Nhớ những ngày ở rừng nghe Di chúc Bác Hồ
“Khi chúng tôi đang hành quân trong rừng sâu thì nghe tin Bác mất. Các cấp chính ủy, cơ quan, cán bộ chiến sĩ đã hạ lệnh dừng chân khoảng 1 tiếng để nghe tóm tắt bản di chúc Bác viết gửi đồng bào trước lúc ra đi. Nghe xong, tất cả chúng tôi đều không cầm được nước mắt, cả con tim như ngừng đập”.
Mặc dù đã ngoài 80 tuổi nhưng người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, đại tá Đinh Văn Dung (SN 1931, phường Hạ Long, TP. Nam Định) vẫn nhớ như in cái ngày ông cùng đồng đội ở nơi rừng sâu dừng chân nghe bản di chúc Bác Hồ căn dặn toàn thể dân tộc trước lúc Người ra đi.
Những tháng ngày gặp Bác cùng những khó khăn vất vả, gian nan khốc liệt nơi chiến trường vẫn còn mãi nguyên vẹn trong tâm trí ông.
Đại tá Đinh Văn Dung.
Nơi rừng sâu nghe Di chúc Bác Hồ
Những ngày này, trong không khí cả nước kỷ niệm 69 năm ngày Quốc khánh 2/9 và kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, chúng tôi tìm về gặp đại tá Đinh Văn Dung – người chiến sĩ Điện Biên năm xưa để nghe ông kể về những năm tháng khốc liệt, những khó khăn gian khổ sau khi Bác Hồ mất và những kỉ niệm đáng nhớ của ông về bản Di chúc Bác Hồ để lại trước lúc Người ra đi.
Nghĩ về những kỷ niệm đáng nhớ ấy, ông Dung kể: “Năm 1969, tôi cùng các anh em chiến sĩ thuộc Bộ tư lệnh mặt trận 959 đang chiến đấu tại chiến trường Cánh đồng Chum. Trong lúc hành quân giữa rừng thì nghe tin Bác mất, lúc này, các cấp chính ủy, cơ quan, cán bộ chiến sĩ đã hạ lệnh dừng chân 1 giờ để nghe tóm tắt sơ lược bản Di chúc Bác Hồ. Nghe xong, tất cả chúng tôi đều không cầm được nước mắt, cả con tim như ngừng đập”.
Nói đến đây, đại tá Dung nghẹn lại, không nói thành lời. Cầm bức ảnh Bác trên tay, ông kể tiếp: “Ngay sau khi nghe sơ lược Di chúc Bác Hồ, đồng chí Tư lệnh Vũ Lộc và Chính ủy mặt trận là đồng chí Huỳnh Đăng Hương đã đọc bản phác thảo điếu văn trong lễ tang Bác cho các chiến sĩ nghe”.
Nhìn tấm ảnh Bác, đại tá Dung rưng rưng nhớ về những lần được gặp Người.
Một tuần sau, các chiến sĩ thuộc Cục Chính trị lên lớp 4 tiếng để họp bàn về vấn đề xây dựng và bảo vệ Đảng theo di chúc Bác căn dặn. Chủ yếu là các vấn đề xây dựng đạo đức, đoàn kết các tổ chức Đảng và đặc biệt là phải bảo vệ Đảng như bảo vệ con ngươi trong mắt mình, ông Dung cho biết.
Video đang HOT
Khi được hỏi về những khó khăn sau khi Bác Hồ mất, đại tá Dung nói: “Lúc bấy giờ, chúng tôi chỉ nghĩ dù thế nào cũng phải thực hiện bằng được tâm nguyện của Người. Cả 4 trung đoàn xây dựng đủ mưu lược đánh địch, biến đau thương thành sức mạnh, đoàn kết chung một lòng đánh đuổi giặc ngoại xâm”.
“Đáng nhớ nhất vẫn là ngày mà tôi còn ở Trung Đoàn 866. Những tháng ngày sau khi Bác Hồ mất, do địch chặn đầu các đường quân lương nên các anh em chiến sĩ phải chịu cảnh 10 ngày không lương thực. Không biết làm cách nào, anh em đã đi dọc các bờ mương tuốt lúa non về giã ra nấu cháo, đi đào bí đỏ về nấu canh ăn chống đói. Cho đến bây giờ, lắm lúc tôi vẫn thèm ăn canh bí đỏ như thế”, ông Dung kể tiếp.
Cùng anh em viết tâm thư thực hiện Di chúc Bác Hồ
Mặc cho những khó khăn, vất vả cứ liên tục dồn nén, các chiến sĩ năm xưa vẫn một lòng một dạ anh dũng, kiên cường quyết tâm thực hiện bằng được những lời vàng ngọc Bác dạy trước lúc lâm trung. Tất cả luôn luôn sẵn sàng tư thế chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Xác định đoàn kết là sức mạnh, là hạt nhân để cùng nhau xây dựng và bảo vệ Đảng, bảo vệ đất nước. Đảng là then chốt ở chiến trường, ý chí chiến đấu phải kiên định, phải biết biến đau thương thành sức mạnh.
