Nhớ mùa ấu quê nhà
Hằng năm, cứ đến mùa nước nổi là đồng ruộng ở khu vực ĐBSCL lại ngập tràn ấu, một trong những loại cây nhiều người dân chọn trồng nhằm tăng thu nhập trong mùa lũ.
Ấu sừng trâu – Ảnh: Đức Ngôn
Cây ấu có thể sống được quanh năm, nhưng sinh trưởng tốt và cho năng suất cao vào mùa mưa. Bởi thế, cứ đến mùa nước nổi, trong lòng mỗi người con xa xứ lại nhớ về mùa ấu quê hương.
Từ lâu loại cây thủy sinh này đã gắn bó với quê tôi – một vùng đất trũng hay bị ngập nước và thường xuyên có lũ về. Không biết ai là người đầu tiên tìm được loại cây trồng thích hợp như ấu để giúp bà con tăng thu nhập cho gia đình trong mùa nước nổi, ai là người đầu tiên thấy được cái trắng trong tinh khiết trong những trái ấu xù xì mộc mạc nép mình khiêm tốn dưới những lớp lá non.
Có người gọi trái ấu, có người gọi củ ấu, cách nào cũng được, cũng là ấu mà thôi.
Video đang HOT
Cây ấu – Ảnh: Đức Ngôn
Ca dao có câu: “Thân em như củ ấu gai/Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen/Ai ơi nếm thử mà xem/Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi”. Đó chính là đặc điểm của trái ấu. Dù vẻ ngoài đen đúa, méo mó, gai góc nhưng bên trong lại trắng nõn, ngọt bùi. Có rất nhiều loại ấu: ấu Đài Loan, ấu gai… nhưng ở quê tôi trồng phổ biến ấu sừng trâu vì loại này dễ trồng lại cho rất nhiều trái.
Chúng tôi lớn lên bằng chính những nhọc nhằn gian khó của ba, của má. Chúng tôi lớn lên từ những trái ấu trên đồng ấu quê hương. Món quà quê dân dã mộc mạc được nhiều người ưa chuộng nên ngày càng có nhiều thương lái đến tận quê tôi mua ấu mang bán khắp nơi. Với tôi, củ ấu bao giờ cũng ngọt bùi, thanh khiết như tình cảm của ba, của má và của bà con lối xóm. Hi vọng những mùa ấu sẽ đem lại cho người dân quê tôi một cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc để vị ngọt bùi của ấu quê hương mãi là ký ức đẹp.
Từ tháng 6 đến tháng 11 âm lịch, nhất là mùa nước về, những chiếc lá ấu như hàng ngàn bàn tay bé xíu xanh mướt đang xòe ra đón ánh nắng mặt trời, những chiếc lá ấu tươi tốt báo hiệu một mùa ấu bội thu. Với trẻ con, mùa này vui lắm. Thích nhất là lúc rủ nhau ra ruộng ấu hái những trái ấu non, đứa nào cũng hào hứng. Đứa trên bờ nhặt ấu, đứa xuống ruộng hái. Ban đầu còn đứng trên bờ, sau đó lội luôn xuống ruộng ấu. Vỏ ấu non rất mềm và dễ tách, không cứng như ấu già nên chúng tôi rất thích.
Nói vậy chứ hái ấu vất vả lắm, phải lội trong nước cả ngày, đôi khi còn bị gai ấu đâm vào tay tứa máu. Bà con quê tôi vẫn hay đùa “hái ấu riết mặt cũng đen như trái ấu”, vậy mà không ai nỡ bỏ cái nghề trồng ấu này. Ba má tôi cũng như bà con trong vùng đều sống bằng nghề trồng ấu từ lâu lắm rồi. Dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, những ruộng ấu tốt tươi đã cùng bao người dân vượt qua khó khăn vất vả. Nhiều người còn tận dụng những ao nước, ruộng ngập nước trong mùa lũ để trồng. Cứ nhà này thu hoạch thì nhà kia đến giúp không phải trả tiền thuê mướn.
Mùa ấu đến cũng là lúc má tôi vất vả nhất, vừa thu hoạch bán ấu, vừa lo cơm nước gia đình nhưng má không quên dành phần cho chúng tôi nồi ấu luộc đầu mùa ngọt lịm. Và cũng đến mùa ấu là nhà tôi lại có nhiều món ăn được chế biến từ loại trái đặc biệt này. Nào là ấu luộc, ấu nấu chè, ấu non ăn sống… nhưng tôi thích nhất là món canh trái ấu. Có lẽ má muốn đãi cả nhà một bữa thật ngon bù lại những ngày vất vả và mừng ấu trúng mùa.
