ảnh: Đình Thiên
Nhiếu tàu sẵn sàng tiếp tế lương thực
Không chỉ có các tàu đánh bắt ra biển đợt sát Tết Canh Tý mà chuyến biển này còn có sự tham gia của rất nhiều tàu dịch vụ hậu cần. Trong đó, có những con tàu công suất lớn của gia đình ông Lê Mến (phường Thuận Phước, quận Sơn Trà, Đà Nẵng).
Ngư dân Mến cho hay: "Ra biển dịp tết rất khác so với ngày thường, tình người trên biển gắn bó lắm. Khi mua hải sản của các tàu, chúng tôi sẵn sàng trả giá cao, không phải kỳ kèo bớt một thêm hai. Tàu vào đất liền, thương lái cũng thuận theo mà cho xe bốc hàng không tính toán chi li. Một phần là nhờ giá cả tăng, hải sản khan hiếm. Cái nữa là dịp tết đến xuân về, không khí rộn ràng, lòng người thoải mái".
Ngư dân Mến chia sẻ thêm, tết này nếu các chủ tàu cần tiếp nguyên nhiên liệu hay cung ứng hàng hóa, ngay cả mùng 2, mùng 3 tết ông vẫn sẵn sàng cho tàu ra khơi.
"Những năm gần đây, thường năm nào tui cũng cho tàu xuất bến từ ngày mùng 2, mùng 3 tết. Những chuyến biển này không chỉ thuần túy vì kinh tế mà đó là niềm tin dành cho nhau những ngày đầu năm mới. Bạn hàng làm ăn với mình quanh năm, họ cần tiếp nhu yếu phẩm, mình phải lo cho được. Ra đó thu mua hải sản cho họ rồi tặng nhau thực phẩm hay thùng bia từ đất liền đưa ra, quý vô cùng. Gặp tàu từ đất liền ra, chủ tàu cùng thuyền viên tay bắt mặt mừng hò hét reo vui giữa bốn bề biển khơi, ấm áp lắm. Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh này, tui thấy rất thú vị và ấm lòng" - ngư dân Mến tâm sự.
Ngư dân Trần Văn Sơn (trú thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) đi trên tàu của ông Phạm Hừng, hứng khởi cho hay: "Bây giờ không như ngày xưa. Hải sản có tàu ra biển mua tận nơi, hàng hóa họ cũng cung cấp đầy đủ. Giữa biển, nhưng cũng không kém đất liền là bao".
"Nhiều ngư dân luôn nghĩ, tết mà ở trên biển thì không có nỗi buồn nào bằng khi bốn bề là trùng khơi sóng gió vắng bóng người thân. Tuy nhiên, đối với mình thì không hẳn đã buồn đâu khi đêm giao thừa các tàu cùng đi trên biển sẽ tập trung về 1 tọa độ và neo vào nhau như 1 tàu "sân bay", cùng nhau hú còi vang tận trời xanh rồi bật bia chúc mừng năm mới. Lúc này thường cá đã gần đầy khoang và thuyền viên bật bộ đàm gọi về chúc tết vợ con gia đình mà không quên nhắn nhủ năm mới này kinh tế gia đình mình sẽ khá hơn" - ngư dân Sơn nói.
Tự hào là "cột mốc sống trên biển"
Ngư dân trẻ Lê Văn Kháng (trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) nói rằng, lý do anh cho tàu ra biển ngày tết không đơn thuần vì kinh tế. "Chuyến biển cuối năm cũ, đầu năm mới còn có ý nghĩa quan trọng hơn là chúng tôi thực sự thấy mình được đóng góp vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trên biển những ngày này rất ít tàu thuyền của ngư dân Việt Nam. Vì vậy, ra biển mà thấy được lá cờ Tổ quốc, rất xúc động. Có tàu, có cờ đỏ bay lộng gió, rõ ràng chủ quyền của đất nước luôn được khẳng định dù ở hoàn cảnh, thời gian nào" - ngư dân Kháng tâm sự.
Ông Nguyễn Kim Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP.Đà Nẵng cho biết, riêng địa bàn Đà Nẵng, tết năm nào cũng có hàng chục tàu thuyền tham gia đánh bắt trên biển. Theo ông Dũng, những gia đình có tàu thuyền tham gia đánh bắt trên biển xuyên Tết Nguyên đán là những gia đình tiêu biểu. Ngoài việc đánh bắt thuần túy họ còn là "tai mắt" của các lực lượng chấp pháp như kiểm ngư, cảnh sát biển... trong việc bảo vệ chủ quyền vùng biển.
"Hội Nông dân TP.Đà Nẵng cũng như các cấp chính quyền Đà Nẵng thường xuyên động viên, hỗ trợ các ngư dân đánh bắt trên biển, nhất là những con tàu đánh bắt ngày tết. Họ chấp nhận xa gia đình để cung cấp nguồn hải sản cần thiết cho người tiêu dùng đầu tiên vì giá cả thị trường thời điểm này cao hơn ngày thường. Bên cạnh đó, vì họ yêu nghề, yêu vùng biển, yêu ngư trường của mình, không muốn bỏ trống vùng biển ngày nào" - ông Dũng nhấn mạnh.
Theo Danviet
Ra quân năm An toàn giao thông 2020 Sáng ngày 10-1-2020, Thường trực Ban An toàn giao thông (ATGT) TP Cần Thơ tổ chức Lễ ra quân Năm ATGT 2020 và đợt cao điểm bảo đảm trật tự ATGT Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2020. Đồng chí Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, kiêm Trưởng Ban ATGT thành phố trao cờ lệnh ra...