Tuy năm nay đã 83 tuổi nhưng ông Dung vẫn nhớ như in nội dung của bức tâm thư quyết tâm thực hiện Di chúc Bác Hồ: “Bấy giờ, hầu hết các cấp chính ủy, cơ quan, cán bộ chiến sĩ trong Bộ tư lệnh mặt trận 959 đều hưởng ứng phong trào cam kết thực hiện bằng được Di chúc Bác Hồ. Lúc đó, tôi đang ở sư đoàn 316, các anh em ở đây cũng đồng lòng viết tâm thư quyết tâm thực hiện Di chúc Bác Hồ”.
Theo đó, bức tâm thư tập trung vào 5 vấn đề chính: Ý chí chiến đấu vững vàng, kiên định/ Hiệu quả trong công việc, hiệu quả trong chức trách, hiệu quả trong công tác chuyên môn/ Nâng cao năng lực lãnh đạo chiến đấu/ Xây dựng tinh thần đoàn kết/ Vì dân giúp bạn, đoàn kết quốc tế.
Việc viết tâm thư thể hiện một lòng một dạ quyết tâm đánh đuổi ngoại xâm, thể hiện tinh thần đoàn kết cùng nhau xây dựng và bảo vệ Đảng, bảo vệ đất nước, thể hiện tình đoàn kết dân tộc, keo sơn cùng nhau thực hiện lời Bác dặn.
Theo ông Dung, khi đó, hầu hết cán bộ, chiến sĩ đều hừng hực khí thế. Việc cam kết viết tâm thư như một thứ vũ khí hùng mạnh khích lệ các anh em chiến sĩ đẩy cao tinh thần chiến đấu. Ý chí chiến đấu lúc đó luôn sục sôi, vững mạnh hơn bao giờ hết.
Đại tá Dung ôn lại những kỷ niệm thời chiến
Kỷ niệm 3 lần gặp Bác
Trong suốt những năm xông pha trận mạc, đi nhiều nơi, đánh nhiều trận, cùng anh em vượt qua bao gian nan vất vả, điều vinh dự lớn nhất của đại tá Dung là được gặp Bác Hồ. Với ông, trong 3 lần gặp Bác thì mỗi lần gặp là mỗi kỷ niệm mà ông mãi mãi không bao giờ quên.
Nhớ lại lần đầu tiên được gặp Bác, ông Dung tâm sự: “Hồi đó là năm 1950, khi tôi đang đóng quân tại sư đoàn 316 chiến đấu ở chiến trường Việt bắc thì gặp Bác Hồ đến Tây Bắc. Lúc ấy, được sự phân công, anh em chúng tôi đang chèo cột căng biểu ngữ làm cổng chào để đón Bác về thăm thì Bác đi lại rồi bảo chúng tôi xuống dưới và đi về ngay, như thế này thì lộ hết bí mật”.
Cũng tại đây, lần thứ hai ông được gặp Bác trong một lần Bác đến và đã bàn giao cho sư đoàn 316 nhiệm vụ xây dựng nông trường và bảo vệ Điện Biên Phủ, rồi tặng cho sư đoàn 100 huy hiệu cùng một bài thơ tặng các chiến sĩ. Khi nhắc đến bài thơ Bác tặng, không chút đắn đo, ông Dung liền đọc lại nguyên văn bài thơ cho chúng tôi nghe.
“Đá rắn, quyết tâm ta rắn hơn đá.
Núi cao, chí khí ta còn cao hơn.
Khó khăn ta quyết tâm vượt cho kỳ được.
Gian khổ không thể làm lòng ta sờn…”.
“Lần cuối cùng được gặp Bác là một lần rất tình cờ, khi đó là năm 1959, Bác Hồ quay trở lại thăm Tây Bắc. Năm ấy, trong một lần đang làm bảo vệ tại Triển lãm về thành tựu tăng gia sản xuất ở Tây Bắc (Thuận Châu – xưa kia là thủ phủ khu tự trị Tây Bắc) thì tôi gặp Bác đến thăm triển lãm.
Lần này, tại triển lãm, Bác có khen con lợn nặng 120kg, khen bí to như chậu thau… Nhưng tôi vẫn nhớ mãi lời Bác khuyên bảo về việc không được dùng súng bắn hổ, bắn hươu trên rừng, như thế là phạm pháp. Dân ta ngoài trồng ngô thì nên biết trồng thêm mía, bông để còn mở rộng tầm nhìn, làm giàu hơn nữa…”, ông Dung kể.
Ba lần gặp Bác tuy ngắn ngủi, nhưng với đại tá Đinh Văn Dung, đó luôn là những kỉ niệm đẹp nhất trong cuộc đời, cho đến nay ông vẫn thường xuyên kể cho con cháu nghe về những kí ức đẹp đẽ mà đối với ông đó là cả một kho tàng chứa đầy những kỷ niệm.