Bữa cơm gia đình đầm ấm chan chứa thương yêu thoang thoảng mùi hương ấu đầu mùa mãi là ký ức đẹp trong tuổi thơ tôi và cái âm thanh lốp cốp của những trái ấu già va vào thành nồi đã trở thành quen thuộc.
Thu hoạch ấu – Ảnh: Đức Ngôn
Với trẻ con vùng đất ấu như chúng tôi, mùa này ngày nào cũng được ăn ấu, ăn mãi thành ghiền, có khi chúng tôi còn lấy cọng dừa xâu ấu lại thành chùm như một chùm sừng trâu ngộ nghĩnh rồi đọ xem xâu ấu của đứa nào kết được dài hơn. Ấu luộc khoảng 30 phút là chín, lúc đó vỏ ấu lại chuyển sang màu đen như những cái sừng trâu, đúng như tên gọi của nó: ấu sừng trâu.
Ba thường dạy chúng tôi đừng đánh giá việc gì hay nhận xét một con người chỉ qua vẻ bề ngoài. Cũng như trái ấu vậy, bề ngoài trông méo mó, đen đúa, xù xì vậy mà bên trong lại trắng ngần, rất bùi, rất thơm. Những gai góc đắng cay đã theo ba suốt bao năm trời để cho chúng tôi có được cái ngọt, cái ngon trong cuộc đời này.
Theo tuổi trẻ
Thơm ngon khô cá dảnh miền Tây
Cá dảnh là loài cá nước ngọt có nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long trong mùa nước nổi. Khi vào vụ (tháng 9 - 10 âm lịch) cư dân nơi đây dùng lưới, đăng, vó.... để đánh bắt.
Cá dảnh dạng hình thoi, dẹp, đầu nhọn hơn cá mè vinh, vảy nhỏ màu bạc lấp lánh. Đuôi, vây, kỳ phơn phớt hồng. Cá dảnh tuy có nhiều xương nhưng thịt cá béo, ngọt, thơm, ngon nên được các bà nội trợ miền Tây ưa chuộng trong việc chế biến các món ăn như: chiên tươi, kho tương, kho ngót... và đáng nhớ hơn cả là khô cá dảnh.
Trước hết, cá dảnh mua ở chợ hay đánh bắt về lựa cá còn tươi. Dùng dao sắc đánh sạch vảy, cắt đầu, đuôi, vây, kỳ, mổ bụng lấy hết nội tạng cá, rửa sạch. Tách 2 miếng thịt phi lê cá ra, lóc bỏ xương hom (nếu để nguyên xương cũng được) ngâm vào nước muối, xả nước lạnh vài lần cho sạch, để ráo. Sau đó, ướp gia vị (muối bột ngọt tiêu) cho vừa khẩu vị chờ ngấm khoảng 15 phút. Cuối cùng, cho thịt cá ra rổ phơi khô dưới nắng tốt trong 1 ngày là xong. Lưu ý: món khô cá dảnh có thể cho vào hộp nhựa để vào ngăn trữ lạnh ăn dần không hư.
Thật thú vị trong những ngày khó kiếm thức ăn. Chỉ cần lấy vài miếng khô cá dảnh trong tủ ra cho vào chảo mỡ (dầu) chiên vàng là có được bữa cơm ngay tức thì. Gắp một miếng khô cá dảnh cho vào miệng nhai một cách chậm rãi. Vị béo, ngọt, thơm, giòn tan của thịt cá dảnh thấm vào đầu lưỡi, lan tỏa xuống cổ họng. Và miếng cơm nóng có chan nước canh rau tập tàng vào nữa, thật ngon và "bắt cơm"!
Theo Lao Động
Vàng bông điên điển mùa nước nổi Ở miền đồng bằng song Cửu Long, mỗi năm vào độ tháng 7, tháng 8 âm lịch, bắt đầu nước lên, mà người dân ở đây gọi là mùa nước nổi, cũng là lúc điên điển trổ đầy cành những đóa hoa vàng rực màu nắng phương Nam. Dù chỉ là thứ hoa dại mọc lên theo những con nước nổi nhưng hoa...