Theo Khampha
Đoàn kết trong Đảng là nội dung quan trọng trong Di chúc Bác Hồ
Di chúc của Người luôn có giá trị to lớn đối với công tác đoàn kết trong Đảng thời kỳ đổi mới. Theo Bác, đoàn kết trong Đảng là cơ sở của đoàn kết nhân dân, dân tộc, quốc tế, cội nguồn làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Ngày 27/8, tại Hội thảo khoa học 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tại đây, GS.TS. Mạch Quang Thắng - Viện Lịch sử cho rằng, trong Di chúc, Bác mong muốn, sau kháng chiến chống Mỹ cần chỉnh đốn lại Đảng, công việc đối với con người, hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược, miễn thuế nông nghiệp cho các hợp tác xã nông nghiệp, khôi phục khối đoàn kết các Đảng anh em.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sau 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo GS.TS Mạch Quang Thắng, có một số vấn đề thực hiện tốt, một số vấn đề thực hiện chậm, chưa tốt và còn có vấn đề không thực hiện. Trong đó, chậm khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh một phần vì nhận thức chưa nhạy bén khi chuyển giai đoạn, chưa tôn trọng khách quan, nóng vội.
"Bác đã nêu những vấn đề thực tiễn trong công tác chỉnh đốn Đảng chứ không phải là các vấn đề kinh viện. Công tác chỉnh đốn lại Đảng chỉ tiến hành khi "Đảng có vấn đề". Như vậy nhận thức, tư duy trong chỉnh đốn Đảng là chậm so với mong muốn của Bác trong Di chúc. Gần đây mới đề ra cuộc chỉnh đốn lớn, đang làm theo Nghị quyết Trung ương 4 nhưng nhìn chung vẫn phải phấn đấu nhiều nữa", GS. TS. Mạch Quang Thắng thẳng thắn nêu vấn đề.
Theo PGS.TS Lại Quốc Khánh - Đại học KHXH&NV Hà Nội, Di chúccủa Người luôn có giá trị to lớn đối với công tác đoàn kết trong Đảng thời kỳ đổi mới. Và đây là vấn đề quan trọng vì theo Bác, đoàn kết trong Đảng là cơ sở của đoàn kết nhân dân, dân tộc, quốc tế, cội nguồn làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
"Đó còn là truyền thống quý báu nên các tổ chức Đảng, Đảng viên phải giữ đoàn kết trong Đảng như giữ "con ngươi của mắt mình"; không chỉ giữ mà còn phải củng cố, phát triển tình đoàn kết trong Đảng bằng thực hành dân chủ rộng rãi, phê bình, tự phê bình và thương yêu lẫn nhau", PGS.TS Lại Quốc Khánh phân tích.
PGS.TS Lại Quốc Khánh cho rằng, trong thời kỳ mới, đoàn kết trong Đảng càng quan trọng, được các Đại hội Đảng xác định và nêu ra giải pháp thể hiện đậm nét dấu ấn tư tưởng Hồ Chí Minh: bảo vệ sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, trong nhân dân, nhất là tập thể lãnh đạo cao nhất trong Đảng, đoàn kết trong Đảng là đoàn kết trong cơ quan lãnh đạo có tính quyết định sự thành công của cách mạng.
Qua các kỳ Đại hội, ngày càng có nhiều điểm mới khẳng định quyết tâm của Đảng đối với việc củng cố đoàn kết trong Đảng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, chân chính, gắn bó máu thịt với nhân dân...
"Qua 45 năm thực hiện Di chúc của Bác cho thấy, giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đoàn kết trong Đảng trong Di chúc đã được Đảng ta quán triệt, nhận thức sâu sắc, vận dụng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là vào thời điểm đất nước có các bước chuyển lớn", PGS.TS Lại Quốc Khánh nói.
Theo PGS.TS Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh việc "lo cơm ăn, áo mặc" cho nhân dân là vấn đề vô cùng quan trọng, "công việc đầu tiên đối với con người" được Bác đề cập trong Di chúc. Đây là định hướng, cốt lõi để thực hiện được chính sách, chủ trương. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp, chính sách để thực hiện lời Bác trong Di chúc để người dân được "ấm no, hạnh phúc".
Qua từng giai đoạn, các kết quả xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ngày càng được cải thiện theo sự phát triển và tăng trưởng kinh tế, thực hiện đúng Di chúc của Bác về "lo cơm ăn, áo mặc" cho nhân dân. Tuy nhiên, vẫn cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để đời sống nhân dân ngày càng ấm no, giàu hơn, hạnh phúc hơn với các giải pháp phát triển kinh tế bền vững.
Quang Phong
Theo dantri
Cựu binh chiến trường Điện Biên Phủ xúc động ôn lại kỷ niệm xưa Hướng về lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng 6/5, TP Đà Nẵng đã có buổi gặp mặt thân mật các cựu binh tham gia kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là những cựu binh đã từ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 60 năm về trước. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trên quê...